Thượng nghị sĩ Úc: Hoa Kỳ cần gác lại những bất đồng với Big Tech để đối đầu với Bắc Kinh
Big Tech phải chọn giữa phương Tây và Trung Quốc
Theo một thượng nghị sĩ thuộc phe đối lập của Úc, chính phủ Hoa Kỳ cần phải hòa giải với Big Tech (Đại Công ty Công nghệ) và thu hoạch sự đổi mới của các công ty như Google, Apple, và Facebook để phương Tây có thể cạnh tranh tốt hơn với những tiến bộ kỹ thuật nhanh chóng của Bắc Kinh.
Thượng nghị sĩ Úc James Paterson, thuộc Đảng Tự Do trung hữu và hiện là Bộ trưởng đối lập chuyên trách hoạt động chống lại sự can thiệp của ngoại quốc, cho biết cuộc đấu tranh quyền lực vĩ đại trong Thế kỷ 21 sẽ được đánh dấu bằng “chiến trường kỹ thuật,” chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn, 5G, điện toán lượng tử, và công nghệ xanh.
Ông Paterson nói rằng trong khi các chính trị gia sẽ “không bao giờ ngừng đánh bại các Big Tech,” thì các nhà lập pháp nên hướng tới “bức tranh mang tính chiến lược lớn hơn.”
Hôm 13/09, ông đã nói với Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (American Enterprise Institute) tại Hoa Thịnh Đốn, “Tôi đang yêu cầu các đồng sự trong quốc hội của mình hướng sự chú ý khỏi những thách thức nội địa thường nhật và thông thường do Big Tech tạo ra, đến phạm vi rộng lớn hơn để suy ngẫm về những rủi ro mang tính hệ thống mà tất cả chúng ta phải đối mặt nếu họ thất bại.”
“Một phần không thể thiếu của chiến lược để giành chiến thắng cuộc đua công nghệ trong một thời đại cạnh tranh chiến lược là một thỏa thuận mới với Big Tech. Không có gì tệ hại hơn khi sự tồn vong của các nền dân chủ tự do và hệ thống doanh nghiệp tự do lại phụ thuộc vào họ.”
Ông Paterson cho biết các chính phủ không có đủ nguồn lực, quy mô và sự thèm khát mạo hiểm như những đại công ty công nghệ như Amazon hay Intel.
“Các công ty phương Tây vốn là trung tâm của cuộc cách mạng công nghệ — Alphabet, công ty mẹ của Google, Amazon, Apple, Facebook, Intel, và Microsoft — chiếm 70% tổng chi tiêu cho R&D (Nghiên cứu & Phát triển) thương mại của Hoa Kỳ trong năm 2019, chi tổng cộng 140 tỷ USD so với cho khoản đầu tư 109 tỷ USD của Ngũ Giác Đài,” ông nói.
Bước nhảy vọt và giới hạn về công nghệ
Thượng nghị sĩ cảnh báo rằng mặc dù Liên Xô cuối cùng không thể sánh ngang với toàn bộ sự đổi mới của Hoa Kỳ, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc là một kẻ hung bạo khác.
“Trung Quốc đã nổi lên như một đối thủ cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực, khi [nhà lãnh đạo Trung Quốc] Tập Cận Bình tuyên bố cuộc chiến giành ưu thế công nghệ toàn cầu sẽ rất ‘khốc liệt.’ ông Paterson nói. “Dựa trên các xu hướng hiện tại, người ta dự đoán rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ trong vòng 5 đến 10 năm tới.”
Ông lưu ý rằng chi tiêu của Trung Quốc cho nghiên cứu và phát triển gần bằng 90% của Hoa Kỳ, đồng thời còn trích dẫn lời của cựu Giám đốc Nhu liệu Không quân Nicolas Chaillan, rằng chiến thắng của Trung Quốc trong lĩnh vực AI là “đã được hoàn thành.”
Ông Paterson nói: “Các ứng dụng lưỡng dụng của AI rất rộng rãi và có thể chuyển đổi các hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, chính trị và quân sự.”
Bắc Kinh đã cung cấp công nghệ giám sát AI cho 63 quốc gia.
Thượng nghị sĩ còn đề cập đến nghiên cứu từ ông Jonathan Dowling, một giáo sư vật lý tại Đại học Tiểu bang Louisiana, từng dự đoán rằng mạng lưới truyền thông của Trung Quốc có thể “chuyển sang trạng thái ẩn” trong một vài năm tới, ngăn chặn sự giám sát của tình báo Hoa Kỳ một cách hiệu quả.
Ông Paterson cho biết: “Cảm biến lượng tử có thể vô hiệu hóa phi cơ tàng hình và gây nhiễu radar, đồng thời điện toán lượng tử có thể tính toán các phương trình và mô phỏng rất phức tạp trong vài giây.”
Mới đây, công ty công nghệ Baidu của Trung Quốc đã tiết lộ rằng họ đang phát triển máy điện toán lượng tử của riêng họ để cạnh tranh với Hoa Kỳ. Cho đến nay, ông Arthur Herman, một thành viên cao cấp của Viện Hudson, một tổ chức tư vấn theo phái bảo tồn truyền thống, cho biết Hoa Kỳ vẫn đang đi trước trong lĩnh vực này nhưng cảnh báo cần phải có sự cảnh giác.
“Thực tế là chúng ta đang dẫn đầu không nhất thiết có nghĩa là chúng ta sẽ giành chiến thắng,” ông nói với chương trình “China in Focus” trên đài truyền hình NTD, một hãng truyền thông cũng hệ thống với The Epoch Times.
Giành lấy trật tự toàn cầu
Ông Paterson cũng cho biết phản ứng đối với cuộc chiến Ukraine thể hiện thiện chí của các công ty công nghệ phương Tây trong việc chọn bên và ủng hộ các chính phủ.
Ví dụ, Microsoft đã hợp tác chặt chẽ với chính phủ Ukraine để cung cấp chia sẻ thông tin tình báo 24/7 và khai triển các biện pháp phòng thủ chống lại các cuộc tấn công mạng. Đồng thời, Project Shield của Google cũng đã tham gia vào các sáng kiến tương tự.
Web Services của Amazon đã giúp di chuyển dữ liệu và các dịch vụ của chính phủ Ukraine lên Cloud (Đám mây) để lưu giữ thông tin trong trường hợp máy chủ vật lý bị phá hủy, và quân đội Ukraine sử dụng vệ tinh Starlink của ông Elon Musk để điều khiển thiết bị không người lái oanh tạc vào các mục tiêu của kẻ thù.
“Nhiều công ty công nghệ phương Tây đã chiến đấu để giữ cho người dân Nga có thể truy cập internet để chống lại những nỗ lực của Nga nhằm ‘dựng lên bức màn sắt kỹ thuật số,’ ông Paterson nói. “Nhưng chúng ta phải có cùng kỳ vọng đối với Big Tech khi nói đến các kịch bản tiềm năng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Họ phải chọn một bên. Và đó phải là [phía] chúng ta.”
Ông cho rằng “các quốc gia dao động” vốn hài lòng khi giữ trung lập giữa các quốc gia dân chủ và Bắc Kinh sẽ làm việc với các đối tác có công nghệ rẻ nhất và tốt nhất. Nhưng ông nói rằng nếu Trung Quốc đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ, thì điều đó sẽ khiến thế giới trở thành một “nơi kém an toàn hơn nhiều.”
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times