‘Nguy hiểm’: Chuyên gia chỉ trích việc chính phủ Úc tài trợ súng, thiết vận xa cho lãnh đạo thân Bắc Kinh của Solomon
Chuyên gia Thái Bình Dương Cleo Paskal cho rằng quyết định tặng vũ khí và thiết vận xa của chính phủ Đảng Lao Động Úc cho chính quyền Quần đảo Solomon là “nguy hiểm và thiếu thận trọng,” đồng thời nói rằng hành động này đang đẩy đảo quốc này tiến một bước gần hơn tới nội chiến.
Hôm 02/11, Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) đã tổ chức huấn luyện và trao lại khí tài trị giá khoảng 1.3 triệu dollar Úc (740,000 USD) cho Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Quần đảo Solomon (RSIPF).
Theo một tuyên bố của AFP, RSIPF đã giao 13 xe cảnh sát bọc thép và 60 khẩu súng trường Daniels Defense MK18 tại một buổi lễ trao tặng.
Bốn chiếc xe vốn sẽ là một phần của Đơn vị Bảo vệ Di động mới sẽ giúp RSIPF có “sự hiện diện rõ ràng” trong cộng đồng và quản lý mọi “mối đe dọa và sự cố bảo mật” đối với cơ sở hạ tầng quan trọng.
Hành động này đã thu hút một phản ứng gay gắt từ nhà lãnh đạo phe đối lập của Quần đảo Solomon, ông Matthew Wale.
Ông viết trên Twitter: “Lôi kéo [Thủ tướng] Soga và tìm cách cạnh tranh vượt qua Trung Quốc! Để sử dụng ở đâu và khi nào vậy?”
Giữ cho Solomon được ‘an toàn’
Ông Clinton Smith, quyền chỉ huy của AFP, cho biết gói tài trợ này đã giúp giữ cho các cộng đồng “an toàn và ổn định.”
Ông nói trong một tuyên bố rằng, “AFP tự hào là đối tác an ninh được lựa chọn của Quần đảo Solomon và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các sĩ quan RSIPF để bảo đảm họ được đào tạo và trang bị để cung cấp cho cộng đồng Quần đảo Solomon một lực lượng cảnh sát hiện đại, hiệu quả.”
Trong khi đó, Cao ủy Úc Lachlan Strahan cho biết, việc trao tặng này là một bước ngoặt khác trong thỏa thuận an ninh đang diễn ra giữa hai quốc gia.
Ông nói, “Chúng tôi đã cùng nhau trải qua nhiều thăng trầm. Như Thủ tướng Sogavare đã nói, mối bang giao đối tác của chúng tôi dựa trên nghĩa vụ chung của chúng tôi là bảo đảm rằng khu vực của chúng ta vẫn hòa bình, thịnh vượng, và ổn định.”
Việc tái vũ trang của RSIPF lần đầu tiên bắt đầu vào năm 2013 với cam kết của Úc nhằm tái vũ trang một “số lượng sĩ quan hạn chế” để bảo đảm RSIPF có thể đối phó với các mối đe dọa tội phạm. Hành động mới nhất là Giai đoạn Hai của chương trình tái vũ trang này.
Bắc Kinh đã nhanh chóng đáp trả, với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố quyên góp thêm — ngoài các cam kết hiện hữu — hai xe chở vòi rồng và các phương tiện khác cho RSIPF.
Thủ tướng Solomon chọn cả hai bên
Bắc Kinh đã tăng cường mối quan hệ song phương với Thủ tướng Quần đảo Solomon Sogavare kể từ khi chính phủ của ông quyết định cắt đứt bang giao với Đài Loan vì Bắc Kinh vào năm 2019.
Kể từ đó, ông Sogavare đã dần dần củng cố quyền lực và làm sâu sắc thêm mối kết giao với ĐCSTQ.
Hồi tháng 8/2021, ông Sogavare đã “trợ cấp” cho 39 trong số 50 nghị sĩ trong Quốc hội — đủ để thay đổi Hiến Pháp — bằng cách sử dụng tiền từ quỹ đen do Bắc Kinh tài trợ.
Hồi tháng 04/2022, ông Sogavare đã ký một hiệp ước an ninh với Bắc Kinh cho phép ĐCSTQ đóng quân, đặt vũ khí, và tàu hải quân ở nước này.
Hồi tháng Chín, vị thủ tướng này đã tìm cách giành được đủ số phiếu để trì hoãn cuộc bầu cử liên bang của đất nước — một cuộc bầu cử mà ông có thể thua — tuyên bố rằng chính phủ không có đủ nguồn lực để cùng một lúc vừa chủ trì Đại hội Thể thao Thái Bình Dương 2023 vừa tổ chức một cuộc bỏ phiếu quốc gia.
“Trong hơn một năm, ông ấy đã thực hiện những hành động lớn, thể hiện rằng ông ấy không hề có ý định tổ chức một cuộc bầu cử mà mình sẽ thua và rằng ông ấy đang tự vũ trang cho mình để đối phó với cuộc nội chiến sẽ theo sau đó, với sự giúp đỡ của nhà bảo trợ Trung Quốc của ông ấy, và thật khó hiểu là, cả nước Úc,” bà Cleo Paskal, chuyên gia về Thái Bình Dương và thành viên không thường trực tại Quỹ Quốc phòng cho Các nước Dân chủ (Foundation for Defense of Democracies) cho biết trong một thư điện tử gửi tới The Epoch Times.
Chính phủ Đảng Lao Động Úc đã tiếp tục một cuộc tấn công bằng “quyền lực mềm” — diễn ra đồng thời với những nỗ lực tương tự từ phía chính phủ Tổng thống Biden ở Hoa Kỳ — để được lòng chính phủ ông Sogavare, bao gồm cam kết 100 triệu dollar Solomon để tài trợ cho Đại hội Thể thao Thái Bình Dương, cung cấp thêm viện trợ cho khu vực, và giờ là cung cấp thêm vũ khí.
“Canberra đang trong một cuộc đua tham nhũng với Trung Quốc và họ sẽ thua,” bà nói thêm. “Sẽ không thể hối lộ nhiều hơn, gửi thêm vũ khí, hay tạo vỏ bọc quốc tế cho một người dường như đang trên đường sát hại những công dân đồng hương của mình. Đó là việc của Trung Quốc, không phải việc của nước Úc (người ta sẽ hy vọng như vậy).”
Bà Paskal từ lâu đã cảnh báo rằng ông Sogavare có kế hoạch kích hoạt một số hình thức bất ổn dân sự để cho phép chính quyền của ông khai triển quân đội nhằm củng cố quyền lực và trì hoãn các cuộc bầu cử một cách tất yếu — một hành động mang lại lợi ích lâu dài cho Bắc Kinh.
Thiết lập hòa bình chứ không phải chiến tranh
Tuy nhiên, bà Paskal lưu ý rằng Úc có khả năng sử dụng các phương tiện khác để giành chiến thắng trong cuộc chiến ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.
“Úc có một giải pháp thay thế rất tốt — cạnh tranh bằng ‘hòa bình’ — Trung Quốc và các đồng minh độc tài của họ căm ghét khi người dân hiệp lực với nhau và xây dựng sự ổn định ngay từ đầu. Đó chính xác là điều mà việc rốt cuộc ban hành Thỏa thuận Hòa bình Townsville năm 2000 sẽ đạt được,” bà Paskal nói.
Thỏa thuận Hòa bình Townsville là một lộ trình chấm dứt cuộc nội chiến đang diễn ra trong khu vực và đặt nền móng cho tương lai của đất nước. Tuy nhiên, một số bước quan trọng trong thỏa thuận này vẫn chưa được thực hiện.
Các đề xướng khác xung quanh giải pháp hòa bình này bao gồm mở rộng các chương trình lao động nhập cư của Úc và New Zealand để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển đến và đi từ các quốc gia Thái Bình Dương, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm.
“Tương lai thay thế này cho Úc và New Zealand với đại gia đình Thái Bình Dương của chúng ta sẽ phản ánh mô hình đang phát triển ở Honiara dưới thời ông Sogavare và những kẻ hậu thuẫn từ Bắc Kinh của ông ấy,” ông Michael Shoebridge, giám đốc Viện Phân tích Chiến lược Úc (ASPI), viết trên báo The Australian.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times