Thủ tướng Trung Quốc chỉ trích phương Tây vì giảm thiểu rủi ro kinh tế từ Trung Quốc
Alex Wu
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã chỉ trích phương Tây tại buổi khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vì “giảm thiểu rủi ro” từ Trung Quốc, gọi đó là một “mệnh đề sai lầm.” Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng nhận xét của ông Lý là vô căn cứ, và các chiến thuật cưỡng ép kinh tế của chính quyền Trung Quốc đã khiến nhiều công ty phải chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới — thường được gọi là “Summer Davos” — được tổ chức tại Thiên Tân từ ngày 27 đến 29/06, với sự tham gia của các đại diện từ hơn 90 quốc gia và khu vực.
Ông Lý đã có bài diễn văn tại lễ khai mạc, chỉ trích phương Tây vì giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
“Ở phương Tây, một số người đang thổi phồng cái được gọi là ‘cắt giảm sự phụ thuộc và giảm thiểu rủi ro,’” ông Lý nói với các đại diện.
“Những khái niệm này … là một mệnh đề sai lầm bởi vì sự phát triển của toàn cầu hóa kinh tế là to lớn đến mức nền kinh tế thế giới đã trở thành một thực thể chung mà trong đó cả các vị và tôi đều hòa vào nhau.”
Ông Lý cho biết Bắc Kinh “cương quyết phản đối chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại.”
Khái niệm “giảm thiểu rủi ro” lần đầu tiên được đề xướng bởi Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen hồi tháng Ba và được các quốc gia như Đức, Pháp, và Hoa Kỳ ủng hộ. Hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Hiroshima hồi tháng Năm cũng tạo tiền đề để đáp trả sự cưỡng ép kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bằng cách “giảm thiểu rủi ro” thay vì “tách rời” khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Giảm thiểu rủi ro ‘không phải là một mệnh đề sai lầm’
“Điều này [giảm thiểu rủi ro] không phải là một mệnh đề sai lầm. Đó là kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia trong vài năm qua,” ông Khâu Vạn Quân (Qiu Wanjun), một giáo sư tài chính tại Đại học Northeastern University ở Boston, nói với The Epoch Times hôm 27/06.
“Nhìn lại ba năm qua, nền kinh tế toàn cầu đã bị gián đoạn, và chuỗi cung ứng bị phá vỡ do chính sách kiểm soát zero COVID hà khắc của ĐCSTQ, và sự bùng phát trở lại của COVID-19 trên quy mô lớn hồi tháng Mười Hai năm ngoái do việc từ bỏ một cách đột ngột và không chuẩn bị trước tất cả các biện pháp phòng ngừa đại dịch.”
Ông Khâu cho biết điều này đã gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường toàn cầu, vì vậy các quốc gia phương Tây đã áp dụng cách tiếp cận đa dạng hóa rủi ro đối với Trung Quốc. “Trước khi ông Lý Cường nói rằng đây là một ‘mệnh đề sai lầm’, thì lẽ ra ông ấy nên thực sự suy nghĩ về những gì họ [ĐCSTQ] đã làm trong ba năm qua để khiến các quốc gia phương Tây cho rằng họ nên giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.”
Hôm 27/06, ông Tạ Điền (Frank Xie), một giáo sư về tiếp thị tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học South Carolina, nói với The Epoch Times rằng: “Trên thực tế, ĐCSTQ đã và đang sử dụng quyền lực nhà nước để hạn chế thương mại và sử dụng nền kinh tế như một phương tiện cưỡng ép. Chẳng hạn, trong thời kỳ đại dịch, ĐCSTQ đã sử dụng kinh tế để ép buộc các quốc gia khác nhằm đạt được các mục tiêu chính trị bằng cách bán hoặc từ chối bán cho các quốc gia khác các vật tư đang cần khẩn cấp, chẳng hạn như khẩu trang và thiết bị y tế.”
Ông Tạ nói, “Giảm thiểu rủi ro có nghĩa là loại bỏ những mối đe dọa từ ĐCSTQ, những mối đe dọa do chính sách và chính trị của ĐCSTQ gây ra. Trên thực tế, đó là để loại bỏ sự xâm nhập của ĐCSTQ và không cho ĐCSTQ cơ hội và quyền lực để cưỡng ép họ một lần nữa. Đây là ý nghĩa của việc giảm thiểu bỏ rủi ro. Họ chính là đang giảm thiểu loại rủi ro này.”
ĐCSTQ chính trị hóa nền kinh tế
Phản ứng trước những nhận xét của Thủ tướng Lý Cường về việc Bắc Kinh “kiên quyết phản đối việc chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại,” ông Tạ nói rằng: “Chính bản thân ĐCSTQ đang chính trị hóa nền kinh tế, và việc giảm thiểu rủi ro của phương Tây là nhằm giảm thiểu rủi ro về chính trị và quy định, vì ĐCSTQ đang vũ khí hóa và chính trị hóa nền kinh tế. Vì vậy, thật vô lý khi ĐCSTQ kêu gọi các quốc gia khác không chính trị hóa. Điều này giống như [ĐCSTQ] tự tát vào mặt mình vậy.”
Tại diễn đàn này, ông Lý nói rằng thế giới đang đứng trước giao lộ của những thay đổi lịch sử. “Trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế, sẽ có nhiều cơn gió ngược và nhiều làn sóng đảo chiều, và chúng ta không nên quay lại tình trạng cô lập trước đây.”
Ông Khâu nói về nhận xét của ông Lý rằng: “Thực ra, quá trình ‘phi toàn cầu hóa’ còn chưa xảy ra, nhưng toàn bộ chuỗi cung ứng của thế giới đang tái cấu trúc rồi. Bởi vì chúng ta biết rằng, chuỗi cung ứng của thế giới và chi phí sản xuất và bảo hiểm luôn thay đổi, cũng như nhu cầu về thành phẩm và vòng đời của sản phẩm.”
“Trong quá trình tái cấu trúc, chúng ta đã nhận thấy một trong những xu hướng, đó là các quốc gia trên thế giới đang giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.”
Ông Tạ chỉ ra rằng: “Ông Lý Cường đang làm xáo trộn khái niệm. Trên thực tế, đó chỉ là sự di dời của dây chuyền công nghiệp. Sau khi chuyển ra khỏi Trung Quốc, thì giờ đây việc sản xuất đã được thực hiện bởi các quốc gia như ASEAN, Việt Nam, và Ấn Độ. Các nhà máy của thế giới vẫn đang hoạt động ở Ấn Độ và Việt Nam. Vì vậy, toàn cầu hóa bây giờ chỉ loại trừ ĐCSTQ.”
Tại diễn đàn, ông Lý cho biết, “Các doanh nghiệp có tiếng nói lớn nhất, và các chính phủ không thể làm điều đó thay họ.”
Tuy nhiên, ông Tạ chỉ ra rằng “bản thân ĐCSTQ đang đi quá giới hạn, sử dụng quyền lực chính trị để can thiệp vào kinh tế. Họ hạn chế sản xuất của một số doanh nghiệp Trung Quốc theo nhu cầu chính trị của Bắc Kinh. Đây chính xác là những gì mà bản thân ĐCSTQ đang làm.”
“Các chính phủ phương Tây đang giảm thiểu rủi ro, và các doanh nghiệp phương Tây cũng đang giảm thiểu rủi ro. Việc di dời chuỗi sản xuất thực chất là doanh nghiệp tự họ đang loại bỏ rủi ro và tìm kiếm những chuỗi công nghiệp mới an toàn hơn.”
Bản tin có sự đóng góp của Trình Tĩnh và Lạc Á
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times