Thủ tướng Sunak nói ‘thời hoàng kim’ với Trung Quốc đã kết thúc, bác bỏ ‘cách tiếp cận Chiến Tranh Lạnh’
Hôm thứ Hai (28/11), Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak cho biết cái gọi là “thời hoàng kim” của mối bang giao Trung-Anh đã kết thúc.
Tuy nhiên, ông Sunak đã bác bỏ những gì mà ông nói là “cách tiếp cận Chiến Tranh Lạnh đơn giản,” cho rằng ông sẽ chống lại các đối thủ cạnh tranh của Vương quốc Anh bằng “chủ nghĩa thực dụng mạnh mẽ” thay vì chỉ là “luận điệu cao cả.”
Trong bài diễn văn quan trọng về chính sách ngoại giao đầu tiên của mình tại Bữa tiệc thường niên của Thị trưởng tại Guildhall ở London, ông Sunak cũng tuyên bố sẽ “sát cánh cùng Ukraine cho đến khi nào còn cần thiết,” hứa hẹn sẽ duy trì hoặc tăng cường trợ giúp về mặt quân sự vào năm tới.
Nhưng bài diễn văn đã tập trung nhiều vào nước Trung Quốc do cộng sản cai trị, mà ông nói là “đang cạnh tranh rõ ràng để giành ảnh hưởng toàn cầu bằng cách sử dụng tất cả các đòn bẩy của quyền lực nhà nước.”
“Để tôi nói rõ. Cái gọi là thời hoàng kim đã qua rồi, cùng với một ý tưởng ngây thơ rằng thương mại sẽ tự động dẫn đến sự cải tổ chính trị và xã hội,” ông Sunak nói, đồng thời cho biết thêm, “Nhưng chúng ta cũng không nên dựa vào cách tiếp cận Chiến Tranh Lạnh đơn giản nữa.”
Đề cập đến việc đàn áp các cuộc biểu tình phản đối chính sách zero-COVID và vụ bắt giữ và đánh đập một ký giả BBC hôm Chủ Nhật (27/11) vừa qua, Thủ tướng cho biết ông thừa nhận rằng chế độ độc tài này đặt ra “một thách thức mang tính hệ thống đối với các giá trị và lợi ích của chúng ta.”
Nhưng ông cũng cho biết Vương quốc Anh “hoàn toàn không thể bỏ qua tầm quan trọng của Trung Quốc” đối với các vấn đề thế giới, ổn định kinh tế toàn cầu, hoặc các vấn đề như biến đổi khí hậu.
‘Chủ nghĩa thực dụng mạnh mẽ’
Ông Sunak đã lên tiếng phản đối cái mà ông gọi là “chủ nghĩa ngắn hạn hoặc ảo tưởng,” nói rằng các kẻ thù và đối thủ cạnh tranh của Vương quốc Anh có kế hoạch dài hạn.
Ông nói rằng Vương quốc Anh sẽ “tạo ra một bước đột phá trong cách tiếp cận của chúng ta,” bao gồm tăng cường bảo vệ “các giá trị của chúng ta cũng như sự cởi mở mà sự thịnh vượng của chúng ta phụ thuộc vào đó” và nền kinh tế quốc nội, đồng thời đứng lên trước các đối thủ cạnh tranh “không phải bằng những luận điệu cao cả mà bằng chủ nghĩa thực dụng mạnh mẽ.”
Thủ tướng cho biết chính phủ đang “tái tạo” các mối bang giao với Âu Châu của Vương quốc Anh, “có tầm nhìn dài hạn hơn” đối với Trung Quốc, tăng cường khả năng phục hồi và an ninh kinh tế của Vương quốc Anh, đồng thời xây dựng các mối bang giao ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.
Dẫn chứng quyết định gần đây của chính phủ về việc ra lệnh cho một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc bán công ty vi mạch bán dẫn lớn nhất của Vương quốc Anh mà họ đã mua lại, cũng như chuyến công du đến Indonesia mới đây của ông, Thủ tướng Sunak cho biết Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, và nhiều quốc gia khác sẽ “giải quyết cuộc cạnh tranh đầy gay gắt này” bằng ngoại giao, cam kết, và nâng cao khả năng phục hồi, đặc biệt là an ninh kinh tế.
Ông Sunak cho biết bản cập nhật Đánh giá về Chính sách An ninh, Quốc Phòng, Phát triển, và Ngoại giao của chính phủ sẽ trình bày thêm chi tiết về những vấn đề này.
Bài diễn văn này đánh dấu một giọng điệu rõ ràng khá mềm mỏng kể từ chiến dịch tranh cử lãnh đạo của ông khi ông nói rằng chính quyền Trung Quốc đặt ra “mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng của Anh quốc cũng như thế giới trong thế kỷ này,” và nhận xét mới đây của ông về chính quyền này là “mối đe dọa có sự hậu thuẫn của chính quyền lớn nhất đối với an ninh kinh tế của chúng ta.”
Điều này cũng trái ngược với người tiền nhiệm có quan điểm cứng rắn của ông, bà Liz Truss. Hồi tháng Tư, bà cựu thủ tướng đã kêu gọi thành lập một “khối NATO toàn cầu” để giải quyết các mối đe dọa quốc tế và cảnh báo Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc xâm lược Đài Loan.
Các phần của bài diễn văn của ông Sunak đã được công bố trước đó vào thứ Hai trong một thông cáo báo chí. Nhận xét về cách tiếp cận “chủ nghĩa thực dụng mạnh mẽ” của thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Alicia Kearns cho biết bà tin rằng Vương quốc Anh nên hợp tác với Trung Quốc, nhưng đề nghị ông Sunak vạch ra “lằn ranh đỏ” trong mối bang giao này.
Trao đổi với đài BBC, bà Kearns cho biết bà đồng ý với một cách tiếp cận thực dụng, thêm vào đó sự hợp tác có nghĩa là “có những cuộc đàm luận gay gắt đó” và “vạch ra những lằn ranh đỏ.”
“Chúng tôi không muốn chứng kiến các đồn công an bất hợp pháp hoạt động trên đất Anh. Chúng tôi không muốn chứng kiến viên tổng lãnh sự của họ đánh đập những người xin tị nạn ở đất nước chúng ta. Và chúng tôi không muốn chứng kiến những ký giả tài ba của chúng ta như [ông Edward Lawrence] bị đánh đập trên đường ở Trung Quốc, [và] rằng họ phải công nhận và tôn trọng nhân quyền,” bà Kearns nói.
Hôm Chủ Nhật, được biết công an Trung Quốc đã bắt giữ phóng viên Edward Lawrence của đài BBC và đánh đập ông khi ông đang đưa tin về các cuộc biểu tình ở Thượng Hải.
Hiện vẫn chưa rõ về chính sách Trung Quốc của ông Sunak trên thực tế sẽ như thế nào, nhưng giọng điệu mềm mỏng của thủ tướng đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ cựu lãnh đạo Đảng Bảo Thủ Sir Iain Duncan Smith khi ông bày tỏ sự thất vọng về giọng điệu của ông Sunak đối với Bắc Kinh.
“Không biết liệu [chính phủ] Anh có cảm thấy mỉa mai hay không, nếu không, họ nên như vậy,” chính trị gia có quan điểm chống Trung Quốc mạnh mẽ này viết trên Twitter.
“Khi một ký giả của đài BBC bị đánh đập trong lúc đang đưa tin về các cuộc biểu tình, [chính phủ] Anh đã tự lấy dây buộc mình khi cố gắng giải thích chính sách [nguyên văn] của mình đối với Trung Quốc là Chủ nghĩa Thực dụng Mạnh mẽ, thật khó mà tin nổi.”
Trong một cuộc phỏng vấn với đài Channel 4 News, ông Duncan Smith cho biết chủ nghĩa thực dụng mạnh mẽ có thể có nghĩa là “bất cứ điều gì quý vị muốn nó có nghĩa,” đồng thời nói thêm, “điều đó đối với tôi giống như đang tiến gần đến chính sách nhân nhượng.”
Khi được hỏi về việc liệu ông có thực sự tin rằng cách tiếp cận này gần như là chính sách nhân nhượng hay không, ông Duncan Smith trả lời: “Tôi tin là vậy bởi vì tôi nghĩ đã quá lâu rồi, thế giới tự do đã nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi lạm dụng và các mối đe dọa từ Trung Quốc.”
Đề cập đến việc Bắc Kinh áp các lệnh trừng phạt đối với ông và các chính trị gia khác vì họ chỉ trích hồ sơ nhân quyền của ĐCSTQ, ông Duncan Smith cho biết chính quyền Trung Quốc sẽ “xem chúng ta là [quốc gia] yếu nhược” trừ khi Vương quốc Anh thể hiện quan điểm “rõ ràng và mạnh mẽ.”
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times