Kế hoạch xây dựng đại sứ quán Trung Quốc lớn nhất tại Vương quốc Anh bị hội đồng địa phương ngăn chặn
Chính quyền Trung Quốc sẽ không thể chuyển đại sứ quán tại Vương quốc Anh của họ đến một địa điểm lịch sử ở Đông London sau khi hội đồng địa phương bỏ phiếu đồng thuận bác bỏ kế hoạch này.
Chính quyền Trung Quốc đã mua địa điểm của Royal Mint (Sở đúc tiền Hoàng Gia) cũ, cách Cầu Tháp London (Tower Bridge) một quãng đi bộ ngắn, với giá 255 triệu bảng Anh (310 triệu USD) vào năm 2018.
Theo một đơn xin lập kế hoạch do đại sứ quán Trung Quốc tại Vương quốc Anh đệ trình, chính quyền Trung Quốc muốn phát triển địa điểm này thành một khu đại sứ quán mới. Nếu được phép tiếp tục, nơi đây sẽ trở thành cơ sở ngoại giao lớn nhất ở Vương quốc Anh và sẽ có quy mô gấp 10 lần đại sứ quán hiện tại của Trung Quốc tại Portland Place ở trung tâm London.
Nhưng tại một cuộc họp căng thẳng hôm 01/12, các ủy viên hội đồng địa phương của Tower Hamlets đã đồng thuận bác bỏ kế hoạch này bất chấp khuyến nghị từ các cố vấn về việc chấp thuận trung tâm ngoại giao mới.
Sau cuộc bỏ phiếu, một phát ngôn viên của Hội đồng Tower Hamlets cho biết Ủy ban Phát triển Chiến lược của họ đã “kiên quyết từ chối đơn đăng ký do lo ngại về tác động đối với an toàn của người dân và khách du lịch, di sản, nguồn lực cảnh sát, và tính chất đông đúc của khu vực này.”
Đơn đăng ký hiện sẽ được chuyển đến Thị trưởng London Sadiq Khan trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, hội đồng cho biết trong một tuyên bố gửi qua một thư điện tử cho The Epoch Times.
Mối lo ngại về nhân quyền
Quyết định từ chối diễn ra sau một cuộc tham vấn cộng đồng, trong đó đã nhận được tổng cộng 51 ý kiến phản đối, chủ yếu liên quan đến vi phạm nhân quyền của Trung Quốc và tác động của đại sứ quán mới được đề nghị đối với các di sản địa phương và cộng đồng địa phương.
Một số cư dân bày tỏ lo ngại về hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc và các hành động của họ ở hải ngoại. Đặc biệt, một số người lo lắng rằng khu đại sứ quán đồ sộ đó có thể sẽ được chế độ cộng sản sử dụng như một “đồn công an mật.”
Tổ chức phi chính phủ (NGO) về nhân quyền, Safeguard Defenders, đã tiết lộ trong báo cáo tháng Chín rằng Trung Quốc đã thành lập ít nhất 38 “trạm dịch vụ” của công an Trung Quốc tại hàng chục quốc gia trên khắp năm châu, có nhiệm vụ truy lùng, bắt giữ, và dẫn độ những người bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) truy nã.
Người ta cũng lo ngại về vụ tấn công bạo lực những người biểu tình ở Hồng Kông bởi các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manchester hôm 16/10, khi một nhóm người đeo khẩu trang do Tổng lãnh sự Trịnh Hy Nguyên (Zheng Xiyuan) dẫn đầu đã giật biểu ngữ từ những người biểu tình và kéo một người trong số họ vào khuôn viên lãnh sự quán và đánh đập anh.
‘Tâm điểm’ cho các cuộc biểu tình
Cư dân địa phương cũng bày tỏ lo lắng rằng số lượng lớn các cuộc biểu tình nhắm vào chính quyền Trung Quốc có thể có tác động xấu đến cộng đồng địa phương.
Đại sứ quán Trung Quốc ở trung tâm London đã chứng kiến các cuộc biểu tình thường xuyên phản đối các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc nhắm vào phong trào tinh thần Pháp Luân Công, các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông, cũng như người Tây Tạng, và người Duy Ngô Nhĩ.
Trong tuần qua, hàng trăm người từ Trung Quốc đại lục đã tập trung bên ngoài đại sứ quán trong một cuộc biểu tình hiếm hoi phản đối chính sách zero Covid của chính quyền này.
Hiệp hội nhà ở Tower Hamlets Homes cho biết: “Đại sứ quán hiện tại ở Portland Place có một số lượng đáng kể các cuộc tụ tập và phản đối hợp pháp trong suốt cả năm. Theo kinh nghiệm này, thật hợp lý khi dự đoán rằng việc đại sứ quán được di dời đến địa điểm mới sẽ tiếp tục chứng kiến một số lượng đáng kể các cuộc tụ tập và biểu tình phản đối các sự kiện chính trị quốc tế.”
Nhóm này cho biết họ dự đoán Royal Mint Green “sẽ trở thành một tâm điểm cho các cuộc biểu tình phản đối đại sứ quán Trung Quốc trong tương lai,” điều này “chắc chắn sẽ có ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của cư dân trong khu vực này.”
Nhóm cũng bày tỏ lo ngại rằng đại sứ quán mới có thể sẽ có “một tác động đến sự an toàn và phúc lợi của cư dân” bởi vì “các cơ quan ngoại giao thường là mục tiêu của khủng bố.”
‘Vui mừng’
Sau cuộc bỏ phiếu bác bỏ đơn xin lập kế hoạch, Ủy viên Hội đồng Shafi Ahmed, một thành viên của Đảng Aspire địa phương, cho biết ông “rất vui mừng” với quyết định đồng thuận bác bỏ.
Nói chuyện với NTD news, ông Ahmed cho biết ông không có quyền bình luận về hành vi “gây tranh cãi” của Trung Quốc cả trong và ngoài nước, nhưng nói rằng: “Chúng ta cần bảo đảm rằng chúng ta với tư cách là một quận an toàn trước bất kỳ vấn đề chính trị nào xung quanh đó, và việc có một đại sứ quán nổi tiếng như đại sứ quán Trung Quốc ở quận này là một mối lo ngại đối với cư dân của chúng ta, một mối lo ngại đối với chính sách của chúng ta, một mối lo ngại đối với tội phạm, và một mối lo ngại đối với các hành động khủng bố.”
Ủy viên Hội đồng Đảng Bảo Thủ Peter Golds cho biết ông “vô cùng vui mừng” với quyết định “rất quan trọng này,” với lý do rằng việc xây dựng đại sứ quán Trung Quốc tại đây có thể gây thiệt hại cho di sản văn hóa của khu vực.
Ông nói thêm: “Chúng ta không thể có khu phức hợp lố bịch này ở đó, vốn có khả năng làm hỏng một trong những địa điểm tuyệt vời nhất trên thế giới. Tháp London và Cầu Tháp London là biểu tượng của London. Quý vị không thể để mọi người đến đó với tư cách là khách du lịch và mỗi khi họ xuống xe hoặc ra khỏi ga tàu điện ngầm, họ sẽ thấy một nhóm người biểu tình.”
Anh Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng), người sáng lập tổ chức Người Hồng Kông ở Anh (Hongkongers in Britain-HKB) và là một cư dân của Tower Hamlets, cho biết anh “rất vui và phấn khởi” về kết quả này, mà theo anh là “một chiến thắng lớn” cho nền an ninh và dân chủ của nước Anh.
Bản tin có sự đóng góp của Jane Werrell của NTD và Lily Zhou
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times