Thủ tướng Đức: Trung Quốc cho biết họ sẽ không giao vũ khí cho Nga
Hôm 05/03, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga để viện trợ nước này trong cuộc xâm lược Ukraine.
Ông Scholz đưa ra các bình luận trên trong một cuộc họp báo tại nhà khách chính phủ Đức ở Meseberg, phía bắc Berlin hôm Chủ Nhật (05/03). Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cũng tham dự buổi họp.
Ngài Thủ tướng đã được các phóng viên hỏi liệu ông có nhận được bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào cho thấy Trung Quốc đang cân nhắc cung cấp vũ khí cho Nga hay không và liệu ông có ủng hộ các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh nếu nước này bị phát hiện giúp viện trợ khí tài cho Moscow hay không.
“Tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng hoạt động chuyển giao vũ khí là không được phép xảy ra, và chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng họ sẽ không giao bất kỳ thứ gì,” thủ tướng hồi đáp. “Đó là những gì chúng tôi đang đề nghị và chúng tôi đang theo dõi diễn biến của tình hình.”
Trong khi đó, bà Von der Leyen nói rằng “cho đến nay chúng tôi không có bằng chứng cho điều này, nhưng chúng tôi phải quan sát sự việc này hàng ngày,” đồng thời nói thêm rằng khả năng có các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh là một “câu hỏi giả định chỉ có thể được trả lời nếu nó trở thành hiện thực và có thật.”
Ông Scholz lặp lại lời nhận định của mình trong một cuộc phỏng vấn với CNN được phát sóng hôm Chủ Nhật.
Lưu ý rằng Đức, cùng với châu Âu và Hoa Kỳ đã “nói rất rõ ràng rằng Trung Quốc không nên vi phạm các lệnh trừng phạt”, ông nhấn mạnh rằng các quan chức “đang theo dõi sát sao để điều này không xảy ra.”
Trung Quốc không vi phạm lệnh trừng phạt
Ông Scholz nói: “Theo những gì chúng tôi thấy, ít nhiều thì họ hiện không vi phạm gì nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục quan sát. Và điều này thậm chí còn hơn nữa đến mức chúng tôi yêu cầu họ không cung cấp vũ khí cho Nga và chúng tôi đang nói với họ không chỉ trong các cuộc đàm phán song phương mà còn nói công khai rằng họ không nên [vi phạm].”
“Họ công khai nói rằng họ sẽ không giao vũ khí,” ông nói về Bắc Kinh.
Khi được CNN hỏi liệu ông có bao giờ nghĩ đến việc trừng phạt Trung Quốc nếu nước này viện trợ cho Nga hay không, ông Scholz trả lời: “Tôi nghĩ điều đó sẽ dẫn đến những hậu quả, nhưng chúng tôi hiện đang ở giai đoạn đang nói rõ rằng điều này không nên xảy ra, và tôi tương đối lạc quan rằng với yêu cầu của chúng tôi trong trường hợp này thì chúng tôi sẽ thành công, nhưng chúng tôi sẽ phải quan sát [sự việc đó] và chúng tôi phải rất, rất thận trọng.”
Thủ tướng Đức không cung cấp thêm chi tiết về những biện pháp trừng phạt như vậy chính xác thì sẽ đòi hỏi những gì.
Trong một bài diễn thuyết trước Quốc hội Đức hôm 02/03, ông Scholz kêu gọi Trung Quốc không gửi vũ khí cho Nga để viện trợ cho cuộc xâm lược Ukraine, thay vào đó ông kêu gọi Bắc Kinh gây áp lực buộc Moscow phải rút quân.
Ông cũng bày tỏ sự thất vọng về việc Trung Quốc đã kiềm chế không lên án cuộc xâm lược của Nga tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 23/02.
Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia bỏ phiếu phản đối nghị quyết kêu gọi quân đội Nga rút quân ngay lập tức khỏi Ukraine.
Một ngày sau, Bắc Kinh đưa ra cái gọi là “kế hoạch hòa bình” cho Nga và Ukraine dưới dạng một bản đề nghị có nhan đề “Lập trường của Trung Quốc về Giải pháp Chính trị cho Cuộc khủng hoảng Ukraine” trong một nỗ lực rõ ràng để thể hiện mình là bên trung gian hòa giải trong cuộc xung đột này.
Trung Quốc kêu gọi đối thoại, đàm phán về chiến tranh
Kế hoạch đó nêu rõ rằng “chủ quyền, độc lập, và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được giữ gìn một cách hiệu quả” và rằng “đối thoại và đàm phán là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng Ukraine.”
Bản đề nghị này được đưa ra ngay sau khi Bắc Kinh cam kết “liên kết đối tác chiến lược toàn diện” sâu sắc hơn với Nga vào tháng trước đó trong chuyến thăm của nhà ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tới Điện Kremlin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng xác nhận rằng lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ thăm Moscow trong những tháng tới.
Trong bối cảnh các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ ngày càng lo ngại, bao gồm cả Ngoại trưởng Antony Blinken, rằng Trung Quốc có thể cung cấp viện trợ quân sự sát thương cho Nga, thì Bắc Kinh đã bác bỏ các tin tức như vậy.
“Đổ thêm dầu vào lửa sẽ chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng. Kéo dài và mở rộng xung đột sẽ chỉ khiến dân thường phải trả giá còn đắt hơn,” Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Đới Binh (Dai Bing) nói trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 23/02.
Mặc dù Bắc Kinh đã đưa ra những lời bảo đảm hết lần này đến lần khác, nhưng vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine là một trong những chủ đề chính mà ông Scholz thảo luận với Tổng thống Joe Biden trong cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc hôm 03/03.
Trong cuộc gặp đó, cả hai nhà lãnh đạo cũng cam kết hỗ trợ thêm cho Ukraine trong bối cảnh cuộc xâm lược đang diễn ra, và ngay sau đó, Hoa Kỳ công bố gói viện trợ quân sự mới cho Kyiv trị giá khoảng 400 triệu USD.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times