Bên duy nhất chiến thắng ở Ukraine là Trung Quốc
Bắc Kinh đắc lợi về kinh tế, ngoại giao, và quân sự
Cuối tuần trước (25-26/02), các bộ trưởng tài chính G20 đã ngừng họp mà không đưa ra một tuyên bố chung nào vì hai bộ trưởng trong số họ, đến từ Nga và Trung Quốc, đã từ chối lên án cuộc xâm lược của Moscow đối với Ukraine “với những ngôn từ mạnh mẽ nhất.” Vài ngày trước đó, Bắc Kinh cũng đã bỏ phiếu trắng đối với một nghị quyết tương tự của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Bất chấp sự ủng hộ rộng rãi trên toàn cầu dành cho Ukraine, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho rằng họ có thể thu hút các quốc gia Âu Châu — những nước mà nhà ngoại giao cao cấp Vương Nghị cho là dễ thuyết phục: Đức, Pháp, Ý, và Hungary. Đối với Hungary, Bắc Kinh đang thực sự xâm nhập nước này dưới thời thủ tướng Viktor Orbán.
ĐCSTQ xem cuộc chiến này là có lợi, và là một điều khiến Hoa Kỳ phân tâm khỏi các tham vọng lãnh thổ của chính Trung Quốc ở Đài Loan, Biển Đông, và miền bắc Ấn Độ. Một cuộc thăm dò do Morning Consult công bố tuần trước cho thấy người dân Trung Quốc tin tưởng mạnh mẽ rằng cuộc chiến của Nga giúp ích cho đất nước của họ.
Trên phương diện ngoại giao, Bắc Kinh tìm cách sử dụng cuộc chiến này như một cái cớ để mở rộng ảnh hưởng của họ ở “Nam Bán cầu” bằng cách tỏ ra là một nhà kiến tạo hòa bình trung lập. Tuy nhiên, khi Nga vẫn chiếm đóng phần lớn lãnh thổ Ukraine, thì việc Bắc Kinh ủng hộ các cuộc đàm phán đã tạo thuận lợi cho Nga một cách hiệu quả bằng cách gây sức ép buộc Kyiv phải nhượng bộ. Điều đó sẽ mở ra cơ hội cho kế hoạch gây hấn đối với Đài Loan về sau của ĐCSTQ.
Ông Tập Cận Bình có thể đã cổ vũ ông Vladimir Putin trong cuộc họp của họ chỉ 20 ngày trước cuộc xâm lược này. Hai bên đã đưa ra một tuyên bố chung thể hiện một “tình bằng hữu không giới hạn” và “kỷ nguyên mới” của các mối bang giao quốc tế, chấp thuận các giao dịch dầu mỏ, khí đốt, và các mặt hàng khác trị giá 117.5 tỷ USD nhằm giúp giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt sau này.
Bắc Kinh đã cho thấy rõ sự liên kết về mặt tư tưởng với Nga trong những ngày xảy ra cuộc xâm lược bằng cách đổ lỗi cho Hoa Kỳ, khi hợp lý hóa cuộc chiến này là một biểu hiện “hợp pháp” để bảo vệ an ninh quốc gia của Nga, đồng thời lặp lại thông tin giả của Nga rằng Hoa Kỳ đã tài trợ cho một mạng lưới các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học bí mật trên khắp Ukraine.
Bắc Kinh đã không đánh lừa được Kiev. Hồi tháng 03/2022, hai tuần sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược này, cố vấn kinh tế Oleg Ustenko của tổng thống Ukraine đã lưu ý rằng, “Hiện giờ quốc gia duy nhất thực sự hưởng lợi từ … cuộc chiến này ở Ukraine, là Trung Quốc.”
Tình trạng bị quốc tế xa lánh của Nga và việc nhận phải các biện pháp trừng phạt khiến nước này ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Trên phương diện quân sự, hai nước này tham gia tới năm cuộc tập trận lớn hàng năm. Trong khi chính phủ Tổng thống Biden liên tục khẳng định rằng Bắc Kinh chưa gửi trang thiết bị quân sự cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, thì trên thực tế, Trung Quốc đã cung cấp các bộ phận của chiến đấu cơ phản lực, công nghệ gây nhiễu, hình ảnh vệ tinh để nhắm mục tiêu vũ khí, và các mặt hàng lưỡng dụng như các vi mạch bán dẫn trong máy điện toán và các phi cơ dân sự không người lái vốn đã có mặt ở tiền tuyến.
Hồi tháng trước (02/2023), Bắc Kinh đã công bố một tuyên ngôn chống Mỹ với nhan đề “Sự bá quyền của Hoa Kỳ và những Hiểm họa của việc này.” Bản tuyên ngôn này đổ lỗi cho Hoa Kỳ về cuộc Cách mạng Cam năm 2004 của Ukraine, và tuyên bố rằng ở Ukraine và các quốc gia khác, “Hoa Kỳ đang lặp lại các chiến thuật cũ của mình là tiến hành các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, cường độ thấp, và phi cơ không người lái.”
Sự trợ giúp của ĐCSTQ đối với Moscow gây ra một hậu quả bất lợi, trong đó có việc dầu mỏ giảm giá sâu và sự lệ thuộc về ngoại giao, như được minh chứng mới đây nhất qua việc Bắc Kinh hiện đã dễ dàng tiếp cận ngoại giao với Belarus.
Kyiv dè dặt hy vọng rằng Bắc Kinh có thể ngăn chặn cuộc chiến của ông Putin. Tuy nhiên, điều tốt nhất mà người ta có thể mong đợi một cách thực tế là Trung Quốc phản đối các mối đe dọa hạt nhân của Nga, điều có thể thúc đẩy ĐCSTQ gia tăng xuất cảng vũ khí quy ước sang Nga.
Đề nghị hòa bình mới của Bắc Kinh cho thấy ĐCSTQ ủng hộ Nga như thế nào. Họ không kêu gọi Nga rút quân, mà thay vào đó lại lên án “các khối” đồng minh như NATO và việc áp dụng các biện pháp trừng phạt “đơn phương.” Tuy nhiên, Moscow đã nhanh chóng bác bỏ ngay cả đề nghị ủng hộ Nga này, khi cho biết họ không công nhận “các thực tế lãnh thổ mới.”
Tổng thống Joe Biden đã phản ứng trước kế hoạch của Trung Quốc khi ông nói rằng sự can dự của Bắc Kinh là “không hợp lý” và kế hoạch này chỉ mang lại lợi ích cho Nga. Ông đã cảnh báo rằng nếu ĐCSTQ ủng hộ sự tàn bạo của Moscow bằng các chuyến hàng vũ khí thì các tập đoàn Hoa Kỳ sẽ rời khỏi Trung Quốc.
Trước mắt không có giải pháp đàm phán nào, thế nên kết quả của cuộc chiến này vẫn phụ thuộc vào các biện pháp trừng phạt quốc tế và các tài sản trên chiến trường. Hôm 26/02, ông Biden đã công bố thêm một gói viện trợ khác trị giá 2.5 tỷ USD cho Ukraine, nâng tổng số viện trợ lên 113 tỷ USD.
Hai ngày trước đó, Hoa Kỳ đã trừng phạt hơn 200 tổ chức có liên quan đến cuộc chiến của Nga, bao gồm việc cấm năm tập đoàn Trung Quốc mua các công nghệ của Hoa Kỳ. NATO và G7 đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt và đe dọa bổ sung, trong đó có một số biện pháp nhắm vào Bắc Kinh. Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine đã cảnh báo về một cuộc “đệ tam thế chiến” nếu Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga.
Những hiểm họa này là tàn khốc. Tuy nhiên, các đối tác của Ukraine không thể cho phép Moscow được trợ giúp quân sự hoặc thỏa hiệp. Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ sự trợ giúp nào mà nước này mang lại, kể cả thông qua thương mại phi quân sự. Nếu Nga chiếm được vùng lãnh thổ mới, thì các chế độ độc tài khác sẽ được khuyến khích phát động các cuộc xâm lược khác nữa, trong đó có cuộc xâm lược của ĐCSTQ nhắm vào Đài Loan.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times