Thứ mà một người thiếu nhất là gì?
Thứ mà một người thiếu nhất là gì? Đa số luôn cho rằng mình thiếu những thứ thuộc về vật chất bề ngoài như tiền bạc… Kỳ thực, thứ mà người ta thiếu nhất thì thường bản thân không nhìn thấy được.
“Quái nhân” dùng kiếm để đàn và ca hát
Nước Tề thời Chiến quốc có một vị Thừa tướng tên là Mạnh Thường Quân, tự Điền Văn, ông chiêu mời rộng rãi nhân tài ở các nước, không có thành kiến vào ấn tượng lúc ban đầu, cũng không kỳ thị về thân phận.
Lúc bấy giờ có một người tên là Phùng Hoan, vốn là một người rất nghèo, nghèo đến mức không thể nuôi sống bản thân. Thế là ông ta đi tìm Mạnh Thường Quân, hy vọng có thể làm một thực khách.
Mạnh Thường Quân hỏi Phùng Hoan: “Ông có sở thích gì?”
“Tôi không có sở thích gì cả.”
“Vậy thì có năng lực gì?”
“Cũng không có năng lực gì.”
Đã không có sở thích lại không có năng lực, Mạnh Thường Quân cười, cuối cùng vẫn lưu giữ Phùng Hoan, dặn dò bố trí cho ông ta ở lại Truyền xá là nơi dành cho những tân khách hạ đẳng.
Phùng Hoan sau khi ở lại, mỗi ngày sau khi ăn cơm nhạt xong, liền dùng cỏ bện thành dây thừng, sau đó đem dây thừng quấn lấy chuôi kiếm. Ông ta ôm kiếm trước ngực, dựa vào cột trụ hành lang rồi dùng ngón tay búng vào kiếm giống như là đang đánh đàn, và hát rằng: “Trường kiếm a trường kiếm, chúng ta về nhà đi, nơi này ăn cơm không có cá.”
Chuyện này rất nhanh truyền đến tai của Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân liền dặn dò bố trí cho Phùng Hoan đến ở Hạnh xá, nơi dành cho tân khách trung đẳng. Từ đó về sau, Phùng Hoan được ăn thịt cá.
Nhưng Phùng Hoan một câu cảm ơn cũng không có, mỗi ngày vẫn dựa cột ôm kiếm, đàn hát rằng: “Trường kiếm a trường kiếm, chúng ta hãy về nhà đi, nơi này không có xe.”
Mạnh Thường Quân liền dặn dò sắp xếp cho Phùng Hoan đến ở Đại xá, nơi dành cho tân khách thượng đẳng. Từ đó về sau, Phùng Hoan ra vào cũng có xe.
Tuy nhiên, ông ta vẫn đàn kiếm ngâm xướng: “Trường kiếm a trường kiếm, chúng ta về nhà thôi, ta không cách nào nuôi sống người nhà.“
Những người khác nói Phùng Hoan được voi đòi tiên, tham lam không biết đủ, cho rằng ông ta là kẻ kiếm cơm, cho nên không muốn để ý đến ông ta. Nhưng Mạnh Thường Quân ngược lại không để bụng, biết được trong nhà Phùng Hoan còn có một mẹ già, bèn sai người đúng thời hạn đem chi phí ăn mặc cung phụng cho mẹ ông ta. Từ đó, Phùng Hoan không còn ca hát nữa.
Tán tài mua nghĩa
Mạnh Thường Quân đảm nhiệm chức thừa tướng của nước Tề, có một vạn hộ phong ấp ở đất Tiết. Ông muốn thu tô ở đất phong, liền tìm người trong môn khách đi thu nợ. Rất nhiều người có năng lực cảm thấy khó mà đảm nhiệm nổi, nhưng Phùng Hoan lại xung phong nhận việc.
Trước khi xuất phát, Phùng Hoan hỏi Mạnh Thường Quân: “Thu xong nợ, tôi cần mua về cho ngài thứ gì?”
Mạnh Thường Quân nói: “Ngươi nhìn xem trong nhà thiếu cái gì, thì hãy mua thứ đó.”
Đến ấp Tiết, Phùng Hoan chỉ thu khoản nợ mười vạn đồng rồi không thu tiếp nữa, sau đó ông dùng mười vạn tiền này mua rượu mua thịt, gọi tất cả những người nợ tiền đến, bảo bọn họ mang theo khế ước. Lúc đám người nâng cốc uống hả hê, Phùng Hoan nói: “Mạnh Thường Quân mong mọi người mua sắm tài sản, sống cuộc sống tốt hơn. Lúc ta tới, Mạnh Thường Quân dặn dò nói miễn cho tất cả mọi người khoản nợ. Xin các vị đem khế ước giao cho ta.”
Tiếp đó khi ở ngay trước mặt mọi người, Phùng Hoan châm một mồi lửa đốt đi tất cả khế ước. Thấy vậy, dân chúng reo hò “Vạn tuế” .
Phùng Hoan giơ roi thúc ngựa trở về, Mạnh Thường Quân hỏi: “Sao mà thu nhanh như vậy?”
Phùng Hoan trả lời: “Đã thu xong rồi.”
Mạnh Thường Quân lại hỏi: “Ngươi mua thứ gì?”
Phùng Hoan từ tốn nói: “Tôi mua ‘Nghĩa’ cho ngài.”
Mạnh Thường Quân cảm thấy khó hiểu, Phùng Hoan bèn nói: “Ngài nói trong nhà ta thiếu cái gì mua cái đó. Tôi suy nghĩ, trong cung của ngài chất đầy kim ngân vàng bạc, mỹ nữ bộc nhân đứng đầy dưới nhà, chó săn tuấn mã chạy đầy sân. Trong nhà cái gì cũng không thiếu, thứ ngài thiếu chính là ‘Nghĩa’ đấy! Cho nên tôi tự thân mua ‘Nghĩa’ về cho ngài.”
Mạnh Thường Quân hỏi: “Cái ‘Nghĩa’ này làm sao mua đây?”
Phùng Hoan nói: “Ngài hiện tại chỉ có một ấp Tiết nho nhỏ. Ngài không coi sóc bách tính nơi đó, ngược lại giống như thương nhân đi kiếm tiền của bách tính. Đây không phải yêu dân như con! Tôi đã tự tiện giả truyền mệnh lệnh của ngài, đem tiền thu được ban tặng cho bách tính, lại đốt rụi tất cả khế ước, dân chúng liên tục hô to ‘Vạn tuế’. Đây chẳng phải là tôi mua ‘Nghĩa’ sao?”
Mạnh Thường Quân nghe xong trong lòng không vui, nhưng vẫn tha thứ cho Phùng Hoan: “Được rồi, vậy ngươi xuống dưới nghỉ ngơi đi.”
Một năm sau, Tề Vương bởi vì nghi ngờ Mạnh Thường Quân mà bãi chức ông, Mạnh Thường Quân đành phải trở về đất phong ở ấp Tiết. Khi đến đoạn đường còn cách ấp Tiết hơn 100 dặm, dân chúng già trẻ dắt díu, sớm đã đứng hai bên đường đón đợi, tiếng hoan hô như sấm động. Dân chúng đất Tiết cảm kích Mạnh Thường Quân mãi không thôi, cung kính vạn phần.
Thế là Mạnh Thường Quân nói với Phùng Hoan: “Ngươi khi đó mua ‘Nghĩa’ cho ta, bây giờ rốt cuộc thì ta cũng nhìn thấy rồi.”
Phùng Hoan đàn kiếm, năm lần bảy lượt đưa ra yêu cầu dường như không hợp lý đối với Mạnh Thường Quân, nhưng Mạnh Thường Quân đều đáp ứng, cũng chưa bao giờ ghét bỏ. Sau khi thăm dò ý chí và tầm nhìn của Mạnh Thường Quân, Phùng Hoan sau này mới vì chủ nhân mà phát huy tác dụng.
Mọi người thường cho rằng lấy được thứ gì đó từ người khác thì gọi là “thu hoạch”, nhưng lại không biết rằng bản thân cho đi cũng chính là “nhận về”. Câu chuyện Phùng Hoan mua Nghĩa đã cho chúng ta thấy rõ, người có thể tán tài, ban ơn cho bách tính, thì sẽ có được lòng dân; nếu như không chịu tán tài, không muốn trợ giúp người khác, thì cuối cùng sẽ mất đi lòng dân. Vậy nên có câu gọi là “tài tán thì nhân tụ, tài tụ thì nhân tán”.
Có câu nói của Lão Tử rằng: “Thánh nhân chấp tả khế, nhi bất trách ư nhân” (thánh nhân cầm tờ khế ước bên trái, mà không trách người). Bậc quân vương có đạo sẽ không kết oán với dân, giống như trong tay cầm giấy nợ, nhưng tuyệt đối sẽ không đi cưỡng ép đòi nợ của dân.
Tài liệu Tham khảo:
“Sử ký Mạnh Thường Quân liệt truyện”