Thông tấn Trung Quốc công kích lập trường ôn hòa của Thủ tướng New Zealand đối với Bắc Kinh
Thông tấn nhà nước Trung Quốc đã nhận thấy Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern có lập trường ôn hòa hơn đối với Trung Quốc trong bài diễn văn quan trọng về chính sách ngoại giao mới đây của bà.
Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), một cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc, tuyên bố trong một bài báo rằng việc sử dụng ngôn từ mềm mỏng hơn này đối với Bắc Kinh báo hiệu rằng “ước vọng hão huyền” của Úc để “vận động” New Zealand chống lại Trung Quốc đã tan thành mây khói.
Trong bài diễn văn trước Viện Lowy hôm 07/07, bà Ardern cho rằng ngay cả khi Bắc Kinh ngày càng trở nên hung hăng và quyết đoán hơn trong việc theo đuổi lợi ích của mình, thì ở đó “vẫn có những lợi ích chung mà chúng ta có thể và nên hợp tác.”
Thủ tướng Ardern cũng cho rằng nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, đã đóng một vai trò quan trọng trong khu vực Thái Bình Dương trong nhiều năm qua.
“Sẽ là sai lầm nếu mô tả sự tham gia này, bao gồm cả sự tham gia của Trung Quốc, là một thứ gì đó mới,” bà nói. “Cũng sẽ là sai lầm nếu đặt khu vực Thái Bình Dương vào vị thế mà họ phải ‘chọn bên.’”
“Đây là các quốc gia dân chủ có quyền chủ quyền của riêng họ trong việc quyết định các chính sách tiếp xúc ngoại giao của mình. Chúng tôi có thể là quốc gia trung lập trong cách tiếp cận nhưng có khuynh hướng thiên về Thái Bình Dương trong các giá trị mà chúng tôi áp dụng cho các cuộc tiếp xúc này.”
Các hãng thông tấn Trung Quốc đã nắm bắt những bình luận này, cho rằng những lời nói này đã “phơi bày ảo tưởng” rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một vị khách mới ở khu vực Thái Bình Dương.
Họ cũng dẫn lời một nhà nghiên cứu từ một trường đại học Trung Quốc rằng New Zealand thường bị Úc, Hoa Kỳ, và Vương quốc Anh gây áp lực để điều chỉnh luận điệu và lập trường của họ chống lại ĐCSTQ.
Lập trường của New Zealand
Chính phủ New Zealand đã tỏ ra ngày càng cứng rắn trong việc chống lại nhà cầm quyền Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Tòa Bạch Ốc hồi tháng Năm, bà Ardern nói với các phóng viên rằng New Zealand nằm trong một khu vực “ngày càng tranh chấp” và sự tham gia vào khu vực này phải “tuân theo các điều kiện tương ứng của chúng tôi,” chứ không phải là nhằm để đáp trả Bắc Kinh.
Sau đó, trong hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid hồi tháng Sáu, bà Ardern cho biết trong thời gian gần đây ĐCSTQ đã trở nên “quyết đoán hơn và sẵn sàng thách thức các quy tắc và chuẩn mực quốc tế hơn.”
Bà nói: “Chúng ta phải phản ứng trước những hành động mà chúng ta thấy.”
Đáp lại hai phát ngôn kể trên, Bắc Kinh đã bác bỏ các bình luận của bà Ardern, cảnh báo rằng những lời nói đó “không hữu ích” cho việc tăng cường lòng tin giữa hai quốc gia.
Tuy nhiên trước đó hồi tháng Tư, bà Ardern đã nói rằng bà ủng hộ mối bang giao của chính phủ bà với chính quyền ĐCSTQ, nói rằng vẫn cần phải “hợp tác cùng nhau” trong các lĩnh vực mà đôi bên cùng có lợi, bất chấp sự “quyết đoán ngày càng tăng” của nhà cầm quyền này trong khu vực.
Bà Ardern nói với BBC: “Trung Quốc không những là một đối tác thương mại rất quan trọng đối với chúng tôi, mà còn có mối bang giao lâu năm với chúng tôi.”
“Ở đâu có những lĩnh vực chúng tôi có thể hợp tác cùng nhau, thì chúng tôi sẽ hợp tác — nhưng sẽ luôn có những lĩnh vực mà chúng tôi không nhất thiết phải đồng thuận, và khi những lĩnh vực đó phát sinh, thì chúng tôi rất thẳng thắn và rõ ràng về lập trường của mình.”
Nền kinh tế của quốc đảo nhỏ bé này phụ thuộc vào đối tác thương mại lớn nhất của họ là Trung Quốc và chính phủ nước này thường không có lập trường cứng rắn đối với nhà cầm quyền Trung Quốc.
Cô Rebecca Zhu sống tại Sydney. Cô chuyên đưa tin về các vấn đề quốc gia của Úc và New Zealand. Quý vị muốn góp ý hãy liên lạc với cô qua [email protected].