Thỏa thuận mức trần nợ của Hoa Kỳ xóa bỏ chướng ngại quan trọng trước cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện
Thỏa thuận mức trần nợ của Hoa Kỳ do Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) thiết lập trong dịp cuối tuần kéo dài với Ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong đã xóa bỏ một chướng ngại quan trọng cho phép các nhà lập pháp tại Hạ viện bỏ phiếu về thỏa thuận này.
Ủy ban Quy tắc Hạ viện đã thông qua thỏa thuận này bằng một cuộc bỏ phiếu với 7 thuận và 6 phiếu chống, đưa dự luật hạn mức nợ này — Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa — lên sàn Quốc hội hôm 30/05 để tranh luận và bỏ phiếu.
Các dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas) và Ralph Norman (Cộng Hòa-South Carolina), cùng tất cả bốn thành viên Đảng Dân Chủ trong ủy ban đầy quyền lực này đã bỏ phiếu chống lại dự luật đó. Có người lo ngại rằng dự luật sẽ không được thông qua tại ủy ban này bởi vì trong số các thành viên của ủy ban có một số thành viên theo phái bảo tồn truyền thống lớn tiếng chỉ trích dự luật này nhất, trong đó có Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky). Ông Massie đã ủng hộ cho dự luật này được thông qua trước các đồng sự của mình.
Đảng Cộng hòa và Đảng Dân Chủ đã đưa ra hàng chục điều khoản sửa đổi. Tuy nhiên, Ủy ban Quy tắc đã từ chối từng đề xướng một để bảo đảm thỏa thuận hạn mức nợ do Tòa Bạch Ốc và các nhà đàm phán Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện soạn thảo vẫn còn nguyên vẹn.
“Tôi không thích quá trình đi đến dự luật này. Có những điều không đồng thuận và những điều đồng thuận về dự luật này,” ông Massie nói trong phiên điều trần. “Khi mọi người muốn thể hiện ý thức hệ của mình, thì sàn Hạ viện, nơi thực sự thông qua dự luật cuối cùng, mới thực sự là nơi để làm điều đó.”
Thỏa thuận Biden–McCarthy này đã khiến nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa ở cả hai viện phẫn nộ, trong đó có Dân biểu Byron Donalds (Cộng Hòa-Florida). Nói chuyện với các phóng viên ở Capitol Hill hôm 30/05, ông Donalds cho rằng đề xướng này “tiêu chuẩn hóa các mức chi tiêu sau đại dịch COVID được ông Joe Biden và Đảng Dân Chủ đưa ra cho chúng tôi.”
Dân biểu Nancy Mace (Cộng Hòa-South Carolina) cáo buộc ban lãnh đạo Đảng Cộng Hoà đã bị Tòa Bạch Ốc “qua mặt.”
Thượng nghị sĩ Rand Paul (Cộng Hòa-Kentucky) đã công bố một “giải pháp thay thế thận trọng” cho thỏa thuận mức trần nợ Biden–McCarthy này. Một trong những đề xướng đó bao gồm thay thế việc đình chỉ hai năm đối với mức trần nợ bằng một khoản tăng 500 tỷ USD để buộc “Quốc hội quay lại bàn làm việc thực hiện nhiệm vụ của họ và tìm ra các giải pháp cho vấn đề nợ nần chồng chất được nêu rõ trong mức trần nợ này.”
Nhận định của CBO
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) đã viết trong một báo cáo mới rằng thỏa thuận hạn mức nợ này có thể giảm việc chi tiêu hơn 1 ngàn tỷ USD trong thập niên tới.
Cơ quan giám sát phi đảng phái này ước tính rằng các hạn mức chi tiêu được đề xướng cho năm 2024 và 2025 có thể cắt giảm khoảng 1.3 ngàn tỷ USD từ các khoản thâm hụt ngân sách liên bang dự kiến của chính phủ từ năm 2023 đến năm 2033.
“Việc cắt giảm các khoản chi tùy ý theo dự kiến sẽ lên tới 1.3 ngàn tỷ USD trong giai đoạn 2024–2033,” giám đốc CBO Phillip Swagel đã viết trong một bức thư gửi cho Chủ tịch Hạ viện. “Việc chi tiêu bắt buộc, trên thực tế, sẽ giảm 10 tỷ USD, và doanh thu, trên thực tế, sẽ giảm 2 tỷ USD trong giai đoạn 2023–2033.”
Ngoài ra, CBO dự đoán rằng tiền lãi từ nợ công sẽ giảm 188 tỷ USD trong khoảng thời gian này.
Liên quan đến báo cáo nói trên của CBO, ông McCarthy viết trên Twitter rằng, “Đây sẽ là lần cắt giảm chi tiêu lớn nhất mà Quốc hội từng bỏ phiếu trong lịch sử.”
Ngồi vào bàn làm việc
Thỏa thuận lưỡng đảng được hoàn tất vào cuối tuần qua đã được cả hai bên đàm phán xem như là một sự thỏa hiệp — một thực tế mà Chủ tịch Ủy ban Quy tắc Tom Cole (Cộng Hòa-Oklahoma) đã nhấn mạnh trong bài diễn văn khai mạc của mình.
“Như tôi vẫn thường nói, trong một cuộc đàm phán thực sự, quý vị luôn nhận được ít hơn những gì mình muốn và từ bỏ nhiều hơn những gì mình muốn,” ông Cole nói. “Nhưng với việc thông qua Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa này, chúng ta sẽ dỡ bỏ mức trần nợ một cách có trách nhiệm và tránh được một vụ vỡ nợ vốn có thể tàn phá nền kinh tế Mỹ quốc. Và chúng ta sẽ đạt được những khoản cắt giảm chi tiêu thực sự trong khi làm như vậy. Thật vậy, đây là dự luật cắt giảm chi tiêu hiệu quả nhất trong hơn một thập niên.”
Trong số nhiều điều khoản của dự luật này có một điều khoản hủy bỏ khoảng 28 tỷ USD trong quỹ cứu trợ COVID-19 chưa được chi ra, điều khoản hủy bỏ khoảng 1.4 tỷ USD tài trợ cho IRS, các yêu cầu công việc nghiêm ngặt hơn đối với một số chương trình trợ giúp của chính phủ, và một điều khoản giới hạn tổng chi tiêu tùy ý phi quốc phòng — không bao gồm các khoản phúc lợi dành cho cựu chiến binh — ở mức 637 tỷ USD cho tài khóa 2024, giảm 1 tỷ USD so với năm 2023. Tổng số ngân sách đó sẽ tăng 1% vào năm 2025.
Về phần mình, ông Massie cho biết ông cảm thấy được khích lệ khi đưa vào điều khoản của riêng mình rằng nếu Quốc hội không thông qua tất cả các dự luật phân bổ trước ngày 01/01/2024, thì việc chi tiêu sẽ giảm 1% so với năm trước.
“Có những điều không đồng thuận và những điều đồng thuận về dự luật này, nhưng phần đáng giá nhất đối với tôi là Mục 102, mục mà chúng ta … mọi người buộc phải ngồi vào bàn và làm công việc của mình, thông qua tất cả 12 dự luật phân bổ. Khi đó, nếu chúng ta không có điều khoản đó, thì [việc chi tiêu] sẽ bị cắt giảm 1%.”
Tuy nhiên, trong phần nhận xét của mình, ông Roy phản bác rằng dự luật này sẽ chỉ khuyến khích Quốc hội “thông qua” một dự luật chi tiêu omnibus (tổng hợp nhiều dự luật khác nhau) ngay trước thời hạn [vỡ nợ.]
“Đó là điều sẽ xảy ra — đó là điều xảy ra mỗi năm,” ông nói. “Và sau đó câu hỏi sẽ là, ‘Lấy gì để kiểm tra điều đó?’ Chà, việc kiểm tra điều đó là ở ngay đây.”
Một ‘sự tính toán’
Tại một cuộc họp báo trước phiên điều trần của Ủy ban Quy tắc Hạ viện, Nhóm họp kín Tự do (Freedom Caucus) đã nhắm vào thỏa thuận này ở chỗ thiếu một hạn mức nợ cụ thể, lưu ý rằng dự luật này chỉ đình chỉ hạn mức nợ cho đến tháng 01/2025.
“Dự luật ngày mai trao cho ông Biden một tấm chi phiếu trắng vì không thực sự đặt ra một hạn mức nợ,” Dân biểu Lauren Boebert (Cộng Hòa-Colorado) lưu ý. “Đây là một sự gia tăng nợ không giới hạn, cho phép ông ấy xài tiền bao nhiêu tùy thích cho đến hết nhiệm kỳ.”
Những người khác, như ông Roy, chỉ trích Chủ tịch Hạ viện vì đã không nỗ lực mạnh mẽ hơn trong các cuộc đàm phán về hạn mức nợ này, đặc biệt là liên quan đến khoản cứu trợ đại dịch COVID và khoản tài trợ cho IRS đã bị hủy bỏ.
“Hãy lấy số tiền [COVID] đó, lấy tiền của IRS, và đi nói với [Bộ trưởng Ngân khố] Janet Yellen, ‘Bà sẽ thanh toán mọi hóa đơn mà bà cần thanh toán, và chúng tôi sẽ ngồi xuống bàn và làm việc cho người dân Mỹ,” ông Roy nói. “Nhưng đừng nói với tôi là ông sẽ đặt tôi vào chuyện đã rồi để có 4 ngàn tỷ USD bởi vì ông đã từ chối làm công việc của mình. Đó là điều mà Chủ tịch Hạ viện McCarthy nên nói với tổng thống Hoa Kỳ.”
Cuối cùng, dự luật này đưa thêm 4 ngàn tỷ USD vào nợ quốc gia.
Trong cuộc họp báo đó, ông Roy tuyên bố rằng sẽ có một “sự tính toán” nếu dự luật không được thông qua. Mặc dù ông Roy không nói rõ việc tính toán đó sẽ liên quan đến điều gì, nhưng đồng sự Dan Bishop (Cộng Hòa-North Carolina) của ông trong Freedom Caucus biểu thị rằng ông ấy sẽ ủng hộ việc loại ông McCarthy khỏi vị trí Chủ tịch Hạ viện.
“Tôi không thể thờ ơ được,” ông Bishop nói. “Tôi nghĩ điều đó phải được thực hiện.”
Bất chấp sự thừa nhận công khai của ông Bishop, hôm thứ Ba (30/05), ông McCarthy nói với các phóng viên tại Capitol Hill rằng ông không lo lắng về việc mất đi quyền kiểm soát này và rằng ông không chắc tại sao một số thành viên trong Freedom Caucus của ông lại phản đối thỏa thuận này.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times