Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ tuyên bố của Hy Lạp đối với tác phẩm điêu khắc Elgin Marbles
Trong một sự can thiệp công khai, một đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ nói với một hội nghị thượng đỉnh của UNESCO rằng không có hồ sơ ghi chép nào cho thấy Đế chế Ottoman đã bán các tác phẩm này cho lãnh chúa Elgin.
Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ tuyên bố của Hy Lạp về tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch Elgin Marbles, phản bác lập luận của Vương quốc Anh rằng bộ tác phẩm điêu khắc này được mua lại một cách hợp pháp trong thời Đế chế Ottoman.
Lên tiếng tại một hội nghị thượng đỉnh ủy ban liên chính phủ của UNESCO, bà Zeynep Boz, đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ, nói với các đại biểu rằng bà “không biết về bất kỳ tài liệu nào” vào thời điểm đó hợp pháp hóa việc mua tác phẩm đá cẩm thạch này của “những người thực dân” Anh.
Hy Lạp từ lâu đã yêu cầu trả lại những tác phẩm lịch sử do lãnh chúa Elgin lấy đi khỏi thành phố Athens bị chiếm đóng hồi đầu thế kỷ 19 khi ông còn là đại sứ Anh tại Đế chế Ottoman.
Vương quốc Anh khẳng định rằng lãnh chúa Elgin đã mua các tác phẩm điêu khắc này một cách hợp pháp, dựa trên một tài liệu lịch sử được viết bằng tiếng Ý, mặc dù trong các tài liệu còn sót lại từ Đế chế Ottoman không có một hồ sơ như vậy.
Một đại diện của Hy Lạp nói với các đại biểu rằng việc trả lại các tác phẩm điêu khắc của Parthenon này sẽ “khôi phục tính toàn vẹn của một công trình di sản thế giới, biểu tượng của nền văn minh phương Tây.”
Đại diện phía Anh Charlotte Joy nói với các đại biểu rằng bộ tác phẩm điêu khắc này “được mua lại một cách hợp pháp theo luật pháp có liên quan vào thời điểm đó, và được sở hữu hợp pháp bởi những người được ủy thác của Bảo tàng Anh, vốn độc lập với chính phủ kể từ thương vụ mua lại tác phẩm điêu khắc cách đây hơn 200 năm.”
Bà cũng cho biết chính phủ Vương quốc Anh không có vai trò gì trong quyết định này, nhưng theo luật hiện hành, Bảo tàng Anh bị cấm di dời vĩnh viễn các vật phẩm khỏi bộ sưu tập của mình.
Ủng hộ tuyên bố của Hy Lạp, bà Boz nói: “Chúng tôi không biết đến bất kỳ tài liệu nào vào thời điểm đó hợp pháp hóa việc mua bán được thực hiện bởi những người thực dân, Vương quốc Anh. Vì vậy, tôi không nghĩ có chỗ cho cuộc thảo luận về tính hợp pháp của việc này, thậm chí là … theo luật thời đó.”
Bà Joy đáp lại bằng cách nói rằng từ năm 1801 đến năm 1805, lãnh chúa Elgin và các nhân viên của ông “hoạt động theo một sắc chỉ—một giấy phép hoặc sự cho phép—do chính quyền Ottoman, chính phủ hợp pháp thời đó, cấp cho, và bản dịch tiếng Ý của giấy phép này vẫn còn.
Bà nói thêm: “Một giấy phép nữa đã được cấp vào năm 1810 sau những đợt di chuyển ban đầu, cho phép lô hàng cuối cùng của tác phẩm điêu khắc này được vận chuyển đi.”
Tuy nhiên, một đại diện của Hy Lạp phản bác độ tin cậy của bằng chứng đó, gọi bản dịch tiếng Ý đó là một “bức thư” chứ không phải là một sắc chỉ, và nói rằng bức thư đó “được đưa ra sau 14 năm sau vụ cướp phá” và có lẽ là do cộng sự người Ý của lãnh chúa Elgin tạo ra.
Năm 1816, lãnh chúa Elgin đã bán những tác phẩm điêu khắc này cho Nghị viện.
Các phần của bức phù điêu từng được dùng để trang trí cho ngôi đền Parthenon 2,500 năm tuổi ở Acropolis, bộ tác phẩm Elgin Marbles này, đã được trưng bày tại Bảo tàng Anh ở London trong hơn 200 năm.
Hầu hết các phần còn lại của tác phẩm điêu khắc này đều nằm trong một bảo tàng được xây dựng có mục đích ở Athens.
Theo Đạo luật Bảo tàng Anh năm 1963, những người được ủy thác của bảo tàng này bị cấm vứt bỏ các vật phẩm trong bộ sưu tập của bảo tàng ngoại trừ một số trường hợp hạn chế.
Bảo tàng Anh đã và đang thực hiện một thỏa thuận trao đổi để bộ tác phẩm Elgin Marbles có thể được trưng bày ở Hy Lạp, nhưng chủ tịch bảo tàng, cựu Bộ trưởng Ngân khố George Osborne, cho biết luật này có nghĩa là Hy Lạp sẽ phải trả lại các tác phẩm điêu khắc này sau bất kỳ lần trao đổi nào.
Hồi tháng 11/2023, Thủ tướng Rishi Sunak đã hủy một cuộc họp dự kiến với người đồng cấp Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis sau khi ông Mitsotakis thúc đẩy việc trả lại Elgin Marbles.