Sir Noel Malcolm: Không nên cho Hy Lạp mượn bộ phù điêu Elgin Marbles cho đến khi quyền sở hữu của Viện bảo tàng Anh quốc được xác nhận
Sử gia Noel Malcolm nói rằng Lãnh chúa Elgin không ‘lấy trộm’ các bức phù điêu của đền Parthenon
Một trong số những nhà sử học hàng đầu thế giới vừa bác bỏ các tuyên bố cho rằng Những Tượng Đá Cẩm Thạch Elgin (Elgin Marbles) bị tước đoạt phi pháp khỏi ngôi đền Parthenon ở thủ đô Athens và khuyến nghị rằng không nên cho Hy Lạp mượn lại tác phẩm trên nếu họ không thừa nhận quyền sở hữu của Viện bảo tàng Anh quốc.
Trong hàng thập niên, chính phủ Hy Lạp đã vận động để đưa các món đồ tạo tác 2,500 năm tuổi này — thỉnh thoảng được nhắc đến với tên gọi là Parthenon Sculptures (Các Pho Tượng Parthenon) — quay trở về Athens, tuy nhiên Đạo luật Bảo tàng Anh quốc năm 1963 đã ngăn cản đưa những vật phẩm này ra khỏi bộ sưu tập của bảo tàng ngoại trừ một số trường hợp rất hiếm hoi.
Đầu tháng 03/2023, Thủ tướng Anh quốc Rishi Sunak đã tuyên bố rằng ông “không có dự tính” thay đổi Đạo luật Bảo tàng Anh quốc.
Tuy nhiên, Chủ tịch của Bảo tàng Anh quốc, ông George Osborne, cựu bộ trưởng Ngân khố Anh, cho biết ông đang tìm kiếm biện pháp khả thi cho Hy Lạp mượn dài hạn.
Sir Noel Malcolm, một nhà nghiên cứu cao cấp của Đại học All Souls thuộc Trường Đại học Oxford, đã viết một bản báo cáo (pdf) cho viện Policy Exchange để bác bỏ các tuyên bố rằng các bức phù điêu bằng đá cẩm thạch này bị Lãnh chúa Elgin tước đoạt phi pháp trong khoảng giữa năm 1801 và 1805.
Ông Thomas Bruce, Bá tước thứ bảy của Elgin, được bổ nhiệm làm đại sứ của Anh tại Đế quốc Ottoman vào năm 1799 và tại vị trong bốn năm.
Sir Malcolm nói rằng ông Elgin bị mê hoặc bởi kiến trúc Hy Lạp cổ xưa và được đề nghị “tự do lấy đi bất kỳ tượng hoặc chữ khắc trên bia nào mà không làm ảnh hưởng đến các công trình và tường rào của tòa thành” tại đền Parthenon ở Athens.
Sir Malcom nói rằng điều này đã được ban [cho ông Elgin] vào năm 1801 — trong một văn bản giống như chiếu chỉ của vua — ban hành bởi Vua Ottoman ở Istanbul, người vào thời điểm đó đã cai trị toàn bộ vùng đất là Hy Lạp ngày nay.
Ông nói chiếu thư gốc đã không còn nhưng một bản chuyển ngữ sang tiếng Ý lúc bấy giờ đã tuyên bố rằng ông Elgin không bị cấm “mang đi một số mảnh đá khắc chữ cổ, và các nhân vật.”
Ông Malcom nói rằng các pho tượng điêu khắc này được tuần tự chuyển đến Anh quốc trong khoảng giữa năm 1803 và 1812 và được trưng bày tại Viện bảo tàng Anh quốc, nơi mà chúng đã thu hút “sự quan tâm to lớn.”
Viện bảo tàng Anh quốc đã mua những bức phù điêu cẩm thạch từ lãnh chúa Elgin với giá 35,000 bảng Anh
Lãnh chúa Elgin, người đã chi 74,000 bảng Anh để đưa những tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch này về Anh quốc và đang trong cảnh nợ nần chồng chất, đã bán lại tác phẩm đó cho Viện bảo tàng Anh quốc với giá 35,000 bảng Anh sau khi một ủy ban chọn lọc của Hạ viện xem xét nội dung này và thông qua một Đạo luật Quốc hội vào năm 1816 để phê chuẩn giao dịch mua bán đó.
Những Tượng Đá Cẩm Thạch Elgin vẫn luôn được trưng bày tại Viện bảo tàng Anh quốc trong suốt 200 năm qua.
Trong bản báo cáo của mình, Sir Malcom viết: “Những từ ngữ như ‘đánh cắp,’ ‘cướp,’ ‘trộm’ và ‘cưỡng đoạt’ xuất hiện khá thường xuyên khi có những yêu cầu trả lại các bức phù điêu cẩm thạch này cho Athens.” Tuy vậy, ông nói đó là một thuật ngữ sai bởi vì chắc chắn các bức phù điêu này được đưa đi một cách hợp pháp, với sự đồng ý của nhà cầm quyền Ottoman, là chính phủ hợp pháp duy nhất ở Hy Lạp thời bấy giờ.
Ông kết luận: “Nhìn chung, kết luận này là không thể phủ nhận, rằng bằng tất cả tiêu chuẩn pháp lý được áp dụng tại thời điểm đó, bao gồm những tiêu chuẩn trong lĩnh vực luật pháp quốc tế, vốn còn tương đối sơ khai, thì Vua Ottoman là nhà cai trị hợp pháp, và những quyết định được ban hành bởi quan lại và những người đại diện của vua đều có giá trị pháp lý.”
Sau đó, ông Malcom đã xem xét những lập luận về việc có nên trao trả Những Bức Tượng Điêu Khắc Elgin cho Hy Lạp để “khôi phục tính toàn vẹn của tác phẩm nghệ thuật nguyên gốc này” hay không.
Ông đã nêu ra: “Chúng ta nên lưu ý rằng có rất nhiều ví dụ về các tác phẩm nghệ thuật thời Phục Hưng vô cùng quan trọng của nước Ý, như những bệ thờ gồm nhiều phần, hiện đang nằm rải rác giữa các nhà thờ và viện bảo tàng khác nhau.
Tranh đa liên họa Pisa của họa sĩ Masaccio được tìm thấy ở các thành phố như Pisa, Vienna, Naples, và London, bức tranh trang trí sau bệ thờ San Zeno của họa sĩ Mantegna thì ở Verona, Tours, và Paris, và tranh đa liên họa Bichi của họa sĩ Signorelli có ở Paris, Berlin, Dublin, Glasgow, Toledo, và Williamstown. Trong mỗi từng trường hợp, và rất nhiều trường hợp khác, hiện trạng như vậy hầu như được chấp nhận như một thực tế của lịch sử,” ông nói thêm.
Ông nói việc trao trả các khối đá cẩm thạch này về vị trí ban đầu ở đền Parthenon là bất khả và nói thêm rằng, “Thay vào đó, ý tưởng là chuyển các Tượng đá cẩm thạch này từ một bảo tàng này sang một bảo tàng khác.”
“Chắc chắn rằng, chúng sẽ được đặt bên cạnh các tác phẩm điêu khắc gốc khác, nhưng điều này sẽ rất khác so với việc lắp ráp lại tác phẩm nghệ thuật gốc, là tác phẩm mà hai nhóm tượng điêu khắc này đã bị tách đi và rất nhiều tượng điêu khắc khác đã bị thất lạc hoàn toàn,” ông Malcom nói thêm.
Ông Tập Cận Bình nghiêng về phía Hy Lạp
Nhà sử học này cũng nêu lên rằng vào năm 2019, trong một chuyến viếng thăm đến Athens, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói ông đồng ý với người Hy Lạp rằng Những Bức Tượng Điêu Khắc Elgin đang bị thu giữ bất hợp pháp ở Anh quốc và nói: ‘Quý vị sẽ không chỉ có sự ủng hộ của tôi … mà chúng ta nên phối hợp cùng nhau. Bởi vì chúng tôi có rất nhiều di vật của mình ở ngoại quốc, và chúng tôi đang cố gắng hết sức để có thể đưa những tác phẩm này trở về quê nhà càng sớm càng tốt.”
Sir Malcom nói rằng ý tưởng cho Hy Lạp mượn có vẻ như là một sự nhượng bộ hợp lý nhưng ông cho rằng đó là một sai lầm nghiêm trọng.
Ông nói, “Có thể hình dung một kịch bản mà trong đó chính phủ Hy Lạp bảo đảm hoàn trả những bức tượng chạm khắc này từ Athens sau thời hạn một năm, tuy nhiên quá trình di chuyển khỏi Bảo tàng Acropolis khi đó sẽ bị các cuộc biểu tình quy mô lớn chặn lại, dẫn đến việc nhà cầm quyền Hy Lạp nói rằng lời hứa của họ không thể thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng.”
“Một kịch bản khả thi khác có thể dính líu đến các vụ kiện tụng, do các cá nhân hoặc tổ chức ở Hy Lạp đệ đơn. Vụ việc như vậy có thể trì hoãn vĩnh viễn việc trao trả các khối đá cẩm thạch về lại London, hoặc cũng có thể dẫn đến phán quyết của một thẩm phán Hy Lạp rằng hoàn toàn không nên trả lại các cổ vật này,” ông Malcom bổ sung thêm.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times