Thí sinh người Úc: Tác phẩm được chỉ định của Cuộc thi Piano Quốc tế NTD đến từ Thiên Đường
“Ngay từ đầu, tôi cảm thấy âm nhạc đó đến từ một nơi Thần thánh như Thiên Đường. Quá trình tôi đọc hiểu nó giống như một quá trình tìm kiếm (chân lý) vậy, cuối cùng tìm thấy sự lĩnh ngộ, đạt được sự bình hòa, hơn nữa đạt tới cảnh giới cao nhất định”. Anh Timothy Chiang, thí sinh đến từ Úc, đã chia sẻ về cảm nhận của mình trong quá trình luyện tập nhạc phẩm được chỉ định – “The Sacred Journey”.
Vào ngày 30/10, anh Timothy Chiang đã tham gia vòng sơ khảo của Cuộc thi Piano Quốc tế NTD lần thứ 6 được tổ chức tại Phòng hòa nhạc Merkin – Trung tâm Âm nhạc Kaufman ở Manhattan, New York. Anh nói, “Rất nhiều cuộc thi âm nhạc đã lãng quên những điều cổ xưa, tôi nghĩ rằng việc cuộc thi này tập trung vào âm nhạc cổ điển và truyền thống là điều thật sự rất tuyệt vời”.
Tại vòng thi sơ khảo, anh Timothy đã biểu diễn các tác phẩm của Bach và Chopin, nhưng điều khiến anh ấn tượng nhất là tác phẩm được chỉ định “The Sacred Journey” của cuộc thi. “Tôi được biết để tham gia cuộc thi thì phải luyện tập tác phẩm này, sau đó tôi nghĩ, ồ, đây là một cơ hội tốt, tôi sẽ luyện tác phẩm này thật chăm chỉ để tham gia cuộc thi. Tôi thực sự rất thích tác phẩm này”.
Anh Timothy Chiang cho biết, “Học bản nhạc được chỉ định này không hề đơn giản, đó là một quá trình luyện tập cao độ, bởi vì không có gì để tham khảo, tôi chưa bao giờ chơi bản nhạc nào tương tự như vậy. Càng nghiên cứu và luyện tập, tôi càng cảm thấy rằng tất cả những điều dù rất nhỏ cũng đều có hàm ý tinh tế, chúng còn có thể dung hợp với nhau, và tổng thể cũng có ý nghĩa của nó”.
“Điều đặc biệt quan trọng là lắng nghe bản nhạc này từ góc độ vĩ mô, bạn sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa sâu sắc của nó và những gì nhà soạn nhạc đang cố gắng thể hiện”. Anh Timothy Chiang khi diễn tấu bản nhạc này đã cảm nhận rằng, “Tôi cảm thấy giống như một cuộc hành trình, một quá trình tìm kiếm (chân lý), cuối cùng tìm thấy sự lĩnh ngộ, đạt được sự bình hòa, hơn nữa đạt tới cảnh giới cao nhất định”.
“Điều tôi cảm nhận được từ bản nhạc này, đó là bình hòa chính là nguồn năng lượng khổng lồ”.
Anh Timothy Chiang cũng cảm thấy âm nhạc này dường như hiện lên từ sâu thẳm trong ký ức của mình. “Từ góc độ học thuộc lòng một bản nhạc, nếu tôi đã quen thuộc với một tác phẩm nào đó, những đoạn nhạc sẽ tự nhiên nổi lên. Giống như bạn đã phần nào quen thuộc với tình tiết của câu chuyện nên không cần phải tốn quá nhiều công sức để nhớ lại, bạn đã biết nó, bởi vì nó đã khắc sâu trong ký ức của bạn”.
Cảm giác sâu sắc từ ký ức này có phải xuất phát từ gốc người Hoa của anh hay không? “Tôi đoán vậy, có văn hóa Trung Hoa trong bản nhạc. Mặc dù tôi lớn lên ở Úc, nhưng gia đình tôi vẫn mang theo văn hóa Trung Hoa, điều này giúp tôi hiểu rõ hơn về âm nhạc Trung Hoa và văn hóa Trung Hoa… cũng như tất cả những gì mà bản nhạc này chứa đựng”.
Việc luyện tập tác phẩm được chỉ định này cũng khiến anh háo hức được gặp nhà biên soạn bản nhạc. “Tôi tự hỏi nguồn cảm hứng của cô ấy đến từ đâu, liệu có phải đến từ trải nghiệm bản thân giống như những gì bản nhạc mô tả hay không”.
“Bởi vì ngay từ đầu, tôi đã cảm thấy âm nhạc đó đến từ một nơi Thần thánh như Thiên Đường, và xuyên tới cội nguồn, cảm giác có một cuộc đấu tranh rất lớn, giống như cố gắng tìm ra lối thoát, mãi cho đến khi bạn tìm thấy một loại cảm hứng nào đó. Tôi nghĩ đó là những gì tác phẩm muốn biểu đạt, vì vậy nó rất có ý nghĩa.”
Cuộc thi Piano NTD đưa mọi người trở lại xã hội chính thường
Anh Timothy Chiang bắt đầu học piano từ năm 5 tuổi, anh đã tham gia rất nhiều cuộc thi và đạt được nhiều giải thưởng. Khi nói đến điều khiến anh cảm động nhất khi tham gia cuộc thi, thì đó là có thể giao lưu trực tiếp với các thí sinh khác. “Vì chúng tôi có chung một hành trình giống nhau, chúng tôi đều có niềm đam mê với piano, cũng đều trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, chúng tôi đều đối diện với các cơ hội biểu diễn mà cố gắng đi trên con đường sự nghiệp âm nhạc của mình. Tôi nghĩ điều này thực sự đặc biệt”.
Sau hai năm đại dịch, anh Timothy Chiang cho rằng việc NTD tổ chức cuộc thi piano là đang đưa mọi người trở lại trạng thái xã hội bình thường. “Chúng ta có thể bị cô lập (vì đại dịch bùng phát), ngay cả khi chúng ta có mọi thứ mình cần, có thức ăn, nơi ở, nhưng rốt cuộc chúng ta là con người, chúng ta cần kết nối với nhau, bằng các loại hình nghệ thuật để thể hiện cảm xúc nội tâm của chúng ta”.
“Âm nhạc là một thứ rất đặc biệt trong số đó. Cho dù trong thời gian diễn ra dịch bệnh, chúng ta cũng có các bản ghi âm, có thể xem chương trình phát sóng trực tiếp trên Internet, nhưng điều đó không giống như việc bạn có thể trực tiếp đến đó, bởi vì bạn có thể cảm nhận được năng lượng của mỗi người. Đó thực sự là điều mà mọi người nên làm sau đại dịch, như thế mới khiến cách biểu đạt của chúng ta quay lại trạng thái vốn có”.
Anh Timothy Chiang nói rằng âm nhạc truyền thống có năng lượng chính diện, và giúp mọi người kết nối với nhau. “Tôi nghĩ rằng đó là một phần của con người chúng ta. Khi chúng ta cần biểu hiện tính cách của mình, nghệ thuật và âm nhạc rất đặc biệt, chúng sẽ giúp chúng ta kết nối những ý nghĩ sâu sắc mà khác biệt lại với nhau, cũng như kết nối rộng rãi hơn với mọi người”.
Anh Timothy Chiang học piano từ mẹ từ khi còn nhỏ, và bắt đầu chơi violin khi lên 9 tuổi. Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học, anh đã chọn học Nha khoa tại Đại học Melbourne. Sau khi tốt nghiệp, anh vừa là bác sĩ, vừa theo đuổi các cơ hội biểu diễn âm nhạc.
Tạ Giai Tuyên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ