Thế nhân từ đâu đến? Hán Chung Ly dẫn thư sinh dạo quanh Thiên cung phá bỏ bến mê (Phần cuối)
Tiếp theo: Thế nhân từ đâu đến? Hán Chung Ly dẫn thư sinh dạo quanh Thiên cung phá bỏ bến mê (Phần đầu)
Hai người trò chuyện, chốc lát đã đến trước một cung điện nguy nga hùng vĩ. Tổ sư nói: “Hôm nay là ngày hội mỗi năm một lần trên Thiên giới. Các vị Phật, Đạo, Thần khắp nơi sẽ về đây hội tụ. Ngươi cùng ta im lặng chiêm ngưỡng, ta sẽ nói cho ngươi về các danh hiệu của họ trong lịch sử. Tuy đó chỉ là tên gọi lúc Thần giáng sinh xuống thế gian, khi trở về Thiên giới thì không dùng đến nữa, nhưng ta sẽ nói cho ngươi biết, để ngươi dễ dàng đối chiếu.”
Lúc yến hội diễn ra, số lượng Phật, Đạo, Thần và Thiên nhân nhiều vô số kể, chỉ có thể kể một ít trong đó mà thôi. Tam Hoàng Ngũ Đế và nhiều vị Thánh giả cổ xưa mà trong sử sách không hề ghi chép lại [đều có mặt]. Còn có Hữu Sào Thị, Toại Nhân Thị, Nữ Oa Thị, Thần Nông Thị, Thuấn, Vũ, Chu Văn, Vũ Vương, Hán Văn Đế, Hán Vũ Đế, Quang Vũ Đế, Đường Cao Tổ, Chu Thế Tông, Tống Thái Tổ, Tống Nhân Tông, Nguyên Thế Tổ, Minh Hiếu Tông. Lại có Chu Công, Khổng Tử, Thương Hiệt, Tỷ Can, Bành Tổ, Thái Công Vọng, Tiêu Hà, Trương Lương, Tào Tham, Gia Cát Lượng, Lỗ Túc, Tạ An, Phòng Nguyên Linh, Đỗ Như Hối, Ngụy Trưng, Địch Nhân Kiệt, Từ Hữu Công, Trương Cửu Linh, Trương Tuần, Quách Tử Nghi, Nhan Chân Khanh, Lý Bí, Thôi Hựu Phủ, Lục Chí, Dương Oản, Đỗ Hoàng Thường, Lý Giáng, Bùi Độ, Lữ Mông Chính, Khấu Chuẩn, Vương Đán, Phạm Trọng Yêm, Bao Chửng, Tư Mã Quang, Trâu Hạo, Trần Quán, Lý Cương, Tông Trạch, Triệu Đỉnh, Nhạc Phi, Lục Tú Phu, Văn Thiên Tường, Gia Luật Sở Tài, Liêm Hy Hiến, Lưu Cơ, Phương Hiếu Nhụ, Vu Khiêm, Vương Thứ, Lưu Kiện, Tạ Thiên, Lưu Đại Hạ, Vương Thủ Nhân, Dương Kế Thịnh, Bào Thúc Nha, Bách Lý Hề, Ninh Du, Đấu Cốc Ô Thố, Sĩ Hội, Thúc Tôn Nhược, Thân Bao Tư, Thẩm Chư Lương, Nhạc Nghị, Điền Đan, Ngụy Vô Kị, Lý Mục, Hàn Tín, Chu Á Phu lần lượt đến tham dự đại hội.
Ngoài ra còn có Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh, Hoắc Quang, Triệu Sung Quốc, Tô Vũ, Trương Khiên, Ngụy Tướng, Trần Thang, Ngô Hán, Giả Phục, Phùng Dị, Sầm Bành, Cảnh Yểm, Lai Thiệp, Sái Tuân, Ban Siêu, Hoàng Phủ Quy, Tôn Sách, Triệu Vân, Bàng Thống, Trương Phi, Chu Du, Lục Tốn, Lục Kháng, Chu Xứ, Vương Đạo, Chu Phóng, Ôn Kiệu, Đào Khản, Tạ Nguyên, Mộ Dung Khác, Vương Mãnh, Vi Duệ, Trương Tu Đà, Lý Tĩnh, Tiết Nhân Quý, Tô Định Phương, Bùi Hành Kiệm, Lý Quang Bật, Đoàn Tú Thực, Lý Thạnh, Mã Toại, Hồn Kiểm, Vi Cao, Lý Đức Dụ, Tiền Lục, Hàn Thông, Tào Bân, Địch Thanh, Trương Vịnh, Hàn Thế Trung, Ngô Giới, Lưu Ỷ, Ngu Doãn Văn, Mạnh Củng, Trương Thế Kiệt, Mục Hô Lý, Thác Khắc Thác, Tốc Bất Đài, Sát Hãn Đặc Mục Nhĩ, Đổng Bác Tiêu, Khố Khố Đặc Mục Nhĩ, Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân, Thiết Huyễn, Từ Huy Tổ, Trương Phụ, Lý Hiền, Dương Nhất Thanh, Trương Cư Chính, Vương Sùng Cổ, Thích Kế Quang, Du Đại Du, Lý Băng, Biển Thước, Hoa Đà, Vương Thúc Hòa, Cát Hồng, Tôn Tư Mạc, Bá Di, Thúc Tề, Liễu Hạ Huệ, 72 môn đồ của Khổng Tử v.v. Còn nhiều người khác nữa vì sử sách thất truyền mà mai một danh tiếng.
Đến đại hội sau cùng là các vị Phật như Thích Ca Mâu Ni, Di Lặc và các vị Đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm. Ngoài ra còn có các vị Tiên nhân cổ xưa như Quảng Thành Tử, Hứa Do, Xích Tùng Tử, Hồng Nhai tiên sinh, Quan Doãn Hỉ, An Kỳ Sinh, Ngụy Bá Dương, Từ Thứ, Đào Hoằng Cảnh, Lữ Nham, Trần Chuyên, Khâu Xứ Cơ v.v. Vô số các vị Tiên nhân đến tham dự đại hội.
Sau khi đại hội kết thúc, các vị Phật, Đạo, Thần đều rời đi. Thư sinh và tổ sư vừa đi vừa trò chuyện. Trong lúc trò chuyện, thư sinh nhìn về phía đường chân trời, bỗng nhiên trông thấy mặt trời đỏ đang bao lấy ngọn núi, mây chiều ngũ sắc, trùng điệp lên nhau, sáng như lụa gấm, cầu vồng vắt ngang bầu trời, ngũ sắc đan xen. Tổ sư nói: “Mây báo điềm lành. Nhân gian mấy trăm năm mới xuất hiện một lần, điềm lành ấy thực to lớn. Tầng trời này không có thời gian mặt trời mọc và lặn. Một lúc sau, nhìn thấy trăng sáng vằng vặc lên từ phía đông, nhưng nhìn lên bầu trời, lại có một mặt trăng, thư sinh bèn hỏi: “Sao lại có hai mặt trăng?”
Tổ sư đáp: “Tầng trời này có bốn mặt trăng xoay vòng. Cái này khuyết thì cái kia tròn, cái này lặn thì cái kia mọc, mỗi đêm đều có mặt trăng chiếu sáng. Lại có lúc cả bốn mặt trăng đều tròn, cùng một lúc soi rọi chiếu sáng, mỗi tháng không quá hai ngày, ánh sáng rực rỡ còn hơn cả ban ngày. Đêm nay là một đêm đẹp, cách đây hơn trăm dặm có một vùng danh thắng, ta sẽ cùng ngươi đến đó nghỉ ngơi. Nơi này là nơi mà chư Tiên nữ thưởng nguyệt. Họ đều là những người từng giáng sinh xuống nhân gian. Các tài tử du nhân cũng tụ hội ở đó. Đây là lúc thích hợp để ngươi có thể gặp được thê tử của mình.
Hai người cưỡi mây trong chốc lát là đến. Khung cảnh lâu đài hồ uyển dẫn người vào cảnh giới tươi đẹp. Trên đường có một cái đình, tổ sư nói: “Chúng ta có thể ở lại đây, các Tiên nữ chắc chắn sẽ đi ngang nơi này. Chúng ta ngồi ở khúc quanh co này chờ đợi.” Trên bầu trời ba mặt trăng chiếu rọi, tiếp đó bốn mặt trăng đồng thời chiếu sáng. Dưới mái đình có một con suối có thể soi mái tóc. Bên ngoài đình có cây Tiên nhân chưởng to lớn chừng vài trượng. Tổ sư cúi người xuống lấy nước suối, hòa với nước cam lộ, rồi cùng uống với chàng thư sinh. Nước cam lộ mát lạnh hơn tất cả những gì có ở nhân gian. Một lúc sau, trông thấy những đám mây nhẹ nhàng nhô ra khỏi ngọn núi, bốc lên thành ráng ngũ sắc tươi đẹp. Chúng thấp thoáng cùng với bốn mặt trăng, như gấm trải khắp bầu trời, huy hoàng ngũ sắc, chói mắt khác thường. Tổ sư nói: “Mặt trăng này thật rực rỡ.”
Hai người im lặng vừa chờ đợi, vừa ngắm ánh trăng cảnh vật. Gió mát thổi nhẹ tới, phảng phất nhạc Tiên thoáng qua tai, ánh trăng ngũ sắc hoán đổi. Lúc này, trong lòng chàng thư sinh cảm thấy rất vui, tràn đầy vẻ an dật, tình nguyện vĩnh viễn hưởng phước trời. Chớp mắt chư Tiên nữ đã đến. Người ngồi xe, cưỡi ngựa, ngồi kiệu hoặc thổi tiêu, thổi sáo, gõ đàn phách, vẫy quạt lông, cầm phất trần. Màu sắc y phục của các Tiên nữ khác nhau, phối cùng các loại trang sức ngọc quý, sặc sỡ vô song, rực rỡ hoa lệ. Các Tiên nữ khi đi ngang mái đình thì tiến vào bên trong điện, tổ sư chỉ cho thư sinh biết danh tính từng người.
Ngoại trừ danh tính của Thái cô Tiên nữ không thể kiểm tra ra được thì cũng có Tiên nữ không muốn người thế tục biết danh tính của mình nên cũng ẩn danh. Thư sinh chỉ có thể trích lục được một phần, gồm có Nga Hoàng, Nữ Anh, Chu Thất tam mẫu (Thái Khương, Thái Nhậm, Thái Tự), Vô Diệm, Hán Thích phu nhân, Hiếu Huệ Chương Hoàng Hậu, Ban Tiệp Dư, Vương Chiêu Quân, Âm Hoàng Hậu, Đường Trưởng Tôn Hoàng Hậu, Ý An Quách Thái Hậu, Hậu Đường Hàn Thục Phi, Tiểu Phù Hậu của Thế Tông nhà Hậu Chu, Cao Hậu của Anh Tông, Hướng Hậu của Thần Tông, Mạnh Hậu của Triết Tông, Chu Hậu của Khâm Tông, Hoàng Hậu Ba Bái Cáp Tư của Nguyên Thái Định Đế, Minh Cao Từ Mã Hậu v.v.
Lại có trăm Tiên nữ cùng nhau đến, tổ sư nói: “Lộng Ngọc, Hán Lỗ Nguyên công chúa, Đại Kiều, Tiểu Kiều.” Những người còn lại không nói rõ từng người được. Ở trên Hàm Nguyên các phía xa, Tây Vương Mẫu cùng chúng Tiên nữ đang thưởng ngoạn ánh trăng. Có Nhan Mẫu của Khổng Tử, Mạnh Mẫu, Đào Mẫu, Đề Oanh, Đậu Nga, Tào Nga v.v. cùng các Tiên nữ khác.
Ở giữa các đình đài lầu các lại có hơn một trăm Tiên nữ quây quần nhìn về nơi xa, ba đến năm người hợp thành một nhóm. Tổ sư nói: “Những người này là tản Tiên, trong đó có La Phu, Mộc Lan, Lục Châu, Hồng Phất.” Thư sinh lúc này trông thấy thê tử của mình. Nàng ấy đến trước đình, đứng cách lan can nói với thư sinh rằng: “Thiếp ở đây rất vui vẻ. Quân tử căn cơ rất sâu dày mới có được sự trợ giúp của đại Tiên mà đến Thiên cung dạo chơi. Tuy vậy, người vẫn còn thời hạn 11 năm ở nơi trần thế. Đợi đến lúc thì có thể quay trở về nơi này, lúc đó tự nhiên chúng ta có thể gặp được nhau.” Nàng ấy nói xong thì nhanh chóng rời đi.
Lúc này, ánh trăng càng sáng hơn. Mây ngũ sắc bốc thành hơn hai mươi hình dạng với ánh sáng rực rỡ khác nhau. Có cái thì trải ra như gấm, có cái thì bắc ngang như cây cầu, có cái thì như tháp phù đồ bảy tầng, hoặc có cái thì phân thành tựa như hàng ngàn sợi tơ, chư Tiên đều kinh ngạc vỗ tay. Chàng thư sinh trông thấy có nhiều Tiên nhân hơn nữa đến thưởng nguyệt. Người cưỡi kỳ lân, người cưỡi phượng hoàng, người cưỡi thần sư. Tất cả họ đều chói sáng rực rỡ đầy màu sắc chưa từng thấy ở thế gian. Lại trông thấy các tiên đồng nam và nữ cưỡi ngựa nhanh như bay, nói cười rất vui vẻ. Thư sinh kinh ngạc hỏi: “Tổ sư lúc nãy chẳng phải nói rằng nơi này không có dục vọng nam nữ, vì vậy cũng không có sinh nở, vĩnh viễn không có kiếp số. Vậy sao lại có phu phụ Chu Công Cẩn và Tiểu Kiều ngồi với nhau trên xe vậy?”
Tổ sư nói: “Họ là bằng hữu, không phải phu phụ. Nơi này vốn không có dục vọng nam nữ, do đó nam nữ kết bạn không phải là chuyện hiếm. Chư Tiên ở nơi này đã hàng ngàn vạn năm, họ dựa vào tính tình tương đồng mà kết bạn với nhau. Hoặc cũng có người vừa gặp nhau chỉ nở một nụ cười, nếu động lòng trần thì sẽ bị giáng xuống làm phu phụ. Chỉ cần tâm trần duyên vừa động thì không thể lưu lại nơi nhẹ nhàng và thuần khiết này được. Thời gian ở trần thế dài hay ngắn còn phải xem tình cảm của họ nông sâu ra sao để định đoạt. Chư Tiên kết phu phụ ở trần thế chẳng qua cũng chỉ mấy năm hoặc mấy tháng mà thôi. Tạm thời làm phu phụ cũng chỉ là huyễn hoặc. Mỗi người cũng đã quay về với chân ngã của mình. Tuy vẫn là bằng hữu, nhưng tâm của họ không động, tuy ngồi cùng một xe nhưng không có gì đáng chê trách cả. Tương lai khi ngươi trở lại nơi này, thì cũng sẽ hội ngộ với thê tử người tại đây.
Lại thấy Hán Huệ Hậu, Chiêu Hậu, Ai Hậu, Bình Hậu, Tôn phu nhân, Mục Hậu, Đường Hán Thục Phi, Chu Phù Hậu, Tống Tống Hậu, Mạnh Hậu, Chu Hậu, Nguyên Ninh Tông Hậu đều cưỡi phượng hoàng đến lầu Cảnh Đức. Hóa ra là Ban Chiêu mời chư Hậu phi vào bên trong thưởng nguyệt. Thư sinh hỏi: “Tại sao những hậu phi trong lịch sử này có thể giáng sinh xuống tầng trời này?” Tổ sư nói: “Chư hậu phi này đều là những người trinh tiết, thuần khiết nhất. Con người đều biết rằng trong bần cùng thì rất khó giữ được trinh tiết, nhưng không hề biết rằng vị trí đến bậc hậu phi, chịu sự gò bó của thế sự, thì sự gian khổ khó khăn còn gấp nhiều lần so với thường dân. Chư Tiên nơi này đều xem sự bảo toàn khí tiết của Hán Huệ Hậu là nỗi khổ lớn. Tất cả đều đến lầu Cảnh Đức ngắm trăng. Hôm nay chỉ có một mình [Ban Chiêu], chư Tiên nữ cảm thấy cô liêu, ít vui vẻ, cho nên mới mời nhiều vị đến cùng thưởng trăng.”
“Đến nửa đêm là lúc phải trở về. Ta sẽ đưa ngươi đến Hàn Lâm Viện thăm hỏi chư hiền, sau đó sẽ đưa ngươi trở về.”
Nói rồi Tổ sư cưỡi một cơn gió nhẹ đến một tòa nhà lớn ở một vùng đất rộng có hơn ngàn gian phòng. Bên trong có một cái sân, chư hiền ở đây thổi trúc đánh đàn, thưởng nguyệt dạo chơi. Có Lý Thuần Phong, Tăng Nhất Hành, Quách Thủ Kính, Yến Anh, Đông Phương Sóc, Khuất Nguyên, Trang Chu, Mai Thừa, Giả Nghị, Lưu Hướng, Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, Lý Ngao, Âu Dương Tu, Tăng Củng, Tống Ngọc, Tư Mã Tương Như, Dương Hùng, Trương Hành, Tào Thực, Tả Tư, Quách Phác, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tô Thức, Hoàng Đình Kiên, Cao Khởi, Sư Khoáng, Công Du Ban, Dưỡng Do Cơ, Bá Nha, Thái Ung, Kê Khang, Cố Khải Chi, Ngô Đạo Tử, Trương Tăng Diêu, Nghê Toản, Đường Dần, Vương Hy Chi, Chử Toại Lương, Ngu Thế Nam, Âu Dương Tuân, Liễu Công Quyền v.v. Vô số danh nhân lịch sử đều tụ hội.
Theo “Dung am bút ký”