Thanh thiếu niên và các bậc cha mẹ hãy cẩn thận, lừa đảo trên mạng xã hội đang gia tăng
Thanh thiếu niên ngày nay — và nhiều bậc cha mẹ nữa — đang bị ám ảnh bởi mạng xã hội. Những kẻ lừa đảo đang tìm kiếm mục tiêu để trộm cắp thông tin cá nhân cũng thế.
Đối với các nạn nhân, sự tác động hết ngày này qua ngày khác do để mất cảnh giác có thể làm thay đổi cả cuộc sống của họ, cả về mặt tài chính và tình cảm. Và vấn đề này dường như đang trở nên tồi tệ hơn, theo “Báo cáo Tác động đến Người tiêu dùng” năm 2022 của Identity Theft Resource Center (Trung tâm hỗ trợ mất cắp thông tin cá nhân – ITRC) mới phát hành.
Báo cáo này đã cho thấy mức tăng đáng báo động 1,000% trong việc chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội trong năm qua so với năm 2021.
Báo cáo này phản ánh các phản hồi của 120 nạn nhân đã liên hệ với tổ chức bất vụ lợi bảo vệ người tiêu dùng có trụ sở tại San Diego này từ tháng 04/2021 đến tháng 03/2022. ITRC, tổ chức đã công bố báo cáo tác động người tiêu dùng của mình từ năm 2003, cũng đã tìm kiếm ý kiến phản hồi trong một cuộc khảo sát trực tuyến với hơn 1,300 người tiêu dùng để có được sự hiểu biết sâu rộng hơn về việc trộm cắp thông tin cá nhân đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nạn nhân như thế nào.
Đúng là quy mô khảo sát này còn nhỏ, nhưng những phát hiện giúp đưa ra các dấu hiệu cảnh báo tới các thanh thiếu niên và cả những người trưởng thành, những người đang dành thời gian trên Facebook, Instagram, các thị trường mua sắm trực tuyến, và các nền tảng truyền thông xã hội khác.
Tôi luôn cảm thấy những kẻ lừa đảo luôn đi trước luật pháp một bước khi chúng có những cách thức mới để đánh cắp thông tin cá nhân, chẳng hạn như số An sinh Xã hội, và các tài khoản trực tuyến cá nhân. Dường như là sớm hay muộn, thì tất cả mọi người đều sẽ trở thành nạn nhân.
Theo ITRC, chiêu trò mới nhất được biết tới chính là lừa đảo bằng Google Voice. Kiểu lừa đảo này hoạt động như sau: Khi quý vị ghi danh Google Voice hoặc thêm số điện thoại vào tài khoản của mình, thì Google sẽ gửi cho quý vị một tin nhắn văn bản có mã xác thực để kích hoạt điện thoại của quý vị.
Giờ là đến phần lừa đảo. Về căn bản, những kẻ lừa đảo giả làm người mua và người bán tiềm năng trên thị trường trực tuyến. Nhưng trên thực tế, chúng đang tìm cách đánh cắp mã xác thực Google để truy cập thông tin cá nhân của quý vị và tạo một tài khoản Google Voice giả dưới tên của quý vị. Tài khoản này sau đó sẽ được sử dụng để lừa đảo người khác.
ITRC cho biết một số tội phạm đang tạo các bài đăng trực tuyến để rao bán một món đồ, cho thuê phòng, hoặc tìm thú cưng bị lạc. Nạn nhân liên hệ vì họ có quan tâm và tên tội phạm yêu cầu mã Google Voice. Ngoài ra, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng này cho biết họ cũng đã nhận được báo cáo về những kẻ lừa đảo nhắm mục tiêu vào các trang web hẹn hò.
Để tránh những trò gian lận như vậy, ITRC khuyên quý vị nên dành thời gian suy xét khi mua và bán (trên mạng). Và nếu ai đó yêu cầu quý vị chia sẻ mã xác thực Google thì sao? Hãy đừng chia sẻ bởi vì đó có thể là một chiêu trò lừa đảo.
Những điểm nổi bật khác từ báo cáo này:
- Gần 40% nạn nhân theo ITRC cho biết thông tin cá nhân của họ đã bị đánh cắp, xâm phạm, hoặc lạm dụng trong năm qua.
- 85% số người được hỏi có tài khoản Instagram bị xâm phạm, trong khi 25% có tài khoản Facebook bị xâm phạm
- 48% đã nhấn vào một liên kết mà họ lầm tưởng là từ một người bạn.
- 22% đã trả lời một thư lừa đảo về mã kim.
- Người tiêu dùng lớn tuổi dễ bị lừa hơn so với các thiếu niên và thanh niên. Hơn một nửa là từ 55 tuổi trở lên, so với 3% từ 18 đến 24 tuổi.
- Hầu hết các nạn nhân báo cáo bị mất ít hơn 500 USD, mặc dù có sự gia tăng tới 30% số lượng nạn nhân bị mất ít nhất 10,000 USD.
- 66% nạn nhân cho biết có phản ứng mạnh về cảm xúc khi mất quyền kiểm soát tài khoản mạng xã hội, bao gồm cảm giác bị xâm phạm, cảm thấy dễ bị tổn thương, cảm thấy tức giận, và thậm chí muốn tự tử.
Nếu quý vị là nạn nhân hoặc muốn báo cáo một vụ lừa đảo, hãy liên hệ với ITRC theo số (888) 400-5530 hoặc truy cập www.idtheftcenter.org.
Minh Trí biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times