Thành phố trên đồi: Cách những giá trị trong Kinh thánh ở Hoa Kỳ trở nên khác biệt
Nhờ tuân thủ các nguyên tắc Kinh thánh, các nhà lãnh đạo cũng như quốc gia có thể khắc phục những sai lầm.
Tôi rất muốn giới thiệu bạn xem một trong loạt chương trình truyền hình mới nhất trên EpochTV mang tên “Câu chuyện Hoa Kỳ – The American Story.” Dựa trên các tài liệu lịch sử gốc, chương trình kể lại câu chuyện truyền cảm hứng có thật về những năm đầu lập quốc của Hoa Kỳ, [và chúng] thường trái ngược với những câu chuyện mà chúng ta nghe thấy ngày nay.
Trong tập bốn, “Những thuộc địa ban đầu và sự thức tỉnh vĩ đại,” người dẫn chương trình ông Timothy Barton, Chủ tịch [tổ chức] WallBuilders và ông Jonathan Richie, Trợ lý Giám đốc [bảo tàng] American Journey Experience, sử dụng các tài liệu và hiện vật lịch sử để kể câu chuyện về các thuộc địa thời đầu ở Hoa Kỳ, cùng với các giá trị trong Kinh thánh ảnh hưởng đến xã hội dân sự, công lý và tự do.
Một hình mẫu cho thế giới
Theo gương các thuộc địa Plymouth, nhiều làn sóng lớn người di cư từ Âu Châu bắt đầu đổ xô đến các thuộc địa để tìm kiếm tự do tôn giáo. Vào năm 1630, khoảng 1,000 người đàn ông đã đi cùng một người tên là John Winthrop đến Mỹ Châu trên chiếc tàu Arabella. Trong chuyến đi, Winthrop viết rằng nếu ông và những người khai hoang có thể làm theo chỉ dẫn của Chúa và thấm nhuần các chân lý và giá trị trong Kinh thánh vào tân thế giới, thì [thế giới này] có thể trở thành một ngọn hải đăng soi sáng cho những nơi khác. “Chúng ta sẽ giống như một thành phố trên đồi, ánh mắt của tất cả mọi người sẽ dõi theo chúng ta.”
Mặc dù cụm từ “thành phố trên đồi” có nguồn gốc từ một bài giảng trong Kinh thánh, [nhưng lại] thường được sử dụng như từ dẫn chiếu đến ví dụ về nền tự do và nhân quyền của Hoa Kỳ đối với phần còn lại của thế giới. Đối với Winthrop và những người khai hoang khác vào thời điểm đó, tự do tôn giáo là chìa khóa để sống theo cách họ muốn mà không bị chính phủ can thiệp, đồng thời thấm nhuần các nguyên tắc và giá trị để tạo nên một xã hội thịnh vượng và phát triển. Ý tưởng này lan rộng ra các thuộc địa xung quanh.
Các vụ xét xử phù thủy Salem
Ngày nay, chúng ta thường nghe người nói Thanh giáo* “không khoan dung” như thế nào. Một ví dụ thường được dẫn chiếu là Những vụ xét xử phù thủy Salem. Trong tập phim trên EpochTV, ông Barton và ông Richie lưu ý rằng người Thanh giáo đã đi trước thời đại, vì không một thuộc địa Thanh giáo nào có hơn 15 tội tử hình, trong khi ở Anh có hơn 200 tội tử hình có thể tước đoạt mạng sống của một người.
Các cuộc xét xử phù thủy được cho là đã diễn ra trong khoảng 18 tháng tại các thuộc địa. Tổng cộng 27 người chết trong thời kỳ này, 19 người bị hành quyết và 8 người chết trong tù. Ông Richie nói rằng điều đáng chú ý là ở Âu Châu cũng có nhiều phiên xét xử phù thủy diễn ra cùng thời điểm ấy, tuy nhiên các phiên tòa [như vậy] đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Ước tính có khoảng 500,000 người đã mất mạng trong các phiên tòa xét xử phù thủy ở Âu Châu, trong đó 30,000 người ở Anh, 75,000 người ở Pháp và 100,000 người ở Đức.
Tại sao các cuộc xét xử diễn ra trong nhiều thập kỷ ở Âu Châu mà không phải ở Mỹ Châu? Barton cho rằng điều này là do các nguyên tắc Kinh thánh mạnh mẽ hơn ở Hoa Kỳ đã dẫn đến việc cải thiện quyền con người. Ví dụ, người Thanh giáo công nhận quyền theo thủ tục tố tụng, xuất phát từ các nguyên tắc Kinh thánh rằng người bị buộc tội phải có thể đối chất với người tố cáo của họ, đưa ra nhân chứng, v.v.
Những người Thanh giáo đối mặt với Thẩm phán, người giữ vai trò chủ chốt trong các cuộc xét xử phù thủy ở các thuộc địa, nói rằng các cuộc xét xử không được thực hiện theo Kinh thánh. Có tài liệu cho rằng thẩm phán đã thú tội và ăn năn trước hội thánh của mình và hội thánh đã thiết lập một ngày cầu nguyện và ăn chay để cầu xin sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Những người Thanh giáo thậm chí còn cấp tiền bồi thường cho những gia đình có người thân đã thiệt mạng.
Mặc dù người Thanh giáo không hoàn hảo và có những sai lầm, nhưng chắc chắn họ đã dàn xếp các phiên xét xử phù thủy khác với các phiên tòa xét xử phù thủy ở Âu Châu. Ông Barton nói rằng thật dễ dàng để xem các phiên tòa xét xử phù thủy và đánh giá những người Pilgrims là không khoan dung, nhưng ông nói rằng điều quan trọng là phải đánh giá con người theo thời đại họ đang sống.
Liệu những người đi khai hoang đã cướp đất của người bản địa?
Nhiều thuộc địa ban đầu được lãnh đạo bởi các mục sư và được thành lập vì lý do tôn giáo. William Penn là một trong những mục sư này. Ông xuất thân từ một gia đình giàu có ở Anh và bị thu hút bởi tín ngưỡng của người thuộc Tín Hữu hội Vì người Anh bắt buộc phải theo Anh giáo vào thời điểm đó, nên cuối cùng ông đã dẫn đầu một phái đoàn người Quakers đến tân thế giới.
Khi họ đến nơi, ông Penn phát hiện ra rằng những Người bản địa đang sinh sống ở đó. Ông ta nhận ra rằng chỉ vì Nhà vua đã cấp cho ông ấy vùng đất Pennsylvania trên giấy tờ, nên người bản địa mới là chủ nhân thực sự, vì họ đã sinh sống ở đó. Dựa trên các nguyên tắc tôn giáo của mình, ông Penn đã gặp gỡ những người bản địa và mua đất từ họ với giá theo thỏa thuận. Tập quán mua đất từ người bản địa này vẫn tiếp tục và được ghi chép lại đầy đủ, với các giấy tờ hợp pháp mua đất từ người Mỹ bản địa trong thời kỳ đầu thuộc địa.
Ông Richie lưu ý rằng điều này rất quan trọng vì người thổ dân da đỏ không hành xử theo cách này. Khi một bộ lạc thổ dân muốn có thêm đất, họ sẽ chinh phục bộ lạc gần nhất và lấy đất. Những người thuộc địa đã đưa ra một quy ước mới là trao đổi giá trị thay vì tranh giành nó.
Ông Barton nói khi Hoa Kỳ bước vào kỷ nguyên Jacksonian, và khi một số nhà lãnh đạo Hoa Kỳ rời xa hiểu biết về Kinh thánh, sự thay đổi trong cách đối xử với người Mỹ bản địa xuất hiện. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu thuộc địa hóa trong lịch sử Hoa Kỳ, quan điểm cho rằng người Hoa Kỳ đã đánh cắp đất từ tay thổ dân Mỹ đơn giản là không chính xác về mặt lịch sử. Đây là lý do tại sao ông Barton nhấn mạnh điều quan trọng là phải quay lại các tài liệu gốc, nói rằng đôi khi chúng kể một câu chuyện rất khác so với câu chuyện hiện nay.
Sự chấp nhận và hiệp nhất của Cơ đốc nhân
Các thuộc địa cuối cùng đã trở thành quê hương của một số giáo sĩ có tiếng, chẳng hạn như anh em ngài John và Charles nhà Wesley và ngài George Whitefield. Ngài George Whitefield được biết đến với việc cưỡi ngựa đi khắp các thuộc địa để thuyết giảng cho đông đảo những nhóm người.
Cuộc hành trình của ông bắt đầu khi ông đi gây quỹ cho một trại trẻ mồ côi. Trong cuộc hành trình đầu tiên của mình, ông nhận thấy có sự phân chia giữa các giáo phái khác nhau. Ông cho rằng đây là một vấn đề, và tin rằng các thuộc địa cần phải hiệp nhất. Ngài Whitefield đã có nhiều suy nghĩ về cách các thuộc địa ban đầu nên hoạt động, chẳng hạn như có quân đội của riêng họ và không chỉ đơn giản là phụ thuộc vào Anh. Một số đề xuất của ông cuối cùng đã trở nên có ảnh hưởng trong cuộc Cách mạng Hoa Kỳ.
Là một nhà truyền giáo và người du ngoạn, ông cần có quỹ [tài trợ]. Ngài Whitefield được tài trợ bởi Nữ Công tước Selena vùng Huntington. Bà Công tước là một nhân vật quan trọng ở Anh, người đã tài trợ cho các nhân vật tôn giáo theo niềm đam mê của bà ấy để giúp đỡ và truyền bá các nguyên tắc Kinh thánh và tự do ở Mỹ.
Ông Barton nói rằng trong suốt bề dày lịch sử, có rất nhiều phần trong câu chuyện của người Mỹ, nơi mọi người bắt đầu làm việc cùng nhau và thực hiện những phần độc đáo của họ, đặt nền tảng cho những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Thông điệp của ngài Whitfield về sự chấp nhận và hiệp nhất của Cơ đốc giáo trái ngược với nhà thờ Anh vào thời điểm đó và dẫn đến một di sản rất khác.
Những giá trị Kinh thánh có tốt cho xã hội không?
Tập phim của EpochTV tiết lộ Hoa Kỳ được xây dựng chủ yếu dựa trên các nguyên tắc tôn giáo và mong muốn đạt được tự do tôn giáo. Điều này có thể là một điều tốt hay xấu, tùy thuộc vào người bạn hỏi, nhưng các tài liệu lịch sử cho thấy những niềm tin này thể hiện rõ ràng giữa những người khai hoang đầu tiên và cách các giá trị Kinh thánh đóng góp cho xã hội.
Mặc dù có rất nhiều nhà lãnh đạo và bối cảnh mà những điều tồi tệ đã xảy ra, các tài liệu lịch sử cho thấy rằng khi các thuộc địa ban đầu mắc sai lầm, họ thường khắc phục vấn đề của họ với tốc độ nhanh hơn nhiều so với những nơi khác trên thế giới, và điều này xảy ra phần lớn là nhờ tuân thủ các nguyên tắc Kinh thánh.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của thời báo The EpochTimes.
Chú thích của dịch giả:
*Thuật từ “Thanh giáo” được dùng để chỉ những người từ chối chấp nhận cuộc cải cách tôn giáo của Giáo hội Anh, và những người chủ trương tách rời khỏi quốc giáo được xác lập theo Định chế Tôn giáo thời Elizabeth.(Theo Wiki)
Trường An biên dịch
Quý vị tham khảo bài gốc tại The Epoch Times