Những bức chân dung Tổng thống Hoa Kỳ
Gilbert Stuart và George Peter Alexander Healy là hai nghệ sĩ vẽ chân dung lừng danh tại Hoa Kỳ, đã thực hiện nhiều bức chân dung của các đời tổng thống.
Truyền thống vẽ chân dung các đời tổng thống đã có từ rất lâu, cũng lâu như sự tồn tại của văn phòng tổng thống Hoa Kỳ vậy. Truyền thống này bắt đầu với bức chân dung của cố tổng thống George Washington (1796) được họa bởi họa sĩ Gilbert Stuart. Để rồi, tất cả những tổng thống sau đó đều có cho mình một bức chân dung bằng cọ vẽ.
Trước đây, những bức chân dung được thực hiện bằng tranh sơn dầu trên nền vải canvas, nhưng sự ra đời của máy ảnh đã mang đến những cách ghi lại chân dung hoàn toàn mới. Xuyên suốt lịch sử, những bức chân dung là cách để hình ảnh của các vị tổng thống đến với công chúng và đồng thời là cách ghi lại dáng vẻ bên ngoài của họ, vì trên thực tế, hầu hết người dân khó lòng nhìn thấy vị tổng tổng bằng xương bằng thịt.
Trên thực tế, Franklin Delano Roosevelt là vị tổng thống đầu tiên xuất hiện trên truyền hình vào năm 1939, còn tổng thống Harry S. Truman lần đầu cung cấp địa chỉ của dinh tổng thống trên truyền hình từ Tòa Bạch Ốc vào năm 1947. Những bức chân dung nhằm phục vụ cho một mục đích lớn hơn là để thỏa mãn óc tò mò của công chúng về hình dung của những vị nguyên thủ. Những tác phẩm nghệ thuật đó, những tài liệu mang tính lịch sử đó giúp truyền tải tính cách, tâm tư tình cảm, những giá trị và kể cả di sản mà mỗi vị tổng thống muốn để lại cho hậu thế.
Bức chân dung Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ được họa bởi Stuart bao gồm rất nhiều các biểu tượng. “Chân dung Lansdowne” có các họa tiết trực quan ám chỉ từ nền Cộng hòa thời La Mã cổ đại cùng với những chi tiết đại diện cho nền cộng hòa hãy còn non trẻ của Hoa Kỳ. Việc tưởng nhớ các vị tổng thống thông qua những bức tranh chân dung là một trong nhiều truyền thống mà người Mỹ đã tiếp thụ từ các tiền lệ Âu châu. Stuart tỉ mẫn khắc họa ngài Washington là một nhà lãnh đạo dân chủ thay vì là một nhà vua hoặc một lãnh đạo quân phiệt. Trong tác phẩm đó, ông đã đặt ra tiêu chuẩn để miêu tả tổng thống như một nhân vật của người dân Hoa Kỳ.
Washington đứng trong tư thế của một nhà hùng biện, đang phát biểu một cách đĩnh đạc tại Quốc hội Hoa Kỳ lần thứ 4. Trang phục chất liệu nhung đen tuy thanh lịch mà đơn giản của ngài thoạt nhìn có vẻ không phù hợp với các tiêu chuẩn ngày nay, nhưng đáng chú ý ở chỗ Stuart đã không miêu tả Washington với những huân chương và phục sức thường thấy ở những bức chân dung châu ở Âu châu ở thế kỷ 18. Còn thanh kiếm của tổng thống là đạo cụ để điểm tô đi kèm với trang phục chứ không là một thanh kiếm dùng trong chiến trận. Đây là biểu tượng nhấn mạnh hình thức dân chủ mới của chính phủ Hoa Kỳ. Phần phông nền phía sau là những đám mây giông cùng một cầu vồng biểu thị cho sự bình an và thịnh vượng sau khi kết thúc cuộc chiến mang tính cách mạng. Huy chương lớn trên chiếc ghế đại diện cho lá cờ Hoa Kỳ mới, những cuốn sách ám chỉ các nguyên tắc mang tính đường lối của quốc gia mới cùng với vị tổng thống đầu tiên của đất nước.
Bức tranh mang tính biểu tượng của Stuart đã tạo ra một triết lý thẩm mỹ, là mực thước cho những bức chân dung tổng thống sau này.
Bức vẽ miêu tả một vị tổng thống với phong thái của một chính khách được người dân bầu chọn chứ không phải là một chúa tể quyền uy khó gần. Những bức chân dung của những vị tổng thống kế nhiệm sau thời Washington đã ngầm dựng lên các nguyên tắc liên quan đến phong cách sáng tác.
Những nguyên tắc này ít nhiều ảnh hưởng đến hầu hết các bức chân dung tổng thống về sau cho đến tận ngày nay. John Trumbull đã vẽ chân dung John Adams trong khi ông còn là phó tổng thống dưới nhiệm kỳ của ngài Washington; và bức chân dung này, sau đó, trở thành bức chân dung chính thức của Adams khi ông trở thành Tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ.
Trumbull họa Adams với góc nhìn ba phần tư, có nghĩa là phân nửa khuôn mặt của ngài tổng thống được nhìn từ phía trực diện và một phần gương mặt được nhìn thấy theo hướng nghiêng. Trong tư thế này, ánh mắt của người thưởng tranh không thể nhìn tổng thể chân dung của ngài Adams, thêm vào đó, bức tranh không khắc họa toàn bộ cơ thể. Sự khắc khổ của bức chân dung giúp kiềm chế sự tương tác của ngài cố tổng thống đối với ánh mắt của người xem tranh, để làm toát lên vẻ trang nghiêm của ngài. Ánh sáng từ bên ngoài khiến khuôn mặt của Adams bừng sáng là một kỹ thuật khác được áp dụng trong các bức chân dung sau này. Trumbull cũng chính là họa sĩ thực hiện bức Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng – Declaration of Independence. Tuyệt tác này bao gồm chân dung của nhiều vị tổng thống, có cả ngài Adams.
Thomas Jefferson, vị tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, tương tự, được vẽ bởi nghệ sĩ lừng danh người Mỹ, ngài Rembrandt Peale. Peale đã được vô tình đặt theo tên của một bậc thầy người Hà Lan: Rembrandt van Rijn. Người họa sĩ đặt ngài Jefferson trong trung tâm bố cục, được làm cho nổi bật bởi tông màu ấm, và ánh nhìn của ngài Jefferson và ánh nhìn của người thưởng tranh gặp nhau ngang hàng. Chi tiết này cho thấy vai trò của ngài tổ phụ, một nhà lập quốc ủng hộ các quyền bình đẳng và sự tự do cho nhân dân Hoa Kỳ. Giống như những vị tổng thống tiền nhiệm, Jefferson mặc y phục màu đen đơn giản, chi tiết này làm rõ sự khác biệt mang tính triết lý và thực tế giữa tổng thống Hoa Kỳ và các vị quân vương ở các nước khác.
George Peter Alexander Healy, một họa sĩ tài danh ở thế kỷ thứ 19, ông đã vẽ tất cả tổng thống từ ngài John Quincy Adams đến ngài Ulysses Grant, những bức vẽ này được lưu trữ tại Phòng trưng bày Corcoran, Hoa Thịnh Đốn.
Một cách khéo léo, Healy bám sát những quy tắc sẵn có (về phong cách họa chân dung của các tổng thống Hoa Kỳ), thêm vào đó, ông thêm vào từng bức vẽ những di sản riêng và tính cách cá nhân của từng nhân vật. Healy họa John Quincy Adams, trong tư thế thanh nhã, ngồi trên một chiếc ghế có nhân sư hai bên theo phong cách Hy Lạp. Nhân sư Hy Lạp là một họa tiết tân cổ điển phổ biến trong thế kỷ 19.
Nhân sư là hiện thân của trí tuệ, được sử dụng để biểu trưng cho cho danh tiếng của vị Tổng thống thứ sáu với tư cách là một chính khách có trí tuệ cùng với sự tôi luyện.
Trong tranh, ngài Adams hướng về ảnh của George Washington trên bàn làm việc, như một khuôn mẫu cho những đời tổng thống về sau. Adams ngưỡng mộ Washington nhiều đến mức ngài đặt tên cho người con trai đầu của mình là George Washington Adams.
Họa sĩ Healy cũng đã dùng những tiểu tiết trong bức chân dung của John Tyler để ghi lại các sự kiện quan trọng trong nhiệm kỳ của Ngài cựu tổng thống. Chi tiết ngài Tyler nhìn ra bên ngoài, là biểu tượng chỉ ra rằng ngài đang để tâm đến việc mở rộng lãnh thổ Hoa Kỳ về phía bờ tây.
Thêm vào đó, tờ nhật trình trên bàn với tiêu đề Texas, tượng trưng cho việc nhà nước Liên Bang đã sáp nhập tiểu bang Texas trong thời gian ngài Tyler làm việc trong văn phòng tổng thống.
Trên tờ nhật trình còn có một nội dung mang tên Trung Quốc, biểu trưng cho việc ngài Tyler đã nhìn rõ các cơ hội mang tính thương mại với khu vực Á Châu -Thái Bình Dương, và ngài đã gửi phái đoàn ngoại giao đầu tiên tới Trung Quốc. Ngài đại sứ của tổng thống Tyler đã thành công trong việc bảo đảm các tô giới thương mại tương tự như người Anh tại Trung Quốc.
Họa sĩ Healy áp dụng khuôn mẫu tương tự với chân dung của những vị Tổng thống khác: James K. Polk, Millard Fillmore và Franklin Pierce. Và Healy chính là là một trong những người vẽ chân dung vĩ đại nhất của Hoa Kỳ.
Ngoài các hợp đồng chân dung tổng thống, ông cũng vẽ chân dung cho nhiều nhân vật đình đám khác, như Daniel Webster, Nathaniel Hawthorne, Henry Wadsworth Longfellow, Eleanor Boyle Ewing Sherman, Giáo hoàng Pius IX, và rất nhiều quý tộc ở Âu châu.
Tuy nhiên, bức vẽ ngài Abraham Lincoln là tác phẩm nổi tiếng nhất của danh họa Healy.
Không giống như các bức chân dung tổng thống khác, Healy vẽ Ngài Lincoln trong một khung cảnh siêu việt, trong không gian này không có các tài liệu, không có các vật dụng, không có các nhân vật khác.
Khi để ý đến thời gian đặt hàng của bức họa này, ta sẽ hiểu hơn về dụng ý nghệ thuật của nó.
Vào năm 1869, 4 năm sau sự kiện cố tổng thống Lincoln bị ám sát, Healy đã thực hiện bức tranh này. Việc không có sự hiện diện của giấy nhật trình, những quyền sách và các loại tài liệu khác, Healy ngụ ý rằng công việc của Lincoln tại Tòa Bạch Ốc đã hoàn thành.
Họa sĩ Healy đã khiến hình ảnh của cố tổng thống Lincoln trở nên bất tử, ông giúp ngài Lincoln vượt xa, so với việc chỉ là một bức ảnh nhỏ trong văn phòng tổng thống.
Trong tác phẩm này, Lincoln ngồi bắt chéo chân trên ghế một cách lịch thiệp, với tư thế chồm mình về phía trước. Đây là hình ảnh động được đặt trong một bố cục khắc kỷ. Ngài đăm chiêu để tay chống cằm.
Dù đây chỉ là một bức chân dung tĩnh, Healy nỗ lực để bảo đảm rằng những biểu hiện của ngài Tổng thống thứ 16 được lột tả một cách chính xác nhất. Người xem sẽ nhận ra khuôn mặt góc cạnh của Lincoln, bộ râu nổi tiếng và chiếc nơ kim cương. Đỉnh cao trong kỹ thuật phóng tác của Healy nằm ở khả năng lột tả ánh nhìn của ngài Tổng thống cũng như tinh thần của ông.
Chân dung của Lincoln là một trong những tác phẩm nghệ thuật danh giá bậc nhất của Healy và chắc chắn tác phẩm này luôn được coi là một kiệt tác của người dân Hoa Kỳ.
Vẽ chân dung tổng thống là loại hình nghệ thuật bền vững và chứa đựng nhiều giá trị tinh túy. Các thế hệ những người nghệ sĩ tài hoa đã nắm bắt được tinh thần cũng như di sản của các vị tổng thống kể từ ngày lập quốc. Những bức chân dung giúp người dân tương tác với các vị tổng thống được bầu, đồng thời giúp ghi lại những hiểu biết mà họ để lại cho người Mỹ trong tương lai, hai điều này có tính hệ trọng ngang nhau.
Họ trình bày sự phản ánh của thời đại với khán giả đương đại, đồng thời giúp lưu giữ những khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử của Hoa Kỳ cho hậu thế. Vào Ngày Tổng Thống, khi người dân Hoa Kỳ đang xem xét những đóng góp của các nhà lãnh đạo của họ cho đất nước, chắc hẳn ai đó cũng phải thừa nhận giá trị mang tính khai quốc của những bức chân dung tổng thống.
Bài viết này được xuất bản trong tạp chí American Essence.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: