Thành Cát Tư Hãn (P.11): Thương đội Mông Cổ gặp nạn – Tây chinh Hoa Lạt Tử Mô
Xem lại:P1,P2,P3,P4,P5,P6,P7,P8,P9, P10
Vào năm 1215, khi Thành Cát Tư Hãn tiến đánh nước Kim ở gần Trung Đô, Quốc Vương A Lạp Ô Định – Ma Ha Mạt (Ala Ad-Din Muhammad) của nước Hoa Lạt Tử Mô (Khwarezm-Shah) thuộc khu vực Trung Á đã phái Ba Cáp A Đinh Cát Lạt (Baha Adin Jira), người dẫn đầu đoàn sứ giả, đến yết kiến Thành Cát Tư Hãn, mục đích là thăm dò thực lực quân đội và tình hình các phương diện của Mông Cổ.
Thành Cát Tư Hãn thịnh tình khoản đãi các thành viên đoàn sứ giả, ông biết được nước Hoa Lạt Tử Mô là một nước Hồi giáo lớn, người Hoa Lạt Tử Mô lại biết buôn bán làm ăn nổi tiếng trên thế giới. Đế quốc Mông Cổ hưng khởi, họ đã thấy được cơ hội buôn bán ở đây, nên có rất nhiều thương nhân Hoa Lạt Tử Mô đến Mông Cổ, giao dịch với người Mông Cổ và thu được rất nhiều lợi nhuận, mà Mông Cổ cũng cần những hàng hóa này.
Vì thế, Thành Cát Tư Hãn viết thư cho Ma Ha Mạt, trong đó có một câu “Ma Ha Mạt Khả Hãn, ông thống trị nơi mặt trời lặn, ta thống trị nơi mặt trời mọc”, và cũng nói rõ hai bên có thể duy trì quan hệ hòa bình hữu hảo, muốn để thương nhân tự do thông hành, xúc tiến giao lưu văn hóa, cùng nhau phát triển.
Sau khi Hoa Lạt Tử Mô phái sứ giả đến thăm, năm 1216, Thành Cát Tư Hãn phái sứ giả đáp lễ Hoa Lạt Tử Mô, biểu thị thiện ý kết giao hữu hảo. Nhà sử học Croix nước Pháp đã nói về địa vị của Thành Cát Tư Hãn khi đó như sau: “Vị quân chủ này không còn lo lắng phía đông và phía tây của Châu Á, cũng không còn lo lắng phía bắc Châu Á, ông hết lòng cùng Hoa Lạt Tử Mô phát triển tình hữu nghị một cách chân thành. Vì thế, ông cử ra ba vị sứ giả mang theo tặng phẩm đi hỏi thăm Hoa Lạt Tử Mô… Người dân của nước họ có nguyện ý cùng nhau tiến hành giao dịch an toàn hay không, thông qua một loại quan hệ là đồng minh lý tưởng của nhau, để được nghỉ ngơi lấy sức và phồn vinh giàu có. Điều này đối với bất kể vương quốc nào mà nói đều là một loại hạnh phúc lớn lao”.
Thế nhưng, Thành Cát Tư Hãn rốt cuộc bị thất vọng.
Hoa Lạt Tử Mô quật khởi
Khởi nguồn của Hoa Lạt Tử Mô là vương triều Hồi giáo Sunni ở Ba Tư thuộc khu vực Trung Á. Giữa thế kỷ 12, quốc vương Gia Luật Đại Thạch của nước Tây Liêu đã dùng mười năm để chinh phục bốn nước Tây Ca Lạt Hãn, Đông Ca Lạt Hãn, Cao Xương Hồi Hột và vương quốc Hoa Lạt Tử Mô, khiến họ trở thành những nước phụ thuộc vào mình. Lúc đó thủ đô Tây Liêu là Hổ Tư Oát Nhĩ Đóa, nghe nói đại thi nhân Lý Bạch thời Đường được sinh ra ở nơi này. Cương vực (lãnh thổ) của nó: phía bắc đến sông Y Lê (sông ILi, thuộc Kazakhstan), phía nam đến thượng du của sông Tích Nhĩ (sông Syr Darya), phía tây đến Đát La Tư (nay là phía tây Thông Lĩnh tức dãy núi Pamir thuộc Tajikistan), phía đông đến Ba Nhĩ Tư Hãn (nay là đông nam hồ Y Tắc Khắc tức là hồ Issyk-Kul thuộc Kyrgyzstan).
Năm 1200, Ma Ha Mạt của nước Hoa Lạt Tử Mô lên ngôi, lãnh thổ của ông ta phía đông bắc đến sông Tây Nhĩ (sông Siril), tây nam đến vịnh Ba Tư, đông nam đến sông Ấn Độ, phía tây bắc đến A Triết Nhĩ Bái Chiêm (nay là Azerbaijan). Khi thực lực của quốc gia Tây Liêu suy yếu, Ma Ha Mạt có tâm không thần phục. Lúc này, mấy nước khá lớn mạnh ở khu vực Trung Á ngoại trừ Tây Liêu, Hoa Lạt Tử Mô, còn có vương triều Cổ Nhĩ nằm ở vị trí của Afghanistan và phía bắc của Ấn độ ngày nay. Năm 1204, Tây Liêu cùng với Hoa Lạt Tử Mô liên thủ đánh bại vương triều Cổ Nhĩ. Vương triều Cổ Nhĩ và Hoa Lạt Tử Mô có nền tảng tín ngưỡng giống nhau, nên lựa chọn sáp nhập vào Hoa Lạt Tử Mô.
Vì để thoát khỏi sự thống trị của Tây Liêu, vào năm 1208, Ma Ha Mạt tiến công nước phụ thuộc Tây Liêu là Tát Mã Nhĩ Hãn (Samarkand nay thuộc Uzbekistan), nhưng bị Tây Liêu đánh bại. Không lâu sau, trong nước Tây Liêu có nổi loạn, quân chủ của Tát Mã Nhĩ Hãn là Tư Mạn ‧ Y Bản ‧ Dịch Bặc Lạp Hân (Osman Ibn Ibrahim) phản bội Tây Liêu, tự lập làm Hãn. Ma Ha Mạt lại cùng Osman liên hợp, đuổi thế lực Tây Liêu ra khỏi khu vực Hà Trung. Sau đó, Ma Ha Mạt đánh bại Osman, chiếm lĩnh khu vực Hà Trung
Năm 1211, sau khi bộ tộc Nãi Man bị diệt, Cổ Xuất Lỗ Khắc (Khuất Xuất Luật), là con trai của Thái Dương Hãn – thuộc bộ tộc Nãi Man chạy đến Tây Liêu để dựa vào Cổ Nhi Hãn (tức Gia Luật Trực Lỗ Cổ). Nhân lúc Cổ Nhi Hãn xuất chinh, ông ta ở hậu phương đã tạo phản, đồng thời liên hợp với Hoa Lạt Tử Mô lật đổ Cổ Nhi Hãn, cướp đoạt quyền chính và trở thành quân chủ mới của Tây Liêu. Nước phụ thuộc của nó là Hãn Quốc Tây Khách Lạt bị Hoa Lạt Tử Mô thôn tính, Hãn Quốc Đông Khách Lạt bị Cổ Xuất Lỗ Khắc thôn tính, Cao Xương Hồi Hột quay về thần phục Thành Cát Tư Hãn.
Chinh phục thế lực tàn dư ở xung quanh – Diệt Tây Liêu
Khi đang tấn công nước Kim, đồng thời biểu đạt tình hữu hảo với nước Hoa Lạt Tử Mô, Thành Cát Tư Hãn còn tiếp tục điều động tướng lĩnh chinh phục các thế lực xung quanh.
Năm 1217, Thành Cát Tư Hãn phái một trong “Mông Cổ tứ kiệt” Bác Nhĩ Hốt mang quân đi giao chiến với người Thốc Mã Dịch. Họ cư trú ở khu vực giữa hồ Bối Gia Nhĩ (tức hồ Baikal) và Khắc Lạp Tư Nặc Á Nhĩ Tư Khắc (nay là thành phố Krasnoyarsk thuộc Siberi ở Nga), thủ lĩnh của họ là Nữ Vương Bột Thoát Khôi Tháp Nhi Hồn, là quả phụ của thủ lĩnh trước. Bị phục kích, Bác Nhĩ Hốt không chuẩn bị trước đã phải bỏ mình. Thành Cát Tư Hãn lại cho quân tiến đánh một lần nữa, cuối cùng cũng giành được thắng lợi. Nữ vương Bột Thoát Khôi Tháp Nhi Hồn bị bắt. Vì để an ủi người nhà của Bác Nhĩ Hốt, Thành Cát Tư Hãn đem một số người Thốc Mã Dịch phân chia cho họ.
Cùng năm đó, Tốc Biệt Đài , một trong “Mông Cổ tứ mãnh”, phụng chỉ xuất quân truy tập tàn quân Miệt Nhi Khất Dịch, đuổi đến một nơi nay là Vùng Chuy nằm ở phía nam Kazakhstan, và tiêu diệt hết.
Năm 1218, Triết Biệt phụng chỉ tiến công Tây Liêu. Sau khi Triết Biệt thống soái quân Mông Cổ với khí thế không gì có thể ngăn cản, Cổ Xuất Lỗ Khắc chạy trốn đến Ba Đạt Hách Thượng (là Badakhshan thuộc Nước Tajikistan ngày nay), sau bị dân bản xứ bắt đưa đến cho Triết Biệt xử tử.
Sau khi Tây Liêu thuộc về Thành Cát Tư Hãn, nước Đại Mông Cổ và Hoa Lạt Tử Mô tiếp giáp nhau, càng thuận tiện hơn cho quan hệ qua lại giữa hai nước. Hai bên đã ký kết hiệp định thông thương hòa bình trong năm đó.
Thương đội Mông Cổ bị hại, Thành Cát Tư Hãn quyết ý tây chinh
Năm 1218, căn cứ hiệp nghị thông thương, Thành Cát Tư Hãn cho thành lập Thương đội lớn gồm 450 người, dùng 500 con lạc đà chở hàng hóa quý giá như vàng, bạc, tơ lụa, hàng dệt từ lông lạc đà, da hải ly, lông chồn, v.v., đồng thời mang theo thư Thành Cát Tư Hãn gửi cho Ma Ha Mạt, lên đường đến Hoa Lạt Tử Mô. Trong các thành viên của Thương đội, ngoại trừ sứ giả Mông Cổ là Ngột Đột Nạp, thì các thành viên khác đều là người Hồi giáo. Điều này thấy rõ Thành Cát Tư Hãn cân nhắc kỹ lưỡng đến vấn đề tín ngưỡng.
Trong thư Thành Cát Tư Hãn viết: “Chúng ta nên đảm bảo cho cả những con đường thông thường và những con đường hoang vu được bình an mở cửa, từ đó các thương nhân có thể qua lại an toàn và không bị hạn chế”. Điều này cũng cho thấy mong muốn thực sự của Thành Cát Tư Hãn về giao hảo giữa hai nước.
Nhưng, sau khi Thương đội đi vào khu vực Ngoa Đáp Lạt (Otrar) nay là thượng du sông Tích Nhĩ (Syr Darya) phía nam Kazakhstan, và là thành phố sát biên giới của Hoa Lạt Tử Mô, bởi vì tướng Diệc Nạp Lặc Xuất Hắc (hiệu là Hải Nhi Hãn) tham tài, bắt giữ Thương đội giam lại, và phái người bẩm báo với Ma Ha Mạt rằng, trong Thương đội có mật thám của Thành Cát Tư Hãn. Ma Ha Mạt không tìm hiểu rõ tình trạng, hạ lệnh xử tử các thành viên trong Thương đội và tịch thu toàn bộ tài vật. Cuối cùng, chỉ có một người may mắn thoát khỏi, từ trong lao ngục chạy thoát được, về thông báo cho Thành Cát Tư Hãn sự việc Thương đội bị hại.
Trong sách sử ghi, Hoa Lạt Tử Mô là một quốc gia chưa thành thục, không giống như quốc gia của Thành Cát Tư Hãn có pháp điển ổn định như “Đại Trát Tát”, cũng không có đủ lực lượng quân sự để chống lại người Mông Cổ. Quân chủ Ma Ha Mạt có tính khí nóng nảy, làm việc không biết tính toán trước sau.
Sau khi nghe nói thành viên Thương đội bị hại, Thành Cát Tư Hãn vô cùng tức giận. Nhưng lúc đầu, ông vẫn hy vọng hai bên có thể thông qua phương thức hòa bình giải quyết, nên phái đoàn ba sứ giả do Ba Hợp Lạt dẫn đầu đến Hoa Lạt Tử Mô, yêu cầu Ma Ha Mạt giao người gây ra họa và đưa ra biện pháp thuyết phục. Nhưng Ma Ha Mạt không chỉ không trách phạt Diệc Nạp Lặc Xuất Hắc (vì người này là họ hàng của mẫu thân ông ta), còn chỉ trích Thành Cát Tư Hãn. Ông ta không những cho sát hại Ba Hợp Lạt mà còn lệnh cạo sạch râu của hai phó sứ đi theo. Người Mông Cổ xem râu là sự tôn nghiêm của người đàn ông, cưỡng ép cạo râu như vậy giống như tước đoạt sự tôn nghiêm của người Mông Cổ. Chuyện này khiến Thành Cát Tư Hãn càng thêm phẫn nộ.
Sách sử viết, ông “khóc trong giận dữ, trèo lên một đỉnh núi, sau khi bỏ mũ cởi đai bày đặt đồ cúng xong, ông quỳ xuống đất cầu trời, xin trợ giúp báo thù, không ăn uống gì và cầu nguyện ba ngày rồi mới xuống núi”. Không thể nhịn được nữa Thành Cát Tư Hãn quyết định tự mình dẫn đại quân đến Hoa Lạt Tử Mô đòi lấy câu trả lời. Ông lệnh cho Mộc Hoa Lê tiếp tục tấn công nước Kim, lệnh cho em trai Oát Xích Cân ở lại trấn thủ Mông Cổ.
Phân binh bốn lộ – Hội sư ở kinh đô mới của Hoa Lạt Tử Mô
Tháng 6/1219, người Mông Cổ bắt đầu cuộc Tây chinh. Đại quân Mông Cổ xuất phát từ bờ sông Khắc Lỗ Luân. Bốn con trai Thuật Xích, Sát Hợp Đài, Oa Khoát Đài, Đà Lôi của Thành Cát Tư Hãn và các đại tướng Tốc Bất Đài, Triết Biệt, Đại Đoạn Sự quan Thỉ Cát Hốt Đồ Hốt đi cùng. Ngoài 10 đến 15 vạn kỵ binh Mông Cổ, còn có số lượng binh sĩ đến từ các bộ tộc Duy Ngô Nhĩ, A Lực Ma Lý, Hợp Lạt Lỗ Đích Úy Ngột Nhi, Đột Quyết cùng các thầy thuốc người Hán và binh lính thợ thủ công hiệp trợ. Nước Tây Hạ từ chối xuất binh.
Trong đội quân của Mông Cổ, phần lớn quân lính đều từng tham gia chiến tranh với nước Kim, cũng có một chút kinh nghiệm thực chiến đối với việc đánh chiếm thành trì, lại thêm sự trợ giúp của thợ thủ công người Hán, người Mông Cổ đã có được khí giới và kỹ thuật công thành. Họ biết dùng cơ giới và kỹ thuật công thành như sử dụng nỏ, pháo, lấy đất đá lấp đầy hào bên ngoài thành, hoặc xây dựng đài đất cho cao bằng tường v.v.
Nước Hoa Lạt Tử Mô có 40 vạn đại quân, bao gồm lực lượng vũ trang các cấp địa phương, nhưng trên thực tế kỵ binh cơ động tác chiến có thể dùng thì chỉ trên dưới 4 vạn người, hơn nữa không được tôi luyện thường xuyên, năng lực chỉ huy của Ma Ha Mạt không thể sánh với Thành Cát Tư Hãn. Ấn tượng của ông ta đối với người Mông Cổ chỉ dừng lại ở chỗ giỏi tác chiến trên thảo nguyên, không thể đánh các thành phố có bố trí phòng vệ kiên cố. Vì thế về mặt chiến lược, Hoa Lạt Tử Mô sử dụng biện pháp là không đối đầu với quân Mông Cổ ở các thảo nguyên, đem đại bộ phận quân đội đóng giữ tại thành thị, chỉ lấy số lượng ít quân để duy trì giao thông ở giữa các thành phố với quy mô chiến đấu nhỏ. Ông ta cho rằng, đợi một thời gian, quân Mông Cổ lương thảo không đủ tất phải tự động rút lui, đến lúc đó có thể thừa thắng truy kích. Chiến lược như vậy cũng quyết định kết cục thất bại của Hoa Lạt Tử Mô.
Mùa thu năm đó, đại quân Mông Cổ đến sông Tích Nhĩ, chuẩn bị tiến đánh thành Ngoa Đáp Lạt. Căn cứ vào tình báo, Thành Cát Tư Hãn biết được nơi đây có tường thành rất cao, quân coi giữ đông, trong một năm cũng không thể đánh hạ, mà sách lược của đối phương cũng là cố thủ lâu dài. Vì vậy, Thành Cát Tư Hãn định ra kế hoạch tác chiến giai đoạn đầu, tức trước tiên chia quân đánh chiếm thành lũy các nơi, còn ông tự mình chỉ huy đánh thành Bu Ha La (tức Bukhara thuộc Uzbekistan ngày nay), rồi sau đó hội sư (hội quân).
Sở dĩ đánh thành Bu Ha La, là bởi vì nó ở giữa Tát Mã Nhĩ Hãn tân đô của Hoa Lạt Tử Mô (nay thuộc Uzbekistan) và cố đô Ô Nhĩ Căn Kỳ (nay thuộc Turkmenistan). Lấy được thành Bu Ha La, quân lính Mông Cổ có thể ngăn chặn được giao thông giữa Hoa Lạt Tử Mô và Hà Trung Phủ, và có thể cắt đứt chi viện từ bên ngoài tới các thành bị vây trên sông Tích Nhĩ.
Đại quân Mông Cổ chia thành bốn lộ quân: Lộ thứ nhất do hai con trai Sát Hợp Đài và Oa Khoát Đài của Thành Cát Tư Hãn dẫn quân bao vây Ngoa Đáp Lạt, sau đó ngược sông đi lên; Lộ quân thứ hai do con trưởng Thuật Xích chỉ huy. Đây là quân cánh phải, tấn công các trại dọc theo sông Tích Nhĩ. Mục tiêu chủ yếu là các thành Chiên Đích, Dưỡng Cát Cán, rồi mới ngược sông lên phía bắc; Lộ thứ ba do tướng quân A Lạt Hắc, Tốc Diệc Khách Thốc cùng Tháp Hải dẫn năm ngàn kỵ binh chinh chiến ở thung lũng Phí Nhĩ Cán Nạp phía đông nam sông Tích Nhĩ (nay là Pergana ở Uzbekistan), tiến đánh thành Hạo Hãn (tên gọi khác là Hốt Chiên), là cánh quân bên trái; Lộ thứ tư do Thành Cát Tư Hãn cùng con thứ tư Đà Lôi dẫn năm vạn binh mã, thuộc cánh quân giữa, vượt qua sông Tích Nhĩ, theo hướng tây nam vượt qua Sa mạc Đỏ tấn công chớp nhoáng thành Bu Ha La.
Thành Cát Tư Hãn hạ lệnh cho các cánh quân trong thời gian quy định phải giành được mục tiêu, và hội sư tại Tát Mã Nhĩ Hãn. Đối với hành động của người Mông Cổ, Ma Ha Mạt biết rất ít, thậm chí còn đắm chìm trong cuồng vọng “Thát đát binh chúng, đầu tiên túc dĩ điền chi” (nghĩa là “bọn quân Mông Cổ này, bon ta đông thế chỉ cần mỗi người ném một cái roi là đủ để vùi lấp chúng rồi). Bởi vậy khi binh lính Mông Cổ đến dưới chân tường thành, Ma Ha Mạt vô cùng kinh hoàng. Do người Mông Cổ xuất kích từ nhiều phía, khiến cho Ma Ha Mạt phải phân chia binh từ Tát Mã Nhĩ Hãn đi các nơi tiếp viện, làm giảm binh lực ở đô thành.
Trận chiến công thành Ngoa Đáp Lạt của lộ quân thứ nhất rất gian khổ. Thành này chia làm hai thành nội và ngoại, thành trì kiên cố, lương thảo sung túc, trước có ba vạn quân coi giữ, sau lại có một vạn quân tiếp viện. Quân Mông Cổ tiến đánh năm tháng, mà không hạ được. Sau sĩ khí của quân lính sa sút, hai tướng trấn thủ thì một người muốn giữ vững, một người muốn đầu hàng, và chuyện này để người Mông Cổ biết được. Sau khi công phá được thành, quân lính Mông Cổ còn triển khai chiến đấu trên đường phố trong thành nội với quân trấn thủ và dân thường. Quân trấn giữ tàn dư đều bị giết chết.
Lộ quân thứ hai của Thuật Xích tới trước một tòa thành cổ tên là Tích Cách Nạp Khắc, sai sứ giả đi chiêu hàng, sứ giả bị giết. Thuật Xích lập tức hạ lệnh tiến công. Tấn công liên tục bảy ngày đêm thì bắt đầu hạ được. Sau đó liên tiếp hạ mấy thành, tướng trấn thủ thành là Chiên Đích sợ quá chạy trốn trong đêm, quân Mông Cổ thuận lợi tấn công vào trong thành.
Lộ quân thứ ba đầu tiên bao vây tấn công thành Biệt Nạp Khắc Thắc (nay là gần thành phố Cinoz thuộc Uzbekistan), hạ trong ba ngày, rồi đem nhập toàn bộ thợ thủ công trong thành vào quân Mông Cổ. Sau đó, họ xuất phát hướng đến thành Hạo Hãn. Tướng trấn thủ thành Hạo Hãn là Thiếp Mộc Nhi Diệt Lý vô cùng dũng mãnh, vẻn vẹn chỉ có một ngàn người chống lại quân lính Mông Cổ, không địch lại được bèn lùi về một hòn đảo nhỏ ở khu vực Hà Trung, vất vả đào tẩu, cuối cùng tìm đến nơi con trai của Ma Ha Mạt là Trát Lan Đinh.
Lộ quân thứ tư là cánh quân giữa do Thành Cát Tư Hãn đích thân chỉ huy, cũng là quân chủ lực của Mông Cổ. Khi bọn họ đi được nửa đường đến thành Bố Cáp Lạp, dọc đường qua trấn Táp Nhi Nạp Hắc, người dân trong trấn vì sợ hãi đều trốn ở trong pháo đài. Thành Cát Tư Hãn sai người truyền đạt khẩu dụ chiêu hàng, dân bản xứ đồng ý đầu hàng. Vì thế trừ một đội trưng binh, và hủy hoại tường thành ra, bách tính trong trấn này hoàn toàn không tổn thất, vẫn an cư lạc nghiệp.
Lộ quân thứ tư tiếp tục hàng phục được thành Nột Nhi, và tiến đến thành Bố Cáp Lạp. Thành này cũng chia làm thành nội thành ngoại, có hai ngàn kỵ binh Đột Quyết cùng hai vạn trai tráng thường dân đóng giữ. Người Mông Cổ bao vây tấn công đến ngày thứ ba, kỵ binh Đột Quyết thử phá vây, bị đội quân Mông Cổ bao vây tiêu diệt, thành ngoại bị chiếm đóng. Những người còn lại trong thành nội kiên trì giữ thêm 12 ngày, thành trì mới bị công phá. Tình hình chiến trận vô cùng khốc liệt, người giữ thành đều tử trận, dân thường và quân Mông Cổ cũng thương vong rất nhiều.
Sau khi thành Bố Cáp Lạp bị công hãm, người Mông Cổ hoàn toàn cắt đứt giao thông giữa tân đô Tát Mã Nhĩ Hãn và cố đô Ô Nhĩ Căn Kỳ của Hoa Lạt Tử Mô. Phòng tuyến sông Tích Nhĩ của Hoa Lạt Tử Mô đã trở nên không còn chút ý nghĩa nào, toàn bộ vùng Hà Trung đều lộ ra trước mặt người Mông Cổ.
Như vậy bốn lộ quân Mông Cổ đã hoàn thành mục tiêu định trước, giờ đều hướng mũi kiếm chỉ vào Tát Mã Nhĩ Hãn. Thành Tát Mã Nhĩ Hãn ở vị trí xung yếu, mặt phía bắc là sa mạc Cơ Cát Nhĩ Khố Mẫu (Qizilqum), mặt phía nam là Thiết Môn Quan (nay là phía tây Kiệt Nhĩ Tân Đặc (Derbent) thuộc khu vực nam Uzbekistan) có vị trí hiểm yếu, bắc có sông Tích Nhĩ, phía nam sông A Mẫu (sông Amu Darya), phải nói là vị trí chiến lược trọng yếu, nhân khẩu ở đây có trên 10 vạn người. Lúc này, Ma Ha Mạt lệnh cho tướng quân A Nhĩ Bát Hãn thống lĩnh 11 vạn (cũng có chỗ nói là 6 vạn) lính đánh thuê từ các bộ tộc Do Khang Lý (thuộc Đột Quyết), bộ tộc Tháp Cát Khắc, và còn tu sửa thêm nhiều thành lũy, công sự phòng ngự rất kiên cố. Nhưng Ma Ha Mạt tự mình trong lòng sợ hãi, nên đã rời khỏi Tát Mã Nhĩ Hãn.
Người Mông Cổ có thể thuận lợi hạ được thành Tát Mã Nhĩ Hãn hay không?
Do Zhang XianYi thực hiện
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ