Thành Cát Tư Hãn (P.12): Hoa Lạt Tử Mô diệt vong, Khâu Xứ Cơ tiết lộ thiên cơ
Xem lại: P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9, P10, P11.
Sau khi 4 cánh quân của Mông Cổ đều giành được thắng lợi, vào tháng 5 năm 1220 đã tập hợp ở dưới thành Tát Mã Nhĩ Hãn, đồng thời từ đây bắt đầu hành trình quét ngang Trung Á.
Trước đây trong các cuộc chinh phục, sau khi hạ được các thành phố, người Mông Cổ sẽ cử người đến phân chia thường dân theo nghề nghiệp của họ. Các ngành nghề chuyên nghiệp bao gồm nhân viên thư ký, bác sĩ, nhà thiên văn học, quan tòa, thầy bói, giáo sư, mục sư, thợ thủ công v.v., Người Mông Cổ đặc biệt cần người thợ thủ công hiểu được nhiều loại ngôn ngữ, thợ thủ công có thể là thợ rèn, thợ mộc, thợ gốm, thợ dệt, thợ nhuộm, thợ làm giấy, thợ may, thợ đá quý, nhạc công, thợ cắt tóc, làm nghề thuốc, đầu bếp và những người biểu diễn giải trí v.v.. Họ hoặc là đi theo quân đội, hoặc là bị đưa đến đế quốc Mông Cổ. Họ hoàn toàn không cần đánh trận và chăn thả gia súc, chỉ cần làm tốt ngành nghề của mình. Mà những nhân tài này có đóng góp rất lớn đối với sự phát triển và lớn mạnh của đế quốc Mông Cổ.
Điều thú vị chính là, Thành Cát Tư Hãn còn có ý thông qua ngòi bút của văn nhân mà phóng đại số người chết trong chiến tranh, còn cho phép dân chúng tự do tuyên truyền những tin đồn có quan hệ đến ông hoặc người Mông Cổ mà người nghe cũng cảm thấy khó tin, ví dụ như người Mông Cổ sẽ tuyển chọn ra một đoàn đại biểu từ trong thành phố bị chinh phục để đi đến thành phố chưa bị chinh phục và kể lại sự lợi hại của người Mông Cổ. Bởi vậy, khi chúng ta đọc xem những ghi chép của người đời sau liên quan đến sự tàn sát trong cuộc chinh phục Á-Âu của người Mông Cổ, chúng ta cần tiến hành khảo chứng một cách thận trọng, có lẽ một số con số là quá khoa trương.
Có nhà nghiên cứu từng tiến hành kiểm tra tình hình của các thành phố sau khi bị người Mông Cổ chinh phục, sau đó phát hiện, con số thương vong rất hiếm khi vượt qua một phần mười nhân khẩu. Mặc dù tại mảnh đất hoang mạc khô cằn này, cốt người có thể giữ mấy trăm năm thậm chí mấy ngàn năm, nhưng không có phát hiện bất cứ dấu vết gì về lời đồn rằng mấy triệu người đã bị người Mông Cổ đồ sát.
Bởi vậy, có học giả cho rằng, Thành Cát Tư Hãn hoàn toàn không phải là một kẻ sát nhân hàng loạt, nói chính xác hơn, ông không phải là một kẻ hủy diệt thành phố. Ông đã đốt cháy hoặc phá hủy một số thành phố, ngoài việc lập uy để người Mông Cổ có thể không chiến mà thắng, còn có cân nhắc dựa trên cơ sở của chiến lược. Bởi vì ông muốn tập trung thương mại nhiều hơn trên các tuyến đường mà quân đội có thể dễ dàng theo dõi và kiểm soát, từ đó làm cho việc kinh doanh giao thương và giao tiếp với Âu Châu trở nên thuận tiện hơn.
Trận chiến Tát Mã Nhĩ Hãn
Sau khi Đại quân Mông Cổ tập kết tại Tát Mã Nhĩ Hãn, Thành Cát Tư Hãn trước tiên hạ lệnh quét sạch các thành lũy bên ngoài, cắt đứt viện binh, sau đó tiến hành bao vây. Khi Thành Cát Tư Hãn biết được Ma Ha Mạt (Muhammad) đã rời khỏi Tát Mã Nhĩ Hãn, ông lập tức phái Triết Biệt, Tốc Bất Đài cùng Thoát Hốt Sát Nhi dẫn ba vạn quân truy kích Muhammad.
Thành Cát Tư Hãn thấy Tát Mã Nhĩ Hãn thành cao rãnh sâu, liền hỏi quân sư Quách Bảo Ngọc có kế gì hay để phá thành hay không. Quách Bảo Ngọc cho rằng: “Thành này dễ thủ khó công, không nên hành động hấp tấp, lại thêm các tướng sĩ hành quân mấy ngày liền đều rất mệt mỏi, chi bằng đầu tiên nghỉ ngơi chỉnh đốn, bàn lại kế sách”. Thành Cát Tư Hãn rất tán thành.
Vào ngày thứ ba khi vòng vây của quân Mông Cổ chưa thành hình, tướng trấn giữ Tát Mã Nhĩ Hãn là A Nhĩ Bát Hãn đã chủ động tiến công, phái năm ngàn bộ kỵ binh Tháp Cát Khắc xuất kích. Người Mông Cổ thì áp dụng phương thức thường dùng là vừa đánh vừa rút lui, dẫn dụ người Tháp Cát Khắc đến vòng mai phục ở bên ngoài, toàn bộ người Tháp Cát Khắc tử trận, nhưng người Mông Cổ cũng thương vong rất nhiều. Còn quân Khang Lý cho là mình cùng tộc với người Mông Cổ, sớm có ý nghĩ nương tựa, nên cũng không trợ giúp người Tháp Cát Khắc.
Vào ngày thứ tư, Thành Cát Tư Hãn hạ lệnh công thành, cư dân trong thành đều rất sợ hãi. Bởi vì người Mông Cổ thường xuyên thả tù nhân vào thành, tuyên truyền chính sách ưu đãi tù binh của mình, lại thêm các loại pháo đá và tên nỏ không ngừng tập kích, khiến cho người quyết giữ thành càng ngày càng ít. Đến ngày thứ năm, binh lính Khang Lý trong thành lần lượt đầu hàng, lãnh tụ tôn giáo trong thành cũng đến quân doanh của Thành Cát Tư Hãn xin hàng, Thành Cát Tư Hãn đều thiện đãi họ. Tiếp theo đó, quân dân trong thành mở thành đầu hàng. Quân Mông Cổ tiến vào trong thành, tiêu diệt quân trấn giữ bên trong, chỉ có A Nhĩ Bát Hãn dẫn một ngàn quân trong đêm chạy trốn.
Thành Cát Tư Hãn lệnh cho quốc công thái sư Gia Luật A Hải ở lại trong thành tổ chức quân đội, để hàng quan Ba Khắc Hạt Lặc Miệt Lý Khắc và Nha Lạt Ngõa Xích phụ trách thu thuế, quản lý hàng dân, tuyển chọn ba vạn nhân công trong thành, phân chia đưa về các doanh trại quân Mông Cổ, tuyển ba vạn trai tráng khác làm ký quân, bổ sung cho đội công thành.
Sau khi định xong thành Tát Mã Nhĩ Hãn, Thành Cát Tư Hãn lệnh cho tam quân tu chỉnh ngay tại chỗ, mình thì đóng quân ở giữa Tát Mã Nhĩ Hãn và Na Hắc Sa Bố, để chuẩn bị cho cuộc tấn công mới.
Trận chiến Ô Nhĩ Căn Kỳ
Ô Nhĩ Căn Kỳ (Urgench) là cố đô của Hoa Lạt Tử Mô (Khwarizm, người Mông Cổ gọi là Ngọc Long Kiệt Xích), nằm bên kia sông Amu Darya, phải vượt qua bằng cầu, hơn nữa công sự phòng ngự và tường thành kiên cố, quân coi giữ lại đông đảo, do mẫu thân của Ma Ha Mạt là Thái hậu Thốc Nhi Hãn khống chế, tướng trấn giữ trong thành là Hốt Mã Nhĩ, chỉ huy đại quân có đến 11 vạn người. Mùa thu năm 1220, sau khi quân Mông Cổ tu chỉnh và bổ sung thêm, Thành Cát Tư Hãn đã hạ lệnh cho Truật Xích, Sát Hợp Đài cùng Oa Khoát Đài dẫn lộ quân 1 và 2 cùng tù binh trai tráng đến đánh Ô Nhĩ Căn Kỳ, Thuật Xích làm Thống soái. Lại phái binh đóng tại biên giới phía bắc Hô La San, để phòng ngừa người Hoa Lạt Tử Mô chạy trốn xuống phía nam.
Đội quân tiên phong của Mông Cổ đến dưới thành Ô Nhĩ Căn Kỳ cướp súc vật để dẫn dụ khiến tướng giữ thành phải điều bộ binh và kỵ binh đuổi theo, người Hoa Lạt Tử Mô trúng phục kích, tử vong rất nhiều. Quân Mông Cổ liền theo đuôi bại binh tiến vào Hải Lan Môn, sau do đêm tối cho nên lại rút lui.
Bởi vì Thành Cát Tư Hãn từng hứa sẽ đem Ô Nhĩ Căn Kỳ làm đất phong cho Thuật Xích, mặc dù Sát Hợp Đài cho là nên tấn công mạnh, nhưng Thuật Xích lại lệnh cho thủ hạ không được phép thiêu hủy và cướp bóc, mà sai sứ giả đi triệu dụ cư dân đầu hàng, nhưng gặp phải cự tuyệt. Thuật Xích liền chuẩn bị khí cụ để công thành, đồng thời phái ba ngàn quân Mông Cổ chiếm giữ cầu Amu Darya, nhưng bị binh sĩ giữ thành bao vây tấn công, nên không một ai sống sót.
Trải qua trận này, sĩ khí quân trấn giữ tăng cao. Quân Mông Cổ bị bất lợi, thêm nữa Thuật Xích và Sát Hợp Đài bất đồng ý kiến, hiệu lệnh không thống nhất, dẫn đến kỷ luật buông lỏng, sĩ khí sa sút. Ngoài ra, quân trấn giữ không ngừng xuất kích, tạo thành thương vong cho quân Mông Cổ, bởi vậy 6 tháng mà chưa hạ được Ô Nhĩ Căn Kỳ.
Thành Cát Tư Hãn tại Tháp Lý Hàn (nay thuộc Afghanistan) sau khi nhận được báo cáo của ba con trai, biết được nguyên nhân đánh lâu không hạ được là do giữa ba anh em không hòa thuận, bởi vậy nghiêm khắc trách mắng, cũng đổi Oa Khoát Đài làm thống soái, quy định thời hạn đánh hạ thành trì. Sau khi Oa Khoát Đài nhậm chức thống soái, hết sức điều hòa mâu thuẫn giữa hai vị huynh trưởng, đồng thời xem trọng kỷ luật, đối với binh sĩ nghiêm khắc ước thúc, quân uy liền được khôi phục.
Vào Tháng 4 năm 1221, Oa Khoát Đài hạ lệnh tổng tiến công. Cùng ngày đó, người Mông Cổ trèo thang vào thành, phóng hỏa đốt cháy. Quân trấn giữ kiên trì phòng thủ, liều chết chống cự, trong thành nhiều phụ nữ cũng tham gia chiến đấu. Trải qua bảy ngày chiến đấu kịch liệt, người Mông Cổ mới chiếm lĩnh được toàn thành, quân trấn giữ bị tiêu diệt toàn bộ. Người Mông Cổ chọn lựa ra 10 vạn nhân công cùng phụ nữ trẻ em đưa về nước Mông Cổ, còn đem 5 vạn trai tráng sắp xếp vào biên chế quân. Người ta nói rằng đây là sự khởi đầu của cộng động người Hồi giáo ở phương Đông.
Ô Nhĩ Căn Kỳ thất thủ, đánh dấu việc toàn bộ các khu vực Hà Trung bị quân Mông Cổ chiếm lĩnh, và sau khi mấy thành phố lớn của Hoa Lạt Tử Mô bị người Mông Cổ chiếm đóng, cũng có nghĩa là Hoa Lạt Tử Mô cách thời điểm diệt vong cũng không còn xa.
Công chiếm Tháp Lý Hàn
Sau khi trận chiến trên sông kết thúc, Thành Cát Tư Hãn đã lệnh cho Đà Lôi dẫn một bộ phận bộ binh vượt sông Amu Darya tiến đánh Hô La San (Khorasan), lấy được thành phố Mưu Phu và Nội Sa Phủ Nhĩ (Nishapur), còn mình thì dẫn quân xuống phía nam tấn công Thắc Nhĩ Mê (nay là phía bắc Termez, thuộc khu vực Đông Nam bộ của Uzbekistan), mười ngày thì hạ được thành. Sau đó phái một bộ phận binh lực đến Ba Đạt Cáp Thương (nay là khu vực bắc của dãy núi Hindu Kush thuộc đông bắc bộ Afghanistan) tìm kiếm lương thảo, quân chủ lực thì ở bờ bắc sông Amu Darya trú đông.
Mùa xuân năm 1221, Thành Cát Tư Hãn dẫn quân vượt qua sông Amu Darya, đi qua thành Ba Lý Hắc (Balkh) (nay là phía tây Mazar-i-Sharif thuộc bắc Afghanistan) đến Tháp Lý Hàn, quân và dân chúng trong thành Ba Lý Hắc tự động quy thuận. Trong núi Tháp Lý Hàn có một pháo đài, mà đất thế của nó rất hiểm trở, tòa thành kiên cố, quân thủ thành đã nhiều lại dũng cảm, lương thảo lại sung túc, có thể trường kỳ thủ vững.
Thành Cát Tư Hãn trước tiên phái người chiếu dụ chiêu hàng, quân trấn giữ quyết không hàng. Quân Mông Cổ liền bao vây tứ phía, tấn công liên tục và kịch chiến sáu tháng mà không hạ nổi. Cuối cùng, Thành Cát Tư Hãn dùng các phương thức như thông qua việc tạo giá gỗ, vận chuyển đất thành đống cao bằng tường thành, đuổi tù binh cùng ký quân làm đội dùng thang thứ nhất để công thành. Kỵ binh thủ thành có thể đào thoát, nhưng bộ binh toàn bộ bị diệt. Thành Cát Tư Hãn hạ lệnh ở lại chân núi Tháp Lý Hàn trú hạ tránh nóng.
Vào Tháng 10 năm đó, Đà Lôi đã đánh hạ được các thành như Mã Lỗ Sát Diệp Khả, Mã Lỗ, Tích Lạt Tư v.v, tháng 4 năm sau lại đi tấn công Nhĩ Sa Bất Nhi (nay là Nishapur thuộc đông bắc Iran). Trong quá trình công thành, phò mã của Thành Cát Tư Hãn – tiên phong Thoát Hốt Sát Nhi đã trúng tên mà chết, Đà Lôi lập tức áp dụng các loại thủ đoạn như máy bắn nỏ, máy ném đá, thang mây liên tục công thành, còn cho lấy tảng đá từ các vùng núi lân cận để tập kết lượng lớn đá pháo dưới chân thành, cuối cùng mới hạ được thành.
Sau khi chiếm lĩnh một số thành phố chính của nước Hoa Lạt Tử Mô, Thành Cát Tư Hãn lệnh cho con trưởng Thuật Xích trấn thủ, đồng thời tại các thành bố trí chức vị Đạt Lỗ Hoa Xích (đốc quan), phụ trách điều tra nhân khẩu, tuyển quân tùy tùng, thành lập trạm dịch tình báo, trưng thu thuế má và chuẩn bị tiến công vật phẩm.v.v. Hai cha con Nha Lạt Ngõa Xích, Mã Lý Hốt Dịch ở thành Ô Nhĩ Căn Kỳ (thuộc tộc Hốt Lỗ Mộc Thạch) đã trình bày biện pháp quản lý thành ấp với Thành Cát Tư Hãn và nhận được sự đồng ý, Thành Cát Tư Hãn phái Mã Lý Hốt Dịch cùng Đạt Lỗ Hoa Xích cùng quản lý các thành phố Trung Á như Bố Cáp Lạp, Tát Mã Nhĩ Hãn, Ô Nhĩ Căn Kỳ, đưa Nha Lão Ngõa Xích trở về, để ông quản lý Trung Đô (nay là Bắc Kinh).
Đây là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của Mông Cổ. Trước kia, người Mông Cổ chỉ biết chinh phục, không biết quản lý thành phố như thế nào. Từ lúc này trở đi, họ đã bắt đầu có ý thức quản lý các thành phố bị chinh phục.
Truy kích Ma Ha Mạt, đánh bại Trát Lan Đinh
Nghe nói Tát Mã Nhĩ Hãn năm ngày đã bị công phá, Ma Ha Mạt vô cùng bất ngờ, ông ta cùng các tướng bàn bạc bước tiếp theo nên như thế nào. Một phe cho là nên lui về giữ Iraq, một phe khác cho là nên trốn đến Ấn Độ, mà con trai Trát Lan Đinh lại cho rằng nếu phải chạy trốn lòng vòng, còn không bằng cùng Thành Cát Tư Hãn quyết một trận tử chiến. Nhưng mà, Ma Ha Mạt lại phát ra lời than vãn : “Hoa Lạt Tử Mô phải chịu nạn là thiên ý như thế, không phải sức người có khả năng vãn hồi”. Liền mang theo tàn binh bại tướng chạy trốn tới Nhĩ Sa Bất Nhi, mỗi ngày đều cố tìm niềm vui để quên đi nỗi thống khổ.
Chưa được mấy tuần lễ, quân Mông Cổ liền truy kích tới. Ma Ha Mạt sợ quá lại chạy trốn tới Ca Tật Ninh (nay là thành phố Qazvin ở tây bắc thủ đô Tehran của Iran). Ở nơi đó, ông ta lại triệu tập ba vạn quân Iraq chuẩn bị tử thủ, nhưng khi nghe nói Oa Khoát Đài, Sát Hợp Đài cùng Thác Lôi đang dẫn quân chủ lực xuống phía nam để hạ thành Ca Tật Ninh, những binh mã trên liền chạy mất một nửa. Rơi vào đường cùng, Ma Ha Mạt tiếp tục chạy trốn, nhưng dù ông ta trốn ở đâu, người Mông Cổ đều truy đuổi đến đó.
Cuối cùng, không còn đường nào có thể đi, Ma Ha Mạt đã trốn đến một hòn đảo nhỏ hoang vu gần bờ biển. Tìm không thấy tăm tích của ông ta, Triết Biệt và Tốc Bất Đài đành phải tiến đánh pháo đài Cáp Luân nơi mẫu hậu cùng phi tần của Ma Ha Mạt lánh nạn tạm thời, cũng hạ được rất nhanh. Khi Ma Ha Mạt biết được thê thiếp và mẫu hậu rơi vào tay người Mông Cổ thì liền ngất xỉu, trong cơn tuyệt vọng đã tìm đến cái chết. (Sau đó thê thiếp cùng mẫu hậu của ông ta đã bị đưa đến đế quốc Mông Cổ.)
Trước khi lâm chung, Ma Ha Mạt gọi mấy con trai đến bên cạnh, dặn dò từng người, đồng thời lập người con hữu dũng hữu mưu Trát Lan Đinh làm Thái tử. Sau khi ông ta mất, Trát Lan Đinh triệu tập một số tàn binh bại tướng, tiếp tục chống lại người Mông Cổ. Mùa thu năm 1221, Trát Lan Đinh tại Parwan ở dưới chân núi Hindu Kush đã đánh bại 3 vạn quân Mông Cổ do Thất Cát Hốt Đột Hốt thống lĩnh, tiêu diệt 1.5 vạn quân địch. Đây cũng là trận thua duy nhất trong cả chiến dịch Tây chinh của Mông Cổ.
Thế là Thành Cát Tư Hãn đích thân dẫn 5 vạn đại quân đến đây, trên đường đi, tại nơi Phạm Diên Bảo gần Ba Mễ Dương (nay là thị xã Bamyan thuộc Afghanistan) đã gặp phải sự chống cự quyết liệt, cháu trai Thành Cát Tư Hãn, con trai Sát Hợp Đài là Mộc A Thốc Can trúng tên bỏ mình. Mộc A Thốc Can là thiếu niên dũng mãnh, cưỡi ngựa bắn cung đều giỏi, là người cháu mà Thành Cát Tư Hãn vô cùng yêu quý. Sau đau thương và phẫn nộ, Thành Cát Tư Hãn hạ lệnh ngày đêm thay nhau tấn công mạnh, thành này cuối cùng cũng bị đánh hạ, trên thành dưới thành đều vô cùng thê thảm.
Sau khi trải qua trận chiến Phạm Diên Bảo, đại quân của Thành Cát Tư Hãn và quân của Trát Lan Đinh đã có một trận quyết chiến ở gần sông Indus. Lúc này, hai vị tướng trong quân của Trát Lan Đinh bởi vì tranh nhau một con ngựa Ả Rập mà bất hoà, một người trong đó thậm chí vì thế mà dẫn thuộc hạ rời đi, điều này không thể nghi ngờ đã làm suy yếu thực lực của Trát Lan Đinh, Trát Lan Đinh không địch lại Thành Cát Tư Hãn, cơ hồ toàn quân bị diệt, bèn dẫn 4,000 tên bộ hạ bỏ trốn về hướng Ấn Độ.
Khi người Mông Cổ truy đuổi đến bờ sông Indus, Thành Cát Tư Hãn thương tiếc Trát Lan Đinh anh dũng, nên muốn bắt sống để quy hàng, liền lệnh các tướng sĩ bao vây Trát Lan Đinh. Nhưng Trát Lan Đinh đã tìm ra cơ hội từ trên vách đá phóng ngựa nhảy xuống sông Indus, bơi tới bờ bên kia. Bởi vì người Mông Cổ không giỏi dưới nước, đành phải mặc kệ ông ta bỏ chạy. Thành Cát Tư Hãn nhìn quanh trái phải mấy người con trai, tán thán nói: “Cẩu phụ lại có Hổ con, người này có thể là tấm gương cho các con noi theo”.
Đến đây, vương quốc Hoa Lạt Tử Mô đã gần như diệt vong. Còn Trát Lan Đinh chạy trốn tới Ấn Độ một mực hy vọng phục quốc, ông sau đó đã chiến đấu tại các vùng như Ba Tư, Iraq, Caucasus v.v, nhưng liên tục gặp phản kháng. Năm 1231, ông bị ám sát tại Thổ Nhĩ Kỳ, nước Hoa Lạt Tử Mô triệt để diệt vong.
Khâu Xứ Cơ tiết lộ thiên cơ
Trong tiểu thuyết “Truyện Anh hùng xạ điêu” và “Thần điêu hiệp lữ” của cố nhà văn Kim Dung ở Hồng Kông, có một vị đạo sĩ rất nổi danh tên là Khâu Xứ Cơ, kỳ thực, trong lịch sử đúng là có người này. Ông được tôn sùng là một trong “Bắc Thất Chân” của giáo phái Toàn Chân, là sư tổ của phái Long Môn, sống vào thời cuối nhà Kim đầu nhà Nguyên. Lúc ấy phái Toàn Chân cực thịnh một thời, danh tiếng của Khâu Xứ Cơ cũng lên đến đỉnh điểm. Ông không chỉ nhận được sự kính trọng của Kim Thế Tông, Kim Chương Tông, Kim Vệ Thiệu Vương và Kim Tuyên Tông, ông còn hữu duyên gặp mặt Thành Cát Tư Hãn, và cũng nhận được sự kính trọng tương tự.
Tháng 5 năm 1219, Thành Cát Tư Hãn phái đoàn sứ giả Lưu Trọng Lộc mang theo chiếu thư đến Sơn Đông mời Khâu Xứ Cơ đến đế quốc Mông Cổ, trên chiếu thư trước tiên là nói về công tích của Thành Cát Tư Hãn: “Trời ghét Trung Nguyên kiêu căng xa xỉ, trẫm ở phía bắc hoang dã không hề sinh ra thèm muốn, ngược lại còn thuần chất phác, không dám xa xỉ mà theo thói quen tiết kiệm, mỗi chút ăn mỗi chút mặc, cùng con trâu con ngựa chia sẻ ngọt bùi. Coi dân như con đỏ, nuôi kẻ sĩ như huynh đệ, mưu tính chính là vì hòa, tích lũy ân đức, luôn lấy thân mình làm gương mẫu trước dân chúng, lâm trăm trận ta không bao giờ đi cuối, trong 7 năm đã thành đại nghiệp, trên dưới và bốn phương là thống nhất”. Sau đó nói nguyên nhân có được công tích như vậy chủ yếu là bởi vì sự thống trị của nước Kim có vấn đề, cho nên Thành Cát Tư Hãn mới được trời phù hộ, có được địa vị tôn quý, tiến tới “Nam tiếp giáp Man Tống, bắc tiếp Hồi Hột, đông Hạ Tây Di, đều xưng thần phò tá trẫm”.
Tuy nhiên, điều Thành Cát Tư Hãn lo lắng chính là như thế nào bình trị, như thế nào an thiên hạ. Ông nghe nói Khâu Xứ Cơ “thân theo quy tắc, am hiểu vạn vật, tìm hiểu sâu xa về triết lý nghèo, đạo đầy đức dày, lưu giữ sự nghiêm túc vốn có của người quân tử xưa, ôm ấp sự thanh cao của người chân. Ở lâu trong nham cốc, giấu thân ẩn hành”, bởi vậy vô cùng ngưỡng mộ, muốn mời ông “tạm khuất bước tiên, không nghĩ đến việc sa mạc quá xa xăm”, “hoặc lấy việc lo đại sự cho dân, hoặc lấy thuật giúp trẫm giữ mình” mà đến chỉ giáo Thành Cát Tư Hãn. Tuy là Hoàng đế hạ chiếu, nhưng sự khẩn thiết, khiêm tốn về ngôn từ đã hiện rõ trên giấy.
Khâu Xứ Cơ chưa từng được nước Kim và Hoàng đế triều Tống hạ chiếu mời, xem thư xong nói: “Ta thuận theo thiên lý mà hành, không dám làm trái hành xử của thiên sứ”, liền đồng ý đi. Từ đó có thể biết, Khâu Xứ Cơ hiểu được Thành Cát Tư Hãn là người thừa thiên mệnh mà đến.
Tháng giêng năm 1220, Khâu Xứ Cơ 73 tuổi dẫn đầu mười tám đệ tử lên đường đi về phía Tây. Mấy tháng sau thì đến Yên Kinh thuộc quyền cai trị của nước đại Mông Cổ (nguyên là Trung Đô của triều Kim, tháng 5 năm 1215 bị đế quốc Mông Cổ chiếm lĩnh và đổi tên là Yên Kinh), đoàn Khâu Xứ Cơ nhận được sự nhiệt tình tiếp đãi của các quan viên Mông Cổ. Khi Khâu Xứ Cơ nghe nói Thành Cát Tư Hãn đã thống binh tây chinh, cân nhắc đến việc mình tuổi tác đã cao, liền viết trần tình biểu, hẹn cùng Thành Cát Tư Hãn gặp mặt tại Yên Kinh.
Đang bề bộn với chiến sự, Thành Cát Tư Hãn cũng không có cách nào trở về Yên Kinh, liền để Gia Luật Sở Tài viết hồi phúc chiếu thư, nói về tình huống của mình, lại lấy ví dụ việc Đạt Ma đi về phía đông giảng Pháp, Lão Tử đi về phía tây Thiên Trúc giáo hóa người Hồ, để lần nữa mời Khâu Xứ Cơ đi về phía tây. Khâu Xứ Cơ liền tiếp tục đi về phía tây vào mùa xuân năm 1221.
Trước khi đi, Khâu Xứ Cơ biết được Lưu Trọng Lộc muốn tuyển chọn mỹ nữ cho Thành Cát Tư Hãn, ông lập tức khuyên can, đồng thời lấy chuyện sử làm gương, nói rõ việc quân chủ chìm vào thanh sắc sẽ nguy hại đối với quốc gia. Thành Cát Tư Hãn sau khi biết được, cũng cho cấm chỉ.
Sau đó, đoàn Khâu Xứ Cơ ra khỏi Cư Dung Quan, đi qua Biệt Thất Bát Lý, Bất Lạt (nay là thành phố Bác La thuộc Tân Cương), thông qua Thiết Môn quan (cũng gọi là Tùng quan, nay gọi là Quả Tử Câu) đến A Lực Ma Lý, đi về phía tây vượt qua sông Y Lê (sông Ili), trải qua chặng đường gian khổ, vào mùa đông năm đó đã tới Tát Mã Nhĩ Hãn. Nhưng lúc đó Thành Cát Tư Hãn đã rời đi, trú đóng tại hành cung Bát Lỗ Vịnh thuộc Đại Tuyết Sơn (nay là dãy Hindu Kush). Bởi vì ven đường tuyết lớn ngập núi, Khâu Xứ Cơ chỉ có thể chờ đợi đến đầu xuân.
Thượng tuần tháng 3 năm 1222, Thành Cát Tư Hãn từ hành cung truyền chỉ nói: “Muốn gặp gấp chân nhân, hy vọng chân nhân không ngại mệt nhọc, mau tới hành cung, để sớm được cầu Đạo”. Thế là, đoàn Khâu Xứ Cơ dưới sự bảo vệ của đại quân Mông Cổ, đi hơn hai mươi ngày đã tới hành cung. Ông được Thành Cát Tư Hãn nhiệt liệt đón chào.
Thành Cát Tư Hãn xưng Khâu Xứ Cơ là “Thần tiên”, cùng với ông trò chuyện rất nhiều lần, hỏi về trị quốc và kế sách dưỡng sinh. Khi Thành Cát Tư Hãn hỏi thăm có thuốc gì để trường sinh, Khâu Xứ Cơ nói thẳng “Có đạo để bảo vệ sinh mệnh, chứ không có thuốc trường sinh”. Thành Cát Tư Hãn khen ngợi thành thật, liền cho sắp đặt cạnh cung trướng của Đại Hãn hai cái trướng, để nhóm người Khâu Xứ Cơ ở đó.
Khâu Xứ Cơ còn đề nghị với Thành Cát Tư Hãn là đạo nhân khi gặp Thành Cát Tư Hãn có thể thực hiện lễ tiết chắp tay trước ngực cong người cúi đầu, không quỳ lạy, Thành Cát Tư Hãn đồng ý. Đối với việc Thành Cát Tư Hãn mời ăn cơm cùng, Khâu Xứ Cơ biểu thị mình là người xuất gia, không muốn cuốn vào chuyện chính trị bên trong cung đình, bởi vậy từ chối. Thành Cát Tư Hãn tỏ ra là đã hiểu. Có thể thấy được, Thành Cát Tư Hãn đối với Khâu Xứ Cơ lễ ngộ có thừa.
Sau đó, Thành Cát Tư Hãn hạ chiếu để Gia Luật Sở Tài đem cuộc đối thoại giữa hai người biên tập thành “Huyền Phong Khánh Hội lục”. Từ đó, chúng ta có thể nhìn thấy nội dung thuyết “Đạo” của Khâu Xứ Cơ. Ông nói người tu đạo đầu tiên phải giới sắc, bởi vì “kinh doanh áo cơm, thì cực khổ để suy nghĩ, mặc dù tán khí, mà tán rất ít, tham lam sắc dục, thì hao tổn tinh thần, cũng tán khí, mà tán rất nhiều”. Nếu muốn biết thuật tu luyện, nhất định phải “bỏ đi ham muốn giảm bớt dục vọng, cố tinh thủ thần” .
Ông chỉ rõ con đường học đạo tu chân gian nan, cho nên thế nhân không muốn làm theo, mà phản đạo trục dục, ngày càng sa đọa lại rất dễ dàng, bởi vậy thế nhân nhiều người theo đó hoặc không thể từ đó ngộ đạo.
Khâu Xứ Cơ còn nói cho Thành Cát Tư Hãn rằng ông vốn là thiên nhân, thượng thiên trao cho ông sứ mệnh “trừ tàn bỏ bạo”, “khắc gian khắc khó”, chờ đến công thành hạn tất, lập tức thăng thiên trở lại vị trí cũ. Bởi vậy trên thế gian phải “giảm thanh sắc, tỉnh thị dục”, như vậy mới có thể Thánh thể an khang. Còn phải làm nhiều việc thiện, tế dân cứu thế, bởi vì “làm việc thiện tiến đạo, thì thăng thiên làm tiên; làm ác phản đạo, thì xuống đất làm quỷ”; Thành Cát Tư Hãn vốn đến từ thiên thượng, “nếu như hành thiện tu phúc, thì khi thăng thiên, vị trí hơn chức trước; không làm việc thiện tu phúc, thì trái lại”.
Ngoài việc nói cho Thành Cát Tư Hãn các thuật trị quốc bảo vệ dân, ví như phải “kính thiên ái dân”, làm việc thiện, thanh tâm quả dục v.v, Khâu Xứ Cơ còn giảng phương pháp tu thân dưỡng mệnh. Thành Cát Tư Hãn thu được ích lợi không nhỏ, nói rằng: “Ân cần dạy về Đạo, kính cẩn như nghe mệnh lệnh vậy. Những việc này đều khó làm, thế nhưng không dám bất tuân theo tiên mệnh, chuyên cần mà thực hiện”.
Chờ đợi gần một năm sau, mùa xuân năm 1223, Khâu Xứ Cơ từ biệt Thành Cát Tư Hãn. Trên đường trở về, Thành Cát Tư Hãn liên tục phát đi bốn thánh chỉ, ngoại trừ miễn trừ thuế lao dịch cho giáo phái Toàn Chân và phái binh lính hộ tống ra, còn thỉnh thoảng gửi thư tín ân cần thăm hỏi Khâu Xứ Cơ đi đường có mạnh khỏe hay không.
Một trong 18 đệ tử đi theo Khâu Xử Cơ tây hành là Lý Chí Thường, đã căn cứ vào những điều nghe và thấy trên đường tây hành, mà sau đó viết thành cuốn sách “Trường Xuân chân nhân Tây Du Ký”.
Tháng 5/1227, Thành Cát Tư Hãn lại hạ chỉ đem Thiên Trường Quan đổi tên là Trường Xuân Cung (nay là Bạch Vân Quán ở Bắc Kinh), Bắc Cung Tiên Đảo là Vạn An Cung, xuống chiếu lệnh cho Khâu Xứ Cơ nắm giữ Đạo giáo trong thiên hạ. Chiếu thư bên trong cũng nhắc đến: “Trẫm thường niệm thần tiên, thần tiên không quên trẫm vậy”. Tháng 8, Khâu Xứ Cơ tại Trường Xuân Cung vũ hóa, hưởng thọ 80 tuổi. Sau đó ba ngày, Thành Cát Tư Hãn cũng băng hà. Hai người nhất định có duyên phận không tầm thường.
Trương Hiến Nghĩa biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ