Thành Cát Tư Hãn (P.14): Gia Luật Sở Tài thực hiện hoài bão – Mộc Hoa Lê chinh Kim
Trong cuộc đời chinh chiến của Thành Cát Tư Hãn, vô luận là thống nhất các bộ lạc trên thảo nguyên, hay là chinh phục Tây Hạ, nước Kim và rất nhiều nơi thuộc Trung Á, đều không thể thiếu các văn thần võ tướng trung thành tuyệt đối phò tá ông.
Trong mắt họ, Thành Cát Tư Hãn tuân theo thiên mệnh, dũng cảm cương nghị, tấm lòng rộng mở, khoan dung thành tín, nhìn xa trông rộng, rất giỏi về nhìn người và dùng người, và đây cũng là nguyên nhân khiến họ cam tâm tình nguyện dốc sức vì ông. Dưới trướng của Thành Cát Tư Hãn, họ đánh đông dẹp tây, bày mưu tính kế, vì Thành Cát Tư Hãn và hậu duệ của ông mà kiến tạo nên một đế quốc Mông Cổ cường thịnh, và vì nó mà nỗ lực hết sức mình.
Trong đó bao gồm những người được xưng là “Mông Cổ tứ kiệt” Bác Nhĩ Hốt, Mộc Hoa Lê, Bác Nhĩ Thuật và Xích Lão Ôn, “Mông Cổ tứ mãnh” Tốc Bất Đài, Giả Lặc Miệt, Triết Biệt, Hốt Tất Lai, họ đều là đại tướng khai quốc của đế quốc Mông Cổ, lập nên những công lao hiển hách. Trong các bề tôi quan văn, người được Thành Cát Tư Hãn cùng người thừa kế Oa Khoát Đài tán thưởng và tin cậy nhất, chính là Gia Luật Sở Tài.
Gia Luật Sở Tài tiếp thụ sâu văn hóa Hán
Gia Luật Sở Tài xuất thân từ gia đình quý tộc Khiết Đan, là cháu chín đời của Liêu Thái tổ Gia Luật A Bảo Cơ, là cháu 8 đời của Đông Đan Vương Gia Luật Bội, con trai Hữu thừa Thượng thư của triều Kim Gia Luật Lý, có thể nói là dòng dõi Hoàng tộc chân chính. Lúc ông vừa chào đời, phụ thân Gia Luật Lý rất am hiểu về chiêm bốc liền tiên đoán nói: “Ta năm 60 tuổi mà được đứa con này, nhà ta là có ngựa non ngàn dặm. Ngày sau tất thành vĩ khí, hơn nữa xứng đáng để nước khác dùng.” Phụ thân còn dùng điển cố “Tuy Sở hữu tài, Tấn thực dụng chi” trong “Xuân Thu Tả thị truyện”, đặt tên cho con trai là “Sở Tài” .
Lúc Gia Luật Sở Tài 2 tuổi, phụ thân qua đời, ông là do mẫu thân nuôi dưỡng thành người. Lúc 12 tuổi, Gia Luật Sở Tài bắt đầu vào thư viện đọc sách, học tập thi thư lễ nghĩa của Nho gia. Gia thế Gia Luật Sở Tài đại diện cho tầng lớp Sĩ ở nước Kim, thường sống ở Yên Kinh. Nước Liêu bắt đầu từ Thái tổ Gia Luật A Bảo Cơ, đã bắt đầu tôn sùng văn hóa Hán, học theo chế độ nhà Hán để quản lý nước Khiết Đan. Mà nước Kim cũng bắt đầu từ Hoàng đế thứ ba là Kim Hi Tông, thúc đẩy cải cách theo chế độ nhà Hán, trọng dụng người Hán, thúc đẩy tôn sùng Nho học. Điều này khiến cho đô thành Yên Kinh tự nhiên có nền tảng văn hóa Hán sâu đậm, giúp nhiều thế hệ gia tộc Gia Luật tiếp thu văn hóa của người Hán, hình thành gia phong biết đọc sách hiểu lễ nghĩa.
Trong điều kiện như vậy, Gia Luật Sở Tài từ nhỏ đã học tập Hán tịch, tinh thông Hán văn, tuổi còn trẻ đã “đọc rộng hiểu nhiều, bên cạnh việc thông hiểu thiên văn, địa lý, luật lệ, thuật số cùng học thuyết của hai nhà Thích, Lão, y học và bốc quẻ, hạ bút thành văn, nổi bật khác người”, mà lý tưởng của ông là dựa theo học thuyết của Nho gia để quản lý thiên hạ.
Năm 1206, Gia Luật Sở Tài không hưởng thụ thân phận con trai của Tể tướng, mà trực tiếp tham gia khoa cử khảo thí, xếp hạng ưu tú nhất trong những người tham dự, bởi vậy được triệu tập trao tặng duyện chức, về sau nhậm chức Đồng Tri ở Khai Châu.
Năm 1214, Kim Tuyên Tông dời xuống phía nam đến Biện Kinh, huynh trưởng của Gia Luật Sở Tài là Gia Luật Biện Tài, Gia Luật Thiện Tài đều đi theo, Gia Luật Sở Tài lưu lại ở Trung Đô, được thừa tướng trấn giữ Yên Kinh là Hoàn Nhan Thừa Huy bổ nhiệm làm Tả hữu ti viên ngoại lang.
Thành Cát Tư Hãn chiêu mời Gia Luật Sở Tài
Năm 1215, sau khi quân Mông Cổ tấn công và chiếm được Trung Đô, Thành Cát Tư Hãn không quên chiêu mời quý tộc Khiết Đan làm việc cho mình. Ông liền phái người điều tra nghe ngóng, biết được hậu duệ của Hoàng tộc nước Liêu là Gia Luật Sở Tài tài hoa hơn người, kinh luân đầy bụng, liền hạ chiếu triệu tập ông.
Gia Luật Sở Tài sở dĩ tiếp nhận sự triệu tập của Thành Cát Tư Hãn, ngoài việc thất vọng rất lớn đối với việc quân thần nước Kim không để ý đến bách tính, cũng đã thấy rõ đại thế của thiên hạ – đó chính là nước Kim diệt vong, việc người Mông Cổ lấy được thiên hạ chỉ là vấn đề thời gian, hơn nữa lòng mang khát vọng muốn làm nhiều việc có ích cho muôn dân thiên hạ. Bởi vậy, ông rời khỏi Trung Đô, trải qua khó khăn nguy hiểm, tiến về đại trướng của Thành Cát Tư Hãn tại Mạc Bắc.
Đối với việc nhìn thấy đại trướng của Đại Hãn, trong “Tây Du lục” Gia Luật Sở Tài đã miêu tả như thế này: “Sông núi đan xen vào nhau, sắc núi, sắc trời hòa cùng sắc cỏ chiếu sáng lẫn nhau, xe trướng như là những đám mây màu trắng rải rác trên thảo nguyên, các tướng sĩ đông đảo như là mưa rơi, ngựa trâu phủ kín vùng quê, ánh sáng của binh giáp chiếu sáng cả bầu trời, trước doanh trướng khói lửa chiếu rọi lẫn nhau, liên tiếp vạn dặm. Nghìn xưa đến nay, chưa từng rầm rộ như thế.” Mà người làm nên sự rầm rộ này chính là Thành Cát Tư Hãn. Hiển nhiên, còn chưa gặp Thành Cát Tư Hãn, ông đã thán phục năng lực phi thường của Thành Cát Tư Hãn.
Tiếp sau đó, Gia Luật Sở Tài yết kiến Thành Cát Tư Hãn trong đại trướng. Thành Cát Tư Hãn anh hùng khí khái đã khiến Gia Luật Sở Tài tín phục. Cũng giống như vậy, với dáng vẻ khôi ngô, dung nhan tuấn mỹ, chàng thanh niên Khiết Đan 29 tuổi râu rủ xuống ngực, cũng lọt vào tuệ nhãn của Thành Cát Tư Hãn. Ông đã thân thiết gọi anh là “Ngô đồ Tát Hợp Lý”, ý là “Người râu dài” .
Sau khi bàn chuyện kỹ với Gia Luật Sở Tài, Thành Cát Tư Hãn nói: “Người này có thể dùng, có thể lưu làm tả hữu, để trù bị mưu kế.” Và sau lần “vạn dặm long đình yết thiên tử” này, Gia Luật Sở Tài cũng gửi gắm hy vọng rất lớn vào Thành Cát Tư Hãn, ông hy vọng mình có thể phụ tá Đại Hãn thành tựu nghiệp lớn. Ông từng hiến sách lược “Tây chinh” thế giới cho Thành Cát Tư Hãn, và nhận được rất nhiều sự tán thưởng .
Theo hầu trong cuộc tây chinh và chinh phục Tây Hạ
Mùa hạ năm 1219, Thành Cát Tư Hãn tây chinh nước Hoa Lạt Tử Mô, Gia Luật Sở Tài rất được Thành Cát Tư Hãn tín nhiệm, cũng trở thành một trong những người theo hầu tin cậy. Cùng nhau xuất trận, chiến sự diễn ra vô cùng thuận lợi, đại quân Mông Cổ liên tiếp hạ được các thành thị như Bố Ha La, Tát Mã Nhĩ Hãn, v.v, chiếm lĩnh được vùng đất rộng lớn nằm giữa sông Tích Nhĩ (Syr Darya) và sông A Mỗ (Amu Darya). Sau đó, quân Mông Cổ lại đánh tới khu vực ngày nay là Afghanistan, sông Ấn Độ, Caucasus, phía nam nước Nga. Gia Luật Sở Tài luôn yên trước ngựa sau cạnh Thành Cát Tư Hãn để bói quẻ cát hung, bày mưu tính kế, và cũng giảng về đạo trị quốc và an dân.
Thành Cát Tư Hãn rất tin vào Trường Sinh Thiên, hết sức coi trọng năng lực bốc quẻ cát hung của Gia Luật Sở Tài. Mỗi lần xuất chinh, Thành Cát Tư Hãn nhất định đều để Gia Luật Sở Tài tiến hành bốc quẻ, và cũng có lúc Thành Cát Tư Hãn dùng phương pháp bốc quẻ truyền thống của Mông Cổ là đốt xương đùi dê để xác nhận. Những dự đoán của Gia Luật Sở Tài đều rất linh nghiệm.
Ví dụ như năm 1220, sau khi quân Mông Cổ đánh hạ được thị trấn quan trọng Bố Ha La, Tát Mã Nhĩ Hãn của nước Hoa Lạt Tử, xuất hiện thiên tượng mùa đông có sét đánh. Thành Cát Tư Hãn liền hỏi là điềm báo gì. Gia Luật Sở Tài nói: “Quốc vương Ma Ha Mạt của nước Hoa Lạt Tử Mô chết ở nơi hoang dã.” Cuối năm, Ma Ha Mạt quả nhiên chết ở một hòn đảo nhỏ trên biển Caspi.
Lại như, năm 1222, Gia Luật Sở Tài còn thông qua thiên tượng “Trường tinh kiến phương tây”, tiên đoán cái chết của Tuyên Tông nước Kim. Năm sau quả nhiên ứng nghiệm.
Còn vào năm 1224, khi đại quân của Thành Cát Tư Hãn trú đóng tại Thiết Môn quan (nay là Uzbekistan), thị vệ phát hiện một con quái thú, nó có thân thể như hươu, đuôi thì giống đuôi ngựa, toàn thân màu xanh lục, trên đầu còn mọc ra một chiếc sừng, kỳ lạ hơn là còn có thể nói tiếng người. Nó nói cho thị vệ của Thành Cát Tư Hãn: “Quân chủ của các ngươi nên sớm thu quân về nước.” Bọn thị vệ hoảng sợ vô cùng, đem việc này báo cáo cho Thành Cát Tư Hãn.
Thành Cát Tư Hãn cũng rất kinh ngạc nghi hoặc bất định, liền hỏi thuộc hạ, Gia Luật Sở Tài với kiến thức uyên bác đưa ra giải thích: Loại quái thú này gọi là “Giác đoan”, một ngày có thể chạy 18 ngàn dặm, thông hiểu các loại ngôn ngữ. Giác đoan là biểu tượng cho điều xấu, sự xuất hiện của nó biểu thị sát phạt quá nhiều, đây là Thiên thượng nhắc nhở bệ hạ. Hi vọng bệ hạ có thể thuận theo thiên ý, sớm thu quân về, như vậy mới có càng nhiều phúc phận. Thành Cát Tư Hãn nghe theo, rất nhanh chóng hạ chiếu về nước. Câu chuyện này được ghi lại trong “Nguyên sử” và được khắc trên mộ của Gia Luật Sở Tài.
Ngoài việc xem quẻ dự đoán, Gia Luật Sở Tài còn là thư ký Hán văn của Thành Cát Tư Hãn, phàm là văn thư chữ Hán của triều đình nhà Hãn Mông Cổ, đều do ông thụ lý. Năm 1222, Chân nhân Khâu Xử Cơ nhận lời mời của Thành Cát Tư Hãn tới hành dinh Đại Tuyết Sơn, Gia Luật Sở Tài phiên dịch toàn bộ quá trình và tham dự cuộc gặp gỡ giữa Thành Cát Tư Hãn và Khâu Xử Cơ. Trong “Tây Du lục” nhắc đến Khâu Xử Cơ “lời lẽ bình bình khi đối đáp cùng những câu chuyện tràn ngập thần khí”, còn “Huyền Phong khánh hội lục” do ông làm chủ bút thì ghi chép các nội dung bàn về Đạo của Khâu Xử Cơ và Thành Cát Tư Hãn v.v.
Ngoài ra, năm 1220 sau khi Tát Mã Nhĩ Hãn bị công hãm, Gia Luật Sở Tài nhận lệnh đóng tại nơi đó quản lý sự vụ đồn điền. Trong hai năm ở đó, ông dành thời gian rảnh rỗi, đi xem xét cảnh sắc tự nhiên, sản vật vùng đất và phong tục người dân, ghi chép kỹ càng thành trì, lâm viên, khí hậu, nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp cùng các loại sản vật, v.v.. Ông còn ghi chép những cảnh tượng giao lưu văn hóa đông tây như cô gái địa phương học điệu múa Hán, kỹ nữ gảy đàn cầm của người Hồ, v.v, sáng tác nhiều bài thơ miêu tả phong cảnh tự nhiên, phong tục xã hội và cuộc sống.
Thành Cát Tư Hãn sau khi tây chinh trở về, lập tức xuất chinh Tây Hạ, Gia Luật Sở Tài lại lần nữa đi theo. Trong quá trình chinh phạt Tây Hạ, Gia Luật Sở Tài không ngừng dâng lời can gián cấm chỉ quan lại các châu quận tự tiện giết chóc, khiến cho nạn tham lam, bạo ngược được kiềm chế. Ngoài ra, ông còn hết sức bảo tồn thư tịch và y dược, nên đã cứu được không ít sinh mệnh.
Thành Cát Tư Hãn trước khi mất, từng chỉ vào Gia Luật Sở Tài căn dặn người kế thừa: “Người này là trời ban cho nhà ta, sau này việc chính trị dân sinh của quốc gia, đều có thể ủy thác cho ông ấy.”
Sau khi Oa Khoát Đài lên kế vị, quả nhiên trọng dụng Gia Luật Sở Tài, lập ông làm Trung thư lệnh (Tể tướng). Gia Luật Sở Tài tích cực khôi phục văn trị, từng bước thực thi phương án “Lấy Nho giáo trị quốc” và chủ trương chính sách “Định chế độ, nghị lễ nhạc, lập tông miếu, xây cung thất, sáng lập trường học, thiết bày khoa cử, chọn nhân tài ẩn dật, cầu ý kiến của bô lão, tiến cử người hiền, cầu sự chính trực, khuyến khích nông tang, kiềm chế chơi bời lười biếng, giảm hình phạt, thu thuế nhẹ, đề cao danh tiết, phê phán phóng túng, bỏ đi nhân viên thừa, phế truất ác quan, tôn sùng hiếu thuận, cứu giúp người khốn khổ”, được khen là “Bề tôi của xã tắc”, có cống hiến to lớn đối với việc thống nhất Trung Nguyên của đế quốc Mông Cổ.
Mộc Hoa Lê chinh Kim
Tháng 8 năm 1217, bởi vì có công bình định Liêu Tây và bình định lại Liêu Đông, Mộc Hoa Lê được Thành Cát Tư Hãn phong làm Thái sư, Quốc vương, được ban thưởng quyển kim ấn khen ngợi, chiếu viết: “Con cháu truyền nối, đời đời không dứt.” Thành Cát Tư Hãn mỗi lần xuất hành, đều làm thêm lá cờ lớn gồm chín lèo chuyên dụng. Ông đem lá cờ lớn chín lèo này ban cho Mộc Hoa Lê, và nói với các chư tướng: “Mộc Hoa Lê dựng cờ này phát hiệu lệnh, như trẫm đích thân giá lâm.”
Ông lại lệnh cho Mộc Hoa Lê được toàn quyền thống suất 1.3 vạn quân Mông Cổ, 1 vạn bộ binh Uông Cổ cùng các quân người Khiết Đan, người Hán đầu hàng người Mông Cổ tấn công nước Kim, chiêu nạp hào kiệt Trung Nguyên, kiến lập cấp tỉnh, kinh lược Trung Nguyên, còn mình thì dẫn quân chủ lực quay trở về Mông Cổ, chuẩn bị tây chinh.
Từ đó, Mộc Hoa Lê toàn quyền phụ trách chỉ huy cuộc chiến tấn công nước Kim. Ông thay đổi thói quen trước đây của người Mông Cổ chỉ đánh chiếm và đoạt đất mà không giữ thành, trọng dụng lực lượng vũ trang địa phương nguyện ý thần phục Mông Cổ, như cha con Sử Bỉnh Trực, Sử Thiên Nghê là thủ lĩnh quân Thanh Lạc Hà Bắc và nguyên soái Thạch Thiên Ứng của Hưng Trung Phủ, cùng thổ hào Dịch Châu, trấn thủ Kim Trung Đô Trương Nhu.v.v, kết hợp với sở trường của quân Mông Cổ, đánh chiếm được mấy chục thành các nơi như Liêu Tây, Hà Bắc, Sơn Tây, Sơn Đông, tại mỗi nơi đều thiết lập quan viên trấn thủ.
Mùa thu năm 1220, Mộc Hoa Lê dẫn quân đến Mãn Thành (nay là Bảo Định, Hà Bắc), thủ lĩnh lực lượng vũ trang địa phương Võ Tiên tại Chân Định phủ (nay là huyện Chính Định, Hà Bắc) đầu hàng, Mộc Hoa Lê tiếp thu kiến nghị của Sử Thiên Nghê, hạ lệnh nghiêm cấm cướp bóc bách tính, bởi vậy rất thu phục được lòng dân. Sau đó, ông dẫn kỵ binh tinh nhuệ tiến vào Tế Nam, thu hàng người cai quản Tế Nam của Nam Tống Nghiêm Thực cùng với 30 vạn hộ thuộc 8 châu do ông ta cai quản như Châu Tương, Châu Ngụy, Châu Từ, v.v., lệnh cho giữ chức Thượng thư tỉnh sự, lại thu phục những người như Tiết Độ Sứ Võ Quý ở châu Hình nước Kim, thủ lĩnh Thạch Tịch của nghĩa quân trung thành với nước Tống, An Phủ Sứ kiêm tổng quản Trương Lâm của Kinh Đông nước Tống, không đánh mà lấy được một vùng đất đai rộng lớn.
Trong lúc giao chiến kịch liệt ở Hoàng Lăng Cương (nay là phía đông Lan Khảo, Hà Nam), Mộc Hoa Lê linh hoạt dùng binh, tự mình xuống ngựa đốc chiến, ra lệnh cho tướng sĩ giương cung cùng bắn, đánh bại 20 vạn quân Kim, chiếm được Vệ Châu, Đan Châu. Mùa đông năm sau, ông lấy luôn cả Gia Châu (nay là huyện Giai thuộc Thiểm Tây), Tuy Đức, cũng bố trí mai phục đánh vào ban đêm tại phía đông thành Diên An, đánh bại ba vạn quân Kim, chém chết bảy ngàn người.
Năm 1222, Mộc Hoa Lê dẫn quân bao vây tấn công Kinh Triệu phủ (nay là Tây An), bởi vì 20 vạn quân Kim cố thủ, không đánh được, ông liền cho giữ lại sáu ngàn quân cầm cự cùng quân Kim, còn phái ba ngàn người trấn giữ Đồng Quan; tự mình dẫn quân chủ lực về phía tây đánh chiếm Phượng Tường, nhưng hơn một tháng không hạ được.
Mùa xuân năm thứ hai, khi Mộc Hoa Lê vượt sông Hoàng Hà đến Văn Hỉ (nay thuộc huyện Văn Hỉ, Sơn Tây) thì lâm bệnh qua đời, hưởng thọ 54 tuổi. Trước khi lâm chung, Mộc Hoa Lê nói với em trai của mình là Đái Tôn rằng: “Ta vì muốn giúp quốc gia thành đại nghiệp, mặc giáp cầm gươm gần 40 năm, đánh đông dẹp tây, không có điều gì phải ân hận, chỉ tiếc chưa đánh hạ Biện Kinh (nay là Khai Phong, Hà Nam)! Ngươi phải cố gắng.”
Trên thực tế, trải qua 6 năm chinh chiến, Mộc Hoa Lê trước sau đã chinh phục đại bộ phận quốc thổ triều Kim, san bằng tất cả thực lực của quân Kim, cũng thu phục được rất nhiều hàng tướng của triều Kim. Sau khi ông mất đi, con ông là Bột Lỗ thừa kế tước vị, lĩnh quân tiếp tục chinh phạt nước Kim.
Bề tôi đắc lực của Thành Cát Tư Hãn
Mộc Hoa Lê sinh ra ở phía đông A Nan Thủy, lịch sử ghi lại rằng khi ông sinh ra, có một luồng khí trắng tốt lành bay ra từ trong đại trướng. Một vị vu thần trên thảo nguyên nhìn thấy cảnh tượng này, kinh ngạc thốt lên “đứa trẻ này thật phi thường.”
Sau khi trưởng thành, Mộc Hoa Lê trầm ổn cương nghị, túc trí đa mưu, vạm vỡ khôi ngô, cánh tay dài như vượn, rất giỏi về bắn cung, có thể kéo căng cung hai thạch (khoảng 200 cân), oai hùng trên thảo nguyên nổi tiếng một thời. Ông cùng với Bác Nhĩ Thuật, Bác Nhĩ Hốt, Xích Lão Ôn cùng đem lòng trung thành và dũng cảm để phò tá Thành Cát Tư Hãn, người thời đó tôn xưng bốn người là “Xuyết Lý Ban – Khúc luật”, tiếng Hán có nghĩa là “Tứ kiệt”.
Có một năm, Thành Cát Tư Hãn xuất chinh thất bại, bị mất doanh trướng, ban đêm, ông chỉ có thể nằm trên đám cỏ. Không may là, đêm đó tuyết lại rơi nhiều, Mộc Hoa Lê và Bác Nhĩ Thuật cùng mở tấm lông cừu ra để che chắn gió tuyết cho Đại Hãn, từ chạng vạng tối mãi cho đến sáng hôm sau, thậm chí ngay cả bước chân cũng không nhúc nhích.
Còn có một hôm, Thành Cát Tư Hãn mang theo hơn 30 kỵ binh, đi tới một chỗ giữa sơn cốc. Đột nhiên một đám quân giặc từ trong rừng rậm bên cạnh xuất hiện và bắn tên. Trong lúc nhất thời, tên bắn ra như mưa. Mộc Hoa Lê lập tức giương cung lắp tên, bắn liền ba mũi, trúng ba người. Thủ lĩnh quân địch hỏi: “Ông là ai?” Ông trả lời: “Ta là Mộc Hoa Lê.” Sau đó Mộc Hoa Lê tháo yên ngựa, cầm trong tay làm tấm chắn, bảo hộ Thành Cát Tư Hãn rút lui. Những kỵ binh còn lại phản kích, quân giặc chạy tứ tán.
Trong mấy chục năm, Mộc Hoa Lê đi theo Thành Cát Tư Hãn đánh đông dẹp tây, lập nên những chiến công hiển hách, và cũng mấy lần cứu Thành Cát Tư Hãn thoát khỏi nguy nan.
Năm 1206, Thành Cát Tư Hãn thống nhất các bộ lạc Mông Cổ, bước lên ngôi vị Hoàng đế. Khi mới lên ngôi, Đại Hãn liền nói với Mộc Hoa Lê và Bác Nhĩ Thuật: “Hiện ở trong nước được bình ổn, phần lớn là công lao của các ngươi. Các ngươi đối với ta, tựa như cái càng của xe, như cánh tay của thân người không thể thiếu được, các ngươi phải hiểu rõ ý này của ta, không được thay đổi cái tâm phò tá ta lúc ban đầu.” Ngay sau đó, ông lập Mộc Hoa Lê và Bác Nhĩ Thuật làm Tả, Hữu vạn hộ trưởng, ban cấp cho họ đầy đủ thị vệ và nghi trượng tương ứng, ban thưởng cho họ sự đãi ngộ như vương của nước chư hầu.
Sau đó, Thành Cát Tư Hãn lại phong Mộc Hoa Lê làm Thái sư, Quốc vương, ban thưởng ấn tín hoàng kim và lời khen ngợi. Ở đế quốc Mông Cổ, Mộc Hoa Lê là người đầu tiên được thụ phong vương vị. Trong “Tân nguyên sử” của triều Kim nói, ông biết nhìn người và biết dùng người, có khí phách của Thành Cát Tư Hãn.
(Còn tiếp)
Trương Hiến Nghĩa biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ