Ước hẹn ngàn dặm, sinh tử có nhau: Tình bạn của Phạm Thức và Trương Thiệu
Bạn bè không chỉ quý ở chỗ hiểu nhau mà còn ở sự thành tín và giữ gìn đạo nghĩa. Trong đó, tình bạn sinh tử có nhau luôn là những câu chuyện được lưu truyền thiên cổ.
Thời cổ đại có năm loại quan hệ nhân luân, đó là: vua quan, cha con, anh em, vợ chồng và bạn bè. Mạnh Tử cho rằng: Giữa vua quan là đạo lễ nghĩa – ứng với “trung”, giữa cha con là tôn ti trật tự – ứng với “hiếu”, giữa anh em là cốt nhục chí thân – ứng với “kính nhường”, giữa vợ chồng là tình cảm chân thành ‘nam chủ ngoại, nữ chủ nội’ âm dương khác biệt – ứng với “nhẫn”, giữa bạn bè là đức tính thành tín chân thành – ứng với “thiện”.
Nói riêng về quan hệ bạn bè, tình bạn không chỉ quý ở chỗ hiểu nhau mà còn ở sự thành tín và giữ gìn đạo nghĩa. Trong đó, tình bạn sinh tử có nhau luôn là những câu chuyện được lưu truyền thiên cổ. Phạm Thức và Trương Thiệu thời Đông Hán là một ví dụ sống động.
Phạm Thức, tự Cự Khanh, là người huyện Kim Hương, quận Sơn Dương (nội thành Sơn Đông hiện nay). Thời niên thiếu ông từng là một nho sinh tại Thái Học. Trong quá trình cầu học, ông có cơ duyên gặp Trương Thiệu, tự Nguyên Bá, là người Nhữ Nam (Hà Nam ngày nay), vốn là bậc hành hiệp trượng nghĩa. Hai người vừa gặp mà như đã quen thân, kết giao thành bạn bè thân thiết.
Sau vài năm, cả hai đều học tập thành tài trở về quê hương. Phạm Thức nói với Trương Thiệu: “Hai năm nữa tôi sẽ về kinh đô, khi đó tôi sẽ đến nhà anh bái kiến phụ mẫu và thăm hỏi các con của anh”. Nói xong thì cả hai ước định ngày tái ngộ.
Hai năm nhanh chóng trôi qua, ngày hẹn đã gần kề, Trương Thiệu nói với mẹ rằng Phạm Thức sắp đến, dặn bà hãy thịt gà làm cơm để tiếp đãi bạn mình. Mẫu thân của Trương Thiệu hỏi: “Các con đã hai năm không gặp, hơn nữa lại ở cách nhau xa xôi cả nghìn dặm, vậy lấy gì để tin bạn con sẽ giữ lời hứa?” Trương Thiệu liền trả lời: “Cự Khanh là người coi trọng chữ tín, quyết sẽ không thất hứa”. Thấy con trai kiên quyết một lòng tin tưởng như vậy, mẹ Trương Thiệu đồng ý làm cơm tiếp đãi Phạm Thức.
Quả nhiên vào ngày đã định, Phạm Thức đến thăm nhà, hai người uống rượu hàn huyên, thân thiết không nỡ ly biệt. Người đời sau gọi tình bạn giữa Phạm, Trương là “kê thử chi giao” (tình bạn thịt gà nấu kê).
Sau này, Phạm Thức trở thành công tào quận thủ, không chỉ quản việc nhân sự mà còn có thể tham dự việc chính sự cấp quận. Trong lúc ấy Trương Hiệu ở quê nhà lâm bệnh nặng, nằm liệt trên giường không dậy nổi, chỉ có hai người bạn gần nhà là Chất Quân Chương và Ân Tử Trưng là tận tụy chăm sóc cho ông. Đến khi bệnh tình trầm trọng, ông thở dài nói: “Chỉ tiếc là trước khi từ giã cõi đời ta không được thấy người bạn sinh tử!”
Nghe vậy, Ân Tử Trưng không bằng lòng nói: “Tôi và Quân Chương đã tận tâm tận lực vì anh, mà vẫn không phải là bạn bè sinh tử cùng anh sao? Anh còn tìm ai nữa?” Trương Thiệu đáp: “Hai anh là bạn bè cùng sinh, tức là bạn bè sinh sống có nhau, nhưng Phạm Cự Khanh ở Sơn Dương mới là bạn bè tử biệt”.
Không lâu sau, Trương Thiệu qua đời vì bạo bệnh. Còn Phạm Thức thì nằm mộng thấy Trương Thiệu mặc áo mão cân đai, dáng vẻ vội vội vàng vàng đến gặp ông và nói: “Cự Khanh, tôi đã được định ngày rời khỏi thế gian rồi, khi đến ngày chôn cất tôi sẽ trở về Hoàng Tuyền mãi mãi. Nếu anh còn nhớ đến tôi, thì có thể gặp tôi lần cuối không?”
Phạm Thức đột nhiên tỉnh giấc, cảm thấy buồn bã vô cùng, nỗi u sầu trong lòng khiến ông rơi nước mắt. Sáng hôm sau ông liền đem chuyện báo mộng đến xin Thái thủ cấp phép để về quê dự tang. Thái thủ mặc dù không tin vào chuyện báo mộng, nhưng cũng không nhẫn tâm làm tổn hại mối tình thâm giao của ông nên đồng ý.
Phạm Thức mặc sẵn đồ tang, cất công đi cả ngày lẫn đêm cho kịp giờ hạ huyệt. Tuy nhiên, khi ông chưa về đến nơi thì linh cữu đã được khiêng đến nghĩa trang rồi, nhưng người ta lại không cách nào hạ quan tài xuống huyệt được. Mẫu thân của Trương Thiệu vuốt nhẹ lên chiếc quan tài rồi nói: “Nguyên Bá à, lẽ nào con còn tâm nguyện gì chưa hoàn thành ư?” Sau đó, bà cho tạm dừng việc an táng lại.
Lát sau, từ đằng xa một chiếc xe ngựa chạy đến, trên xe có tiếng than khóc. Mẫu thân Trương Thiệu nói: “Nhất định là Phạm Thức đến rồi”. Phạm Thức đến trước quan tài, quỳ xuống khấu đầu nghẹn ngào nói: “Nguyên Bá à, anh có thể đi rồi, sinh tử đôi đường, từ nay ly biệt”. Khi đó tham dự tang lễ chừng nghìn người, ai nấy đều cảm động rơi nước mắt.
Nói lời từ biệt xong, Phạm Thức lại cầm di ảnh dẫn đường, lần này linh cữu được đặt nhẹ nhàng vào huyệt mộ. Hằng ngày ông vẫn thường đến bên mộ Trương Thiệu, quét dọn, trồng cây, sau ba tháng mới miễn cưỡng rời đi.
Trở về kinh thành, Phạm Thức lại đến Thái Học học tập. Đương thời trong các đồng môn có nho sinh Trần Bình Tử đến từ Trường Sa, trước giờ chưa gặp Phạm Thức nhưng đã nghe qua danh tiếng của ông. Sau này Trần Bình Tử lâm bệnh, bèn nhắn nhủ người vợ không nơi nương tựa của mình: “Tôi nghe nói Phạm Cự Khanh ở Sơn Dương là bậc trung nghĩa, có thể phó thác sinh tử. Khi tôi mất đi, xin hãy an táng vào bãi đất trống trước nhà Cự Khanh”. Ông còn viết một bức thư tuyệt mệnh lên tấm vải trắng, xin phó thác hậu sự cho Phạm Thức.
Khi Trần Bình Tử qua đời, vợ ông đã làm theo lời dặn dò. Hôm ấy đúng vào lúc Phạm Thức đi vắng, bà đợi Phạm Thức về rồi xin vào gặp để kể rõ sự tình. Phạm Thức đọc thư xong, khấu đầu hành lễ trước phần mộ mà nước mắt không ngừng tuôn rơi, cứ như thể đó chính là bạn thân của ông vừa qua đời. Phạm Thức lại đích thân hộ tống vợ của Trần Bình Tử đưa linh cữu trở về cố hương Trường Sa.
Khi còn khoảng bốn, năm dặm đường nữa là đến nơi, Phạm Thức đặt lá thư tuyệt mệnh lên quan tài rồi nói lời từ biệt. Các huynh đệ của Trần Bình Tử vô cùng cảm kích lòng nhân nghĩa của Phạm Thức, bèn tìm đến ông nhưng không thể tìm thấy.
Câu chuyện “Kê thử chi giao” về tình bạn giữa Phạm Thức và Trương Thiệu đã trở thành một điển tích cho hậu thế, là chủ đề cho các tiểu thuyết sau này, như vở kịch “Tử sinh giao Phạm Trương kê thử” của Cung Thiên Đình, “Phạm Cự Khanh kê thử sinh tử giao” trong bộ “Cổ kim tiểu thuyết” của Phùng Mộng Long, v.v.
Trong kiếp nhân sinh, có được tình bạn như Phạm Thức và Trương Thiệu thì quả là một may mắn khó có được trên đời.
Tư liệu tham khảo:
- Hậu Hán Thư
Lý Tinh Thành biên tập
Minh Sơn biên dịch
Xem thêm: