Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ tăng lên cao nhất kể từ tháng 04/2023
Số liệu thương mại mới nhất có thể tác động tiêu cực đến dữ liệu GDP quý 1 năm nay.
Theo dữ liệu mới từ Cục Phân tích Kinh tế (BEA), thâm hụt thương mại quốc tế của Hoa Kỳ đã tăng với tốc độ cao hơn dự kiến và tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 tháng.
Hồi tháng Hai, số liệu về mất cân bằng thương mại này đã tăng lên 68.9 tỷ USD từ mức 67.6 tỷ USD được điều chỉnh tăng của tháng Một. Đây là mức thâm hụt lớn nhất kể từ tháng 04/2023.
Xuất cảng tăng 2.3% lên mức cao nhất trong lịch sử là 263 tỷ USD, nhờ vận chuyển phi cơ dân dụng, dầu thô, và đậu nành. Xuất cảng xe khách giảm.
Nhập cảng cũng tăng 2.2% lên mức cao nhất trong 14 tháng là 331.9 tỷ USD. Sự gia tăng trong nhập cảng được chủ yếu thúc đẩy bằng việc mua xe hơi, đồ gia dụng, điện thoại di động, và chế phẩm dược phẩm.
Số liệu thống kê bổ sung của BEA nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ ghi nhận thặng dư với một số thị trường, bao gồm Trung và Nam Mỹ (5.5 tỷ USD), Hà Lan (4.3 tỷ USD), Hồng Kông (2.8 tỷ USD), và Úc (1.6 tỷ USD). Ngược lại, Hoa Kỳ ghi nhận thâm hụt khá lớn với nhiều nền kinh tế khác, như Trung Quốc (21.9 tỷ USD), Liên minh Âu Châu (17.6 tỷ USD), Mexico (15.3 tỷ USD), và Việt Nam (7.6 tỷ USD).
Thâm hụt thương mại có xu hướng cao hơn sau khi giảm xuống mức thấp trong ba năm là khoảng 59 tỷ USD hồi tháng 08/2023. Mức thâm hụt này vẫn là ít hơn nhiều so với mức nhập siêu thương mại kỷ lục 102.5 tỷ USD vào tháng 03/2022. Trong quý 4/2023, thương mại đã đóng góp 0.25% vào mức 3.4% tốc độ tăng trưởng GDP sau hai lần liên tiếp có số liệu không thay đổi.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng số liệu mới nhất về thương mại có thể ảnh hưởng đến dữ liệu GDP quý 1/2024. Ước tính Mô hình GDPNow của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta dự đoán mức tăng trưởng 2.5% từ tháng Một đến tháng Ba.
Tình hình thương mại toàn cầu
Sau đại dịch virus corona, chuỗi cung ứng quốc tế rơi vào tình trạng hỗn loạn, dẫn đến chi phí vận chuyển cao hơn, giao hàng chậm trễ, và thiếu hụt sản phẩm. Các điều kiện đã ổn định trong năm qua, mặc dù đã có một số trở ngại trong những tháng gần đây.
Khủng hoảng ở Hồng Hải, tắc nghẽn ở Kênh đào Panama, và thảm họa cầu Baltimore là những vấn đề đau đầu mới nhất đối với ngành vận tải biển trên toàn thế giới. Trong khi đó, các phép đo của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York thể hiện dòng chảy thương mại tương đối bình thường.
Chỉ số Áp lực Chuỗi Cung ứng Toàn cầu (GSCPI) của ngân hàng trung ương khu vực này đã dao động quanh mức 0 kể từ tháng 10/2023.
Trong khi đó, chính phủ đương nhiệm đã cố gắng đa dạng hóa chính sách thương mại bằng cách ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn, phát triển quan hệ đối tác tốt hơn ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và khuyến khích nhiều công ty hồi hương về Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen, người sẽ đến thăm Bắc Kinh trong những ngày tới, đã nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không tiến hành tách rời mà chỉ đang thực hiện một sáng kiến giảm rủi ro.
Nói chuyện với các phóng viên hôm 03/04, bà Yellen lưu ý rằng bà có ý định truyền đạt những lo ngại của Tòa Bạch Ốc xung quanh việc chính quyền Trung Quốc làm ngập nền kinh tế toàn cầu bằng công nghệ năng lượng xanh giá rẻ, như tấm pin quang năng và xe điện.
“Chúng ta cần có một sân chơi bình đẳng,” bà nói. “Chúng tôi lo ngại rằng việc đầu tư ồ ạt vào một loạt các ngành công nghiệp ở Trung Quốc sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa công suất.”
Các nhà phê bình đã phản đối việc chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và có chiến lược thương mại nông nghiệp “không tham vọng.”
Tháng trước (03/2024), dự luật tài trợ cho chính phủ trị giá 1.2 ngàn tỷ USD mới nhất đã bao gồm 21 tỷ USD dành cho IMF để giúp đỡ các quốc gia có thu nhập thấp khi họ cố gắng thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền kinh tế, và cải thiện các chương trình nợ. Bà Yellen từ lâu đã ủng hộ việc IMF tài trợ nhiều hơn để ngăn chặn Trung Quốc gây ảnh hưởng lớn hơn lên tổ chức toàn cầu này và giành quyền kiểm soát các quốc gia dễ bị tổn thương.
Bà Yellen nói với Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hồi tháng 06/2023: “Vai trò lãnh đạo của chúng ta trong các tổ chức này là một trong những cách thức chủ yếu của chúng ta để tiếp xúc với các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.”
Trong khi các chuyên gia ủng hộ việc cải tổ sâu rộng tại IMF và Ngân hàng Thế giới, thì Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cũng đã nói tại một sự kiện của Hội đồng Quan hệ Ngoại quốc hồi tháng Hai rằng những nỗ lực này là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ ở cả trong và ngoài nước.
Xuất cảng nông sản sụt giảm
Sau khi tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong quý 2/2022, xuất cảng nông sản của Hoa Kỳ đang có xu hướng đi xuống. Trong giai đoạn từ tháng Mười đến tháng Mười Hai, xuất cảng giảm hơn 4% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Nhìn chung, xuất cảng nông sản của Hoa Kỳ đạt tổng trị giá 191 tỷ USD vào năm 2023, giảm 10% so với năm 2022 trong bối cảnh giá hàng hóa giảm và số lượng chuyến hàng giảm.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) lưu ý trong một báo cáo rằng xuất cảng vật nuôi và ngũ cốc đã có mức sụt giảm đáng kể nhất, do giá thịt bò, ngô, lúa miến, và lúa mì bị giảm dần.
USDA cho biết: “Giá hàng hóa toàn cầu giảm từ mức cao của năm 2022 là một trong những nguyên nhân chính khiến giá trị xuất cảng giảm trên diện rộng.”
Các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã cáo buộc Tổng thống Joe Biden làm nông dân Hoa Kỳ thất vọng.
“Phần lớn do chính phủ Tổng thống Biden gần như không hành động gì về thương mại, nên xuất cảng nông sản của Hoa Kỳ đang giảm sút,” thượng nghị sĩ John Thune (Cộng Hòa-South Dakota) cho biết. “Năm ngoái, Hoa Kỳ có mức thâm hụt thương mại nông nghiệp là 16.6 tỷ USD. Và mức thâm hụt thương mại đó được dự đoán sẽ tăng lên gần gấp đôi trong năm nay.”
“Chúng tôi kỳ vọng thương mại sẽ biến động theo các yếu tố kinh tế vĩ mô và điều kiện thị trường,” các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa viết trong bức thư ngày 14/03 gửi bà Tai. “Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh hiện nay trong xuất cảng nông sản của Hoa Kỳ trực tiếp là do và bị khiến cho tệ hại hơn bởi chiến lược thương mại không tham vọng của Hoa Kỳ, một chiến lược đã thất bại trong việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường hoặc giảm các rào cản thuế quan và phi thuế quan một cách có ý nghĩa đối với thương mại.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times