Thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ lên tới gần 1 ngàn tỷ USD trong 5 tháng đầu năm tài khóa
Nợ quốc gia hiện ở mức gần 34.5 ngàn tỷ USD.
Chính phủ Hoa Kỳ đã thâm hụt ngân sách 296 tỷ USD trong tháng Hai, thấp hơn một chút so với mức ước tính đồng thuận 298 tỷ USD. Dữ liệu mới của Bộ Ngân khố xác nhận rằng mức thâm hụt tài khóa hàng năm của Hoa Thịnh Đốn đang nhích lên gần con số 1 ngàn tỷ USD.
Theo Báo cáo Ngân khố Hàng tháng (MTS), trong năm tháng đầu của năm tài khóa này, thâm hụt ngân sách là 828.135 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Tổng chi tiêu liên bang đạt 567 tỷ USD vào tháng trước, dẫn đầu là An sinh Xã hội (121 tỷ USD), thu nhập an sinh (90 tỷ USD), y tế (76 tỷ USD), và Medicare (73 tỷ USD).
Tiền lãi phải trả là khoản chi ngân sách lớn thứ năm, chạm mức 67 tỷ USD. Lãi gộp của chứng khoán nợ Ngân khố đã tăng 76.162 tỷ USD.
Tổng thu của liên bang đạt 271 tỷ USD, trong đó gần như toàn bộ đến từ Bảo hiểm Xã hội và Hưu trí (129 tỷ USD) và thuế thu nhập cá nhân (121 tỷ USD).
Chi tiêu đã tăng hơn 8% so với một năm trước, trong khi các khoản thu tăng khoảng 3.5%.
Trước dữ liệu chính thức của Bộ Ngân khố, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) đã báo cáo trong Đánh giá Ngân sách Hàng tháng rằng chính phủ liên bang đã thiếu hụt ngân sách 298 tỷ USD.
Cơ quan giám sát ngân sách phi đảng phái này viết rằng thâm hụt liên bang sẽ còn cao hơn nữa nếu không có sự thay đổi trong các khoản thanh toán.
“Các khoản chi tiêu trong năm tháng đầu mỗi năm đã giảm do sự thay đổi của một số khoản thanh toán nhất định mà lẽ ra phải đến hạn vào ngày 01/10, rơi vào cuối tuần. (Các khoản thanh toán đó được thực hiện lần lượt vào tháng 09/2022 và tháng 09/2023).” báo cáo nêu rõ. “Nếu không có những thay đổi đó, thì mức thâm hụt cho đến nay sẽ là 903 tỷ USD, nhiều hơn 117 tỷ USD so với mức thâm hụt của cùng thời kỳ trong năm tài khóa 2023.”
Theo khuôn khổ ngân sách năm tài khóa 2025 mới nhất của Tòa Bạch Ốc, chính phủ dự kiến thâm hụt 1.86 ngàn tỷ USD vào năm 2024 và 1.79 ngàn tỷ USD vào năm tiếp theo.
Các quan chức CBO đã điều chỉnh dự báo thâm hụt ngân sách năm tài khóa 2024 của họ xuống khoảng 100 tỷ USD, xuống còn 1.5 ngàn tỷ USD.
Đến năm 2035, chính phủ Hoa Kỳ sẽ ghi nhận mức thâm hụt lũy kế hơn 16 ngàn tỷ USD, đẩy nhanh mức tăng nợ quốc gia lên gần 53 ngàn tỷ USD. Nợ của Hoa Kỳ hiện ở mức 34.5 ngàn tỷ USD.
Với khoản nợ quốc gia tăng vọt khoảng 1 ngàn tỷ USD cứ sau khoảng 100 ngày, cột mốc nợ tiếp theo là 35 ngàn tỷ USD có thể đạt được vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè.
Có rất ít phản ứng của thị trường đối với những con số ngân sách mới nhất, trong đó các nhà đầu tư chủ yếu phản ứng với dữ liệu lạm phát gần đây.
Lợi suất công khố phiếu Hoa Kỳ nhìn chung đã tăng lên, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn đạt 4.15%.
Bền vững tài khóa gặp khó khăn
Mùa thu vừa qua, Moody’s Investor Service đã hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm nợ của chính phủ Hoa Kỳ từ ổn định xuống tiêu cực, với lý do rủi ro tài chính ngày càng gia tăng của Hoa Thịnh Đốn.
“Trong bối cảnh lãi suất cao hơn, không có biện pháp chính sách tài khóa hiệu quả nào để giảm chi tiêu của chính phủ hoặc tăng doanh thu,” hãng xếp hạng này nêu trong báo cáo tháng 11/2023. “Moody’s kỳ vọng rằng thâm hụt tài khóa của Hoa Kỳ vẫn sẽ rất lớn, làm suy yếu đáng kể khả năng chi trả nợ.”
Tòa Bạch Ốc phớt lờ việc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ và đổ lỗi cho “sự rối loạn chức năng” do Đảng Cộng Hòa tạo ra.
Thứ trưởng Ngân khố Wally Adeyemo cho biết trong một tuyên bố, “Mặc dù tuyên bố của Moody’s duy trì xếp hạng AAA của Hoa Kỳ, nhưng chúng tôi không đồng tình với việc chuyển sang triển vọng tiêu cực. Nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn mạnh, và chứng khoán Ngân khố là tài sản an toàn và có tính thanh khoản ưu việt trên thế giới.”
Trong tháng qua, Chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã lặp đi lặp lại những lo ngại xung quanh “con đường tài khóa không bền vững” của chính phủ liên bang.
Ông Powell nói trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “60 Minutes”, “Và điều đó chỉ có nghĩa là nợ đang tăng nhanh hơn nền kinh tế. Vì vậy, tình hình đang không bền vững. Tôi nghĩ điều đó là không có gì để tranh cãi.”
Ông trình bày lại quan điểm này trong bài diễn văn chính sách bán niên của mình tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ.
Trong một báo cáo hồi tháng Một về tình trạng suy thoái tài khóa của chính phủ, Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm (CRFB) đã báo cáo rằng nợ và thâm hụt ngày càng tăng đang được thúc đẩy bằng sự kết hợp giữa tăng chi tiêu và cắt giảm thuế.
CRFB cho biết, “Một số người cho rằng sự suy giảm tài khóa này hoàn toàn là do cắt giảm thuế hoặc hoàn toàn là do tăng trưởng chi tiêu. Trên thực tế, cả việc tăng chi tiêu và giảm doanh thu đều có thể giải thích cho sự gia tăng thâm hụt và nợ.”
“Sự gia tăng thâm hụt và nợ có thể được giải thích bằng sự tăng trưởng tự động trong chi tiêu bắt buộc và bằng việc ban hành luật cắt giảm thuế và tăng chi tiêu. Nếu không có bất kỳ hiện tượng nào trong số này, thì nợ sẽ đi theo con đường bền vững hơn nhiều.”
Một nhóm các nhà kinh tế lập luận rằng nền kinh tế đang thâm hụt ngân sách hơn ngàn tỷ USD khi nền kinh tế đang mở rộng. Nếu Hoa Kỳ rơi vào suy thoái, thì chính phủ Hoa Kỳ và Hệ thống Dự trữ Liên bang sẽ gặp khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp kích thích và cứu trợ khác nhau như các quan chức thường làm trong thời kỳ suy thoái.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times