Giá xe hơi dự kiến sẽ tăng sau vụ sập cầu ở cảng Baltimore
Tác động có thể sẽ trở nên rõ ràng trong báo cáo lạm phát vào tháng Bốn hoặc tháng Năm.
Vụ sập cầu ở cảng Baltimore có khả năng tạo ra hiệu ứng domino trong ngành công nghiệp xe hơi, dẫn đến tình trạng thiếu hàng tồn kho và tăng giá. Vụ việc này dự kiến cũng sẽ gây ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung.
Theo ông Michel Leonard, nhà kinh tế trưởng và là nhà khoa học dữ liệu tại Viện Thông tin Bảo hiểm, lĩnh vực xe hơi sẽ chứng kiến sự gián đoạn đáng kể tương tự như những gì đã thấy trong đại dịch, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn.
Theo dự đoán của ông, sẽ có thời kỳ giá thành của các loại xe hơi mới tăng cao.
Ông nói với The Epoch Times: “Người tiêu dùng sẽ trải nghiệm điều đó trong vòng một vài tuần.”
Ông nói thêm rằng tác động có thể sẽ trở nên rõ ràng trong báo cáo lạm phát vào tháng Bốn hoặc tháng Năm.
Baltimore là cảng vận chuyển xe hơi tấp nập nhất của Mỹ quốc. Năm ngoái, hơn 847,000 xe hơi và xe tải nhẹ đã được tiếp nhận và vận chuyển qua cảng này. Đây là một trung tâm quan trọng cho hoạt động xuất nhập cảng của nhiều thương hiệu hàng đầu như General Motors, Jaguar Land Rover, Nissan, Toyota, và Volkswagen.
Rạng sáng thứ Ba (26/03), một tàu container lớn đã đụng phải cầu Francis Scott Key khiến một phần đáng kể của cây cầu bị sập. Tàu container Dali được đăng kiểm tại Singapore này do công ty Maersk thuê và Synergy Marine Group quản lý và vận hành.
Hoạt động vận chuyển ra vào Cảng Baltimore tạm thời ngưng sau vụ sập cầu.
Theo ông Leonard, thời gian chính xác của đợt gián đoạn này vẫn chưa rõ ràng.
“Chúng tôi không biết cây cầu này sẽ phải ngừng vận hành trong bao lâu, và chúng tôi không biết việc vận chuyển sẽ bị gián đoạn trong bao lâu.”
Như đã thấy trong những năm đại dịch, giá xe hơi mới có xu hướng dao động ít hơn so với giá xe hơi cũ, ông Leonard cho hay.
Ông nói thêm, “Tác động rất có thể sẽ là sự sẵn có của xe hơi. Điều mà người tiêu dùng cần lưu ý là họ có thể mất nhiều thời gian hơn để có được xe, và sẽ mất bao lâu thì còn tùy thuộc vào cây cầu.”
Theo các chuyên gia trong ngành, các cảng lớn khác ở Bờ Đông Hoa Kỳ, chẳng hạn như New York/New Jersey và Virginia gần đó, có khả năng đảm nhận một số hàng hóa của Baltimore, nhưng năng lực của các cảng này cũng bị hạn chế.
Vụ đòi bồi thường hàng hải đắt nhất?
Vụ sập cầu ở Baltimore được cho là một trong những tổn thất lớn nhất trong hoạt động kinh doanh hàng hải, vì vụ việc này đã khiến một trong những cảng đông đúc nhất ở giữa Đại Tây Dương phải ngừng hoạt động hoàn toàn.
Một số người thậm chí còn tin rằng đây sẽ là vụ đòi bồi thường hàng hải đắt nhất, vượt quá 1.5 tỷ USD được chi trả cho thảm họa Costa Concordia năm 2012, theo Insurance Insider, một nền tảng tin tức kỹ thuật số cho ngành bảo hiểm.
Theo bà Loretta Worters, một phát ngôn viên của Viện Thông tin Bảo hiểm, các trách nhiệm pháp lý và tài chính [mà phía bồi thường phải chịu] bao gồm việc sập cầu, quá trình di dời phức tạp đống đổ nát, sự gián đoạn đáng kể đối với cảng Baltimore, và những tổn thất phát sinh do bị thương và tử vong.
Insurance Insider đưa tin rằng Chubb Ltd. là công ty bảo hiểm chính cho cây cầu, nhưng mọi khiếu nại bồi thường có thể sẽ được thế quyền, hoặc chuyển giao, cho bên bảo hiểm của chủ tàu. Chi phí ước tính của cây cầu là khoảng 1.2 tỷ USD.
“Giá [của cây cầu] phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố,” bà Worters nói với The Epoch Times. “Cây cầu này được xây dựng vào năm 1977. Vì vậy, giá để xây dựng lại một cây cầu ngày nay sẽ đắt hơn rất nhiều so với 50 năm về trước.”
Bà Worters nói thêm rằng có thể mất nhiều năm để giải quyết mạng lưới khiếu nại và trách nhiệm pháp lý phức tạp của vụ tai nạn.
“Yêu cầu bồi thường có thể sẽ liên quan đến một số công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm. Sẽ có các vấn đề về thế quyền và pháp lý. Vì vậy, tất cả quá trình đó sẽ mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu.”
Tổng thống Joe Biden cho biết chính phủ liên bang sẽ tài trợ chi phí tái thiết cây cầu này.
“Ý định của tôi là chính phủ liên bang sẽ chi trả toàn bộ chi phí xây dựng lại cây cầu đó, và tôi mong Quốc hội sẽ ủng hộ nỗ lực của tôi,” ông nói từ Tòa Bạch Ốc. “Sẽ mất một thời gian, và người dân Baltimore có thể tin tưởng vào việc chúng tôi sẽ sát cánh cùng họ trên mọi bước đường.”
Tổng thống Biden được hỏi liệu Maersk hay Synergy Marine Group có phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại trong vụ việc này hay không.
Ông trả lời bằng cách nói rằng chính phủ sẽ không trì hoãn việc xây dựng lại cây cầu.
“Việc đó là có khả năng, nhưng chúng tôi sẽ không chờ đợi khi không biết là khả năng đó có xảy ra không. Chúng tôi sẽ trả tiền để xây dựng và mở lại cây cầu,” ông nói.
Tổng thống Biden cũng cho biết ông sẽ đến thăm Baltimore “nhanh nhất có thể.”
“Đó là những gì chúng tôi sẽ làm.”