Thảm họa kinh tế Trung Quốc có ý nghĩa như thế nào đối với các thị trường
Nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng hỗn loạn.
Mặc dù không có khả năng ảnh hưởng đến việc lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa với tư cách là người đứng đầu ĐCSTQ, nền kinh tế số 2 thế giới này sẽ có tác động đến phần còn lại của thế giới nếu nó sụp đổ và bùng cháy.
Lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc — không thể bị đánh giá thấp tầm quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc phát triển trong hai thập niên qua — đã bị phá vỡ. Nhiều nhà phát triển địa ốc đã vỡ nợ. Và người tiêu dùng đang phản đối, từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp của họ đối với các căn nhà chưa hoàn thiện và thậm chí tổ chức các cuộc biểu tình tại hàng chục thành phố trên khắp đất nước.
Trong khi đó, tăng trưởng trong nước đang bấp bênh khi quốc gia này tiếp tục ban hành các lệnh phong tỏa liên quan đến virus Trung Cộng hết lần này đến lần khác. Tính đến cuối tháng Tám, các đợt phong tỏa tiếp tục ảnh hưởng đến tỉnh Hà Bắc, nằm ngay sát Bắc Kinh, và việc xét nghiệm hàng loạt đang tiếp diễn ở Thiên Tân. Trong khi Trung Quốc đã có thể xoay xở với sản lượng kinh tế của mình trong bối cảnh diễn ra các đợt phong tỏa — sử dụng các hệ thống khép kín — thì nền kinh tế nội địa và mức chi tiêu của người tiêu dùng nước này đã bị ảnh hưởng.
Tỷ lệ thất nghiệp cũng đáng lo ngại. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên thành thị Trung Quốc chạm mức đáng kinh ngạc là 20%, trong khi có nhiều sinh viên mới tốt nghiệp hơn dự kiến sẽ gia nhập lực lượng lao động vào mùa thu này. Các công ty công nghệ Trung Quốc xưa nay là nguồn cung cấp việc làm, nhưng đợt kìm hãm công nghệ do chính quyền lãnh đạo vào năm ngoái đã khiến nhiều công ty không có vốn để tăng số lượng nhân viên.
Mặt khác, Trung Quốc đang là chủ nợ của các khoản vay chưa thanh toán trị giá khoảng một ngàn tỷ USD được cung cấp cho các nước thế giới thứ ba như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Bắc Kinh đang vấp phải sự phản kháng từ các quốc gia này và có thể chịu áp lực phải xóa một số khoản vay.
Bán lẻ yếu kém
Những khó khăn kinh tế của Trung Quốc sẽ tác động đến các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ và phương Tây, đặc biệt là các công ty có sự hiện diện bán lẻ lớn ở Trung Quốc. Một ví dụ là Starbucks, công ty có hàng ngàn cửa hàng ở Trung Quốc và duy trì hơn một phần ba thị phần ở quốc gia đông dân nhất thế giới này. Starbucks cho biết doanh số bán hàng tại Trung Quốc giảm 40% trong quý 2.
Một công ty khác bị ảnh hưởng tiêu cực là Nike. Hãng sản xuất giày và quần áo này có sự hiện diện bán lẻ lớn ở Trung Quốc, và thu nhập quý 2 hạch toán không theo Nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung — GAAP (được đo bằng thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao — EBITDA) đã giảm 55%. Cả hai công ty đều đổ lỗi cho việc phong tỏa liên quan đến COVID khiến doanh số và thu nhập của họ sụt giảm.
Những đại công ty bán lẻ khác bao gồm Adidas và các công ty kinh doanh xa xỉ phẩm như Richemont và Burberry cũng cho biết doanh số bán hàng của họ sụt giảm ở Trung Quốc.
Hàng hóa chịu sức ép
Hàng hóa toàn cầu đang phải đối mặt với áp lực kép của đồng USD mạnh — loại tiền tệ mà hầu hết các loại hàng hóa được định giá theo — và sự suy yếu trong nhu cầu của Trung Quốc. Trong thập niên vừa qua, Trung Quốc là một trong những nhà nhập cảng chính các mặt hàng toàn cầu như quặng sắt, đồng, dầu mỏ, và khí đốt tự nhiên hóa lỏng.
Nhập cảng quặng sắt của Trung Quốc trong tháng Bảy đã tăng 3.1%, mặc dù trong bảy tháng đầu năm 2022, tổng nhập cảng đã giảm 3.4% so với năm ngoái. Nhập cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc đã giảm 15.4% trong tháng Bảy và giảm 20.3% trong giai đoạn từ đầu năm đến tháng Bảy. Nhu cầu LNG thấp hơn của Trung Quốc đã không ảnh hưởng đến thị trường LNG vì nhu cầu từ Âu Châu — vốn bị ngắt khỏi khí đốt của Nga — đã giữ cho giá LNG ở mức cao ngất ngưởng.
Trong khi Trung Quốc tiếp tục nhập cảng dầu thô từ Nga mặc dù hầu hết các quốc gia phương Tây khác trừng phạt Nga, mức nhập cảng dầu nói chung của Trung Quốc đã giảm do kinh tế trong nước suy thoái. Dầu thô ngọt nhẹ Texas (West Texas Intermediate, WTI) kết thúc tháng Tám với mức giá giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, sự sụt giảm diễn ra lâu nhất trong vòng hai năm.
Dollar tăng
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã công bố chính sách lãi suất “cao hơn trong thời gian dài hơn” tại một cuộc họp hàng năm vào tháng Tám để giải quyết lạm phát. Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để kiềm chế lạm phát, cảnh báo rằng sự kiềm chế này có thể gây ra “một số đau đớn” cho các nhà đầu tư.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đã có sự khác biệt trong chính sách tiền tệ của mình. Trong tháng Tám, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm 5 điểm căn bản lãi suất chuẩn kỳ hạn một năm và lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm thêm 15 điểm căn bản để kích cầu tín dụng và hỗ trợ thị trường địa ốc xập xệ. Những đợt cắt giảm đó đã gây bất ngờ, trước các số liệu chi tiêu và vay nợ của người tiêu dùng trong tháng Bảy tệ hơn dự kiến.
Việc Fed tiếp tục giọng điệu cứng rắn của sẽ củng cố đồng USD so với các đồng tiền khác. Về phía ngân hàng trung ương Trung Quốc (POBC), hiện ngân hàng này có ít dư địa hơn để giảm lãi suất trong nước.
Theo một số nhà giao dịch tiền tệ ẩn danh đã nói chuyện với Bloomberg, hồi cuối tháng Tám, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã bán đồng USD trong một nỗ lực để hỗ trợ đồng nhân dân tệ.
Tạm thời, hãy kỳ vọng đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá so với đồng nhân dân tệ.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times