Thăm dò ý kiến: Niềm tin vào các ngân hàng Mỹ giảm mạnh sau các vụ sụp đổ
Theo một cuộc thăm dò mới, tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) đã ảnh hưởng đáng kể đến niềm tin của công chúng Mỹ đối với các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác.
Cuộc thăm dò từ Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng của The Associated Press và NORC cho thấy chỉ 10% người Mỹ trưởng thành nói rằng họ có niềm tin cao vào các ngân hàng và tổ chức tài chính của quốc gia, giảm từ mức 22% vào năm 2020.
Tổng cộng 57% cho biết họ “chỉ có một chút” niềm tin vào các ngân hàng, trong khi 30% “hầu như không có” chút niềm tin nào.
Cuộc thăm dò trên toàn quốc với 1,081 người trưởng thành được tiến hành từ hôm 16 đến hôm 20/03, sử dụng một mẫu lấy từ AmeriSpeak Panel dựa trên xác suất của NORC, được thiết kế để đại diện cho dân số Hoa Kỳ. Cuộc thăm dò này có sai số cộng hoặc trừ 4%.
Cùng với sự suy giảm niềm tin vào các ngân hàng, cuộc thăm dò cho thấy có ít người Mỹ hơn có niềm tin cao vào bất kỳ cơ quan nào của chính phủ Hoa Kỳ.
Ngoài ra, khoảng một nửa công chúng dự đoán nền kinh tế quốc gia và tình trạng của Hoa Kỳ sẽ suy giảm trong năm tới, với những người ủng hộ Đảng Cộng Hòa dự đoán tình hình sẽ tồi tệ hơn gấp đôi so với những người ủng hộ Đảng Dân Chủ.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy đa số người Mỹ tin rằng chính phủ không làm đủ để quản lý các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác: 56% cho biết chính phủ không làm đủ để quản lý ngành ngân hàng, trong khi 27% cho biết họ đang làm “đúng mức” và 15% cho biết họ đang quản lý “quá nhiều.”
Tổng thống Biden, Fed cho biết hệ thống ngân hàng ổn định
Những phát hiện mới nhất được công bố khi cả chính phủ Tổng thống Biden và Cục Dự trữ Liên bang đang tìm cách trấn an nỗi sợ hãi về tình trạng bất ổn có thể xảy ra trên diện rộng trong ngành ngân hàng.
Tổng thống Biden nói trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc hôm 13/03, “Người Mỹ có thể tin tưởng rằng hệ thống ngân hàng an toàn. Tiền gửi của quý vị sẽ ở đó khi quý vị cần.”
Nhận xét của ông đã được Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nhắc lại hôm thứ Tư (22/03) sau khi cơ quan hoạch định chính sách của Fed, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), đã bỏ phiếu đồng thuận tăng lãi suất thêm 25 điểm căn bản.
Trình bày sau cuộc họp của FOMC, ông Powell nói với các phóng viên rằng hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn “lành mạnh và kiên cường” với “vốn và thanh khoản mạnh mẽ.”
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các điều kiện trong hệ thống ngân hàng và sẵn sàng sử dụng tất cả các công cụ của mình khi cần thiết để giữ cho hệ thống an toàn và lành mạnh,” ông Powell nói. “Chúng tôi cam kết rút ra những bài học từ vụ việc này và làm việc để ngăn chặn những sự việc như thế này xảy ra lần nữa.”
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại về khả năng lây lan sau sự sụp đổ vào hôm 10/03 của SVB, ngân hàng lớn thứ 16 của quốc gia. Sự thất bại của ngân hàng này là do một kết hợp của lãi suất tăng, vốn đầu tư mạo hiểm cạn kiệt, và một tỷ lệ cao tiền gửi của khách hàng được đầu tư vào công khố phiếu, vốn rất nhạy cảm với lãi suất.
‘Cuộc khủng hoảng ngân hàng của người giàu’
Hai ngày sau, các nhà quản lý đã đóng cửa Signature Bank có trụ sở tại New York, ngân hàng gần đây đã gây chú ý về mối liên quan được cho là với công ty mã kim hiện đã phá sản FTX.
Flagstar Bank, một công ty con của New York Community Bancorp, sẽ mua một phần đáng kể tiền gửi của ngân hàng sụp đổ này theo thỏa thuận trị giá 2.7 tỷ USD với các nhà quản lý Hoa Kỳ được công bố hôm 19/03.
Không lâu sau đó, đại ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse — nằm trong số 30 tổ chức tài chính được xem là những ngân hàng quan trọng trong hệ thống toàn cầu — đã được đối thủ UBS mua lại trong một thương vụ trị giá 3.23 tỷ USD nhằm ngăn chặn một vụ sụp đổ và những hỗn loạn rộng lớn hơn của thị trường.
Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành đã xem tình trạng hỗn loạn hiện nay là “cuộc khủng hoảng ngân hàng của người giàu” như là một sự đối lập với công chúng nói chung.
Trình bày tại một hội nghị của Bloomberg ở London hôm thứ Tư (22/03), ông Davide Serra, người sáng lập và là Giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản toàn cầu Algebris, cho biết: “Trong cuộc khủng hoảng ngân hàng này, theo một cách nào đó, tôi sẽ mô tả nó là một cuộc khủng hoảng ngân hàng của người giàu. Nếu quý vị nghĩ về điều đó, thì SVB là ngân hàng của tất cả những người làm công nghệ, những công ty khởi nghiệp, và những nhà đầu tư mạo hiểm, với số tiền gửi trung bình là hơn 10 triệu USD — đó không phải là một ngân hàng nhỏ.”
Ông Serra cũng lưu ý rằng First Republic là ngân hàng của “các nhà quản lý quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư vốn tư nhân,” trong khi Credit Suisse là ngân hàng của “giới giàu có toàn cầu.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times