Tạp chí Ý đăng bài phơi bày nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc
Panorama, một tạp chí tin tức hàng tuần của Ý, đã đăng một bài báo phơi bày hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức man rợ của Trung Quốc, cụ thể là thu hoạch nội tạng cấy ghép từ những tù nhân lương tâm còn sống, không tự nguyện, và tước đi mạng sống của họ trong quá trình này.
Bài báo đăng ngày 24/08 với nhan đề “Trung Quốc: Khi nhà nước muốn nội tạng của quý vị” (“Cina, quando lo stato vuole i tuoi organi”) này đã gây ra một phản ứng điển hình kiểu chiến lang từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý. Tuy nhiên, Panorama đã không chịu thỏa hiệp. Thay vào đó, họ xuất bản một bài báo thứ hai nhắc lại tính chắc chắn trong các nguồn tin của họ cũng như việc những lời cáo buộc của Đại sứ quán Trung Quốc là không có cơ sở.
Bác bỏ cáo buộc của Đại sứ quán Trung Quốc
Trong một tuyên bố được công bố trên trang web của mình, đại sứ quán Trung Quốc tại Ý đã cáo buộc tác giả bài báo đạo văn và công kích những người đưa ra bằng chứng đáng tin cậy về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức là “phản Hoa” và “những kẻ vi phạm nhân quyền”. Phía đại sứ quán thậm chí còn nói Hoa Kỳ “ngụy tạo nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức này để bôi nhọ Trung Quốc”.
Đáp lại tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc, Panorama ngay lập tức đăng một bài báo khác có nhan đề “Trung Quốc đã vi phạm các quy tắc về y đức trong cấy ghép nội tạng” (“La Cina ha violato le norme di etica medica sui trapianti di organi”). Bài báo nói, “Cần nhớ rằng Trung Quốc đã lan truyền tin giả 24/7 về các trại giam nơi người Duy Ngô Nhĩ, các học viên Pháp Luân Công, hàng ngàn tù nhân chính trị đang bị giam giữ; và che giấu sự thật về đại dịch ngay từ đầu.”
“Việc cấy ghép nội tạng bất hợp pháp được lấy từ các tù nhân ở Trung Quốc là một chủ đề đã được thảo luận trong nhiều năm và nhiều quan chức hàng đầu của quốc tế đã nhiều lần yêu cầu chính phủ Trung Quốc làm rõ vấn đề này.”
Bài báo lưu ý rằng chính quyền Trung Quốc đã vi phạm hai giá trị cốt lõi trong y đức. Đầu tiên, họ đã vi phạm quy định về việc hiến tặng sau khi qua đời, trong đó nghiêm cấm việc lấy nội tạng thiết yếu từ một người còn sống.
Các tác giả trích dẫn một nghiên cứu bình duyệt được công bố trên Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ (American Journal of Transplantation), một tạp chí y khoa hàng đầu thế giới. Một trong những tác giả của nghiên cứu này là Giáo sư Jacob Lavee, cố vấn y khoa về quản lý rủi ro cho Trung tâm Y tế Sheba và là thành viên trong hội đồng đạo đức của Hiệp hội Cấy ghép Tim và Phổi Quốc tế (ISHLT). Ông đã thành lập và điều hành khoa cấy ghép tim của Trung tâm Y tế Sheba, cũng từng là chủ tịch của Hiệp hội Cấy ghép Israel. Từ các bài báo trên tạp chí Trung Quốc, nghiên cứu được bình duyệt này đã phát hiện 71 trường hợp cho thấy nội tạng được thu hoạch trước khi người hiến tặng qua đời.
Cũng theo nghiên cứu này, quy tắc đạo đức thứ hai mà Trung Quốc vi phạm là quy định cấm các bác sĩ tham gia vào việc hành quyết tù nhân.
“Đây là những nguồn tin của chúng tôi, và đây là những bằng chứng mà cộng đồng quốc tế tán đồng,” bài báo của Panorama viết. “Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý chỉ đơn giản là làm việc của mình — chỉ trích tất cả những điều này là sai sự thật mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh cho tuyên bố của mình.”
VOC: Bắc Kinh muốn đánh lạc hướng sự chú ý khỏi các hành vi vi phạm nhân quyền của mình
Trong một thư điện tử gửi tới The Epoch Times, ông Michal Harmata, phát ngôn viên của Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản (VOC), đã bác bỏ cáo buộc của Đại sứ quán Trung Quốc rằng “VOC được cơ quan tình báo Hoa Kỳ thành lập để ma quỷ hóa Trung Quốc.”
Ông Harmata viết, “Lời buộc tội sai trái và những lời ngụy biện của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý không phải là những tuyên bố đầu tiên, và cũng không phải là những tuyên bố cuối cùng kiểu này từ phía ĐCSTQ. Hồi tháng Tám năm nay, công ty an ninh mạng Mandiant đã phát hiện ra một mạng lưới các trang web thông tin sai lệch, các tài khoản mạng xã hội, và các tài liệu ngụy tạo nhằm làm mất uy tín của VOC và Tiến sĩ Adrian Zenz. Trước đây, Tiến sĩ Adrian Zenz là mục tiêu cho các vụ kiện của Trung Quốc sau khi nghiên cứu của ông về chế độ lao động cưỡng bức của ĐCSTQ dẫn đến việc Hoa Kỳ cấm nhập cảng bông từ Tân Cương.”
“Những nỗ lực không ngừng của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm làm mất uy tín của VOC phản ánh sự liều lĩnh ngày càng tăng của Bắc Kinh nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những hành vi vi phạm nhân quyền của họ. Như nhóm Nghiên cứu Trung Quốc của VOC đã ghi nhận, ĐCSTQ đang phạm phải những tội ác tàn bạo — và thế giới tự do đang bắt đầu phản đối.”
Ông Harmata đã đề cập đến Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương của VOC, một phân tích đột phá cho thấy sự tham gia trực tiếp của các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc trong chiến dịch giam giữ hàng loạt nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ. Phân tích này được thực hiện bởi Tiến sĩ Zenz, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Trung Quốc của VOC, và được hiệu đính bởi một nhóm các ký giả điều tra đến từ khắp nơi trên thế giới.
Hồ sơ của Cảnh sát Tân Cương đã được Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trích dẫn như là bằng chứng về “những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” của Trung Quốc ở Tân Cương.
Một nhóm các chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc đã theo dõi báo cáo này và kêu gọi Hội đồng Nhân quyền triệu tập một phiên họp đặc biệt về Trung Quốc.
Ông Harmata nói, “VOC sẽ không im lặng trước chiến dịch thông tin sai lệch và sách nhiễu của các Đảng Cộng sản Trung Quốc. VOC là một tổ chức bất vụ lợi phi đảng phái về giáo dục, nghiên cứu, và nhân quyền được phê chuẩn vào năm 1993 theo một Đạo luật có được sự tán đồng của Quốc hội và sẽ tiếp tục đấu tranh cho những người mà Đảng Cộng sản Trung Quốc nóng lòng muốn khuất phục, bịt miệng, và đàn áp.”
Từ chối yêu cầu của Đại sứ quán
Bà Sarah Cook, Giám đốc Nghiên cứu về Trung Quốc, Hồng Kông, và Đài Loan tại tổ chức Freedom House, nói với The Epoch Times rằng “Phản ứng của Panorama là một tấm gương sáng về hành động bảo vệ quyền tự do báo chí tại địa phương đồng thời có tác dụng phơi bày và chống lại áp lực của chính quyền Trung Quốc, cũng như nhắc nhở độc giả về những thông tin đáng tin cậy mà bản tin đầu tiên đã dùng làm căn cứ.”
Một báo cáo gần đây của Freedom House đã xem xét ảnh hưởng truyền thông của Bắc Kinh tại 30 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Ý, và phản ứng của địa phương đối với ĐCSTQ. Bà Cook nói, “Chúng tôi nhận thấy rằng chiến dịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm ảnh hưởng đến tin tức trên toàn cầu đã mở rộng kể từ năm 2019, và các chiến thuật được sử dụng ngày càng trở nên tinh vi và hung hãn hơn.”
“Chúng tôi cũng nhận thấy rằng các ký giả và những người khác trong các nền dân chủ đang phản đối, bảo vệ việc đưa tin dựa trên sự thật, bao gồm cả về các chủ đề như cuộc bức hại người Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.”
“Vụ việc ở Ý này đã ghi nhận một cách hoàn hảo những động lực đó. Đó là một phần trong một mô hình lớn hơn của việc các đại sứ quán đại diện của Trung Quốc tiếp cận các hãng thông tấn địa phương đưa những tin tức mà ĐCSTQ không thích, nghi vấn độ tin cậy của bài báo đó, và ngấm ngầm hoặc công khai yêu cầu họ xem xét lại việc xuất bản của mình.”
Bà Cook cũng đưa ra các ví dụ về những lần ảnh hưởng của Trung Quốc đã thành công, như vụ việc ở Kuwait, cụ thể là tờ Arab Times đã xóa cuộc phỏng vấn với ngoại trưởng Đài Loan khỏi trang web của mình vì bị gây áp lực.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times