Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (P.29): Câu chuyện Đường Thái Tông Lý Thế Dân
“Tam Tự Kinh” là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng đã được dùng làm sách giáo khoa trong trường tư thục từ thời nhà Tống, tương đương với sách giáo khoa tiểu học ngày nay, do đại Nho gia Tống triều Vương Ứng Lân tiên sinh soạn.
Xem lại P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9, P10
Nguyên văn
迨至隋,一土宇,
不再傳,失統緒。
唐高祖,起義師,
除隋亂,創國基。
Âm Hán Việt
Đãi chí Tùy, Nhất thổ vũ,
Bất tái truyền, Thất thống tự.
Đường Cao Tổ, Khởi nghĩa sư,
Trừ Tùy loạn, Sáng quốc cơ.
Tạm dịch
Chờ đến nhà Tùy thống nhất thiên hạ,
Không còn truyền lại, mất việc kế thừa.
Nên Đường Cao Tổ dấy binh khởi nghĩa,
Dẹp loạn Tùy mạt, khai sáng quốc cơ.
Từ vựng
(1) đãi (迨): chờ đến
(2) Tùy (隋): tên triều đại, thời Bắc Chu lúc Dương Kiên soán ngôi nhà Chu, diệt Trần, Lương, kết thúc Nam Bắc triều, thống nhất thiên hạ, định tên nước là Tùy.
(3) nhất (一): thống nhất
(4) thổ vũ (土宇): thiên hạ
(5) truyền (傳): truyền thừa, truyền [ngôi] vị
(6) thất (失): đánh mất
(7) thống tự (統緒): chỉ hệ thống hoàng thất đời đời kế thừa không dứt
(8) Đường Cao Tổ (唐高祖): vị vua khai quốc triều Đường. Họ Lý, tên là Uyên, tự là Thúc Đức, kế tập tước (kế thừa tước vị của cha) Đường quốc công triều Bắc Chu
(9) khởi (起): phát động, phát khởi, khởi xướng
(10) nghĩa sư (義師): Chính nghĩa chi sư, quân đội vì chính nghĩa mà chiến đấu. Sư (師): quân đội
(11) trừ (除): trừ bỏ, bình định
(12) Tùy loạn (隋亂): Chỉ những năm cuối nhà Tùy thế cuộc hỗn loạn quần hùng đồng thời nổi dậy
(13) sáng (創): khai sáng, sáng lập
(14) quốc cơ (國基): căn cơ quốc gia, nền tảng quốc gia
Dịch nghĩa tham khảo
Dương Kiên khởi binh, kết thúc thời đại hỗn loạn Nam Bắc triều, thống nhất thiên hạ, thành lập nhà Tùy, lịch sử gọi là Tùy Văn Đế. Nhưng nhà Tùy chỉ truyền được một đời, đến khi con trai Văn Đế là Dạng Đế lên ngôi vì hoang dâm vô đạo, cho nên liền mất nước.
Bởi vì Tùy Dạng Đế xa xỉ lãng phí, cuộc sống nhân dân khốn khổ, các nơi đều có người khởi binh. Lý Uyên liền phát động đội quân vì chính nghĩa mà chiến đấu, đã bình định việc hỗn loạn những năm cuối Tùy, lấy được thiên hạ, đặt định nền tảng của vương triều Đại Đường.
Đọc sách luận bút
Lịch sử Trung Nguyên diễn biến đến Tùy Đường, thì người ta đã hết sức quen thuộc với sự chuyển đổi triều đại. Từ lịch sử cụ thể chúng ta cũng không cần nói nhiều, chỉ nói tại vì sao triều Tùy chỉ có hai đời đã diệt vong.
Triều Tùy tuy đoản mệnh, nhưng đã kết thúc được cục diện gần 400 năm chia cắt từ thời Tam Quốc cuối những năm Đông Hán đến thời Nam Bắc triều, đồng thời lần đầu tiên hoàn thành đại nghiệp thống nhất thiên hạ. Vị hoàng đế khai quốc Dương Kiên, cũng chính là Tùy Văn Đế, yêu dân chuyên cần chính sự, tiết kiệm và đức độ, trong lúc tại vị thì thiên hạ thái bình, quốc gia giàu có, vì con trai Dương Quảng cũng chính là Hoàng đế cuối của triều Tùy, ông đã lưu lại một dải non sông tươi đẹp phồn hoa thịnh vượng.
Cơ nghiệp do Tùy Văn Đế lập nên, chỉ tiếc rằng đã truyền sai người, phế bỏ Thái tử trung hậu, đem hoàng vị truyền cho Dương Quảng, kẻ giả nhân giả nghĩa giỏi ngụy trang, giỏi mưu tính, thích việc lớn hám công to.
Dương Quảng đúng thật tương phản với cha mình, hắn xa xỉ đến cực điểm, tuần du khắp nơi, lấy danh nghĩa là học theo các bậc Đế vương cổ đại đi tuần sát nỗi khổ của bách tính, bắc tuần Tây Vực, nam du Giang Nam. Để tỏ uy nghi Đế vương bao trùm thiên hạ của mình, ông ta xa xỉ ham muốn tột độ, xe trướng nhân mã trùng trùng điệp điệp lũ lượt theo Thiên tử tuần hành, ăn mặc sang trọng, trang sức xa hoa, những con đường ngự dụng và những hành cung được xây dựng dọc theo đường đi đã tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền bạc và nhân lực. Không chỉ có thế, ông ta quanh năm xây dựng rầm rộ, không hề nghĩ đến tiết kiệm, thậm chí vì để thể hiện sự giàu có của vương triều và Thiên tử, đã để thương nhân các nước Tây Vực tự do lui tới, miễn phí ăn ở, hạ lệnh tất cả quán rượu hễ gặp thương nhân ngoại quốc ăn cơm ở trọ thì không được lấy tiền – Dùng cách này để biểu lộ sự phồn hoa của thiên triều và thể diện của Đế vương. Ông ta tiêu tiền như nước, thích việc lớn hám công to đến mức như vậy. Muôn dân đều nói đây chính là một điển hình của ‘bại gia chi tử’ (đứa con phá của), chuyên làm những việc gây lụn bại cơ nghiệp của cha ông.
Đồng thời, Dương Quảng còn tinh thông âm luật, tự mình soạn nhạc, suốt ngày cùng phi tần ở hậu cung trầm mê trong thanh sắc, tất cả trung ngôn (lời khuyên thành thật) thì một mực không nghe. Vì để tuần du đến Giang Nam mà dùng đến trăm vạn sức dân và lượng của cải khổng lồ để khai thông kênh đào thông thẳng tới sông Tiền Đường. Cuối cùng ông ta bị bức tử trên đường tuần du này. Bởi vậy triều Tùy qua hai đời mà diệt vong.
Dương Quảng vốn thông minh hơn người, thuở nhỏ đọc nhiều thi thư, kinh sử điển tịch, thiên văn địa lý, không gì không biết, văn thao vũ lược tài hoa hơn người. Hơn nữa còn dẫn đầu 50 vạn binh, một lần ra quân là đã trợ giúp Tùy Văn Đế tiêu diệt Trần Hậu Chủ, mang công lao thành tích thống nhất Nam triều, chẳng lẽ ông ta thật sự muốn làm một hôn quân vô đạo sao? Ông ta thông minh như vậy, đọc nhiều thi thư, sao lại không biết đạo lý hưng vong, nhưng sai là sai ở chỗ thích việc lớn hám công to, trầm mê trong hưởng lạc thanh sắc mà không hề hay biết, không nghe trung ngôn, không đối chiếu những đạo lý học được với hành vi của mình.
Ông ta cùng Trần Hậu Chủ đều như nhau, quá tinh thông âm luật, yêu thích vui đùa, lẫn lộn gốc ngọn, bỏ mặc bổn phận của bậc Đế vương, xem thiên hạ thành tài sản riêng của cá nhân để hưởng lạc, không tiếc sức dân, thế mới vong quốc. Có thể thấy rằng đạo làm vua, từ trước tới nay đều lấy việc thực hiện đạo nghĩa nhân đức làm gốc, đạo lý không phải là điều nói ở ngoài miệng, cũng không phải làm cho người ta nhìn thấy cái thanh danh tốt; khi vào thực tế làm thật thì không hề dễ dàng, một khi nắm quyền lớn, không nghe trung ngôn, rất dễ trầm mê vào thanh sắc.
Hai đời cha con của triều Tùy, hình thành một sự tương phản rõ ràng, đã lưu lại một bài học và cảnh tỉnh sâu sắc cho Thái Tông triều Đường. Thái Tông vì vậy đã trở thành một minh quân vĩ đại, có can đảm tiếp nhận can gián, chăm lo triều chính, trung thần lương tướng hội tụ, xuất hiện nhiều giai thoại truyền kỳ, khai sáng ra thời thịnh thế phồn hoa giàu mạnh trong lịch sử Trung Hoa, ân trạch tứ phương, đồng thời xem trọng cả uy và đức, thành tựu giai thoại của một bậc Đế vương.
Câu chuyện “Nhà Tùy sớm nở tối tàn”
Hoàng đế khai quốc triều Tùy là Dương Kiên, ông ép Chu Tĩnh Đế nhường ngôi, thành lập triều Tùy. Tiếp đó tiêu diệt nhà Trần ở phương Nam, thống nhất thiên hạ, kết thúc cục diện chia rẽ gần 400 năm kể từ thời loạn Hoàng Cân (loạn khăn vàng) ở cuối thời Đông Hán.
Tùy Văn Đế trong lịch sử Trung Quốc được xem là một vị Hoàng đế yêu dân chuyên cần chính sự; ông lưu tâm đến nỗi khổ của dân gian, chủ trương tiết kiệm, coi trọng phát triển nông nghiệp, giảm bớt thuế má, bởi vậy dưới sự trị vì của ông, thiên hạ giàu có và yên ổn. Thế nhưng Văn Đế có khuyết điểm rất lớn, chính là tâm ngờ vực rất nặng. Văn Đế hoài nghi Thái tử Dương Dũng có ý đồ bất lương đối với mình, rốt cuộc quyết định thay đổi địa vị Thái tử. Dương Dũng tính tình khoan dung nhân hậu, là người thẳng thắn, mặc dù đã từng muốn giành được thiện cảm của Văn Đế, thế nhưng đều bị người em Dương Quảng tìm cách cản trở nên không thành công, cuối cùng bị phế làm thứ dân.
Sau khi Dương Quảng (Tùy Dạng Đế), một người vốn giỏi về kỹ năng ngoài mặt, kế vị ngai vàng, dần dần hiển lộ ra bản tính thích hưởng thụ, thích xa hoa, không chút lo lắng đến cuộc sống ấm no cho dân chúng, tiêu tiền như nước, mấy lần xuôi phương Nam tuần du Giang Đô; thích việc lớn hám công to, phát động binh lực toàn quốc ba lần chinh phạt Cao Ly. Dạng Đế làm đủ loại hành vi ngang ngược, cuối cùng khiến lòng dân oán hận, dẫn đến trộm cướp nổi lên, cuối cùng bị Vũ Văn Hóa Cập giết chết tại Giang Đô. Sau khi Lý Uyên khởi binh nhập quan, thành lập triều Đường, trở thành Đường Cao Tổ, thì nhà Tùy diệt vong.
Câu chuyện Đường Thái Tông Lý Thế Dân
Lý Uyên mặc dù là Hoàng đế khai quốc triều Đường, nhưng người có sức ảnh hưởng thực sự chính là người con thứ của ông, Lý Thế Dân. Lý Thế Dân có tầm nhìn rộng lớn, túc trí đa mưu, dũng mãnh thiện chiến, không chỉ dẫn binh bình định quần hùng, thống nhất thiên hạ, mà còn chinh phục các nước Đột Quyết và Tây Vực, làm cho uy danh triều Đường lan rộng. Sau khi Lý Uyên tại vị 9 năm, đã truyền Đế vị cho Lý Thế Dân, tự xưng Thái Thượng Hoàng. Sau khi Lý Thế Dân lên ngôi, ông khéo biết dùng người, nền chính trị trong sạch, khai sáng ra thời ‘Trinh Quán thịnh thế’ nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Thái Tông rất quan tâm đến thuộc hạ, theo sách sử ghi chép, Thái Tông có vị thuộc cấp tên là Lý Tích, trên lưng nổi nhọt lớn đau nhức, thầy thuốc đều bó tay. Có người bẩm báo với Thái Tông rằng nhất định phải lấy được tro của râu rồng làm thuốc dẫn mới có thể trị khỏi bệnh của Lý Tích. Nhưng mà râu rồng biết tìm nơi nào? Thái Tông nhanh trí liền nói: “Ta là Chân Long Thiên Tử, hãy dùng chòm râu của ta đi!” Ngay sau đó ông tự cắt chòm râu của mình đốt thành tro, trộn vào thuốc để thoa, chữa khỏi đau nhức cho lưng Lý Tích.
Ngụy Trưng là một bề tôi nổi tiếng trong thời Trinh Quán, ông là người cương trực ngay thẳng, đối với sinh hoạt, ngôn hành và cầm quyền trị nước của Thái Tông, ông thường xuyên dâng lời can gián trung thực. Thái Tông rất kính nể ông. Sau khi Ngụy Trưng chết, Thái Tông cảm khái nói: “Dùng đồng để làm gương soi, có thể chỉnh tề áo mũ, chỉnh lý dung nhan; dùng lịch sử làm gương soi, có thể biết nguyên nhân hưng thịnh suy bại các triều đại; dùng người làm gương soi, có thể biết được sự được mất trong hành vi của bản thân. Bây giờ ta đã mất đi một chiếc gương rồi!”
Nho gia nghiên cứu lịch sử là vì để cho người ta hiểu được quy luật hưng vong của thiên hạ, hiểu được trọng yếu của Đức trị. Từ mục đích này để nhìn nhận thì Thái Tông có thể nói là bậc Đế vương anh minh, là người giỏi lĩnh hội lịch sử, hiểu và tiếp thu được những bài học chính diện của lịch sử. Chính vì thế, ông hiểu rõ chân lý và áp dụng nhiều trong thực tế, đã khai sáng ra nền văn minh vương triều huy hoàng nhất Hoa Hạ. Đây cũng chính là mục đích mà Khổng Tử năm đó lập ra Nho học, chỉ kclass = “tam-tu-kinh” hi con người trọng đức, thì mới có thể lập thân, lập quốc và lập gia. Ngược lại thì sẽ bại vong. Đọc sách chính là để minh bạch chính lý làm người.
Ghi chú: Bài viết dựa trên tài liệu dạy “Tam Tự Kinh” đã qua chỉnh sửa của Chánh Kiến Net.
Quý vị tham khảo bản gốc từ chanhkien.org