Âm nhạc cổ đại Trung Quốc: Đường Thái Tông chuẩn bị lễ nhạc trị thế
Đường Thái Tông rất coi trọng nhã nhạc, muốn chấn hưng sự nghiệp văn hóa và giáo dục. Vì vậy, ông đã ra lệnh cho Thái thường khanh Tổ Hiếu Tôn chỉnh lý âm Cung âm Thương (hai âm trong Ngũ âm thời cổ đại), Khởi cư lang Lữ Tài nghiên cứu âm vận, cùng với Hiệp luật lang Trương Văn Thu khảo chứng luật lữ (âm luật). Ông để nhóm người này cắt bỏ đi những âm luật rườm rà rối rắm, chỉnh lý thành âm luật quy phạm chuẩn mực.
Vì thế, Đường Thái Tông đã chỉnh lý và sáng tạo ra các nhạc khúc tuyệt sắc kính Thần và vũ đạo chúc mừng, nhanh chóng được truyền bá rộng rãi trong cả nước.
Lúc đầu, Tổ Hiếu Tôn cho rằng nhạc khúc của nước Lương, Trần và các nơi ở Giang Nam có nhiều sự trộn lẫn với các điệu hát dân gian của Ngô, Sở, nhạc khúc của khu vực Chu, Tề ở phương bắc chủ yếu sử dụng nhiều kỹ thuật nghệ thuật của Hồ Nhung. Vì vậy, ông dốc lòng tìm hiểu các phong cách khác nhau của các nhạc khúc từ Bắc tới Nam, lại tham khảo các nhạc khúc cổ, đã sáng tác ra Nhã nhạc Đại Đường, dùng mười hai âm luật, mỗi âm luật thuận theo mỗi tháng, xếp thứ tự theo cung, gọi là Hoàn cung.
Theo “Lễ Ký” có ghi: Nhạc khúc vĩ đại giao hòa với Trời Đất. Trong “Thi Kinh – Tự” có nói: Ý nghĩa của âm nhạc thời đại thái bình là dùng nhạc khúc để an định, chính sự của ông là thông hòa, do đó lại sáng tác biên chế ra mười hai nhạc khúc hài hòa, tổng cộng có 30 khúc 84 điệu.
Tế điện Trời Đất dùng cung Hoàng chung, tế điện đại trạch dùng cung Đại lữ, tế điện tông miếu dùng cung Thái Thốc. Còn khi cúng tế nghênh đón Ngũ Đế cầu khấn mùa màng bội thu, thì tùy theo tháng mà dùng cung luật. Ban đầu, nhạc quan của triều Tùy chỉ dùng một cung của Hoàng chung, gõ 7 chuông, còn lại 5 chuông treo ở đó nhưng không gõ..
Đến thời Tổ Hiếu Tôn, sau khi sáng tạo ra phương pháp Hoàn cung, 12 chuông đều gõ, không còn treo ở đó mà không gõ nữa. Thời đó, Trương Văn Thu vô cùng am hiểu âm luật, cho rằng nhạc phổ do Tiêu Cát chế ra không thể tường tận, ông đã nghiên cứu đánh giá sự phát triển của âm luật qua các thời kỳ, dùng ống trúc chế thành 12 âm luật để thổi, dùng để ký hiệu 12 âm luật của Hoàn cung.
Đường Thái Tông lại triệu Trương Văn Thu đến làm việc cho Thái thường khanh Tổ Hiếu Tôn, để ông giúp đỡ Tổ Hiếu Tôn thẩm định nhã nhạc. Mười hai cổ chung Thái nhạc, người đời gọi là chuông câm, vì không có người nào có thể thông hiểu phương pháp diễn tấu nó. Trương Văn Thu vận dụng nhạc luật điều chỉnh, âm thanh phát ra mới hoàn toàn thư sướng êm tai, những người trong nghề thông hiểu âm nhạc đều bội phục kỹ nghệ cao siêu của ông.
Trương Văn Thu được Thái Tông trao chức quan Hiệp luật lang, đến sau khi Thái thường khanh Tổ Hiếu Tôn qua đời, Trương Văn Thu lại bắt đầu sưu tập các nhạc khúc tế tự Trời, Đất, tông miếu, tiến hành lược bỏ, chỉnh lý, biên soạn cẩn thận kỹ càng, cuối cùng đã làm cho nhạc giáo đầy đủ hoàn mỹ.
Sau khi Đường Thái Tông bình định phiến loạn do Lưu Vũ Chu gây ra, bách tính vùng Hà Đông vừa múa vừa ca ở giữa đường để ăn mừng. Các quân sĩ cùng nhau diễn tấu bài ca cổ “Phá trận tử” do Tần Vương sáng tác. Về sau, nhạc quan đưa bài ca cổ này vào “Nhạc Phủ”. Khi diễn tấu bài “Phá trận nhạc”, quân sĩ khoác áo giáp, tay cầm mâu kích, vừa ca vừa múa, dùng nhạc khúc này tượng trưng cho cảnh tượng xung phong đánh trận trong chinh chiến. Khi diễn tấu “Khánh thiện nhạc” thì mọi người dựa theo nhạc khúc mà múa tay áo dài, đá chân rung hài, dùng để tượng trưng cho cảnh văn đức hưng thịnh.
Nguồn tư liệu: “Quốc Sử Dị Toản”, “Đàm Tân Lục”.
Do Thái Bình thực hiện
Ngô Vũ Khiết biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ