Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (P.30): Lịch sử tóm tắt Ngũ Đại hưng vong
“Tam Tự Kinh” là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng đã được dùng làm sách giáo khoa trong trường tư thục từ thời nhà Tống, tương đương với sách giáo khoa tiểu học ngày nay, do đại Nho gia Tống triều Vương Ứng Lân tiên sinh soạn.
Xem lại P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9, P10
Nguyên văn
二十傳,三百載,
梁滅之,國乃改。
梁唐晉,及漢周,
稱五代,皆有由。
Âm Hán Việt
Nhị thập truyền, Tam bách tải,
Lương diệt chi, Quốc nãi cải.
Lương Đường Tấn, Cập Hán Chu,
Xưng ngũ đại, Giai hữu do.
Tạm dịch
Hai mươi lần truyền, gần ba trăm năm,
Hậu Lương diệt Đường, quốc hiệu sửa đổi.
Hậu Lương Đường Tấn, cùng với Hán Chu,
Gọi là Ngũ Đại, đều có nguyên do.
Từ vựng
(1) Truyền (傳): truyền thừa. “Nhị thập truyền” ý là triều Đường truyền ngôi được hai mươi vị Hoàng Đế.
(2) Tải (載): ý nói là năm, “Tam bách tải” ý là 300 năm. Triều Đường bắt đầu từ năm 618 đến năm 907, tổng cộng được 289 năm, gần 300 năm.
(3) Lương (梁): tên triều đại, ở đây là chỉ nhà Hậu Lương.
(4) Diệt (滅): tiêu diệt.
(5) Chi (之): đại từ thay thế. Ở đây chỉ triều Đường.
(6) Quốc (國): quốc hiệu.
(7) Nãi (乃): là, thế là, bèn.
(8) Cải (改): đổi, sửa, cải biến.
(9) Cập (及): cùng, và.
(10) Xưng (稱): xưng là, gọi là.
(11) Ngũ Đại (五代): chỉ 5 triều đại là (Hậu) Lương, (Hậu) Đường, (Hậu) Tấn, (Hậu) Hán, (Hậu) Chu.
(12) Giai (皆): toàn bộ, đều.
(13) Do (由): nguyên do, nguyên nhân.
Dịch nghĩa tham khảo
Triều Đường bắt đầu từ Cao Tổ, truyền hai mươi đời, duy trì vận nước gần 300 năm, cuối cùng bị vua Lương là Chu Toàn Trung thôn tính tiêu diệt, đồng thời đổi quốc hiệu là Lương, lịch sử gọi là Hậu Lương.
Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu trong lịch sử gọi là “Ngũ Đại”. Ngai vàng năm triều đại này đều rất ngắn, sự hưng suy lên xuống của mỗi triều đại đều có nguyên nhân nhất định. (Bởi vì tên gọi của năm triều đại này trước đây đều đã từng xuất hiện, cho nên đều thêm vào chữ “Hậu” để tiện phân biệt)
Đọc sách luận bút
Nói về thời đại này, người ta liền nghĩ đến bài “Ngu Mỹ Nhân” còn truyền đến ngày nay:
“Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu,
Vãng sự tri đa thiểu?
Tiểu lâu tạc dạ hựu đông phong,
Cố quốc bất kham hồi thủ nguyệt minh trung.
Điêu lan ngọc thế ứng do tại,
Chỉ thị chu nhan cải,
Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu,
Kháp tự nhất giang xuân thủy hướng đông lưu.”
Dịch nghĩa:
Những cảnh đẹp hoa xuân, trăng thu bao giờ mới hết?
Dĩ vãng đã qua bao nhiêu chuyện.
Ngoài gác nhỏ đêm qua gió đông lại thổi,
Chẳng kham ngoảnh đầu nhìn lại cố quốc dưới ánh trăng sáng.
Thềm ngọc rào hoa có lẽ vẫn còn y nguyên đó,
Chỉ có dung nhan là đã thay đổi (già đi).
Hỏi lòng chàng có thể có được bao nhiêu sầu?
(Đáp rằng) đầy như một dòng sông xuân chảy hướng về đông.
Bài thơ (theo thể từ) này là một kiệt tác của Lý Dục, một vị vua mất nước ở thời Nam Đường.
Thành tựu của bài thơ trên của Nam Đường Hậu Chủ Lý Dục cùng với vận mệnh của vị vua mất nước này đã để lại cho người ta nhiều xúc cảm và gợi mở.
‘Từ’ vốn là lời ca được lưu hành trong yến nhạc (tiệc nhạc) khắp xã hội vào thời nhà Đường, vừa đàn vừa hát chèn lời ca là hình thức phổ biến thời thịnh Đường, trở thành thú vui giải trí cao nhã của giới văn nhân. Do vậy ‘từ’ đến từ thú vui giải trí, vì nguyên ban đầu nó là lời của bài ca, là hình thức ban đầu của Tống từ sau này.
Lời ca yến nhạc thời nhà Đường nghiêm ngặt chiểu theo yêu cầu của nhạc khúc để sáng tác, chữ nghĩa của nó tuy là câu cú dài ngắn không đồng đều nhưng đều là có hình thức quy cách định sẵn. Đây là điều mà các bài hát trong Nhạc Phủ không có trong quá khứ. Thể từ kết hợp với quy cách nhất định về gieo vần của thơ Đường. Đến Ôn Đình Quân thời cuối nhà Đường, thể loại ‘từ’ mới này dần dần được định hình.
Đến thời kỳ Ngũ Đại, sự phồn thịnh của triều Đường chỉ còn lại ở hai nơi là Tây Thục và Nam Đường, sau trở thành hai địa điểm lớn hội tụ các ‘từ nhân’ (văn nhân yêu thích thể từ). Nhiều văn nhân dùng giải trí để trốn tránh đau khổ, tìm kiếm an ủi, viết ra nhiều bài ca tình ái nam nữ và chia ly sầu hận. Một phái ở Tây Thục cùng với Ôn Đình Quân được gọi là “Hoa gian từ nhân” (Từ nhân ở trong hoa).
Lý Dục, là nhà thơ thể từ có thành tựu lớn nhất thời Ngũ Đại, cũng là bậc thầy lớn nhất trong toàn bộ lịch sử thể từ. Ông chịu ảnh hưởng rất lớn từ cha mình.
Cha của Lý Dục là Lý Cảnh, vị vua thứ 2 thời Nam Đường, trong việc trị quốc yếu kém không làm được gì, nhưng ông lại có trình độ văn học nghệ thuật tương đối cao, ông hiểu rõ âm luật, giỏi làm thơ khéo vẽ tranh, đặc biệt xuất sắc trong sáng tác thể từ. Những đặc điểm tác phong này đã được truyền cho Lý Dục một cách tự nhiên. Tính cách của Lý Dục định sẵn giống như cha mình, tài năng và chí hướng nằm trong âm nhạc, thư họa và thể từ, quá đam mê các thứ trong văn nghệ, nếu chuyên trách nhạc phủ thì nhất định sẽ thành một bậc thầy về nghệ thuật. Còn làm vua thì cần phải có tài năng dùng người, chứ không phải tài năng dùng kỹ thuật, dùng dụng cụ cụ thể, cái đó gọi là ‘thợ tài’, không thích hợp để làm vua, cũng không có cách nào đảm nhiệm trọng trách trị quốc. Cho nên sau khi lên ngôi năm 25 tuổi, ông chỉ có thể ở trong tình cảnh xưng thần nạp cống hàng năm cho nhà Tống, an phận ở một góc nhỏ. Khi ông 39 tuổi, Nam Đường cuối cùng bị nhà Tống tiêu diệt, Lý Dục đã đầu hàng cũng bị giải đến Biện Kinh, bắt đầu cuộc sống nửa là tù binh, nửa là quan lưu vong, hơn hai năm sau thì bị hạ độc chết. Quả thật đáng buồn!
Khổng Tử nói: Quân tử bất khí. Nghĩa là ông hy vọng bậc quân tử lấy chí hướng lớn lao để trị quốc, không thể quá trầm mê vào biểu diễn âm nhạc (dân chúng thì không sao, dân gian cũng là làm nghệ thuật cao nhã và sinh hoạt giải trí). Nhạc cụ cũng là một loại dụng cụ, trầm mê quá độ thì bản thân mình sẽ không quan tâm đến nỗi khổ của bách tính, ảnh hưởng lớn đến hưng vong của đất nước. Làm vua một nước càng phải đặc biệt chú ý vấn đề này. Trước đó, Trần Hậu Chủ của Nam Triều, Dương Quảng triều Tùy, và sau này là sự suy yếu và diệt vong của nhà Tống, cũng đều là liên quan đến các bậc quân chủ có tài nghệ xuất chúng, song lại rời bỏ bổn phận của mình. Cho nên, thời kỳ trước khi mất nước Lý Dục đã viết ra những chuyện tình ái nam nữ, hoặc chia ly sầu hận, nhưng tiêu biểu cho thành tựu cao nhất của Lý Dục chính là những bài từ sau này, chủ yếu là viết về sầu khổ vong quốc, hối hận và tuyệt vọng.
Chẳng hạn như “Lãng Đào Sa”, một tác phẩm nổi tiếng khác của ông viết:
“La khâm bất nại ngũ canh hàn,
Mộng lý bất tri thân thị khách”
Tạm dịch:
Áo xiêm không chịu được cái lạnh năm canh,
Trong mộng không biết mình là khách
“Độc tự mạc bằng lan,
Vô hạn giang sơn,
Biệt thì dung dịch kiến thì nan.
Lưu thủy lạc hoa xuân khứ dã,
Thiên thượng nhân gian.”
Tạm dịch:
Một mình chớ dựa lan can,
Giang sơn vô hạn,
Chia ly thì dễ mà gặp lại thì khó.
Nước chảy hoa rơi xuân đã hết rồi,
Trên trời hay chốn nhân gian.
Lời thơ nói thẳng chân tình, cảm động lòng người rất sâu sắc. Đây là bài ‘từ’, viết ra từ nội tâm, thổ lộ chủ yếu là tiếc nuối tuổi tác, bùi ngùi việc đời biến thiên vô tình, than khóc vận mệnh, có sức cuốn hút nghệ thuật rất mạnh. Vận mệnh của ông mặc dù thật đáng buồn, nhưng người xưa tin tưởng rằng mệnh là do trời định, có lẽ là vì đặt định ra Tống từ sau này mà tạo nên đời người mâu thuẫn như vậy, thân mang tài nghệ thuật lại phải làm vua.
Câu chuyện thiên địa
“Lịch sử tóm tắt Ngũ Đại hưng vong”
Ngũ Đại Thập Quốc (907-960) là sự nối tiếp chế độ phiên trấn cát cứ thời cuối nhà Đường, những vị vua khai quốc của Ngũ Đại như: Chu Toàn Trung, Lý Tồn Úc, Thạch Kính Đường, Lưu Tri Viễn vốn đều là Tiết Độ Sứ, còn Quách Uy là Khu Mật Sứ. Một đặc điểm nữa của Ngũ Đại là ngai vàng rất ngắn, lịch sử trước sau chỉ vẻn vẹn 54 năm, trong đó Hậu Hán là ngắn nhất, chỉ tồn tại 4 năm.
Triều đại đầu tiên của Ngũ Đại là nhà Hậu Lương do Chu Toàn Trung kiến lập. Họ Chu vốn là Đường Tuyên Võ Tiết Độ Sứ, sau khi ông thống nhất sơ bộ lưu vực sông Hoàng Hà, thì năm 907 phế Đường Ai Đế mà tự lập làm Hoàng Đế. Hậu Lương Thái Tổ (Chu Toàn Trung) cùng Lý Khắc Dụng ở Hà Đông vẫn duy trì liên tục tranh đoạt bá quyền, giao chiến không thôi. Sau khi Chu Toàn Trung bị con mình sát hại, cục diện chính trị càng thêm hỗn loạn, cuối cùng bị tiêu diệt bởi Lý Tồn Úc, con của Lý Khắc Dụng nhà Hậu Đường (năm 923).
Hậu Đường Minh Tông Lý Tự Nguyên thực hiện nhiều chính sách ích nước lợi dân, làm cho xã hội trở nên khá giả, là thời hưng thịnh của Ngũ Đại, nhưng sau đó con rể của ông là Thạch Kính Đường đã lấy 16 châu Yên Vân làm vật đánh đổi để mượn binh của người Khiết Đan phương bắc mà tiêu diệt hậu duệ của ông sau này.
Năm 936, Thạch Kính Đường nhận thủ lĩnh Khiết Đan làm cha, lại tự mình xưng là “Nhi hoàng đế” (hoàng đế con), được sắc phong làm Đại Tấn Hoàng đế, đặt kinh đô ở Khai Phong. Nhìn thấy tài nguyên của cải chảy vào Khiết Đan không dứt, con nuôi của Thạch Kính Đường là Thạch Trọng Quý không cam lòng. Lấy lý do là Thạch Trọng Quý chỉ xưng “tôn” (cháu) chứ không xưng thần đối với Khiết Đan, ý đồ muốn cải biến sự phụ thuộc vào Khiết Đan, người Khiết Đan tiến quân xuống phía nam diệt Hậu Tấn, và cũng tại Khai Phong người Khiết Đan kiến lập Đại Liêu, Gia Luật Đức Quang tự lập mình làm Đế.
Hậu Tấn diệt vong, nhà Liêu không có cách nào gây dựng chỗ đứng tại Trung Nguyên, bèn rút về phương Bắc, lập Lý Tùng Ích làm chủ Trung Nguyên. Năm 948 Lưu Tri Viễn ở Thái Nguyên giết chết Lý Tùng Ích, tước đoạt Trung Nguyên, tự lập làm Đế, kiến lập đế quốc Đại Hán. Con của ông là Lưu Thừa Hựu muốn giết đại tướng Quách Uy nhưng không thành, bị Quách Uy thay thế.
Năm 951 Quách Uy dựng nước, vẫn đóng đô ở Khai Phong, lịch sử gọi là “Hậu Chu”. Ông tại vị 3 năm rồi mất, con nuôi Sài Vinh kế vị, là Thế Tông, gây dựng được đất nước cường thịnh nhất trong Ngũ Đại, ông nam chinh bắc phạt, ý đồ thống nhất toàn quốc, nhưng cuối cùng chết vì bệnh trong quân đội. Con ông là Cung Đế, lên ngôi khi mới bảy tuổi. Tướng lĩnh triều đình Triệu Khuông Dận tạo binh biến Trần Kiều, Cung Đế thoái vị, Hậu Chu sụp đổ, Ngũ Đại đến đây kết thúc.
Giai đoạn lịch sử này thể hiện rõ cho mọi người một cái lý: Nếu chỉ dựa vào lực lượng quân sự và mưu kế, thì ai cũng không cách nào giữ vững được giang sơn, vị trí Đế vương không phải là ai mạnh cũng có thể cưỡng đoạt. Một chính quyền nếu chỉ là dựa vào vũ lực và âm mưu đảo chính để có được, thì tất nhiên sẽ không lâu dài, tất nhiên lại sẽ bị khuất phục bởi vũ lực chinh phạt lớn mạnh hơn. Nhất định phải có được đức hạnh mà dân chúng mong đợi và thời cơ trời ban mới có thể hoàn thành đại nghiệp, ổn định cục diện chính trị.
Ghi chú: Bài viết dựa trên tài liệu dạy “Tam Tự Kinh” đã qua chỉnh sửa của Chánh Kiến Net.
Quý vị tham khảo bản gốc từ zhengjian.org