Tâm thiện thì lời nói sẽ thiện
Bây giờ là vào thời điểm giao mùa cuối thu đầu đông, ban ngày nắng ấm, nhưng buổi sáng và buổi tối lại se lạnh. Tôi nhắc mẹ chú ý mặc ấm thêm một chút để tránh gió lạnh.
Nói xong, tôi chợt nhớ đến người bạn của mình thường bắt chước giọng điệu của bố cô ấy: “Cậu không có thần kinh cảm giác sao? Trời lạnh rồi, không biết mặc thêm quần áo sao?”
Cách biểu đạt điển hình của “miệng dao, tâm đậu hũ”, kiểu nói này thường được những người bộc trực nhanh miệng, không câu nệ tiểu tiết dùng để bào chữa cho hành vi hấp tấp, thất lễ của mình. Kỳ thực, những người thực sự có “tâm đậu hũ” thường sẽ ôn nhu đôn hậu, cẩn thận chu đáo, sẽ không dễ dàng dùng “miệng dao” nói ra những lời nói khó nghe để chỉ trích hay chế nhạo người khác. Họ tiến thoái có lễ độ, cẩn thận từ lời nói đến việc làm, khiến cho người khác cảm thấy thoải mái dễ chịu, tựa như được tắm trong gió xuân ấm áp vậy.
Có người thích nói móc, nói ngược, lại còn thường tự cho là cơ trí, dí dỏm. Kỳ thực, cách nói này khó nắm bắt và có phần rủi ro nhất định, cần phải cố gắng tránh xa, không nên nói. Trừ khi là hai bên vô cùng thân thiết, hiểu rõ ý ngầm của nhau, có thể hiểu được “thâm ý trong đó”; nếu không dễ xảy ra hiểu lầm, thậm chí gây tổn thương vô cớ.
Cũng có người thường nói những lời tức giận. Khi lửa giận bốc lên thì không khống chế được cảm xúc, nói ra những lời gay gắt, tựa như không đánh bại được đối phương là không chịu được. Nhưng không ngờ rằng, những lời gay gắt, cay nghiệt trong lúc tức giận ấy, chẳng những làm tổn thương người khác mà cũng tổn thương chính mình, vô tình mang lại những điều đáng tiếc sâu sắc.
Cũng có một số người quen nói lời oán trách. Khi một người đầy bụng oán hận, than trách không ngừng, có nghĩa là người đó hoàn toàn không muốn thay đổi, bị lối suy nghĩ tiêu cực tầng tầng kìm hãm, không cách nào vượt qua được. Kỳ thực, chỉ cần thay đổi tâm tình, thì cơ hồ hết thảy vấn đề khó khăn đều có thể giải quyết một cách dễ dàng, hoặc chí ít cũng sẽ có sự cải thiện.
Vậy làm thế nào để nói những lời tích cực tốt đẹp? Trước tiên phải dựa trên sự chân thành, thiện ý, từ đó nói ra những lời phù hợp, tích cực, có tính xây dựng, khen ngợi và biết ơn. Lời tích cực sẽ mang đến cho người khác niềm hy vọng; lời có tính xây dựng khiến cho đối phương phải suy ngẫm; lời khen ngợi và biết ơn sẽ tăng cường lòng tin, khiến cho đối phương cảm thấy thoải mái… Đây chính là sức mạnh của ngôn ngữ.
Hơn nữa, lựa chọn những gì không nên nói, so với những gì nên nói thì càng cần trí tuệ hơn. “Nói nhiều không bằng nói ít, nói ít không bằng nói hay”. Ai cũng đều biết nói chuyện, nhưng để nói hay, nói phù hợp… thì lại không hề đơn giản. Lời ít ý nhiều, một câu nói ra là trúng trọng tâm vấn đề, tuy nhiên, để làm được như vậy cần phải luyện tập.
Phương Viễn biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ