Tại sao quý vị đang cảm thấy nghèo hơn rất nhiều
Chúng ta đang sống hết nửa thế kỷ mà trong đó giai tầng trung lưu Mỹ bị cướp đi nhiều nhất. Vấn đề này không có trên các tiêu đề báo chí. Sự việc này hết sức kỳ lạ. Kỳ thực, đây có thể là bài viết đầu tiên và duy nhất quý vị đọc về đề tài này. Có thể là vì một lý do. Nếu người ta biết chuyện gì đang xảy ra với mình, thì họ sẽ bắt đầu cảm thấy rất bồn chồn, thậm chí là tức giận. Một số người trong giai tầng thống trị không muốn điều đó.
Chính phủ Tổng thống Biden ca ngợi những thành tựu kinh tế của mình. Thật là khó hiểu. Cứ gọi đó là chơi khăm. Cứ gọi đó là thao túng tâm lý. Cứ gọi đó là bất kỳ điều gì mà quý vị muốn, nhưng quý vị đều biết sự tán dương đó là không đúng sự thật.
Chúng ta hãy nhìn vào sự thật.
Hết tháng này đến tháng nọ, quý vị tiêu tiền vào những thứ gì? Nào là tiền thuê nhà hay tiền vay thế chấp, nào là đồ ăn ở nhà hay ở ngoài, nào là những tiện ích, và xăng dầu. Đó là những loại hàng hóa cơ bản. Chỉ số Giá Tiêu dùng gồm nhiều thứ hơn thế, một số mặt hàng mà quý vị không mua và một số mặt hàng ít tăng giá hơn nhiều so với những mặt hàng khác. Vì vậy, hãy xem các con số của chính phủ về những gì quý vị thực sự mua; nghĩa là, các mặt hàng và dịch vụ quý vị dùng chiếm phần lớn thu nhập của quý vị. Và chúng ta hãy kéo dài dữ liệu đó trở lại ba năm trước.
Mọi thứ đang tăng lên và đã tăng được ba năm rồi. Nhìn vào những mặt hàng mà quý vị thực sự tiêu tiền vào, chúng tôi nhận thấy mức tăng từ 18% đến hơn 22%. Hãy giả sử chúng ta tính trung bình tất cả ở mức 20%.
Bây giờ chúng ta hãy xem thu nhập thực tế khả dụng, là thu nhập còn lại sau khi đã điều chỉnh chi phí theo lạm phát. Kết quả đó là một mức tăng thảm hại 3% so với ba năm trước. Vào thời điểm đó, các khoản thanh toán kích thích chi tiêu có vẻ dồi dào nhưng cũng đã hết từ lâu, nên về căn bản là một sự đánh lạc hướng. Vì vậy, nhu cầu về thu nhập của quý vị tăng 20% trong khi số tiền còn lại của quý vị hầu như không tăng chút nào. Sự bất cân xứng đó thực chất là một thảm họa đối với mức sống của quý vị.
Nói tóm lại, quý vị đã bị cướp.
Nguyên nhân thì có rất nhiều nhưng chủ yếu là do nguồn cung tiền tăng 43% trong cùng thời kỳ, khiến giá trị của đồng USD bị sụt giảm với một độ trễ. Trên hết, chuỗi cung ứng bị phá vỡ, ngành công nghiệp được củng cố, tự do thương mại bị phá hủy, và thị trường lao động buộc phải bị gián đoạn.
Bây giờ, chúng ta hãy so sánh thực trạng này với tình trạng mà mọi người đều thừa nhận là thảm họa đại lạm phát thời kỳ hậu chiến, tức là từ 1978 đến 1982. Đây là thời điểm Fed và chính phủ đã cướp bóc công chúng, làm cạn kiệt giá trị của các khoản tiết kiệm và vốn, và đã ép buộc việc tái tổ chức lại cuộc sống gia đình. Vào cuối giai đoạn này, một gia đình Mỹ trung bình đã chuyển từ chỗ sống nhờ vào một nguồn thu nhập — hiện thực hóa giấc mơ Mỹ — sang có hai nguồn thu nhập trong gia đình. Thực tế này xảy ra vào năm 1985 khi các gia đình có hai nguồn thu nhập đã trở thành tiêu chuẩn.
Vào thời điểm đó, người ta đã gọi tình trạng này là giải phóng phụ nữ, nhưng nhìn lại, chúng ta có thể thấy đây rõ ràng là một hoạt động tuyên truyền nhằm che đậy một thảm họa kinh tế. Phân biệt giới tính ở nơi làm việc chưa thực sự là vấn đề lớn trong hầu hết thế kỷ 20. Trở lại giữa những năm 1920, nếu quý vị nhìn vào những phụ nữ chưa kết hôn và không có con sau 18 tuổi, thì tỷ lệ có việc làm ở thành phố nhìn chung là 80%. Những phụ nữ này rời bỏ lực lượng nhân sự sau khi kết hôn để tập trung vào con cái và gia đình trong khi nam giới có nghĩa vụ chu cấp toàn bộ.
Đó là cách chúng ta đã sống cho đến khi xảy ra cuộc đại lạm phát. Đại lạm phát là nguồn cơn làm thay đổi mọi thứ. Sau đó, các gia đình đã phải có hai nguồn thu nhập để có thể sống sung túc thay vì một, nghĩa là có một người đã phải đi làm thay vì chăm sóc gia đình hoặc theo đuổi cuộc sống tốt đẹp trước đây. Việc giai tầng thống trị đã có thể thuyết phục lối sống như vậy như một loại quyền tự do mới nào đó (dành cho nữ giới) là một sự khuất phục trước sức mạnh của những lời dối trá do hệ tư tưởng điều khiển.
Thời đại của chúng ta so với thời đại đó thế nào? Chà, trong ba năm, chúng ta đã chứng kiến giá trị của đồng dollar giảm mất 20% xét theo những món đồ mà quý vị thực chi tiền vào đó trong khi thu nhập hầu như không tăng lên chút nào. Trong đại thảm họa 43 năm trước, hiện tượng giống y như thế này đã xảy ra trong hai năm chứ không phải ba năm như trong thời đại của chúng ta. Nói cách khác, cuộc đại cướp bóc trong thời đại chúng ta đang diễn ra chậm hơn 50% so với lần trước. Nhưng dù sao thì tình trạng này cũng đang xảy ra.
Chiếc xe buýt lăn bánh qua người quý vị dẫu chậm hơn hay nhanh hơn, thì có gì tốt chứ? Dù bằng cách nào thì chiếc xe cũng đã chạy qua. Quý vị mất đi 17% thu nhập dẫu trong ba hay hai năm, thì có gì thực sự quan trọng đâu? Xét theo mức độ mà công chúng than phiền, thì việc đó chỉ có giá trị đối với các bậc thầy thuộc giai tầng thống trị của chúng ta mà thôi. Một dân tộc bị cướp bóc từ từ — giống như việc luộc ếch dần dần — có thể chỉ có chút ít than phiền thôi. Tuy nhiên, bị cướp thì vẫn là bị cướp thôi.
Cuộc đại lạm phát này đã thay đổi một cách căn bản cuộc sống ở Mỹ. Về mặt kinh tế hay về mặt văn hóa, chúng ta đã không bao giờ giống như trước. Và vấn đề này đặt ra câu hỏi thực sự: lần trộm cắp hiện nay sẽ gây ra hậu quả gì cho thế hệ này? Ước gì tôi đã có câu trả lời. Tôi thực sự không biết, nhưng chúng ta đang chứng kiến sự suy thoái đạo đức, sức khỏe yếu kém, thiếu tham vọng, lạm dụng chất gây nghiện, và sự tuyệt vọng lan rộng trên toàn bộ người dân. Cho dù cuộc đại lạm phát này kết thúc như thế nào đi nữa, thì kết cục cũng chẳng hay ho gì.
Liệu kết cục này có thể xoay chuyển được không? Có, nhưng sẽ không dễ dàng. Điều đó sẽ đòi hỏi những thay đổi lớn trong nền hành chính công theo cách mà chúng ta chưa từng trải qua. Chẳng có ứng cử viên nào ở bất kỳ cấp chức vụ nào sẵn sàng cho những gì cần thiết để giảm nợ, kiềm chế Fed, cải thiện bộ máy hành chính quan liêu, giảm gánh nặng thuế, và khiến giấc mơ Mỹ lại trở nên có giá cả phải chăng. Chúng ta đang không hề nói sự thật vào thời điểm này.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times