Ông Jamie Dimon: Người Mỹ đang mắc ‘sai lầm lớn’ khi tin vào lối nói nền kinh tế ‘đang bùng nổ’
Trình bày tại một hội nghị tài chính ở New York hôm thứ Hai (11/09), giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon, nói rằng những người tin là nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bùng nổ trong nhiều năm nhờ sức mạnh của người tiêu dùng đang mắc “một sai lầm lớn.”
Ông Dimon đã đưa ra nhận xét trên tại Hội nghị Dịch vụ Tài chính Toàn cầu Barclays hôm 11/09, tại đó ông đã cảnh báo về một số rủi ro đối với nền kinh tế, gồm có chiến tranh Ukraine, việc thắt chặt tiền tệ của Hệ thống Dự trữ Liên bang (Fed), và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào chi tiêu của chính phủ.
Ông nói: “Để nói rằng người tiêu dùng ngày nay mạnh mẽ thì có nghĩa là quý vị sẽ có một môi trường bùng nổ trong nhiều năm, đó là một sai lầm lớn.”
Câu chuyện về nền kinh tế đang bùng nổ đã trở nên nổi bật trong những tháng gần đây, nhờ doanh số bán lẻ và tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ, đồng thời nỗi lo suy thoái giảm bớt. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy sự gia tăng niềm tin tiêu dùng gần đây chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và nền kinh tế đang phải đối mặt với một số trở ngại.
Sức mạnh của người tiêu dùng đang suy giảm?
Chi tiêu tiêu dùng, chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm quốc nội của Hoa Kỳ, đã đạt mức tăng trưởng vững chắc trong tháng Bảy, tháng có dữ liệu mới đây nhất. Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự đoán rằng việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm vừa qua sẽ gây gánh nặng lớn hơn cho nhu cầu trong nước.
Dữ liệu mới nhất về doanh số bán lẻ cho thấy người Mỹ đã chi tiêu nhiều hơn dự kiến trong tháng Bảy, chi tiền cho sở thích, đồ thể thao, và quần áo, khiến các nhà kinh tế tại Goldman Sachs phải tăng ước tính tổng sản phẩm quốc nội quý 3 thêm 0.7 điểm phần trăm lên mức tỷ lệ hàng năm 2.2%.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy sự bùng nổ có thể không kéo dài khi công cụ theo dõi người tiêu dùng mới nhất trong tháng Tám của Deloitte cho biết tâm lý về tình hình tài chính ổn thỏa đã đình trệ, với tỷ lệ người tiêu dùng lo lắng về tiết kiệm và trì hoãn các khoản mua sắm lớn đang gia tăng, trong khi những ý định chi tiêu “vẫn đang trong xu hướng giảm dài hạn.”
Một phong vũ biểu riêng biệt về niềm tin của người tiêu dùng từ Conference Board đã phát hiện ra rằng, sau khi tăng mạnh vào tháng Bảy, thước đo niềm tin của họ đã giảm xuống mức “trên 80 một chút — mức mà trong lịch sử thường báo hiệu một cuộc suy thoái xảy ra trong năm tới.”
Trong khi các thị trường tài chính trong mùa vừa qua phần lớn đã gạt bỏ những lo ngại về suy thoái kinh tế, thì dữ liệu mới cho thấy Hoa Kỳ có thể đang phải đối mặt với điểm “đình trệ.”
Trong một báo cáo cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới sụt giảm, lạm phát chi phí đầu vào tăng lên, và tốc độ tạo việc làm chậm lại, ông Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng của S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Hoạt động kinh doanh gần như đình trệ trong tháng Tám làm dấy lên nghi ngờ về sức mạnh tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ trong quý 3.”
Nhận xét của ông Dimon tại hội nghị hôm thứ Hai đã nắm trúng quan điểm này, khi giám đốc JPMorgan nói rằng sức khỏe của người tiêu dùng và doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn “khá tốt”, mặc dù ông cảnh báo không nên quá tự tin.
Những lo ngại chính mà ông đề cập đến là hai yếu tố song hành: nỗ lực của ngân hàng trung ương nhằm đảo ngược các chính sách nới lỏng tiền tệ vốn đã đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập niên — và việc “chi tiêu như những thủy thủ say rượu” của các chính phủ.
Ông nói, “Tôi nghĩ có một cảm giác an toàn sai lầm rằng hai điều đó cuối cùng sẽ ổn. Tôi không biết.”
Yêu cầu về vốn cao hơn
Tại hội nghị, ông Dimon cũng chỉ trích các yêu cầu về vốn cao hơn mà các cơ quan quản lý Hoa Kỳ đề nghị đối với các ngân hàng, cảnh báo rằng các biện pháp như vậy có thể khiến nền kinh tế bị thiếu hụt tín dụng và gây ra một trở ngại khác cho tăng trưởng.
“Tôi sẽ không trở thành một tay mua lớn để mua một ngân hàng,” ông nói, khiến khán giả bật cười, đồng thời gọi đề nghị mới này là “vô cùng đáng thất vọng.”
Ông Dimon, người đứng đầu ngân hàng cho vay lớn nhất Hoa Kỳ, đã đặt câu hỏi về những gì các cơ quan quản lý đang cố gắng thực hiện thông qua việc đề nghị các quy định mới, yêu cầu các ngân hàng Mỹ lớn hơn, có tổng tài sản từ 100 tỷ USD trở lên, phải dành hàng tỷ USD để tăng cường khả năng chịu lỗ của họ khi gặp khó khăn.
Nói về đề nghị quy định trong đó yêu cầu các ngân hàng có tổng tài sản từ 100 tỷ USD trở lên phải duy trì thêm 2% vốn trên mức hiện tại, ông Dimon cho biết: “Tất cả những gì mà tôi muốn có là sự công bằng, minh bạch, và cởi mở.”
Ngành ngân hàng đã chỉ trích gay gắt đề nghị quy định này, với Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Viện Chính sách Ngân hàng (BPI) Greg Baer cảnh báo về “chi phí cao hơn cho người tiêu dùng và sự bất ổn lớn hơn cho thị trường” trong một tuyên bố mà The Epoch Times thu thập được.
Ông Dimon nói rằng đề nghị quy định mới sẽ yêu cầu JPMorgan nắm giữ vốn nhiều hơn 30% so với một nhà cho vay Âu Châu, điều mà ông cho là một gánh nặng không công bằng đối với các ngân hàng Hoa Kỳ.
Trái với quan điểm của ông Dimon về các quy định khắt khe hơn đối với vốn ngân hàng, một số cơ quan quản lý Hoa Kỳ lại cho rằng đề nghị này đi chưa đủ xa.
Chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang khu vực Minneapolis Neel Kashkari gần đây cho biết ông kỳ vọng chính phủ sẽ có nhiều quy định hơn đối với lĩnh vực ngân hàng sau một số vụ phá sản ngân hàng cao cấp.
Ông Kashkari cũng nói rằng ông muốn chứng kiến các quy định được đề nghị về yêu cầu đối với mức vốn được áp dụng cho các tổ chức nhỏ hơn có tổng tài sản dưới 100 tỷ USD, mặc dù ông không nêu rõ ngưỡng mà ông nghĩ đến.
Tại hội nghị hôm thứ Hai (11/09), ông Dimon cũng cho biết ông tin rằng thị trường Trung Quốc không còn hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại quốc như trước nữa.
“Về công việc kinh doanh của chúng tôi, tỷ lệ hoàn vốn rủi ro [từ Trung Quốc] từng ở mức rất tốt nhưng giờ đã ở vào mức ổn ổn. Mức độ rủi ro rất tệ,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng JPMorgan đã trở nên thận trọng hơn trong việc quản lý rủi ro của mình.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times