Dữ liệu mới của Fed: Trường phái kinh tế Biden làm tăng tâm lý bi quan về kinh tế ở các nhóm thiểu số khi thu nhập giảm
Theo Khảo sát về Tài chính Tiêu dùng của Fed, trong bối cảnh các nhóm thiểu số không có được sự gia tăng tài sản trong thời kỳ đại dịch, sự bi quan về kinh tế đang trở nên phổ biến.
Một cuộc khảo sát mới của Hệ thống Dự trữ Liên bang cho thấy số người nghèo đã tăng lên vào năm 2022, và các nhóm thiểu số đã phải chật vật để có được một phần đóng góp vào mức gia tăng giá trị ròng quốc gia trong thời kỳ đại dịch.
Cuộc thăm dò ba năm một lần mang tên Khảo sát về Tài chính Tiêu dùng (SCF) của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ cho thấy giá trị ròng thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) của một gia đình điển hình ở Hoa Kỳ đã tăng 37% từ năm 2019 đến năm 2022, do giá nhà cao hơn, chứng khoán tăng giá, và sự kích thích nhu cầu của chính phủ.
Nhưng không phải ai cũng đạt được mức tăng trưởng như nhau trong vài năm qua.
Dữ liệu của Fed cho thấy thu nhập của một gia đình da trắng điển hình đã tăng 1.3%. Nhưng các gia đình gốc Phi Châu và gốc Tây Ban Nha ghi nhận mức giảm thu nhập lần lượt là 1.6% và 1.1%. Hơn nữa, tiền lương của tất cả người Mỹ không theo kịp lạm phát.
Fed nhận thấy, mặc dù phần lớn mức tăng giá trị ròng đến từ nhà ở, một tài sản kém thanh khoản, nhưng tài sản lưu động trung bình thực tế lại không tăng đối với các nhóm thiểu số.
Báo cáo nêu, “Nhìn chung, các gia đình giàu có hơn vào năm 2022 so với năm 2019 và dường như có đủ thu nhập để trang trải các chi phí định kỳ, nhưng một phần khả năng trang trải chi phí bằng thu nhập của họ có thể là do các yếu tố tạm thời đã tạm thời làm tăng thu nhập trong năm 2021.”
“Mặc dù các gia đình cũng có thể trang trải chi phí bằng cách sử dụng của cải, đặc biệt đối với các gia đình gốc Phi Châu và gốc Tây Ban Nha, lợi ích có được từ tài sản đã tập trung vào nhà ở, vốn có tính thanh khoản kém và có thể không hữu ích bằng tài sản lưu động trong việc phục vụ việc trang trải các chi phí định kỳ. Tài sản lưu động trung bình thực tế, bao gồm các tài sản như tiền mặt, chi phiếu, và tài khoản tiết kiệm, đã không tăng nhiều đối với các gia đình gốc Tây Ban Nha và giảm đối với các gia đình gốc Phi Châu.”
Báo cáo lưu ý rằng các gia đình thuộc nhóm thiểu số được hưởng lợi nhiều hơn từ các nỗ lực cứu trợ và kích thích trong thời kỳ khủng hoảng, như các tấm chi phiếu kích thích, trợ cấp thất nghiệp nhẹ, tăng cường phiếu thực phẩm, và tín thuế chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các chương trình này đã hết hạn, các gia đình trên toàn quốc đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao đang làm xói mòn sức mua của mỗi gia đình ở các mức độ khác nhau.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, sức mua của người tiêu dùng đã giảm 16%.
Ngoài ra, tỷ lệ gia đình cho biết họ không chắc chắn về thu nhập trong năm tới đã tăng lên hàng năm kể từ năm 2019 đối với mọi sắc tộc và chủng tộc. Nhưng sự không chắc chắn này tập trung nhiều hơn ở các gia đình gốc Phi Châu và gốc Tây Ban Nha, lần lượt tăng 14.2% và 10.9%.
SCF cho biết: “Một lần nữa, có vẻ như các mô hình chủng tộc chéo phù hợp với các nguồn thu nhập đã tạm thời tăng thu nhập của các gia đình mà họ không kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được trong tương lai, đặc biệt là đối với các gia đình không phải người da trắng.”
Tâm lý bi quan về kinh tế cũng lan rộng nhưng tâm trạng này là “đặc biệt mạnh đối với các gia đình không phải da trắng.” Những người trả lời nghiên cứu tỏ ra hoài nghi hơn về tương lai của nền kinh tế Hoa Kỳ vào năm 2022 so với năm 2019.
“Tỷ lệ gia đình cho rằng nền kinh tế tương lai sẽ tồi tệ hơn đã tăng vọt vào năm 2022 ở mọi chủng tộc và sắc tộc,” báo cáo cho biết. “Trên thực tế, tỷ lệ các gia đình dự kiến một nền kinh tế tệ hơn đang ở mức hoặc gần mức cao kỷ lục đối với mọi chủng tộc và sắc tộc.”
Cuối cùng, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Dân số, ngay cả khi tài sản tăng lên trong thời kỳ đại dịch, tỷ lệ nghèo vẫn tăng lên 12.4% vào năm ngoái.
Trường phái kinh tế Biden
Tổng thống Joe Biden đã tán dương nền kinh tế Hoa Kỳ tại Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower hôm 23/10, ca ngợi những thành công mà trường phái kinh tế Biden (Bidenomics) đã đạt được trong năm nay. Tổng thống Biden nói về các trung tâm công nghệ và việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch đang được khai triển trên khắp đất nước, dù ở các tiểu bang đỏ hay tiểu bang xanh.
“Tất cả những điều này là một phần trong chiến lược đầu tư vào Mỹ và đầu tư vào người Mỹ của tôi,” Tổng thống Biden nói. “Chiến lược này đang có hiệu quả. Chúng tôi đang tạo việc làm tốt cho các cộng đồng trên khắp đất nước, bao gồm cả những nơi mà trong nhiều thập niên, các nhà máy đã đóng cửa, bỏ trống trong khi việc làm chuyển ra hải ngoại để tìm kiếm nhân công rẻ hơn.”
Các quan chức Tòa Bạch Ốc đã bảo vệ tầm nhìn kinh tế của Tổng thống Biden nhưng những nhận xét của họ vẫn chưa thuyết phục được cử tri, đặc biệt là những người sống ở các tiểu bang chiến trường như Michigan, North Carolina, và Pennsylvania.
Theo báo cáo của Morning Consult, cứ khoảng 3 trong 4 cử tri ở các tiểu bang chiến trường cho rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang đi sai hướng. Họ báo cáo rằng tình hình tài chính của họ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump tốt hơn so với thời Tổng thống Biden.
Khoảng một nửa (49%) số cử tri ở các tiểu bang chiến trường nói rằng Bidenomics có hại cho nền kinh tế và một tỷ lệ tương tự đã chọn cựu Tổng thống Trump với tư cách là người mà họ tin tưởng hơn để điều hành nền kinh tế.
Công ty thăm dò lưu ý: “Kết quả này tiết lộ rằng lời mời chào ‘Bidenomics’ của tổng thống không chạm đến cử tri, vì những cử tri này có nhiều khả năng tin tưởng người tiền nhiệm của ông ấy hơn trong việc giải quyết vấn đề bỏ phiếu hàng đầu của họ.”
Ông James Galbraith, một nhà kinh tế và tác giả thiên tả, khẳng định rằng sẽ rất khó để thuyết phục những người Mỹ đang gặp khó khăn rằng nền kinh tế đang hoạt động tốt dưới thời chính phủ đương nhiệm.
Ông Galbraith viết: “Bất kể người Mỹ được kể câu chuyện gì về sức mạnh của nền kinh tế dưới thời Tổng thống Joe Biden, họ sẽ không bị thuyết phục để bỏ qua vấn đề mức sống của chính họ.”
Ước tính đầu tiên về tốc độ tăng trưởng GDP quý 3 đã được công bố hôm 26/10 và các ước tính cho thấy mức tăng trưởng 4.9%. Nền kinh tế Mỹ tạo thêm 336,000 việc làm mới trong tháng Chín, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức dưới 4%. Tuy nhiên, tiền lương thực tế đã giảm 3% kể từ năm 2021, nợ thẻ tín dụng ở mức trên 1 ngàn tỷ USD và số tiền tiết kiệm trong thời kỳ đại dịch đang trên đà cạn kiệt.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times