Tại sao gọi là Hoa Hạ? Tại sao gọi là Trung Quốc?
Nhìn tổng quát về lịch sử văn minh của nhân loại, thì nền văn minh Trung Hoa có thể xem là có nguồn gốc rất xa xưa, văn minh 5,000 năm truyền thừa chưa từng gián đoạn. Nói về sức mạnh nội tại to lớn của văn hóa Trung Hoa thì không nền văn minh nào có thể sánh được, nó mênh mông như mặt biển, bao la như bầu trời, ngoài ra nó còn mang nhiều đặc điểm mà các nền văn minh khác không có.
Nếu thật sự muốn hiểu được nền văn minh Trung Hoa và văn hóa truyền thống Trung Quốc, điều tất yếu trước tiên là phải hiểu được đặc điểm văn hóa của nó. Ở đây, bắt đầu từ hai vấn đề được xem là kiến thức phổ thông. Thứ nhất, “Hoa Hạ” và “Trung Quốc” có đồng nghĩa không? Hai khái niệm này về mặt văn hóa tư tưởng có hàm ý như thế nào? Thứ hai, văn minh chữ Hán không bị gián đoạn và việc ghi chép lịch sử được liền mạch không đứt gãy có ý nghĩa gì? Những vấn đề liên quan khác, sẽ được nói đến trong những bài sau.
Tại sao gọi là “Hoa Hạ”? Tại sao gọi là “Trung Quốc”?
“Hoa Hạ”, “Trung Quốc”, người xưa định nghĩa như thế nào?
Nói về “Hoa Hạ”, trong “Xuân Thu Tả truyện chính nghĩa” đã viết: “Hoa, Hạ, đều là để gọi Trung Quốc. Trung Quốc cũng gọi là Hoa Hạ. Hạ, là to lớn, chính là nói đến cái lớn của lễ nghi, cái hoa mỹ của văn chương.” Lại nói: “Hạ, là to lớn. Trung Quốc có lễ nghi to lớn, cho nên gọi là Hạ. Có phục sức đẹp, gọi là Hoa. Hoa, Hạ là một mà thôi.”
“Người Trung Quốc” là nói về những tộc người và bộ tộc có văn hóa lễ nghi Trung Hoa, với văn chương hay, phục sức đẹp. Trong “Chiến Quốc sách” có ghi chép: “Trung Quốc là nơi ở của những con người thông minh và tài trí, là chỗ tụ tập của vạn vật, anh tài, là nơi giáo hóa của các bậc Thánh hiền, là nơi thi bày nhân nghĩa, là chỗ dùng Thi, Thư, Lễ, Nhạc, là nơi tranh tài thử sức của các kỹ nghệ mới lạ, là nơi để quan sát học hỏi của phương xa, là chỗ thực hành việc nghĩa của Man, Di vậy.”
Thời xưa, xung quanh Trung Quốc – nơi được xem là có nền văn minh cao, còn có rất nhiều bộ tộc, gọi là “Man, Di, Nhung, Địch.” Phía đông là Di, còn gọi là Đông Di. Bộ tộc này lấy đánh cá và săn bắt làm chủ. Phía nam là Man, còn gọi là Nam Man, nay là bộ tộc ở khu vực rộng lớn gồm Tương Giang, Châu Giang thẳng đến Lĩnh Nam. Phía tây là Nhung, còn gọi là Tây Nhung, bộ tộc một thời sống kiểu du mục ở Thiểm Cam. Phía bắc là Địch, còn gọi là Bắc Địch, nay là bộ tộc du mục phía bắc Trường Thành. Cụm từ “Man, Di, Nhung, Địch” là chỉ các nước xung quanh Trung Hoa, còn có hàm ý là các bộ tộc chưa được khai hóa. Những bộ tộc này khao khát lễ nhạc văn hóa Trung Hoa, tuân theo vương giáo (giáo hóa của vua Trung Quốc), và dung nhập vào vòng tròn văn hóa Trung Hoa (Trung Quốc).
Trong “Đường luật sơ nghị” có ghi chép: “Người Trung Hoa, cũng là người Trung Quốc. Thân được vương giáo, tự thuộc Trung Quốc, áo mũ uy nghi, tập tục hiếu đễ, thân ở trong lễ nghĩa, nên được gọi là Trung Hoa.” Nói cách khác, những tộc người hoặc bộ tộc đã tiếp thu và thực thi chế độ văn hóa Hoa Hạ thì chính là “người Trung Quốc.” Bởi vậy, việc định nghĩa quốc gia, người của quốc gia (tức quốc tịch), không phải dựa vào việc thuộc về vùng miền mang tính chính trị nào, mà dựa vào sự tương đồng về văn hóa quyết định.
Nói tóm lại, “Hoa Hạ” chính là “Trung Quốc”, chỉ là biểu đạt khác nhau, ở góc độ miêu tả khác nhau, về ý nghĩa bên trong không có khác biệt lớn. Ngoài ra, nhìn từ phương vị địa lý, “Trung Quốc” là nước nằm ở trung tâm, là trung tâm của thiên hạ; từ góc nhìn văn minh sẽ thấy, “Trung Quốc” chính là một nước văn minh, thực thi việc giáo hóa nhân đức của Thánh hiền, làm hưng thịnh Thi, Thư, Lễ, Nhạc, có kỹ nghệ mới lạ, nơi Man Di khao khát hướng về.
Mặt khác, Trung Quốc là một trong bốn nền văn minh cổ, văn minh Trung Hoa kéo dài đến nay đã hơn 5,000 năm. “Di chỉ văn minh Nhị Lý Đầu” ở Hà Nam cách đây khoảng 3,500 – 3,800 năm đã chứng minh sự lâu đời của lịch sử Trung Quốc.
Trong bốn nền văn minh cổ, “Văn minh Lưỡng Hà” (Iraq ngày nay) bắt đầu vào năm 4,000 trước Công nguyên, và biến mất vào thế kỷ 2 trước Công nguyên. “Văn minh Ấn Độ cổ” bắt đầu vào năm 3,300 trước Công nguyên, biến mất vào năm 1,300 trước Công nguyên; “Văn minh Ai Cập cổ” bắt đầu vào năm 3,100 trước Công nguyên, biến mất vào năm 525 trước Công nguyên. Trong quá trình diễn tiến của lịch sử, vì những nhân tố như ngoại tộc xâm lấn, ba nền văn minh cổ này đều xuất hiện vết cắt lịch sử, văn minh không có người kế thừa, đến nay không còn tồn tại; duy chỉ có “Văn minh Hoa Hạ” một mạch kế thừa, kéo dài không ngừng, phát triển cho đến nay.
Quả thật, “Văn minh Maya” ở Mexico, cùng với “Văn minh Inca” ở Peru mặc dù cũng có lịch sử lâu đời, nhưng cả hai cũng đều đã biến mất thần bí trong tiến trình văn minh.
Văn minh Hoa Hạ (Trung Hoa) đến nay đã truyền thừa suốt 5,000 năm. Nhìn từ góc độ nhân quả, nguyên nhân gì dẫn đến kết quả này? Trái lại, nguyên nhân dẫn đến kết quả này là ở đâu? Vấn đề này rất đáng lưu ý, rất đáng nghiên cứu, chúng tôi xin để lại, sau này sẽ thảo luận.
Văn tự vững chắc, chép sử chi tiết
Nền văn minh Trung Hoa đã truyền thừa suốt 5,000 năm, đương nhiên điều này mang lại nhiều lợi ích. Văn tự và việc ghi chép lịch sử không bị gián đoạn là điều đầu tiên.
Do nền văn minh chưa từng gián đoạn, khiến cho chữ Hán có thể truyền thừa, cung cấp sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho việc ghi chép lịch sử Trung Quốc. Vì thế, quỹ đạo lịch sử của nền văn minh Trung Hoa đã nảy nở và được ghi lại một cách tương đối hoàn chỉnh.
Văn tự cổ của Trung Quốc được nhìn thấy sớm nhất là Giáp cốt văn thời nhà Ân Thương, sau đó xuất hiện các thể chữ như Kim văn, Tiểu triện, Lệ thư, Thảo thư, Khải thư, Hành thư v.v., trở thành hệ thống văn tự hoàn chỉnh nhất, phức tạp nhất trên thế giới.
Chữ Hán vốn có rất nhiều ưu điểm đặc biệt, tác dụng của nó đối với việc truyền thừa và phát huy văn hóa Trung Hoa là không có gì sánh kịp, công lao rất to lớn.
Theo sách sử hiện còn lưu giữ ghi chép, lịch sử biên niên của Trung Quốc xác thực bắt đầu vào năm Cộng Hòa thứ nhất thời Tây Chu (năm 841 TCN). Sau đó, lịch sử được ghi chép lại chưa hề gián đoạn, rất tường tận, xác thực và có hệ thống. Trong sử liệu ghi chép về lịch sử Trung Quốc có chính sử, thực lục, địa phương chí, phổ điệp v.v., lại có ghi chép về lịch sử văn hiến ở các cấp độ khác nhau cùng tồn tại, có thể bổ sung thiếu sót cho nhau, cung cấp bằng chứng cho nhau. Đương nhiên, trừ sử liệu văn hiến ra còn có sử liệu thực vật, sử liệu truyền khẩu, v.v.
Trong lịch sử văn hiến, chính sử là quan trọng nhất, uy tín nhất, và là hạch tâm của sử liệu. Chính sử do triều đình tập hợp các sử quan biên soạn thành. Mỗi lần vương triều thay đổi, sau khi triều đình mới được kiến lập, đều muốn tập hợp các sử quan biên chép lịch sử triều trước, gọi là “cách đại tu sử” (tức sử được sửa chữa sau đời đó). Việc này có ích ở chỗ, trong quá trình tu sửa lịch sử có thể tránh được ảnh hưởng của quyền thế, lợi ích… bảo đảm được sự khách quan, công chính của lịch sử. Hơn nữa, triều đại trước đã mất rồi, tất cả sự thật lịch sử đã được xác định, các sử quan có thể ghi lại tương đối rõ ràng, hoàn chỉnh, về thời gian cũng bảo đảm được các sử liệu quan trọng không bị thất lạc. Tu sửa lịch sử cách đời bắt đầu từ đời Hán, thực rất cơ trí. Trong 24 bộ sử, có rất nhiều bộ chính sử do quan lại thực hiện.
Bởi vì Trung Quốc có truyền thống ghi chép lịch sử vững chắc từ xưa, nên sách sử cổ đại vô cùng phong phú, nội dung dường như bao hàm toàn diện. Ví dụ, trong “Tứ khố toàn thư tổng mục” đem sách sử chia làm 15 loại: Chính sử, biên niên, kỷ sự bản mạt, biệt sử, tạp sử, chiếu lệnh tấu nghị, truyện ký, sử sao, tải ký, thời lệnh, địa lý, chức quan, chính thư, mục lục, sử bình. Từ “Sử ký”, “Hán thư”, đến “Nguyên sử”, “Minh sử”, trải qua hơn 1,800 năm, tổng cộng có hơn 3,200 quyển và hơn 47 triệu chữ.
Triết học gia người Đức là Hegel có những đánh giá rất tiêu cực đối với lịch sử Trung Quốc, nhưng ông vô cùng khâm phục việc ghi chép lịch sử kỹ càng và truyền thống lịch sử lâu đời của quốc gia này. Trong tác phẩm “Lịch sử triết học” (Nhà xuất bản Thượng Hải, năm 2006), ông viết: “Không có bất kỳ dân tộc nào ghi chép lịch sử nghiêm ngặt và liên tục không ngừng như người Trung Quốc.”
Đối với văn hóa lịch sử Trung Quốc, ông Hegel sở dĩ đưa ra đánh giá mâu thuẫn như thế, tất nhiên là dựa trên góc độ nhận thức của ông. Có lẽ, sai lầm về vũ trụ quan và phương pháp luận đã dẫn đến việc ông chỉ nhìn thấy bề ngoài, không xét bên trong, chỉ xem hình dáng, mà không thấy được cái thần của nó.
Tu Thực thực hiện
Cổ Dung biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ