Tài hùng biện của Tử Cống rất giỏi, vì sao không thuyết phục được thôn dân?
Tử Cống là học trò giỏi của Khổng Tử, tài trí nhạy bén về biện luận, cũng giỏi về kinh doanh. Tử Cống kinh doanh có Đạo, tạo dựng được sản nghiệp ngàn vàng, là vị Nho thương đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Ông kết giao với Quốc quân của các nước, thường là ngồi xe tứ mã, thậm chí còn có địa vị ngang với các chư hầu. Tử Cống có đức có tài, các Quốc quân thời đó đều rất tôn kính ông.
Tử Cống đi sứ một chuyến, cải biến cục diện của 5 nước
Khi Tử Cống nhận chức ở nước Lỗ, Điền Thường của nước Tề muốn nổi loạn. Vì kiêng kỵ mấy vị trọng thần của nước Tề, Điền Thường bèn nghĩ kế điều động quân binh của mấy vị trọng thần này tấn công nước Lỗ, tạo thời cơ cho âm mưu của mình.
Khổng Tử nghe được tin này, đã phái Tử Cống đi du thuyết. Bằng tài hùng biện xuất sắc, Tử Cống đã cải biến thế cục của năm nước trong vòng 10 năm. Ông không chỉ cứu nước Lỗ, làm nhiễu loạn nước Tề, diệt được nước Ngô, mà còn làm cho nước Tấn hùng mạnh hơn, đồng thời thúc đẩy nước Việt xưng bá. Chuyến đi sứ này rất nổi tiếng trong lịch sử, trở thành huyền thoại lưu truyền hàng ngàn năm.
Tài hùng biện của Tử Cống là bậc nhất, trong lịch sử có lưu truyền rất nhiều giai thoại. Tuy nhiên, cũng có lúc Tử Cống không thể hoàn thành sứ mệnh của mình. Có một lần tài năng của ông không phát huy được tác dụng, tạo cơ hội cho người phu xe ra mặt.
Thôn dân không cảm kích, Tử Cống thất bại trở về
Khổng Tử chu du liệt quốc, giữa đường ngựa của ông ăn vụng hoa màu khiến thôn dân rất tức giận. Hoa màu đều do người dân cực khổ vất vả chăm trồng, là nguồn sống của cả nhà, tất cả đều dựa vào những cây hoa màu này, bây giờ lại bị ngựa của Khổng Tử ăn mất.
Người dân trong thôn bèn bắt giữ ngựa lại, muốn lấy ngựa bồi thường cho hoa màu. Trước tiên, Khổng Tử phái Tử Cống đi thuyết phục người dân. Tử Cống đã nói chuyện đạo lý với người dân rất lâu, lời hay lẽ phải đều nói ra hết, nhưng những thôn dân kia vẫn không mảy may cảm kích. Tử Cống không còn cách nào, đành quay trở về bẩm báo với Khổng Tử.
Khổng Tử nói: “Chao ôi! Ngươi dùng những lời mà người nông dân không hiểu để nói với họ, chẳng phải giống như dùng tế phẩm thịnh soạn trong đại điển long trọng để chiêu đãi dã thú, dùng cổ nhạc ‘Cửu Thiều’ có thể thông thấu Thần linh để lấy lòng chim muông sao?”
Phu xe chất phác thành thật, cuối cùng thu hồi được ngựa
Vì thế, Khổng Tử đã cử người phu xe đi thuyết phục thôn dân. Người phu xe nói với thôn dân rằng: “Ông chưa từng rời nhà đến vùng Đông Hải xa xôi để trồng trọt, tôi cũng chưa từng đến Tây Hải đi dạo. Vừa khéo, hoa màu của hai nơi này lớn lên có hình dáng giống nhau. Ngựa nhà tôi làm sao biết đó là hoa màu của ông mà không phải là hoa màu của nhà mình, nên không thể ăn được đây?”
Thôn dân vừa nghe nói vậy, cho là phải. Con ngựa là súc vật, nó sao có thể phân rõ được hoa màu của nhà ai? Thế là vui vẻ cởi dây buộc ngựa, trả ngựa lại cho người phu xe.
Những lời nói này của người phu xe, nếu để cho Tử Cống đi nói, có lẽ thôn dân vẫn là không thể tiếp thu được. Bởi vì trình độ thi thư và kiến thức của Tử Cống đều vượt xa người phu xe, vừa mở miệng thì đều dùng từ ngữ và logic của thi thư. Còn người phu xe tâm địa thành thật thiện lương, nói chuyện cũng rất chất phác, nên dễ dàng thuyết phục được thôn dân.
Vì vậy, trí tuệ đối nhân xử thế, không phải là cố định bất biến, mà có thể biến hóa vô cùng linh hoạt giống như dòng nước vậy! Có thể làm dòng suối, có thể là khe suối, cũng có thể làm con sông trải rộng mênh mông, tùy vào hoàn cảnh tồn tại của nước.
Tài liệu tham khảo:
Hồng Hi thực hiện
Lý Mai biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ