Một công cụ học tập đã mất: Tầm quan trọng của nghệ thuật hùng biện
Khi tìm kiếm trực tuyến cụm từ “định nghĩa về nghệ thuật hùng biện,” bạn sẽ thấy những định nghĩa thông thường như diễn thuyết hoặc viết lách nhằm mục đích thuyết phục người khác. Vài nguồn khác thì liệt kê ý nghĩa phụ [của nghệ thuật hùng biện] là một loại văn nói và viết đầy cảm tính hoặc khoa trương, thường mang tính giả dối để cố gắng thuyết phục người khác của tác giả. “Anh ta chỉ đang thao túng tâm lý chúng ta,” ai đó có thể cho rằng đó là phong thái của một chính trị gia. “[Những lời nói đó] chỉ toàn là sáo rỗng và hùng biện.”
Nếu được hỏi, thì hầu hết người Mỹ thậm chí không thể định nghĩa được hùng biện là gì, càng không thể lý giải vì sao hoặc làm thế nào để học tập và áp dụng nghệ thuật hùng biện. Sẽ sai lầm nếu chúng ta đổ lỗi cho họ vì sự thiếu hiểu biết này, bởi vì ngoại trừ những học sinh học tại gia, những học sinh tại các học viện cổ điển, và một số trường đại học giáo dục khai phóng, thì hầu hết mọi người đều không được tiếp xúc với nghệ thuật hùng biện — cả tên gọi lẫn giá trị của nó.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng như vậy. Từ những thời Hy Lạp cổ đại cho đến những năm đầu thế kỷ 20, nghệ thuật hùng biện là một phần trong chương trình giáo dục, cũng như hình học và văn chương. Kỹ năng lập luận cho một lý lẽ, sử dụng Anh ngữ một cách thuần thục và đầy thuyết phục trong viết lách, dù là trên khán đài hay thậm chí là trong cuộc trò chuyện, và để truyền cảm hứng cũng như khai sáng cho những thính giả được xem là dấu hiệu của một người có học thức.
Sơ lược về lịch sử ban đầu
Trong một thế giới không có các thiết bị điện tử hoặc báo in, thì khả năng nói chuyện lưu loát — để thuyết phục một bồi thẩm đoàn, diễn thuyết trước một hội nghị công dân, cổ vũ binh lính ra trận, tán dương một bằng hữu, và nhiều hơn thế nữa — được xem là yếu tố cốt lõi trong giáo dục.
Vào thời Hy Lạp cổ đại, đặc biệt là ở Athens, các nhà ngụy biện (sophists) đã bắt đầu dạy hùng biện cho người trẻ, chú trọng vào việc giành chiến thắng trong một cuộc tranh luận thông qua ngôn ngữ thao túng và đầy cảm xúc, mà đôi khi phải đánh đổi bằng sự thật. Chán ghét với những hành động này, và có lẽ để đánh bóng hình ảnh của nghệ thuật hùng biện, nhà hiền triết Aristotle đã viết nên cuốn sách “The Art of Rhetoric” (Nghệ Thuật Hùng Biện), một cuốn sách hướng dẫn đã ảnh hưởng đến những người hùng biện phương Tây trong suốt hai thiên niên kỷ sau đó và thậm chí phủ bóng lên chủ đề này cho đến tận thời nay. Trong cuốn sách này, ông đã đặt ra một hệ thống cách thức và phương pháp của việc thuyết phục, như là kết hợp lập luận logic với cảm nhận và sử dụng các kỹ thuật hùng biện khác nhau để tăng thêm sức mạnh và vẻ đẹp cho cuộc tranh luận đó. Có lẽ điều quan trọng nhất là, ông phản đối những nhà ngụy biện thông qua việc khẳng định rằng chân lý, hoặc chí ít là việc tìm kiếm chân lý, là một nền tảng vững chắc của nghệ thuật hùng biện.
Những danh nhân La Mã như triết gia Cicero và nhà hùng biện Quintilian nghiên cứu sách của nhà hiền triết Aristotle và tự mình viết ra những hướng dẫn tương tự. Chẳng hạn như ông Quintilian đã phát triển một hệ thống gồm Năm Quy tắc của Thuật Hùng biện, hướng dẫn các học trò từ việc phát triển các chủ đề và cuộc tranh luận, cho đến việc ghi nhớ, và cho đến việc trình bày thực tế bài diễn văn đó. Cũng giống như Aristotle và Cicero, các ý tưởng và bài viết của ông được nghiên cứu và phổ biến trong nhiều thế kỷ sau khi ông qua đời. Các nhà thần học thời Trung Cổ như Thánh Augustine và linh mục Thomas Aquinas, đều hiểu rõ về những công cụ và cách sử dụng nghệ thuật hùng biện, mặc dù chúng ta có thể tìm thấy điều đó trong các tác phẩm của Thánh Augustine nhiều hơn so với trong các tác phẩm của linh mục Aquinas, người vốn tập trung vào việc nghiên cứu một cách có hệ thống các niềm tin Cơ Đốc.
Nền tảng vững chắc của giáo dục khai phóng
Sự ra đời của báo in đã nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của nghệ thuật hùng biện với vai trò là một công cụ trong sáng tác cũng như diễn thuyết. Thông qua những tờ báo, những bản tuyên ngôn, và sách vở, những cây bút lành nghề có thể biện luận cho ý tưởng của họ vượt ra ngoài phạm vi và sức mạnh của những lời truyền miệng nhất thời. Từ nhà thần học Martin Luther cho đến triết gia John Locke và cựu tổng thống Thomas Jefferson, một nhóm lớn các triết gia và những nhà tư tưởng học đã đưa các kỹ thuật hùng biện vào những cuộc tranh luận bằng giấy bút của họ.
Và mối quan tâm này đối với nghệ thuật hùng biện đã định hình nền giáo dục khai phóng mà chúng ta biết thời nay. Thậm chí trong thế giới cổ đại, những người thầy dạy hùng biện cũng khuyến khích việc nghiên cứu thơ văn, ngôn ngữ, và cả lịch sử. Họ nhìn nhận đây không chỉ là những môn học mà còn là mảnh đất màu mỡ để thu thập ý tưởng cho việc tranh luận và thảo luận. Từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, những môn học này là trọng tâm của hầu hết các trường đại học ở Hoa Kỳ, với sự chú trọng đặc biệt đến kỹ năng hùng biện. Những chương trình học này đã có ảnh hưởng lan rộng đến nhiều giai tầng xã hội. Chẳng hạn, cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Abigail Adams thường hối tiếc vì không biết tiếng Latin và Hy Lạp, tuy vậy trong thư tín của bà chứa đầy các kỹ thuật hùng biện và đều có nhắc đến thần thoại học, lịch sử, và văn học. Cựu tổng thống Abraham Lincoln không được thụ hưởng nền giáo dục chính thống, và mặc dù các nhà sử học thường đề cập đến việc ông đọc Kinh Thánh và những tác phẩm của thi hào Shakespeare, nhưng những quyển sách ngữ pháp mà ông đọc và đôi khi thuộc nằm lòng khi còn trẻ cũng rèn giũa kỹ năng viết lách của ông.
Vì những lý do đó mà từ lâu, nghệ thuật hùng biện được biết đến là “Nữ hoàng của Giáo dục Khai phóng,” và như sử gia Richard Weaver từng nói, [nghệ thuật hùng biện] “có tinh thần nhân văn nhất trong mọi môn học.”
Hùng biện có trách nhiệm
Ông Richard Weaver (1910-1963) là một sử gia thông thái kiêm học giả dạy Anh ngữ và nghệ thuật hùng biện tại Đại Học Chicago. Tại đây, ông chú trọng dạy viết luận cho sinh viên năm nhất hằng năm, hy vọng rằng những người trẻ tuổi này sẽ phát triển kỹ năng viết lách của họ theo những nguyên tắc cổ xưa trong môn học của ông.
Trong một bài thuyết giảng ngay trước khi ông qua đời có nhan đề “Language Is Sermonic” (Ngôn Ngữ Là Bài Giảng Đạo), ông đã chỉ ra mức độ sa sút của nghệ thuật hùng biện trong thời hiện đại. Đồng thời, ông tán thành nghệ thuật hùng biện có đạo đức: không chỉ thể hiện trong ngôn từ, trong văn viết, không chỉ sử dụng các thủ thuật hùng biện, mà còn là một chiến lược hướng đến sự thật, dù bằng cách này hay cách khác. Ông cũng cảnh báo về những nguy hiểm mà chúng ta gặp phải khi một diễn giả hoặc văn nhân lừa dối chúng ta. “Vì chúng ta tiếp xúc với nghệ thuật hùng biện khi đứng giữa các lựa chọn có chứa các giá trị [đạo đức],” ông nói, “thì người hùng biện đó chính là nhà thuyết giáo cho chúng ta, thật quý giá nếu ông ấy cố gắng hướng cảm xúc mạnh mẽ của chúng ta đến những mục tiêu cao thượng và thật thấp kém nếu ông lợi dụng cảm xúc mạnh mẽ của chúng ta để khiến chúng ta bối rối và hạ thấp giá trị bản thân.”
Vào năm 1955, trong bài diễn văn có nhan đề “A Responsible Rhetoric (Hùng Biện Có Trách Nhiệm),” ông Weaver tập trung vào ý tưởng cuối cùng này theo kiểu cách ít trang trọng hơn. Tại đây, ông tuyên bố thẳng thắn rằng: “Hùng biện có trách nhiệm, như nhận định của tôi, là nghệ thuật hùng biện trước hết phải chịu trách nhiệm trước sự thật.” Rồi ông đưa ra vài ví dụ về những gì xảy ra khi trách nhiệm này bị phớt lờ hoặc cố tình né tránh.
Thời nay, một bài luận gồm năm đoạn với luận đề của nó, [trong đó có] ba luận điểm chứng minh, và phần kết bài khẳng định một lần nữa luận đề [chính] — một hình thức vẫn được giảng dạy trong các lớp học ngày nay — là một bộ phận còn sót lại của thời đại mà kỹ năng hùng biện, tính hợp lý, và ngữ pháp còn ngự trị trên đỉnh cao của nghệ thuật ngôn ngữ.
Tổn hại đã hình thành
Theo chính định nghĩa của nó — nghệ thuật thuyết phục — nghệ thuật hùng biện hóa ra lại hiện diện cùng chúng ta ở khắp mọi nơi. Sau cùng thì, quảng cáo là gì nếu không nhằm dụ dỗ người ta mua một nhãn hiệu xà bông nhất định hoặc một chiếc xe hơi mới? Một chủ doanh nghiệp gọi toàn bộ nhân viên bán hàng của mình lại và hô hào họ bán nhiều sản phẩm hơn, đưa ra các lý do để làm như vậy cũng như các thủ thuật để tăng doanh thu bán hàng. Họ thay phiên nhau gọi điện thoại cho các đầu mối liên lạc của mình và cố gắng để chốt đơn hàng. Tất cả đều là nghệ thuật hùng biện, nhưng là một dạng đơn giản hơn so với điều mà sử học gia Richard Weaver và nhiều người khác thúc đẩy.
Nhưng đó là hình thức chúng ta thấy thời nay trong các nền chính trị của mình. Những người chạy đua tranh cử hoặc phục vụ trong văn phòng thường đi lại, nói năng như những tấm biển bảng quảng cáo có các câu khẩu hiệu và những đoạn âm thanh ngắn, tuy nhiên sự thật và những điều chân chính thường bị che giấu khỏi ánh nhìn của công chúng.
Thêm nữa, những người không được đào tạo về hùng biện có thể không phát hiện ra những ngụy biện và dối trá trong luận điểm của những người có thẩm quyền. Trong quyển sách “Why Study Rhetoric?” (Tại Sao Phải Học Hùng Biện), ông Trent Leach, một giáo viên tại trường học tiếng Latin ở Topeka, tiểu bang Kansas, đã nhấn mạnh ý tưởng này như sau: “Nếu tôi dùng sai ngữ pháp, câu văn của tôi sẽ nghèo nàn. Nếu tôi tư duy sai cách, những lập luận của tôi sẽ tồi tàn. Nhưng nếu tôi hùng biện sai, tôi sẽ thao túng người ta và khiến họ tin vào mọi loại giả dối.”
Hy vọng trong tương lai gần
Trong cuốn sách “Classical Rhetoric 101: An Introduction” (101 thuật hùng biện kinh điển: Một lời giới thiệu), bà Kate và ông Brett McKay, nhà quản lý của trang web The Art of Manliness (Nghệ thuật nam tính), nhấn mạnh về cùng một lợi ích. Trong cuốn sách đó viết rằng việc nghiên cứu nghệ thuật hùng biện giúp bạn trở thành một công dân tốt hơn, có thể phân biệt những quan điểm đánh lừa hoặc gây hiểu lầm mà tất yếu sẽ xảy ra, để từ đó “bảo vệ bạn khỏi chế độ chuyên quyền trí thức.” Họ cũng nói về những mặt tích cực của nghệ thuật này, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của nghệ thuật thuyết phục trong giao tiếp hằng ngày của chúng ta với những người như ông chủ, bằng hữu, và con cái.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times