‘Tách rời’ ngoại giao với Trung Quốc
Chính quyền Bắc Kinh đã đi quá xa trong việc sỉ nhục các nhà ngoại giao Mỹ
Ít nhất là kể từ mùa Thu năm 2020, các nhà ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc đã âm thầm chịu đựng. Gia đình họ cũng vậy. Theo Tạp chí Wall Street (WSJ), lấy cớ đại dịch, chính quyền Bắc Kinh đã giam hãm tới 30 nhà ngoại giao và thành viên gia đình “trong những căn phòng khóa kín và thường trong điều kiện tồi tàn”.
Theo ban biên tập WSJ, “những người này và các nhà ngoại giao khác mới đến, cũng phải chịu nhiều cuộc xét nghiệm y tế không cần thiết; buộc phải trải qua nhiều tháng cách ly và chia cắt gia đình; và họ bị giám sát và kiểm soát bởi ứng dụng ‘sức khỏe’ trực tuyến của Trung Quốc.”
Sự lạm dụng này vi phạm các chính sách của Hoa Kỳ về việc lợi dụng đại dịch để ngược đãi các nhà ngoại giao. Chính sách của Bộ Ngoại giao hồi tháng 7/2020 đã cấm các chuyến đi của các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đến các quốc gia bắt buộc xét nghiệm COVID-19 đối với các nhà ngoại giao và gia đình hoặc cách ly họ trong các cơ sở của chính phủ ngoại quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã từ chối thay đổi quan điểm, và chính phủ ông Biden, thay vì giữ vững lập trường, đã hai lần nhượng bộ, ký các giấy miễn trừ, cho phép chính quyền Bắc Kinh xét nghiệm và cách ly các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và gia đình họ.
Nhưng chính quyền này đã đi xa hơn cả sự miễn trừ của Bộ Ngoại giao cho phép. WSJ đã xem một bản ghi nhớ dài 97 trang của những người tố cáo, mô tả cơn ác mộng về những hạn chế áp đặt lên các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và gia đình họ, kể cả trẻ em. Cùng với người trưởng thành, các em bị cô lập một mình trong những căn “phòng điều trị sốt” ẩm mốc, và kết quả là một thanh thiếu niên được cho là có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Ngoại trưởng Antony Blinken nên cảm thấy xấu hổ [vì điều này].
Theo WSJ, “Người Mỹ đã bị giám sát và nghi ngờ người Trung Quốc đang thu thập thông tin tình báo và DNA. Các nhà ngoại giao cho rằng chính quyền này đã thay đổi kết quả xét nghiệm để sách nhiễu các gia đình, và kiểm soát nghiêm ngặt hơn.
“Theo đơn khiếu nại của một người tố cáo, các phòng điều trị sốt là những căn phòng nhỏ, bẩn thỉu (chúng tôi đã nhìn thấy những bức ảnh) — một số được đặt trong các container vận chuyển đã được chuyển đổi,” ban biên tập cho biết. “Các cửa bị khóa và các cửa sổ bị chặn. Khi đến nơi, các cá nhân được yêu cầu làm xét nghiệm dịch mũi và họng hầu, cung cấp đờm, nước tiểu và mẫu phân, đồng thời nộp điện não đồ và chụp CT. ”
Tăm bông có kích thước dành cho người trưởng thành, được sử dụng để xét nghiệm cho trẻ nhỏ, gây chảy máu cam và các em bị cưỡng chế khi thực hiện các thủ thuật xâm lấn nhiều lần. Các bậc cha mẹ cho biết các em đã bị chấn thương. Những người bị giam giữ phải xin nước và những vật dụng thiết yếu khác, bao gồm cả xà phòng và giấy vệ sinh, hoặc đợi để nhận được chúng qua các gói dịch vụ chăm sóc.
“Thức ăn rất ít ỏi và một gia đình cho biết con họ hầu như chỉ nhận được súp cho mỗi bữa ăn,” theo WSJ. “Được biết những người bị giam giữ đã bị sụt cân đáng kể.”
Người Mỹ đã phải đợi hàng tuần hoặc hàng tháng để nhà cầm quyền cung cấp các xét nghiệm COVID âm tính, cần thiết để rời khỏi vùng cách ly. Một gia đình đã trải qua hai tháng trong một phòng điều trị sốt, trong đó các thành viên trong gia đình phải thực hiện tổng cộng 159 lần xét nghiệm máu, họng hầu và mũi. Một gia đình khác đã mất tự do trong 69 ngày.
Chính quyền này đã từ chối chăm sóc y tế thường xuyên cho những người Mỹ bị giam giữ, bao gồm một đứa trẻ cần phải khâu vết cắt sâu và một người đàn ông bị đau dạ dày, người mà sau đó được chẩn đoán là bị viêm ruột thừa.
Tất cả các nhà ngoại giao Hoa Kỳ phải sử dụng ứng dụng sức khỏe của chính quyền, ứng dụng này có xu hướng chuyển sang màu đỏ khi họ muốn đi du lịch, cản trở việc di chuyển của họ trong công việc quan trọng.
“Những người tố cáo cho biết họ lo ngại rằng Trung Quốc đang sử dụng ứng dụng này để theo dõi hoạt động của họ và sử dụng các định nghĩa đã thay đổi về các mối quan hệ thân thiết để nhắm vào các nhà ngoại giao, nhằm mục đích cách ly bổ sung,” ban biên tập nêu rõ.
Đại sứ Hoa Kỳ Nicholas Burns thật đáng khen gợi khi ông được cho là đã thương lượng để loại bỏ một số hành vi ngược đãi. Nhưng điều đó “không giải thích được lý do tại sao Chính phủ đã đồng ý với một sự miễn trừ về ‘quyền bất khả xâm phạm’ khác cho phép Trung Quốc truy vết tiếp xúc vào mùa xuân này,” theo ban biên tập.
Ngoại trưởng Blinken cần đưa ra một số giải thích. Người dân Mỹ muốn biết tại sao những người đại diện của mình lại bị đối xử tồi tệ ở Bắc Kinh, dường như với sự đồng ý của Bộ ngoại giao.
Tờ WSJ gọi cách đối xử của chính quyền Bắc Kinh đối với các nhà ngoại giao là “vô nhân đạo” và “khó tin”.
Với trách nhiệm bảo vệ các nhà ngoại giao Mỹ ở hải ngoại, trên thực tế Bộ ngoại giao đã làm rất ít. Họ liên tục ký các giấy miễn trừ, cho phép Bắc Kinh vi phạm chính sách của Hoa Kỳ.
Điều này buộc những người tố cáo trong Bộ Ngoại giao phải đến Quốc hội để nhận được giúp đỡ. Quốc hội đang tiết lộ các tài liệu về thời điểm họ sẽ ban hành luật để chấm dứt tình trạng ngược đãi này.
Chính phủ Hoa Kỳ phải chấm dứt tình trạng cố tình lờ đi và quỵ lụy Bắc Kinh, trừ khi họ muốn thế giới bắt đầu đối xử với ông Tập Cận Bình như một vị hoàng đế mà ông ấy vẫn khao khát.
Việc vi phạm quyền miễn trừ ngoại giao của Hoa Kỳ cho thấy rõ rằng đã đến lúc phải đưa các nhà ngoại giao Mỹ ra khỏi Trung Quốc. Một số nhà ngoại giao đã cắt giảm nhiệm vụ của mình ở Trung Quốc, và những người mới đến sắp tới cảm thấy chán nản ngay từ đầu bởi sự đối xử ngược đãi.
Việc chế độ ở Bắc Kinh đã ngược đãi các nhà ngoại giao của chúng ta và gia đình họ một cách tàn bạo, đồng thời rất thiếu ý thức tôn trọng và thiếu nhân cách, đòi hỏi hoặc là phải tách rời ngoại giao, hoặc là không chỉ các nhà ngoại giao của chúng ta, mà cả chính nước Mỹ, sẽ bị mất thể diện.
Để cứu vãn bất cứ cảm giác tự trọng ngoại giao nào mà quyền lực mềm toàn cầu của Mỹ dựa vào đó, Hoa Kỳ phải hành động. Đơn giản là chúng ta không thể cho phép các nhà ngoại giao Hoa Kỳ bị xét nghiệm thường xuyên, bị giam giữ, buộc phải sống trong những điều kiện tồi tàn, bị từ chối chăm sóc sức khỏe và bị sỉ nhục, trong khi vẫn ngẩng cao đầu trên trường quốc tế.
Việc tách rời ngoại giao sẽ làm sứ mệnh ngoại giao của Hoa Kỳ tại Trung Quốc yếu đi, bao gồm cả các dịch vụ ngoại giao. Nhưng nó cũng sẽ có những hậu quả lớn đối với ĐCSTQ.
Khi chúng ta đưa các nhà ngoại giao của mình ra khỏi Trung Quốc, chúng ta cũng phải đưa các nhà ngoại giao của chính quyền này ra khỏi Mỹ. Họ nên bị đưa về nhà với số lượng như nhau. Đây là sự có đi có lại, là nền tảng cho sự trở lại của lòng tự trọng ngoại giao của Mỹ và cuối cùng — sau khi Trung Quốc dân chủ hóa, nếu ngày hạnh phúc đó đến — là quan hệ bình thường với Bắc Kinh.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.