Sức nặng của cơn nghiện: ‘Sisyphus’ của Titian
Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống vun bồi cho trái tim
Đôi khi việc bị nghiện chất kích thích, cảm xúc và đắm chìm trong lối suy nghĩ khiến chúng ta không thể trải qua bất kỳ loại cảm giác bình an nào trong tâm hồn.
Tôi bắt gặp một bức tranh vẽ Sisyphus của danh họa Titian khiến tôi chiêm nghiệm về bản chất của những cơn nghiện mà chúng ta ôm giữ.
Sisyphus hai lần lừa được cái chết
Trong truyền thuyết Hy Lạp, Sisyphus là vị vua xảo quyệt và gian dối của thành Corinth. Ông đã giúp Corinth thành công về mặt thương mại, nhưng ông thường xuyên từ chối mời các vị khách đến thăm thành phố để nhìn thấy sự lễ nghi và lòng hiếu khách theo yêu cầu của thần Zeus. Ông thậm chí đã xử tử những vị khách của mình để chứng tỏ rằng ông là một vị vua đáng sợ.
Thần Zeus cảm thấy thất vọng với sự tàn ác của Sisyphus. Điều thú vị là Zeus càng tức giận hơn khi Sisyphus tiết lộ với thần sông Asopus nơi mà Zeus đã mang con gái của thần sông đi.
Sisyphus đã đi quá xa khi tiết lộ bí mật của các vị thần, Zeus quyết định đã đến lúc trừng phạt Sisyphus. Theo một phiên bản của câu chuyện, Zeus ra lệnh cho Thanatos, hiện thân của cái chết, giam cầm Sisyphus trong âm phủ.
Thanatos đã bắt được Sisyphus và định xích lại thì Sisyphus yêu cầu Thanatos chỉ cho ông cách hoạt động của dây xích. Thanatos đã đồng ý và Sisyphus đã nhanh chóng xích Thanatos lại. Sisyphus đã tránh được cái chết trong gang tấc.
Khi Thanatos bị giam cầm thì người phàm không còn phải chết nữa. Phải nhờ đến thần Ares, vị thần chiến tranh, được yêu cầu để khôi phục sự cân bằng giữa sự sống và cái chết. Ares cũng bắt được Sisyphus trả lại cho Thanatos lần thứ hai để nhận sự trừng phạt. Nhưng ngay cả trước khi Sisyphus được đem về, Sisyphus đã lên kế hoạch thoát chết lần thứ hai.
Trước khi qua đời, Sisyphus yêu cầu vợ mình không làm những lễ cúng tế thông thường cho cái chết của chồng. Sau đó, ở thế giới âm phủ, Sisyphus lại cầu xin vợ của Hades là nàng Persephone tốt bụng cho ông được trở nhân gian để hướng dẫn bà thủ tục chôn cất chồng. Mưu kế của Sisyphus đã thành công, và Sisyphus đã trở lại thế gian mà không có ý định trở lại âm phủ.
Zeus bấy giờ đã phải đích thân can thiệp để bảo đảm rằng Sisyphus sẽ không trốn thoát trong lần tiếp theo khi bị nhốt vào âm phủ. Sisyphus sẽ chịu đựng sự thống khổ vĩnh viễn khi mãi mãi đẩy một tảng đá lên dốc rồi cho rơi xuống sau khi lên đến đỉnh.
‘Sisyphus’ của Titian
Vào giữa thế kỷ 16, họa sĩ người Ý thời Phục hưng Titian đã vẽ bức tranh về sự trừng phạt của Sisyphus dành cho nữ hoàng Mary của Hungary và Bohemia.
Theo trang web của Bảo tàng Prado, nữ hoàng Mary sở hữu nhiều hình ảnh từ truyền thuyết Hy Lạp trên các bức tường của Căn phòng lớn trong Cung điện Binche, thể hiện “tính liền mạch của một dãy biểu tượng với ý tưởng chính là nhấn mạnh vào sự khốn khổ và hình phạt vô tận của những kẻ chống lại các vị thần.”
Trong bức tranh “Sisyphus” của mình, họa sĩ Titian mô tả Sisyphus đang đi lên một dốc đá lởm chởm. Ông mặc một tấm vải tồi tàn và không đẩy mà vác tảng đá lên vai và đầu để lên đồi, khiến vai và đầu ông chúi về phía trước dưới sức nặng của tảng đá.
Khung của bố cục cũng áp vào cơ thể của Sisyphus. Đỉnh của tảng đá và chân của ông đặt ngay sát mép trên và dưới của bức tranh, nhấn mạnh số phận ngột ngạt của Sisyphus.
Xung quanh thật u ám. Các sinh vật kỳ lạ cư trú ở góc dưới cùng bên trái của bố cục, trong khi lửa và khói lấp đầy nền. Một con rắn xuất hiện đe dọa đôi chân của Sisyphus, như thể mối đe dọa khiến ông phải lao lên đỉnh đồi.
Sức nặng của những cơn nghiện của chúng ta
Tôi nhìn thấy ba điều đập vào mắt mình trong bức tranh này: Sisyphus vác tảng đá chứ không phải đẩy, con rắn đe dọa ông từ bên dưới, và thiên nhiên hùng vĩ của các góc cạnh ở bố cục. Chúng ta hãy xem xét từng khía cạnh đạo đức của những thành tố này.
Tôi nghĩ ngay đến cơn nghiện của chúng ta khi thấy Sisyphus vác thay vì đẩy tảng đá. Những cơn nghiện của chúng ta thường bắt đầu từ những sở thích hoặc ham muốn nhỏ nhoi, và phát triển thành một thứ gì đó ngoài tầm kiểm soát của chúng ta theo thời gian.
Ví dụ, những gì bắt đầu như uống rượu giải trí có thể trở thành gánh nặng của chứng nghiện rượu, hoặc một vài vụ cá cược vào các môn thể thao có thể dẫn đến vụ tịch thu nhà. Những cơn nghiện của chúng ta cũng có thể rất tinh vi: một ý nghĩ tự mãn hoặc một cái nhìn lén lút có thể gây ra cảm giác thích thú, theo thời gian, có thể trở thành cảm giác mà chúng ta thèm muốn, như thể chúng ta lên cơn nghiện.
Chúng ta cố gắng vượt qua cơn nghiện của mình giống như cách mà Sisyphus đã phải đi lên đồi nhiều lần. Chúng ta tự đẩy mình đến giới hạn để cố gắng buông bỏ và thoát khỏi, nhưng chúng ta tái nghiện hoặc phát hiện ra rằng cơn nghiện nặng hơn chúng ta nghĩ. Sau đó chúng tôi thấy mình đang mang vác một tảng đá khác lên dốc.
Sức nặng của tảng đá không chỉ khiến đầu và vai của Sisyphus bị oằn xuống mà còn ngăn ánh sáng chiếu tới đầu và ngực, những thứ tượng trưng cho trái tim và khối óc của ông. Sức nặng của chất gây nghiện có thể tiêu hao trái tim và tâm trí của chúng ta, che khuất ánh sáng và ngăn cản chúng chiếu rọi vào cuộc sống của chúng ta.
Con rắn ở gót chân Sisyphus tượng trưng cho điều gì? Con rắn, giống như mọi thứ khác, chỉ hiện diện như một phần của sự trừng phạt dành cho Sisyphus. Con rắn, đe dọa gót chân của ông, ngăn cản ông không bao giờ được nghỉ ngơi, không bao giờ được tìm thấy yên bình
Cuối cùng, vị trí của Sisyphus liên quan đến các cạnh của họa phẩm đại diện cho điều gì? Các cạnh gần như hoạt động giống một nhà tù, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu tự do của Sisyphus.
Không những trọng lượng của tảng đá đè lên đầu và vai của ông, mà cạnh trên của bố cục dường như áp thêm sức nặng của chính nó, một trọng lượng nặng đến mức Sisyphus dường như không thể đứng thẳng ngay cả khi ông muốn.
Mọi thứ được mô tả được gói gọn bởi bốn cạnh của bố cục. Theo tôi nghĩ, chúng đại diện cho tác động của môi trường đối với Sisyphus. Sisyphus liên tục phải chịu không chỉ sức nặng của tảng đá, mà còn cả những ràng buộc do môi trường áp đặt, và những ràng buộc này dường như càng ngăn cản anh ta trải nghiệm sự tự do thực sự.
Sisyphus bị kết án phải chịu sự trừng phạt vĩnh viễn, nhưng chúng ta thì sao? Làm thế nào chúng ta có thể xác định nguyên nhân thực sự của chứng nghiện mà chúng ta có? Có cách nào thoát khỏi những cơn nghiện làm đóng khung cuộc sống của chúng ta không? Làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy bình an giữa những gánh nặng mà chúng ta đang gồng mình mang theo?
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times