Một thế giới mới mẻ của Nghệ Thuật Thiên Đường
Tất cả tác phẩm đều được khắc họa rõ nét để truyền dạy Kinh Thánh và cảm hứng về sự suy ngẫm cũng như lòng tôn kính với Đấng Sáng Tạo.
Nghệ thuật Thiên đường trong cuộc triển lãm “Kho lưu trữ thế giới: Nghệ thuật và Khả năng sáng tạo ở địa khu Châu Mỹ Tây Ban Nha, từ năm 1500 đến 1800” tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Los Angeles.
Ôi thiên đường trên cao! Trong một bức tranh hình tròn vào thế kỷ 18 của một nghệ sĩ người Mexico là ngài Antonio de Torres, hình ảnh Đức Mẹ lộng lẫy bay lơ lửng trên thiên đường giữa một vòng xoáy của những đám mây màu phấn. Khi Đức Mẹ nhìn lên Thiên Chúa, bà tỏa ra ánh quang huy thần thánh. Hào quang với 12 ngôi sao trông như đội vương miện trên đầu và bà đang đứng trên một vầng trăng lưỡi liềm, cùng với một ánh mặt trời tươi sáng tỏa ra từ phía sau thân bà; mỗi một yếu tố ở đây đều tham khảo từ chương 12:1 Khải Huyền trong Kinh Thánh. Các vị Thánh vây xung quanh bà, một số thì nhìn chăm chú bà với sự tôn kính, và một số khác thì nhìn hướng ra ngoài bức tranh để cổ vũ cho đức tin của chúng ta.
Các bức tranh hân hoan của ngài De Torres chứa đầy các ý nghĩa tôn sùng đạo, những chi tiết tinh tế, và một sự ngạc nhiên to lớn: chỉ có đường kính 20cm và là một phù hiệu của nữ tu ở đất nước Mexico mà các vị nữ tu dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội* và dòng Thánh Jerome thường** ghim vào cổ áo của họ.
Phù hiệu của các vị nữ tu và thầy dòng là nét đặc trưng truyền thống của đất nước Mexico, bắt nguồn từ thế kỷ thứ 17. Tuy nhiên các bức tranh trên phù hiệu gắn kết với các truyền thống xa xưa ở Âu châu. Bức tranh hình tròn của họa sĩ De Torres quay trở về với một truyền thống phổ biến của thời kỳ Phục Hưng Florentine về vẽ tranh Tondo*, ông được truyền cảm hứng từ những chiếc huy chương cổ xưa. Một người nghệ sĩ cần phải có kỹ pháp lành nghề mới có thể chinh phục được loại bố cục hình tròn này.
Các nghệ sĩ lỗi lạc của đất nước Mexico đã sáng tạo ra các chiếc huy hiệu thể hiện được sự cao quý trong những bức tranh của họ. Trên mỗi chiếc huy hiệu, người nghệ sĩ đều vẽ về một cảnh tượng trong Kinh Thánh, một sự lựa chọn phổ biến đó là Sự Kiện Truyền Tin (lúc mà tổng lãnh thiên thần Gabriel báo tin cho Đức Mẹ Mary rằng bà sẽ có một người con trai, là Chúa Jesus) hoặc là Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên Tội (Công giáo tin rằng mẹ của Chúa Jesus được sinh ra mà không mang tội). Sau đó các nghệ sĩ sẽ thêm vào tại vị trí khung viền các bông hoa, tiểu thiên sứ, thiên thần, và các vị thánh tùy theo sở thích của người sở hữu huy hiệu cũng như niềm tin tôn giáo của họ. Ví dụ, họa sĩ người Mexico là José de Páez đã tạo ra một chiếc huy hiệu hình chữ nhật cho thầy dòng với cảnh tượng Chúa Giáng Sinh, và trên cao là Đức Chúa đang trông nom cho Thánh Gia.
Những chiếc huy hiệu này là một trong số các loại hình nghệ thuật mới được xuất sinh từ khu vực thuộc địa Tây Ban Nha ở Thế Giới Mới, và cả hai ví dụ bên trên đều có mặt trong buổi triển lãm “Kho lưu trữ thế giới: Nghệ thuật và Khả năng sáng tạo ở địa khu Châu Mỹ Tây Ban Nha, từ năm 1500 đến 1800 tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Hạt Los Angeles” (LACMA). Buổi triển lãm khám phá giai đoạn lịch sử nghệ thuật phức tạp nhưng đầy hấp dẫn này thông qua hơn 90 bức tranh, tượng điêu khắc, vải và các món vật dụng trang trí nghệ thuật từ bộ sưu tập của LACMA.
Nghệ thuật của vùng thuộc địa Tây Ban Nha ở châu Mỹ
Vào cuối thế kỷ 15, quốc gia Tây Ban Nha bắt đầu thuộc địa hóa Thế Giới Mới; và kết quả là nghệ thuật của Mỹ châu cũng đã thay đổi. Các nghệ sĩ địa phương, tuy vẫn trung thành với truyền thống của họ, thì cũng bị đã ảnh hưởng bởi những sản phẩm và phong cách của người Âu châu, Á châu và Phi châu, từ đó đã sáng tạo ra các phong cách và loại hình nghệ thuật mới.
Sự phát triển của nghệ thuật Công giáo ở châu Mỹ là một khía cạnh đặc sắc nhất tại buổi triển lãm. Khi những người Tây Ban Nha đến với Thế Giới Mới, thì các bức tranh và tượng điêu khắc chủ đề tôn giáo đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển đổi dân cư bản địa sang Công giáo. Bất cứ nơi nào có thể, thì những nghệ sĩ người Tây Ban Nha đều truyền lại các kỹ thuật Tây phương cho các nghệ sĩ địa phương, kết quả là các tác phẩm tín ngưỡng của người Mỹ Latinh có được phong cách của người Tây Ban Nha.
Những phong cách nghệ thuật khác của Âu châu cũng được truyền dạy lại. Ví dụ, vào những năm 1530, sau khi đất nước Tây Ban Nha đã thuộc địa hóa Cuzco, một vùng cao nguyên trên dãy núi Andean của đất nước Peru, những người nghệ sĩ Âu châu đã chia sẽ lại kỹ năng của họ với những nghệ sĩ bản địa. Những nghệ sĩ này đã làm việc cùng nhau tại một thị trấn từ thế kỷ 16 cho đến thế kỷ 18, và được gọi là Trường Học Cuzco, trải dài từ dãy Andes, đất nước Bolivia cho đến Ecuador.
Thường trong các bức tranh đầu tiên của những Người Mỹ gốc Tây Ban Nha, vẫn có một chút mộc mạc trong kỹ thuật của các nghệ sĩ, tuy nhiên những thông điệp thần thánh được truyền tải trong những bức tranh đó cũng mạnh mẽ như bất kỳ một tác phẩm tôn giáo thời kỳ Phục Hưng nào với kỹ thuật hoàn thiện cao. Đó là một lời nhắc nhở rất quan trọng rằng ý định của người nghệ sĩ phía sau một bức tranh là rất mạnh mẽ.
Một biểu tượng nhỏ có tiêu đề “Thánh Gia” của họa sĩ người Mexico là Nicolás Rodríguez Juárez đã minh họa rõ nét điểm này. Ông Juárez đã mô tả Đức Mẹ Mary và Chúa Hài Đồng nhìn thẳng về phía chúng ta, trong khi Thánh Guise nhìn về hướng Chúa, người đang giơ tay để ban phước cho chúng ta. Cả ba nhân vật đều tỏa ra ánh sáng thần thánh, và lời kêu gọi để gắn kết với đức tin của chúng ta tỏa sáng thật rực rỡ. Chúng ta quên rằng những nhân vật này không hoàn toàn chính xác về mặt giải phẫu, với đôi mắt rộng mở, gò má mũm mĩm, và đôi bàn tay tròn trĩnh.
Những nghệ sĩ người Tây Ban Nha đã lấy nguồn cảm hứng từ các sáng tác Âu châu trong khi vẫn trung thành với những truyền thống nghệ thuật của chính họ. Ví dụ, một thành viên của học viện họa sĩ mới thành lập ở Mexico, họa sĩ Nicolás Enríquez đã tham khảo quyển sách chạm khắc của Dòng Tên có tiêu đề “Evangelicae Historiae Imagines” (Những Hình Ảnh của Lịch Sử Truyền Giáo) của nghệ sĩ mỹ thuật Jerónimo Nadal để lấy cảm hứng khi ông vẽ bức “The Adoration of the Kings with Viceroy Pedro de Castro y Figueroa, Duke of La Conquista – Sự tôn kính của các vị Vua với Phó Vương Pedro de Castro y Figueroa, Công tước thứ nhất của La Conquista”. Trong cùng bức tranh đó, Enríquez cũng tham khảo một tác phẩm của nhà thờ Mexico City của họa sĩ Juan Rodríguez Juárez.
Một ví dụ điển hình của phong cách Tây Ban Nha kết hợp với cảm giác của người bản địa chính là bức tranh của họa sĩ de Torres: “Sacred Conversation with the Immaculate Conception and the Divine Shepherd – Cuộc thảo luận linh thiêng với Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Người Chăn Cừu Thần Thánh”. Trong bức tranh, một nữ tu dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trò chuyện với một người Tây Ban Nha thần bí, Gioan Thánh Giá. Bà đeo một chiếc huy hiệu linh thiêng trên cổ áo theo thói quen, và cúi đầu khi trao trái tim thức tỉnh thiêng liêng của mình cho vị thánh.
Bên phía trái của bức tranh, Đức Mẹ đứng trên ngọn của một bông hoa huệ trắng, một biểu tượng của sự thánh khiết. Đức Chúa trong hình dáng của một người chăn cừu thiện lương đang đứng ở giữa chiếc cầu, ở tại vị trí trung tâm của bức tranh. Theo thông tin trên trang thông tin của LACMA, chiếc cầu này kết nối cả bốn nhân vật trong bức tranh và là biểu tượng rằng sự sùng kính linh thiêng của nữ tu sĩ và vị thánh chỉ có thể diễn ra dưới sự trợ giúp của Chúa và Đức Mẹ.
Họa sĩ De Torres đã vẽ chiếc cầu này theo phối cảnh hình chiếu từ trên cao, là một góc chiếu phổ biến trong các bức tranh của người Hà Lan, tương tự như họa sĩ Pieter Bruegel the Elder.*
Những bức họa thần kỳ
Chủ đề quen thuộc “Our Lady of Guadalupe – Đức Mẹ Guadalupe*” được bao quanh bởi bốn họa tiết đã được tái sử dụng rất nhiều lần. Rất nhiều những bức tranh này có vẻ ngoài khá giống nhau nhưng phong cách nghệ thuật lại khác hẳn. Điều này là do việc các họa sĩ đã sao chép lại tác phẩm của những nghệ sĩ nổi tiếng khác. Ví dụ, một họa sĩ người Mexico là Juan Correa đã làm ra một nguyên mẫu bằng sáp để các họa sĩ sao chép tác phẩm của ông.
Tại buổi triển lãm, bức tranh năm 1691 “Virgin of Guadalupe – Đức Trinh Nữ Guadalupe” của hai họa sĩ Manuel de Arellano và Antonio de Arellano được ký tên “Chạm theo bản gốc” để xác nhận bản sao chính. Trong bức tranh, bốn họa tiết biểu hiện ra cách thức mà Đức Mẹ xuất hiện trước một người Ấn độ là Juan Diego vào năm 1531 khải thị ông đề nghị vị mục sư xây dựng một nhà thờ trên đỉnh đồi vinh danh bà. Truyền thuyết kể lại rằng vị giám mục đã không tin điều này. Đức Mẹ đã hiện thân đến ba lần với cùng một yêu cầu với ông Diego, tuy nhiên vị giám mục vẫn không hành động. Trong lần hiện thân thứ tư, Đức Mẹ đã bảo ông Diego leo lên ngọn đồi và hái những bông hoa hồng Castile đem về cho vị giám mục. Ông Diego đã gom toàn bộ các bông hoa này vào trong áo choàng và đem về đưa cho vị giám mục đang bị chấn động kia; bởi vì hoa hồng Castile không thể nào xuất hiện ở vùng đất này được. Khi ông Diego lấy ra toàn bộ hoa từ trong áo choàng của mình, kỳ diệu thay, hình ảnh của Đức Mẹ Đồng Trinh đã được in dấu ở trên đó. Họa tiết cuối cùng của bức tranh đã thể hiện điều kỳ diệu này.
Họa sĩ Miguel González cũng miêu tả về truyền thuyết này bằng cách sử dụng “enconchado”, một kỹ thuật mới đã nổi lên từ những năm 1680 đến 1700, khi đó việc khảm xà cừ đã nâng cao tầm vóc của bức tranh. Sự óng ánh tự nhiên của ngọc trai làm tăng thêm tính siêu việt cho bức tranh “ Virgin of Guadalupe – Đức Mẹ Guadalupe” của ông.
Những tác phẩm điêu khắc tôn giáo
Trong thế giới của những người gốc Tây Ban Nha, các pho tượng linh thiêng là đa sắc màu – được sơn phủ nhiều màu.
Thông thường, các mẫu vật từ cùng một nhà điêu khắc cũng rất khác nhau, do có nhiều nghệ nhân khác nhau tham gia. Những nhà bảo trợ thông thường khi nhận được pho tượng hầu như là không có sơn màu. Điều đó là tùy thuộc vào việc họ sắp xếp cho một họa sĩ để tô điểm cho các bức tượng và làm cho chúng trở nên sống động nhất có thể. Đối với sự hấp dẫn tự nhiên, các nghệ sĩ thường thêm vào đôi mắt bằng thủy tinh, răng ngà, và lông mi thật cho những bức tượng. Trong một số trường hợp, các tác phẩm còn được cho mặc trang phục.
Một pho tượng nhỏ thuộc sở hữu tư nhân, có từ cuối thế kỷ 18, sùng kính riêng về “Virgin of the Rosary – Đức Mẹ Mân Côi” từ đất nước Guatemala được trưng bày tại buổi triển lãm. Họa sĩ của bức tượng tôn giáo này là ông Felipe de Estrada, đã ký tên lên tác phẩm, điều mà hiếm có nghệ sĩ nào thực hiện. Ông đã trang điểm cho áo choàng của Đức Mẹ bằng chất liệu sợi rất tốt, những tác phẩm nghệ thuật như vậy được gọi là “estofados”.
Những nghệ sĩ gốc Tây Ban Nha đã phỏng theo một số kỹ thuật trang trí của Tây Ban Nha, và các tác phẩm điêu khắc có mang một nét tinh tế riêng biệt của địa phương. Ví dụ, ở đất nước Tây Ban Nha vàng thường được sử dụng để làm lớp nền trong các tác phẩm điêu khắc để sơn phủ lên. Các họa sĩ sau đó sẽ làm xước bề mặt sơn của một số phần theo thiết kế để làm lộ lớp vàng ở bên dưới. Một số vàng vẫn được ẩn bên dưới lớp sơn, điều này sẽ làm tăng thêm sắc tố cho lớp sơn. Các nghệ sĩ ở thủ đô Quito, đất nước Ecuador, sử dụng vàng và bạc để làm lớp nền cho các bức tượng của họ. Kỹ thuật này đã tồn tại ở Tây Ban Nha, nhưng người Ecuador sử dụng chúng với hiệu quả ấn tượng hơn, thường xuyên kết hợp với vàng.
Những bức tranh và tác phẩm điêu khắc của người Mỹ gốc Tây Ban Nha hoạt động như các công cụ của đức tin: để truyền cảm hứng cho sự tôn kính. Những người có tín ngưỡng đã phát triển mối kết nối tâm linh với những bức tranh hay pho tượng cao quý này. Các nghệ sĩ vẽ lại để phù hợp với những nhận thức phổ biến của công chúng là một việc bình thường trong điêu khắc và hội họa. Những nghệ sĩ gốc Tây Ban Nha truyền vào các tác phẩm của họ những cảm xúc, cử chỉ và sức sống mãnh liệt – tất cả đều được thiết kế một cách minh bạch để truyền dạy về Kinh Thánh và cảm hứng để suy ngẫm cũng như sùng kính đối với Đức Chúa Trời.
Buổi triển lãm Kho lưu trữ của thế giới: Nghệ thuật và Khả năng sáng tạo ở địa khu Châu Mỹ Tây Ban Nha, từ năm 1500 đến 1800” tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Hạt Los Angeles được quản lý bởi người đứng đầu bộ phận nghệ thuật Mỹ La Tinh của viện bảo tàng. Buổi triển lãm mở cửa cho đến ngày 30/10. Để tìm hiểu thêm thông tin, vui lòng tham khảo trang LACMA.org
Lorraine Ferrier, nữ tác giả chuyên viết về mảng mỹ thuật và thủ công cho The Epoch Times. Bài viết của cô chủ yếu xoay quanh các nghệ sĩ và nghệ nhân đến từ vùng Bắc Mỹ và Âu Châu, những nghệ sĩ với phong cách chế tác thấm đẫm vẻ đẹp và giá trị truyền thống. Cô đặc biệt quan tâm đến những ngành nghệ thuật và thủ công hiếm gặp và ít được biết đến. Cô hy vọng rằng chúng ta có thể bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống. Cô sinh sống và sáng tác tại vùng ngoại ô thành phố London, Anh quốc.
Chú thích của dịch giả:
Dòng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, còn được gọi là Dòng Nữ tu, là một dòng tu kín của các nữ tu mang tính chiêm niệm.
Dòng Thánh Jerome hay Hieronyntic là một dòng tu theo đạo Công giáo và là tên gọi chung cho một số hội đoàn gồm các tu sĩ ẩn tu sống theo Quy tắc của Thánh Augustine.
Tondo là một thuật ngữ thời Phục hưng để chỉ một tác phẩm nghệ thuật hình tròn, một bức tranh hoặc một tác phẩm điêu khắc.
Đức Mẹ Guadalupe còn được biết với tên gọi Đức Trinh Nữ Guadalupe là một tước hiệu mà Giáo hội Công giáo Rôma dành cho Đức Trinh Nữ Maria.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times