Lòng biết ơn: Chìa khóa cho cuộc sống viên mãn
Bạn có thể giảm bớt nỗi đau tức thì bằng cách thực hành lòng biết ơn có chủ đích
Việc không ngừng theo đuổi hạnh phúc khiến chúng ta ngày càng mong muốn và khao khát hơn là cảm thấy hài lòng. Vậy, làm thế nào mới có thể trở nên mãn nguyện thực sự khi con mắt của chúng ta cứ luôn hướng về phía trước?
“Cỏ luôn xanh hơn phía bên kia đồi,” chúng ta thường nhận được câu nói này khi cảm thấy bất bình với một hoàn cảnh hoặc một giai đoạn của cuộc sống.
Chúng ta cố gắng theo đuổi những cơ hội lớn hơn hoặc những điều tốt đẹp hơn vì tin rằng ai đó khác đang có cuộc sống tốt hơn hoặc những ngày tốt đẹp hơn đang ở phía trước. Nếu hoàn cảnh của chúng ta khác nhau, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn. Vì vậy, chúng ta tiếp tục đi theo con đường mòn này và đánh mất đi một trong những món quà giá trị nhất mà cuộc sống đã ban tặng — lòng biết ơn.
Nhà thuyết giáo Charles Spurgeon đã tóm tắt tâm lý con người một cách rõ ràng trong câu trích dẫn này: “Bạn nói, ‘Nếu tôi có thêm nhiều hơn một chút nữa, tôi sẽ rất hài lòng.’ Đó là một sai lầm. Nếu bạn không bằng lòng với những gì hiện có, bạn sẽ không hài lòng nếu nó được nhân đôi.”
Suy nghĩ này thể hiện cho hành vi của nhiều người trưởng thành trong xã hội chúng ta. Chúng ta khao khát có những căn nhà lớn hơn, những chiếc xe hơi mới, và những thứ đẹp đẽ hơn. Hào quang của những gì đang có nhanh chóng biến mất khi chúng ta tìm kiếm một bước tiến mới. Hiếm khi chúng ta thực sự cho phép bản thân tận hưởng những gì đã có.
Việc không ngừng theo đuổi hạnh phúc khiến chúng ta mong muốn và ngày càng khao khát hơn là cảm thấy hài lòng. Vậy, làm thế nào mới có thể trở nên mãn nguyện thực sự khi con mắt của chúng ta cứ luôn hướng về phía trước?
Khi mở rộng cánh cửa trái tim để sống với lòng biết ơn nhiều hơn (ngay cả trong những ngày tháng khó khăn), chúng ta bắt đầu thấy rằng việc có nhiều “thứ” hơn sẽ không làm chúng ta mãn nguyện lâu dài. Dưới đây là 5 cách mà lòng biết ơn mang đến cho chúng ta cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc, và ý nghĩa hơn.
Lòng biết ơn giúp chúng ta trở nên lạc quan hơn
[Bạn nhìn thấy] ly nước của mình đầy một nửa hay vơi một nửa? Nghiên cứu phát hiện ra rằng sức khỏe tinh thần và tổng thể sẽ cải thiện khi chúng ta lạc quan và có những suy nghĩ tích cực về tương lai. Việc bắt đầu một ngày mới với lòng biết ơn và thừa nhận những gì chúng ta thấy biết ơn giúp chúng ta tập trung vào hiện tại thay vì hướng cái nhìn tiêu cực đến những gì cần phải tốt hơn hoặc khác đi. Nói cách khác, lòng biết ơn giúp nuôi dưỡng sự lạc quan.
Lòng biết ơn giữ cho kỳ vọng trở nên thực tế
Cảm giác biết ơn với những gì đang có dạy cho chúng ta [biết] duy trì các kỳ vọng phù hợp với thực tế. Chúng ta hiểu được bản thân cần điều gì và mong muốn điều gì. Vì vậy, chúng ta có thể chi tiêu trong khả năng của mình và ngăn việc mua sắm tùy hứng. Và chúng ta bắt đầu nhận ra rằng việc có càng nhiều “thứ” sẽ không khiến chúng ta hạnh phúc hơn, cũng như sẽ không làm tăng cảm giác hưởng thụ về vật chất.
Lòng biết ơn giúp chúng ta sống chậm lại
Khi liên tục tìm kiếm dopamine [hormone mang lại cảm giác hạnh phúc] từ việc đi đến trung tâm mua sắm hay nâng cấp nhà bếp, chúng ta chắc chắn sẽ làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho mình. Thêm nhiều thứ nghĩa là cần thêm tiền bạc và có ít thời gian [nghỉ ngơi] hơn. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra nếu bạn theo đuổi những trải nghiệm mới thay vì những món đồ. Hoặc nếu chúng ta đo lường giá trị của bản thân bằng những gì chúng ta đạt được thay vì các giá trị cơ bản của con người, chúng ta cũng có thể tự khiến bản thân trở nên tồi tệ. Khi bắt đầu với lòng biết ơn, chúng ta có thể tiếp cận với cuộc sống theo cách chậm rãi hơn, và tận hưởng những khoảnh khắc tạo nên cuộc sống này. Bằng cách nuôi dưỡng lòng biết ơn, chúng ta nhận được ít hơn nhưng những cố gắng sẽ trở nên ý nghĩa hơn.
Lòng biết ơn tạo nên các mối quan hệ tốt đẹp hơn
Việc để tâm vào các khía cạnh tích cực của những người gần gũi nhất với chúng ta sẽ giúp các mối quan hệ [trở nên] sâu sắc hơn, thân thiết hơn. Đây là một trong những dấu hiệu quan trọng của một cuộc sống khỏe mạnh. Thay vì phàn nàn về những gì chúng ta muốn thay đổi ở một người, lòng biết ơn giúp chúng ta tập trung vào những phẩm chất tốt đẹp và ngừng theo đuổi những quan điểm tiêu cực về người đó.
Hãy thử nghĩ về những người thân thiết nhất với bạn và cân nhắc việc tạo một danh sách về các phẩm chất mà bạn ngưỡng mộ nhất ở họ. Điều này sẽ mang đến những cảm xúc tích cực và một cái nhìn lành mạnh hơn về các mối quan hệ.
3 cách đơn giản để thực hành lòng biết ơn mỗi ngày
Thực hành lòng biết ơn có thể không phải là khuynh hướng tự nhiên của chúng ta, nhưng với sự nỗ lực và tận tâm, bạn có thể học cách tránh khỏi vòng xoáy của sự bất bình khi luôn cố gắng để được nhiều hơn. Dưới đây là một số cách đơn giản để thực hành lòng biết ơn mỗi ngày.
1. Nói lời cảm ơn
Bất kể bạn có theo tôn giáo nào hay không, việc thừa nhận những gì chúng ta cảm thấy biết ơn sẽ giúp chúng ta tập trung suy nghĩ vào những khía cạnh tích cực thay vì tiêu cực trong cuộc sống.
Mỗi buổi sáng trước khi rời khỏi giường, tôi thường nói lời cầu nguyện ngắn gọn về sự biết ơn — đối với chiếc giường ấm áp đã cho tôi một đêm ngon giấc, với ly cà phê nóng đang chờ tôi, với ánh nắng đẹp đẽ chiếu lên cửa sổ, và với cơ hội để chăm sóc cho các con vào một ngày nào đó. Thói quen này khuyến khích tôi bắt đầu một ngày bằng việc tập trung vào những điều tích cực, thay vì chăm chăm vào những gì có thể tốt hơn.
2. Viết nhật ký về lòng biết ơn
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thực hành lòng biết ơn giúp chúng ta ngủ ngon hơn, giảm căng thẳng, và cải thiện các mối quan hệ. Đồng thời, viết nhật ký về lòng biết ơn làm giảm [sự theo đuổi] chủ nghĩa vật chất ở những người trẻ tuổi và cũng khuyến khích họ trở nên rộng lượng hơn.
Viết nhật ký về lòng biết ơn đã trở thành điều quan trọng trong thói quen thường hằng vào buổi sáng của tôi. [Mỗi ngày] tôi liệt kê ngắn gọn về năm điều khiến tôi cảm thấy biết ơn vào ngày hôm đó. Viết ra những điều này cũng là cách hữu hiệu giúp làm vơi đi cảm xúc bất bình trong những ngày khó khăn, vì tôi có thể nhìn lại và nhớ về những gì tôi thấy biết ơn trong quá khứ.
3. Thực hành hình dung tiêu cực
Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ thời xưa đã rèn luyện phương pháp tư duy gọi là hình dung tiêu cực, họ dành một thời gian ngắn để tưởng tượng sẽ thế nào nếu những điều tích cực trong cuộc sống có thể bị lấy đi. Mặc dù nghe có vẻ khác thường đối với một số người, nhưng điều này giúp duy trì một thái độ tập trung vào những gì chúng ta thực sự biết ơn mà không coi đó là hiển nhiên.
Ví dụ, khi chán nản với việc phải liên tục chuẩn bị những món ăn nhẹ và bữa ăn cho gia đình, tôi sẽ thực hành phương pháp này bằng cách tưởng tượng tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu tôi không có đủ đồ ăn hoặc đủ tiền để nuôi gia đình. Đáng buồn thay, đây thực sự là một vấn đề đối với nhiều người trưởng thành và trẻ em trên thế giới, vì vậy biết ơn cơ hội được nấu ăn cho gia đình nhắc nhở tôi nên [nuôi dưỡng] lòng biết ơn thay vì nản lòng.
Thực hành phương pháp hình dung tiêu cực giúp chúng ta đánh giá cao những gì đang có, hiểu được các kết cục nếu chúng ta mất đi những phước lành, và tiếp tục sống với tinh thần biết ơn bằng cách nhìn nhận những gì chúng ta đã có thường là quá đủ.
Mặc dù dòng chảy xã hội sẽ khiến chúng ta theo đuổi nhiều hơn để cảm thấy thành công hoặc hạnh phúc, nhưng chúng ta có thể lộn ngược dòng bằng cách thực hành lòng biết ơn. Chúng ta sẽ không bao giờ thấy hoàn toàn hài lòng với lối suy nghĩ mong muốn những gì bản thân chưa có, vì vậy hãy phá vỡ vòng xoáy của sự bất bình và sống một cuộc sống tràn đầy cảm giác yên bình hơn bằng cách biết ơn với những gì đã có.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times