5 phút thực hành lòng biết ơn đã thay đổi cuộc đời tôi
Suy ngẫm về những gì tôi cần biết ơn bằng một tấm lòng chân thành vì đã đưa ngày của tôi đi đúng quỹ đạo.
Tôi thường có động lực để học những bài học cơ bản về cuộc sống thông qua những suy nghĩ và hành động của con trẻ. Suy nghĩ ngây thơ của bọn trẻ khiến tôi có thể suy ngẫm sâu thêm về ý nghĩa, rồi cùng trò chuyện với chúng về ý nghĩa này và chiêm nghiệm ra những điều sâu sắc hơn cho tương lai.
Gần đây, tôi đã suy ngẫm về giá trị của lòng biết ơn khi tôi quan sát hành động của cô con gái nhỏ 6 tuổi của mình. Lòng biết ơn được phổ biến như là một chiếc chìa khóa hạnh phúc. Một lần, sau nhiều tháng chơi vui vẻ với con búp bê mà cô bé được tặng vào dịp Giáng sinh lần trước, cô bé nói, “Con nghĩ là con cần một con búp bê mới, con đã chơi chán con búp bê này rồi. Có lẽ chúng ta nên cất búp bê lên gác mái.”
Lời nói thật thà của con trẻ đã khiến tôi không khỏi kinh ngạc.
Thật sự là vậy, khi mất đi tính mới mẻ [ban đầu] của một số thứ khiến ta thú vị, chúng ta bắt đầu khao khát [kiếm tìm] điều gì đó mới lạ hơn. Lòng biết ơn trước đây khi được sở hữu món đồ đó bắt đầu giảm đi cũng là lúc trái tim và bàn tay của chúng ta muốn chạm vào những điều mới mẻ khác, đẹp hơn, nhanh hơn hoặc tốt hơn.
Tính vô ơn chính là lý do hàng đầu khiến chúng ta luôn luôn khao khát nhiều hơn, thậm chí khi chúng ta đã có đủ. Tôi tin rằng sự khao khát luôn gia tăng ấy góp một phần trọng yếu trong lý do tại sao nhiều người bị chìm ngập trong mớ bòng bong, nợ nần, căng thẳng và lo âu.
Là một bậc cha mẹ, tôi cảm thấy cần phải giải thích cho con trẻ của mình ý nghĩa của việc sống một cuộc sống với lòng biết ơn và tại sao điều đó quan trọng đến vậy. Tôi cũng tin tưởng rằng điều quan trọng là tôi nên là tấm gương về lòng biết ơn thông qua những suy nghĩ và hành động của chính mình.
Cách đơn giản nhất để sống với tấm lòng biết ơn và ít âu lo tôi tìm thấy là thông qua một bài tập mà tôi thực thành vào mỗi buổi sáng: hồi tưởng lại những điều mình cảm thấy biết ơn nhất.
Tôi đã thấy được rất nhiều lợi ích từ một thói quen giản dị và chỉ tốn có 5 phút thực hiện này – đó là suy ngẫm và viết nhật ký tri ân của mình. Tất nhiên, mục tiêu là thực hành việc này để tạo ra một quỹ đạo cho cả ngày còn lại chứ không chỉ đơn thuần là thêm một mục trong danh sách làm việc, nhưng bạn phải bắt đầu từ nơi nào đó.
Tôi mong muốn là những đứa trẻ của tôi sẽ quan sát được tinh thần biết ơn toát ra từ tấm lòng của mẹ chúng và cũng theo đuổi hạnh phúc thông qua tấm lòng tri ân mà chúng nên có thay vì chịu khuất phục trước sự lôi kéo liên tục của xã hội tiêu dùng luôn khiến chúng phải khao khát nhiều hơn.
Tôi nhận ra những thay đổi trong mình từ thói quen biết ơn
Sau khi thực hành thói quen biết ơn này một thời gian, tôi có thể bắt đầu nhìn thấy những tác động đáng kể đối với bản thân mình.
Mỗi ngày bắt đầu với một thế giới quan tích cực.
Suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi thường là dấu hiệu cho biết phần còn lại của buổi sáng của tôi sẽ diễn ra như thế nào. Khi tôi có thể ngồi và suy ngẫm điều tôi biết ơn nhất trong sự yên bình của buổi sáng sớm, điều đó khuyến khích tôi có được một tâm trí tích cực và khỏe mạnh, tập trung vào những phước lành hơn là những gánh nặng.
Là động lực để buông bỏ
Khi tôi nhìn lại các mục trước đây trong nhật ký tri ân của mình, rất hiếm khi tôi thấy mình liệt kê một món đồ thực thụ nào đó. Điều khiến tôi biết ơn nhất là các mối quan hệ, các cảm xúc và kỷ niệm – chứ không phải là những đồ vật. Việc nhận ra rằng niềm hạnh phúc to lớn nhất không đến từ vật chất đã giúp tôi cân nhắc xem liệu tôi cần bao nhiêu tài sản trong đời và khuyến khích tôi sống tối giản hơn.
Tôi có thể tập trung vào những điểm mạnh của người khác hơn là bắt lỗi.
Trong các mối quan hệ, ngay cả với những người thân thiết nhất của bạn, bạn sẽ luôn luôn đặt sự kì vọng vào họ. Mọi người sẽ làm bạn thất vọng theo một vài cách ở vài thời điểm nào đó. Khi tôi tập trung hơn vào những điểm mạnh và món quà mà người khác dành tặng thay vì lỗi của họ, tôi trở nên kiên nhẫn hơn, nhiều bao dung hơn và có thể nhìn ra được lợi ích từ mối quan hệ ấy.
Tôi không xem mọi thứ là chuyện hiển nhiên
Thông thường, phải đến khi một thứ gì đó không còn nữa, chúng ta mới nhận ra chúng thật sự ý nghĩa như thế nào. Tôi muốn luyện tập lòng biết ơn trong mọi hoàn cảnh, bất kể chúng nhỏ bé hay to lớn, và trân trọng bất kỳ điều gì vẫn hiện diện trong cuộc sống của mình mà cuộc đời đã ban tặng cho tôi. Bằng cách đó tôi không sống với những hối tiếc khi sự việc nào đó trôi qua.
Tâm thái tôi mang nhiều hứng khởi hơn
Thật khó để trở nên gắt gỏng hay ích kỷ sau khi đã suy ngẫm về điều mà mình biết ơn nhất mỗi ngày. Thậm chí những khoảnh khắc ngắn ngủi hồi tưởng lại cảnh vui nhộn ngày hôm qua của cậu con trai mới biết đi của mình cũng khiến tôi bất giác mỉm cười.
Đó là động lực để khởi đầu một buổi sáng thường nhật.
Buổi sáng tĩnh lặng là một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của tôi. Tôi thích thức dậy sớm khi những thành viên còn lại trong gia đình vẫn đang ngon giấc, thưởng thức một tách cà phê nóng, và dành thời gian chuẩn bị cho ngày mới. Luyện tập lòng biết ơn luôn là điều đầu tiên tôi thực hiện, và đó là cũng điều tôi mong đợi vào mỗi buổi sáng.
Khi nhìn lại các mục trong nhật ký tri ân, tôi không thấy nhiều mục nêu bật thành tích hay thành công cá nhân của mình. Thay vào đó, tôi thấy rõ ràng cảm giác được khích lệ khi tôi giúp đỡ một người bạn, khi lời thỉnh cầu được đáp lại, hoặc khi có một cuộc trò chuyện vui vẻ với người thân yêu. Lòng biết ơn cho phép chúng ta bao dung hơn với người khác, và khi thực hiện điều này, chúng ta ít nghĩ cho bản thân hơn và dành sự quan tâm sâu sắc hơn đến những người khác.
Thực hành lòng biết ơn đã là một trong những cách lớn nhất mà tôi đã tìm kiếm để cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của mình, cũng như đón nhận điều đơn giản và phước lành mà cuộc sống này ban tặng. Nếu bạn chưa từng rèn luyện lòng biết ơn (bằng cách viết nhật ký hoặc suy ngẫm), thì tôi sẽ rất ủng hộ khi bạn biến nó thành một phần trong thói quen hằng ngày của bạn.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times