Sự sụp đổ của FTX mang lại bài học cho các nhà đầu tư
Ngành công nghiệp mã kim đang bùng nổ với tốc độ gây kinh ngạc.
FTX, mà cách đây vài tuần được xem là “tổ chức cho vay cuối cùng” và là một công ty vững chắc trong ngành mã kim, đã nộp đơn đề nghị phá sản. Người sáng lập kiêm (cựu) CEO đầy sức hút của FTX, anh Sam Bankman-Fried, đã mất khối tài sản trị giá 16 tỷ USD chỉ trong vài ngày. Anh Bankman-Fried, người cách đây vài tháng được so sánh với ông John Piermont Morgan và ông Warren Buffett, hóa ra lại là một nhà điều hành thiếu kinh nghiệm trong trường hợp tốt nhất, và là một kẻ lừa đảo trong trường hợp tệ nhất.
Chúng ta sẽ không nhắc lại những sự kiện dẫn đến sự phá sản và sụp đổ của FTX. Đủ để nói rằng, tốc độ sụp đổ của sàn giao dịch này đã khiến các công ty đầu ngành, các cơ quan quản lý, và các nhà đầu tư bất ngờ. Các khách hàng của FTX đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Các khách hàng của các nền tảng mã kim khác mà trước đây FTX đã cứu trợ — chẳng hạn như Voyager — cũng đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Có một số bài học quan trọng cho các nhà đầu tư ở đây, bất kể người đó có sở hữu bất kỳ loại mã kim nào hay không.
Chúng ta phải đổ lỗi gián tiếp cho Cục Dự trữ Liên bang và chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ trong thập niên gần đây nhất. Chính sách lãi suất thấp giả tạo ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã tạo ra tình trạng dư thừa thanh khoản — nói cách khác, mọi người có quá nhiều tiền. Điều này đã tạo ra các bong bóng tài sản rất lớn, làm tăng giá tất cả các loại tài sản. Khi mọi thứ đang tăng lên, và tăng lên nhanh chóng, thì có rất ít quy trình thẩm tra được thực hiện. Thực tế này dẫn đến việc chấp nhận rủi ro nhiều hơn, vì không có động cơ nào để xây dựng quản trị và kiểm soát thích hợp khi mà tài sản đang tăng giá và không một ai chất vấn.
Bài học đầu tiên là việc có những nhà đầu tư đầy uy tín hậu thuẫn không bảo đảm cho sự thành công. FTX và công ty thương mại Alameda Research của anh Bankman-Fried chắc chắn có một danh sách những nhà đầu tư mạo hiểm hạng A hậu thuẫn trên bảng vốn hóa của công ty. Sequoia Capital, Tiger Global Management, Iconiq Capital, SoftBank, Lightspeed Venture Partners, người nổi tiếng đồng thời là nhà đầu tư “Shark Tank” Kevin O’Leary, và quỹ đầu tư quốc gia Singapore Temasek Holdings chỉ là một vài trong số các nhà đầu tư mạo hiểm có uy tín đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào công ty của anh Bankman-Fried.
Trong khi các nhà đầu tư mạo hiểm đã tài trợ cho nhiều câu chuyện thành công, thì với mỗi công ty thành công như Google thì có hàng trăm công ty thất bại. Tất nhiên, FTX là một công ty rất lớn, được định giá hơn 30 tỷ USD vào lúc đỉnh điểm cao nhất của công ty. Nhưng FTX sẽ không phải là công ty thất bại cuối cùng. Webvan, Jawbone, Houseparty, và Beequick chỉ là một vài công ty khởi nghiệp thất bại được Sequoia tài trợ. Katerra và WeWork đã từng là những công ty khởi nghiệp được SoftBank hậu thuẫn rất thành công.
Những nỗ lực tiếp thị và hợp tác của FTX đã khiến sàn giao dịch này trở thành một cái tên quen thuộc. Nhưng một ngân sách tiếp thị rất lớn cũng không tương quan với sự thành công. Các đại sứ của FTX bao gồm hậu vệ Tom Brady của NFL, ngôi sao NBA Stephen Curry, và ngôi sao quần vợt Naomi Osaka. FTX tài trợ cho giải bóng chày Major League và đội đua công thức 1 Mercedes-AMG Petronas. Công ty này cũng là nhà tài trợ độc quyền của FTX Arena, sân nhà của đội bóng rổ Miami Heat thuộc NBA.
Sự phổ biến của công ty có thể ru ngủ khiến các khách hàng và khách hàng tiềm năng rơi vào một cảm giác an toàn giả tạo. Nhưng trong đầu tư, không có “sự an toàn dựa trên số lượng.” Điều đó chỉ có nghĩa là có thêm nhiều nạn nhân hơn.
Nói về con số, các nhà đầu tư nên hạn chế đầu cơ xuống dưới mức 10% tài sản mà một người có thể dùng để đầu tư. Có các tin tức cho biết một số nhà đầu tư đã bỏ tiền “tiết kiệm cả đời” của họ vào các nền tảng mã kim và fintech như FTX, Celsius, và Voyager. Không có lý do gì để làm như vậy. Ngay cả khi một khoản đầu tư không thành công — và nhiều khoản thất bại — thì việc giữ tài sản đầu cơ ở mức nhỏ là quản lý rủi ro tốt.
Một bài học khác là các nhà đầu tư chỉ nên đầu tư vào những gì họ có thể hiểu được. Nếu họ không thể lý giải được công dụng của một sản phẩm hoặc cách thức hoạt động của một công ty, thì hãy hết sức cẩn thận trước khi đầu tư. Có rất nhiều token mã kim nghe có vẻ thú vị, và được những người nổi tiếng hoặc người có ảnh hưởng trên mạng xã hội quảng bá, nhưng lại có các mô hình kinh doanh hoặc tiện ích rất mông lung. Hãy cảnh giác.
Điều này dẫn chúng ta đến việc quy định. Kiểm soát quá mức cản trở sự đổi mới và đầu tư, nhưng mức quy định tối thiểu là cần thiết đối với bất kỳ ngành nào. Không phải ai cũng có thể giải thích và hiểu đầy đủ về sự phức tạp của một khoản đầu tư hoặc một công ty, và đó là nơi các cơ quan quản lý có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các ranh giới và khung khổ hợp lý cho các doanh nghiệp hoạt động. Các nhà đầu tư cá nhân không phải lúc nào cũng thực hiện được mức độ thẩm tra để tìm ra các hoạt động kinh doanh phi đạo đức hoặc phát hiện các xung đột lợi ích giữa các công ty. Đó là một vai trò mà các cơ quan quản lý nên thực hiện.
Nhà sáng lập kiêm CEO Coinbase, ông Brian Armstrong, đã tóm lược một cách súc tích trong một bài bình luận trên CNBC: “Các thị trường mã kim cần có quy định để tránh cho những vụ thất bại hoàn toàn như FTX xảy ra nhiều hơn.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times