Sự sám hối chỉ có tác dụng khi chúng ta còn sống
Nếu nói rằng “cảm động lòng người” là mục tiêu quan trọng trong hoạt động văn hóa của nhân loại, thì “chính nhân tâm” là thiên mệnh trong hoạt động văn hóa của nhân loại, văn chương cũng như vậy, do đó mà người xưa mới nói rằng “văn dĩ tải Đạo”. (Tạm dịch nghĩa: dùng văn chương để truyền tải Đạo).
Nền văn minh Hoa Hạ 5,000 năm dạy con người đạo kính Trời tín Thần và thiện ác hữu báo, dụng ý sâu sắc đằng sau nó chính là không để con người vì trầm luân trong sự thỏa mãn của dục vọng và lợi ích cá nhân mà làm bại hoại lương tri và đạo đức mà con người nên có, để đến sau cùng phải chịu sự trừng phạt của Thượng Thiên.
Trước tiên nói về câu chuyện một thư sinh muốn gặp được quỷ.
Có một thư sinh nọ rất gan dạ, anh ta luôn muốn gặp quỷ xem thế nào nhưng không gặp được.
Trong một đêm trời quang mây tạnh, vầng trăng sáng tỏ trên bầu trời. Chàng thư sinh sai người hầu mang một vò rượu đến bên ngôi mộ, anh ta nhìn tứ phía rồi lớn tiếng nói rằng: “Một mình uống rượu trong đêm thanh vắng như thế này thật khiến người ta cảm thấy cô đơn quá, các bằng hữu dưới Cửu Tuyền, có ai muốn đến uống cùng ta chăng?”
Một lúc sau, những ngọn lửa ma trơi lập lòe ẩn hiện trong bãi cỏ, một âm thanh rên rỉ than vãn phảng phất phát ra từ một nơi cách đó một trượng, bọn họ đứng ở đằng xa chứ không chịu đến gần.
Chàng thư sinh đếm nhẩm, có khoảng chừng hơn chục bóng người, anh ta dùng một bát lớn đổ đầy rượu rồi hất về phía bọn họ, đám quỷ cúi xuống ngửi mùi rượu trên mặt đất. Một con quỷ khen rượu ngon rồi thỉnh cầu chàng thư sinh thưởng thêm cho chúng một ít nữa.
Chàng thư sinh vừa uống rượu vừa hỏi: “Các vị vì cớ làm sao mà không chịu đi luân hồi chuyển kiếp?”
Quỷ nói: “Người mà thiện căn chưa mất thì có thể chuyển sinh, kẻ tội ác tày trời thì phải đọa xuống địa ngục. Trong 13 người chúng tôi đây, có 4 người vì tội ác chưa đến nỗi chất chồng nên vẫn đang đợi luân hồi, 9 người còn lại vì sa vào báo ứng của nghiệp quả nên không được luân hồi”.
Chàng thư sinh hỏi: “Vậy tại sao không sám hối để cầu được giải thoát?”
Quỷ đáp: “Sám hối bắt buộc phải trước khi chết, còn chết rồi thì không còn nơi nào để cố gắng nữa”
Sau khi hất cạn rượu, chàng thư sinh bèn nhấc vò rượu lên cho đám quỷ nhìn thấy, chúng quỷ sợ hãi rời đi. Một con quỷ trong đám quay đầu lại dặn dò chàng thư sinh rằng: “Đám ngạ quỷ chúng tôi được uống rượu của ngài, thật không biết lấy gì báo đáp, kính tặng ngài một câu: “Sám hối bắt buộc phải ngay trong lúc còn sống” .
Lại kể về một câu chuyện kịp thời sám hối.
Có một cậu thiếu niên bất lương kia đột nhiên mắc cảm mạo nặng, trong lúc hôn mê thì hồn lìa khỏi xác, trong lúc chán nản thất vọng không biết đi đâu thì trông thấy trên đường có người bèn đi theo họ, một lúc sau thì đến Diêm La điện, gặp được một vị quan lại mà cậu ta từng quen biết trước đây.
Vị quan lại kiểm tra sổ sinh tử của cậu ta, rồi chau mày nói rằng: “Ngươi thường xuyên ngỗ ngược với phụ mẫu, theo luật phải thả vào chảo dầu, nhưng thọ mệnh của ngươi chưa đến, ngươi có thể trở về, đợi mãn kiếp rồi đến thọ báo”, cậu thiếu niên bất lương nghe thế thì cảm thấy rất sợ hãi, cậu ta bèn dập đầu xin được tha thứ, vị quan lại xua tay rồi nói: “Tội này rất nặng, ta không có cách nào giúp ngươi. Ngay cả Đức Phật Thích Ca cũng không thể làm gì được”.
Cậu thiếu niên bất lương quỳ khóc cầu xin cách thoát thân, vị quan lại trầm ngâm một hồi rồi nói: “Cậu đã nghe qua câu chuyện này chưa? Có một vị thiền sư đăng tọa rồi hỏi các đệ tử của mình rằng: Ai có thể cởi chuông đeo trên cổ con hổ? ”. Mọi người đều không trả lời được, chỉ có một tiểu hòa thượng nói: “Sao không bảo người buộc chuông đi cởi?, đắc tội với phụ mẫu thì phải sám hối với phụ mẫu, có như vậy thì may ra còn có hi vọng được cứu” .
Cậu thiếu niên lại nhớ đến tội nghiệp sâu dày của mình, e rằng nhất thời không thể sám hối hết được. Vị quan lại cười nói: “Còn một câu chuyện khác không biết ngươi đã nghe qua chưa? Có một tên đồ tể họ Vương dành cả nửa cuộc đời để giết vô số lợn, cừu và các loại súc sinh. Về sau, nghĩ đến tội nghiệp sát sinh sâu dày, nợ nghiệp khó trả, bèn buông bỏ đồ đao, nhất tâm tu Đạo, cuối cùng tu thành chính quả!”
Vị quan lại sai một tên quỷ đưa cậu thiếu niên bất lương trở về. Cậu ta giật mình tỉnh giấc, bệnh cũng khỏi hẳn. Sau khi quay về dương gian, cậu thiếu niên từ đó trở đi thay đổi hoàn toàn, hiếu thuận phụ mẫu, về sau cậu sống đến hơn 70 tuổi mới qua đời.
Tác giả của “Duyệt Vi thảo đường bút ký” – Kỷ Hiểu Lam tiên sinh đã nói rằng mặc dù không biết được rằng cậu ta có thoát khỏi tội khổ nơi địa ngục hay không, nhưng từ tuổi tác của cậu ta có thể thấy rằng có lẽ ông Trời đã chấp nhận sự sám hối của cậu.
Thông qua hai câu chuyện có sự liên quan chặt chẽ trên đây, hi vọng độc giả cũng có thể có được sự nhắc nhở.
Trương Nghị Phàm thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa Ngữ