Sự ra đời của chủ nghĩa toàn trị
Các chuyên gia cho rằng những người cô đơn và mất kết nối xã hội có thể hình thành một tập thể phi lý trí.
Giáo sư Mattias Desmet nói: “Nếu chúng ta coi lý trí là cơ sở của mọi thứ thì chúng ta sẽ hình thành một xã hội hoàn toàn phi lý trí.”
Trong một tập gần đây của chương trình “American Thought Leaders,” người dẫn chương trình Jan Jekielek đã phỏng vấn Mattias Desmet, giáo sư tâm lý học lâm sàng và là tác giả của cuốn sách “Tâm lý học của chủ nghĩa toàn trị.” Ông Desmet là chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về hiện tượng được gọi là “chứng loạn thần hàng loạt,” dấu hiệu mở đầu cho sự xuất hiện của chủ nghĩa toàn trị khi hàng loạt người có cảm giác bị cô lập và cảm thấy lo lắng không rõ nguyên nhân.
Jan Jekielek: Như đã chia sẻ, ông đã viết cuốn “Tâm lý học của chủ nghĩa toàn trị” trong bối cảnh xuất hiện chứng cuồng coronavirus, nhưng phải chăng ông đã suy nghĩ về những điều này trước khi COVID xuất hiện khắp nơi.
Mattias Desmet: Năm 2017, tôi bắt đầu thu thập các ý tưởng và suy nghĩ về chủ nghĩa toàn trị. Tôi nhận thấy rằng một loại chủ nghĩa toàn trị mới đang xuất hiện trong xã hội chúng ta – đó không phải là chủ nghĩa phát xít, cũng không phải chế độ toàn trị cộng sản, mà là chủ nghĩa toàn trị kỹ trị khi con người ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào kiểm soát công nghệ để giải quyết những nguyên nhân gây ra sự lo lắng bất an trong xã hội, như khủng bố và biến đổi khí hậu. Số đông dân số và các nhà lãnh đạo tin rằng chỉ có kiểm soát về công nghệ, đồng nghĩa với kiểm soát cuộc sống riêng tư mới có thể giải quyết tất cả các vấn đề đang xuất hiện trong xã hội chúng ta, dù các vấn đề đó là có thật hay không.
Ông Jekielek: Ông có thể chia sẻ thêm về lĩnh vực nghiên cứu này và ông đã bắt đầu nghiên cứu về những điều này như thế nào?
Ông Desmet: Tôi có bằng thạc sĩ về tâm lý học lâm sàng. Sau đó trong quá trình làm việc, tôi bắt đầu quan tâm tới các vấn đề trong nghiên cứu học thuật nên đã học thêm thạc sĩ thống kê. Năm 2005, tôi nhận thấy rõ ràng là hầu hết các nghiên cứu học thuật đều có sai sót. Ví dụ, John Ioannidis, giáo sư về thống kê y tế của trường Đại học Stanford, đã viết bài báo tuyệt vời có tên: “Tại sao hầu hết các kết quả nghiên cứu được công bố đều sai.” Thực trạng nhiều nghiên cứu khoa học có sai sót ngay lập tức thu hút tôi và tôi bắt đầu nghiên cứu về vấn đề này. Tôi cũng quan tâm tới các loại thông tin sai sự thật đang lan truyền trong xã hội.
Thật lạ, nhiều người lại tin vào những câu chuyện và thông tin hoàn toàn phi lý. Họ không có khả năng nhìn nhận một câu chuyện hoặc một tin giả ác ý thì không thể nào là sự thật.
Điều đó khuyến khích tôi nghiên cứu chuyên sâu hơn về chứng loạn thần hàng loạt, hiện tượng mà tôi đã thực hiện khoảng 10 năm nay. Chứng loạn thần hàng loạt lý giải tại sao một số người có thể cuồng tín vào một câu chuyện đến mức họ hoàn toàn không thể chịu được những người có ý kiến bất đồng, và tại sao họ có thể bêu xấu và cố gắng hạ gục những người không tin câu chuyện họ kể, như thể bổn phận đạo đức của họ phải làm như vậy.
Tôi cũng nhận thấy chứng loạn thần hàng loạt này dẫn tới sự nổi lên của các nhà nước toàn trị. Khi cuộc khủng hoảng coronavirus bắt đầu, tôi biết chính xác điều gì đang xảy ra. Theo quan sát của tôi, nhiều người bị ngợp trong các thông tin thống kê căn bản là sai sự thật. Tôi cũng thấy rằng phần lớn dân chúng kỳ thị tất cả những ai không tin vào những câu chuyện mà họ tin và sẵn sàng loại bỏ những người khác ra khỏi cộng đồng nếu họ không tuân theo hệ tư tưởng của số đông.
Mọi điều tôi nghiên cứu trong những năm qua đang diễn ra trong thực tế. Tôi đã chia sẻ công khai, viết một số bài báo, và cuối cùng cho ra đời cuốn sách: “Tâm lý học của chủ nghĩa toàn trị,” nghiên cứu về cách thức hình thành chứng loạn thần hàng loạt này.
Ông Jekielek: Ông nói về cơ chế thế giới dẫn đến chủ nghĩa toàn trị như thế nào. Ông có thể giải thích rõ hơn điều đó cho chúng tôi được không?
Ông Desmet: Mọi người thường nhầm lẫn giữa một nhà nước toàn trị với một chế độ độc tài cổ điển, điều này hoàn toàn khác. Một chế độ độc tài cổ điển dựa trên cơ chế tâm lý đơn giản và nguyên thủy. Trong chế độ này, dân chúng lo sợ nguy cơ bạo lực của một nhóm nhỏ, cái đó gọi là chế độ độc tài.
Một nhà nước toàn trị thì khác. Cơ chế này luôn dựa trên hiện tượng được gọi là chứng loạn thần hàng loạt. Một bộ phận dân số, thường là 20%, 25% hoặc 30% bị thuyết phục một cách cuồng tín về một câu chuyện và ý thức hệ nhất định, như hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc của Đức Quốc xã hoặc hệ tư tưởng duy vật của chủ nghĩa Mác của Liên Xô cũ.
Cuối cùng, bộ phận dân số này – cùng với một số nhà lãnh đạo – nắm quyền kiểm soát nhà nước. Hệ thống nhà nước mới này, bắt đầu từ thế kỷ 20, không chỉ kiểm soát không gian công cộng, cũng như chế độ độc tài cổ điển từng làm, mà còn kiểm soát không gian riêng tư. Những người cuồng tín vào câu chuyện dẫn đến chứng rối loạn tinh thần hàng loạt, sẵn sàng tố giác bất cứ ai với nhà nước, ngay cả thành viên trong gia đình mình.
Ông Jekielek: Trong cuốn sách, ông đưa ra lập luận về chứng loạn thần hàng loạt và sự chia rẽ của từng cá nhân.
Ông Desmet: Chứng loạn thần hàng loạt hình thành khi xuất hiện một số điều kiện cụ thể trong xã hội. Điều kiện quan trọng nhất, và nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng này là nhiều người cảm thấy cô đơn và ngắt kết nối với môi trường tự nhiên và xã hội.
Trong lịch sử, số người cảm thấy bị ngắt kết nối với xã hội chưa bao giờ cao như trước cuộc khủng hoảng COVID-19. 30% dân số thế giới xác nhận họ không có những mối quan hệ ý nghĩa ngoại trừ mối quan hệ thông qua internet. Và một khi mọi người ở trong trạng thái mất kết nối này, họ thường cảm thấy cuộc sống không có mục đích hoặc thiếu ý nghĩa. Như vậy, trước tiên bạn sẽ có trạng thái bị mất kết nối và cô đơn, và sau đó bạn cảm thấy thiếu ý nghĩa cuộc sống.
Hậu quả là, mọi người xuất hiện một trạng thái lo lắng không xác định được nguyên nhân, thất vọng hoặc hiếu chiến. Họ cảm thấy như vậy mà không thực sự biết nguyên nhân tại sao. Cùng lúc với sự xuất hiện những điều kiện đặc thù này, một câu chuyện được tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chỉ ra tác nhân gây ra của sự lo lắng đó và cung cấp chiến lược để giải quyết vấn đề.
Tác nhân này có thể là người Do Thái, các mụ phù thủy, người Hồi giáo hoặc tầng lớp quý tộc – điều đó không quan trọng. Khi có ai đó chỉ ra tác nhân gây ra sự lo lắng và cung cấp một chiến lược để đối phó với hiện trạng này, bạn sẽ thấy một bộ phận dân chúng sẵn sàng hành động theo một cách cực đoan. Từ đó trở đi, mọi người có cảm giác kiểm soát. Họ có một đối tượng để tập trung gây hấn và trút sự thất vọng của họ lên đối tượng này.
Họ cũng bắt đầu cảm thấy được kết nối trở lại. Một loại liên kết xã hội mới xuất hiện.
Nhưng mối liên kết xã hội mới này không được hình thành bởi cá nhân kết nối với cá nhân, mà bởi các cá nhân kết nối với một tập thể. Tất cả năng lượng được chuyển từ liên kết giữa các cá nhân sang tập trung toàn bộ vào liên kết giữa cá nhân và tập thể.
Điều đó giải thích tại sao trong cuộc khủng hoảng corona, nếu hàng xóm gặp tai nạn, mọi người không còn giúp đỡ người đó trừ khi họ có găng tay phẫu thuật hoặc khẩu trang. Nếu cha mẹ của họ đang hấp hối, họ chấp nhận việc không được phép đến thăm. Tất cả đều nhân danh sự đoàn kết.
Đó cũng là lý do tại sao, trong một đất nước toàn trị, mọi người đều sẵn sàng tố giác một người mà họ cho là không trung thành với tập thể. Đó là cơ chế dị thường của chứng loạn thần hàng loạt, và hiện tượng này diễn ra cực kỳ mạnh mẽ.
Hiện tượng này hoàn toàn giống như thuật thôi miên, một kỹ thuật thực sự rất đơn giản. Điều đó có nghĩa là đưa sự chú ý của một người ra khỏi một thực tế lớn hơn và tập trung tất cả năng lượng tâm lý vào một khía cạnh nhỏ của thực tế, cứ như thể phần còn lại của thực tế đó không tồn tại nữa.
Trong thời kỳ đại dịch COVID vừa qua, sự chú ý của toàn bộ dân số tập trung vào một khía cạnh nhỏ của thực tế, đó là coronavirus và các biện pháp chống corona. Nhiều người dường như không còn khả năng quan tâm đến các khía cạnh khác của thực tế, chẳng hạn như [số lượng] trẻ em sẽ chết đói ở các nước đang phát triển do hậu quả của nền kinh tế bị gián đoạn.
Tôi đã nhiều lần cố gắng chỉ ra cho mọi người thấy: “Hãy nhìn xem, chúng ta được công bố về những nạn nhân của coronavirus, nhưng chúng ta còn có những nạn nhân khác nữa. Mọi người không thấy họ sao?” Tất cả những lập luận phản bác này không tác động đến việc ra quyết định của họ.
Đó là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy chứng chứng loạn thần hàng loạt đang diễn ra trên diện rộng. Đột nhiên, xã hội xuất hiện hai nhóm người. Một nhóm tin vào câu chuyện do truyền thông dòng chính đưa ra, và nhóm còn lại cảm thấy điều đó thật vô lý. Ranh giới của hai nhóm này hiện diện ở mô hình của tất cả các nhóm khác. Điều đó diễn ra phổ biến trong chứng loạn thần hàng loạt.
Ông Jekielek: Những nhà lãnh đạo áp đặt các quy định bắt buộc về COVID đối với người dân tiếp tục tăng gấp đôi, bất kể có sai sót về bằng chứng.
Ông Desmet: Tất nhiên, đó là vấn đề. Nếu chúng ta tin rằng mình hoàn toàn lý trí, thì chúng ta sẽ trở nên mù quáng trước tất cả các yếu tố chủ quan khác. Đó là lý do tại sao tôi tin rằng lý trí hoặc nhận thức một cách lý trí không bao giờ là nền tảng của nhân loại. Điều duy nhất có thể thực sự tổ chức xã hội một cách nhân văn là các chuẩn mực đạo đức – nguyên tắc vĩnh cửu của nhân loại. Tất nhiên, chúng ta phải suy nghĩ một cách lý trí, đương nhiên rồi, nhưng chúng ta nên hiểu rằng lý trí tự mình không bao giờ có thể bao hàm đầy đủ sự tồn tại của con người hoặc bản chất của mọi thứ xung quanh ta. Chúng ta không bao giờ có thể hoàn toàn loại trừ những thứ xung quanh ta — thực vật, cây cối, động vật, con người và tất cả tạo hóa — thành các phạm trù trong hiểu biết logic của chúng ta.
Nếu chúng ta khiến cho lý trí thành nền tảng của mọi thứ, cuối cùng chúng ta đi đến một xã hội hoàn toàn phi lý trí. Ngay tại thời điểm này, cuộc khủng hoảng corona đã cho chúng ta thấy điều đó. Mọi người nghĩ rằng họ cư xử một cách lý trí, nhưng khi xem xét kỹ lưỡng hơn, rõ ràng hành vi của họ ở hầu hết các khía cạnh là hoàn toàn phi lý và [mang tính] tự hủy hoại bản thân.
Minh Châu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times