Nhà làm phim tài liệu: ĐCSTQ sử dụng thông tin sai lệch để thúc đẩy lạm dụng nhân quyền
Theo đạo diễn Jason Loftus, đạo diễn phim đạt giải Peabody, Trung Quốc sử dụng thông tin sai lệch để tăng cường đàn áp các nhóm mục tiêu, bao gồm cả nhóm tu luyện tinh thần Pháp Luân Công.
Gần đây ông Loftus đã nói với chương trình “American Thought Leaders” của Epoch TV: “Thông tin sai lệch đã được sử dụng để thúc đẩy các hành vi vi phạm nhân quyền tàn bạo như bỏ tù và tra tấn.”
Ông nói: “Về căn bản, đó là một chiến thuật khủng bố để đàn áp người dân cho đến khi họ không còn dám đứng lên nữa.”
Chiến dịch tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Pháp Luân Công — và nỗ lực dũng cảm nhằm chống lại chiến dịch này của một nhóm học viên — là chủ đề của bộ phim tài liệu mới của ông Loftus, tên là “Trường Xuân” (“Eternal Spring”).
Bộ phim đã giành được Giải thưởng do Khán giả Bình chọn tại HotDocs và giành được nhiều chiến thắng khác tại các liên hoan phim ở Âu Châu.
Bộ phim
Bộ phim tài liệu Canada này sử dụng sự kết hợp giữa hoạt hình và phỏng vấn trực tiếp để tái hiện một sự kiện trong đó chương trình truyền hình của chế độ cộng sản Trung Quốc phát sóng tại thành phố Trường Xuân ở phía đông bắc 20 năm về trước bị một nhóm học viên Pháp Luân Công chặn. Bộ phim lấy tên từ thành phố này, theo nghĩa đen là “mùa xuân vĩnh cửu.”
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần gồm các bài tập tĩnh tại và một bộ các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Môn này đã trở nên phổ biến trong những năm 1990, dẫn đến việc có tới 100 triệu người tu luyện ở Trung Quốc vào cuối thập niên này. Coi đây là một mối đe dọa, vào năm 1999 chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu một chiến dịch toàn quốc nhằm “xóa sổ” môn này.
Kể từ đó, hàng triệu học viên đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và trung tâm giam giữ trên khắp đất nước, tại đó họ phải chịu tra tấn, lao động nô lệ, và thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Trên hết, chính quyền Trung Quốc đã khai triển một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi, phổ biến thông qua các cơ quan truyền thông nhà nước của họ, để truyền bá thông tin sai lệch có liên quan đến môn này và các học viên tu luyện.
Ông Loftus nói: “Thông tin tuyên truyền không cần phải có lý lẽ không thể bác bỏ. Nó chỉ cần làm rối lên đến mức quý vị không thể xác định chính xác chuyện gì đang xảy ra.”
Ông cho biết thêm: “Quý vị có thể … phủ lên ấn tượng về một nhóm rằng nhóm đó có thể không đáng để quý vị thương cảm, có thể không đáng để quý vị mạo hiểm lên tiếng.”
Vị đạo diễn này đã chỉ ra một điểm mấu chốt trong chiến dịch thông tin sai lệch do nhà nước ra lệnh chống lại Pháp Luân Công, theo đó nhà cầm quyền tuyên bố nhóm này phải chịu trách nhiệm về những người tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn vào năm 2001. Các cuộc điều tra sau đó phát hiện ra rằng vụ việc là một sự kiện vu khống nhằm thao túng dư luận chống lại môn tu luyện.
Ông Loftus cho biết: “Đây là một sự kiện quan trọng khiến công chúng chống lại Pháp Luân Công. Dư luận là rất quan trọng trong việc biện minh cho những hành vi lạm dụng và tàn bạo.”
Trước chiến dịch bôi nhọ không kiềm chế của nhà cầm quyền, vào ngày 05/03/2002, một nhóm 18 học viên Pháp Luân Công đã mạo hiểm tính mạng để truy cập vào hệ thống phát sóng của CCTV, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, ở Trường Xuân để phát các chương trình chống lại tuyên truyền và vạch trần cuộc bức hại.
Ông Loftus nói: “Việc bất kỳ nhóm nào can thiệp vào độc quyền kiểm soát truyền thông và truyền hình ở Trung Quốc là điều chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc. Và do đó, điều này đã gây ra một làn sóng chấn động tới các nhà chức trách Trung Quốc.”
Theo vị đạo diễn này, kết quả là lãnh đạo Trung Quốc đương thời Giang Trạch Dân đã đích thân gọi điện cho chính quyền Trường Xuân vào đêm hôm đó, yêu cầu tạo ra hậu quả “không khoan nhượng” đối với những người có liên quan.
Trong vòng vài ngày kể từ khi bị chiếm quyền phát sóng, hơn 5,000 học viên Pháp Luân Công trong thành phố và các khu vực lân cận đã bị chính quyền giam giữ trong một cuộc bắt bớ lớn.
Theo ông Loftus, đối với nhóm thực hiện vụ chiếm quyền phát sóng, hầu hết họ sau đó đều đã bị nhà cầm quyền bắt giữ, tra tấn, và sát hại.
Sự thật là quan trọng
Nghệ sĩ hoạt hình chính của bộ phim tài liệu Quách Cạnh Hùng (Daxiong), một họa sĩ minh họa truyện tranh nổi tiếng với các tác phẩm truyện tranh cho “Liên minh Công lý” (Justice League) và “Chiến tranh giữa các vì sao” (Star Wars), và bản thân là một học viên Pháp Luân Công, đã chạy khỏi quê hương Trường Xuân của mình giữa các cuộc đột kích của cảnh sát theo sau cuộc chiếm tín hiệu truyền hình chưa từng có tiền lệ này.
Cuối cùng ông bị bắt vào năm 2008 vì các tác phẩm của ông đã động chạm đến Đảng Cộng sản Trung Quốc, và sau đó phải lưu vong đến thành phố New York.
Ông Quách nhớ lại khoảng thời gian khi ông làm việc cho một hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc. Sếp của ông bảo ông đóng vai trò là phát ngôn viên của đảng cộng sản, chia sẻ những mối lo ngại của Đảng hơn là phản ánh suy nghĩ của người dân.
Gần đây ông đã nói với chương trình “China Insider” của Epoch TV, “Chúng tôi đã sống trong sự lừa dối của những câu chuyện giả tạo, tẩy não người dân. Tại thời điểm đó, tôi cảm thấy rằng mình đang phản bội lương tâm, phản bội linh hồn mình.”
Ông Quách đóng vai trò là nhân vật chính của bộ phim tài liệu, với bộ phim kể về cuộc hành trình cá nhân của ông để cố gắng tái tạo lại sự kiện chiếm quyền phát sóng và hậu quả của nó.
Nghệ sĩ này nói rằng sự dũng cảm của những người đồng môn Trung Quốc đã truyền cảm hứng để ông lên tiếng.
Ông nói: “Tại thời điểm đó, tất cả các học viên Pháp Luân Công đều làm loại việc này. Họ muốn bảo vệ những người đã bị những lời nói dối đầu độc và lừa dối, mong muốn này vì thế đã cho họ dũng khí bước ra.”
“Họ đã làm một điều phi thường. Và điều đó đã tạo ra một sự ngưỡng mộ, và tôi cảm thấy rằng tôi nên hoàn thành nguyện vọng của họ và … tiếp tục làm công việc này,” ông nói thêm.
Ông Loftus cũng cùng chung ý nghĩ, nói rằng “những người chứng kiến buổi phát sóng này, họ không bao giờ có thể xem các chương trình tuyên truyền của nhà nước như xưa nữa. Và họ có thể ít tham gia hoặc đồng hành với chiến dịch, ngay cả khi họ không có lòng can đảm như thế để lên tiếng công khai chống lại nó.”
“Vì vậy, sự kiện đó có thể có tác động lớn đến tình hình nhân quyền nói chung đối với Pháp Luân Công và với những người khác,” đạo diễn cho biết thêm.
Theo ông Quách, người dân Trung Quốc cần phá vỡ sự im lặng và vạch trần những lời dối trá của ĐCSTQ.
Ông nói: “Nếu người Trung Quốc có lòng dũng cảm này … thì sẽ không có những vụ vi phạm nhân quyền mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay.”
Cô Hannah Ng là một phóng viên đưa tin về Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Ông Jan Jekielek là Biên tập viên Cao cấp của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ.” Sự nghiệp của ông Jan đã trải dài trên các lĩnh vực học thuật, truyền thông và nhân quyền quốc tế. Năm 2009, ông tham gia The Epoch Times toàn thời gian và đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả vị trí Tổng Biên tập Trang web. Ông là nhà sản xuất của bộ phim tài liệu về Holocaust từng đạt giải thưởng “Đi tìm Manny.”
Anh David Zhang là người dẫn chương trình China Insider trên EpochTV. Anh hiện đang làm việc tại New York và thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đưa tin về Trung Quốc. Anh chuyên phỏng vấn chuyên gia và bình luận tin tức về các vấn đề Trung Quốc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến mối bang giao Mỹ-Trung.