Sự lây lan khủng hoảng tài chính từ Trung Quốc: Ý nghĩa đối với thế giới
Tổn thất kinh tế đối với Trung Quốc sẽ là lợi ích cho thế giới.
Trung Quốc suy thoái kinh tế có nghĩa là phần còn lại của thế giới sẽ được hưởng giá dầu thấp hơn, giá hàng tiêu dùng thấp hơn, và chi phí nguyên liệu thô thấp hơn. Khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục sụt giảm và các công ty ngoại quốc cảnh giác với việc mở rộng hoạt động tại Trung Quốc, cả đầu tư trực tiếp ngoại quốc (FDI) và các khoản đầu tư vốn cổ phần đều đang được chuyển hướng sang Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ quốc.
Trung Quốc suy thoái cũng có nghĩa là các quốc gia sẽ chứng kiến thương mại với Trung Quốc sụt giảm. Tuy nhiên, nhiều loại đầu vào, nguyên liệu thô, và linh kiện mà Trung Quốc mua thường là để sản xuất các sản phẩm dành riêng cho xuất cảng sang Hoa Kỳ và các nơi khác. Trong chừng mực nhu cầu ở những quốc gia đó vẫn tiếp tục tồn tại, thì các chuỗi cung ứng mới sẽ phát triển khi hoạt động sản xuất chuyển dịch sang Ấn Độ và các quốc gia khác. Trong lúc các chuỗi cung ứng mới hình thành, sẽ có một chút bất ổn kinh tế, nhưng cuối cùng, tổn thất của Trung Quốc vẫn sẽ là lợi ích cho thế giới.
Khi các lệnh phong tỏa do COVID-19 bắt đầu được áp dụng vào năm 2020, nhiều công ty đã lưỡng lự trong việc chuyển hướng đầu tư hoặc chuyển sản xuất sang các quốc gia khác. Tin rằng suy thoái chỉ là tạm thời, họ đã quyết định chỉ đơn giản là chờ đợi cho suy thoái qua đi. Tuy nhiên, những vấn đề hiện tại của nền kinh tế Trung Quốc không phải là tạm thời mà dường như đang ngày càng trở nên tệ hại hơn.
Theo Quốc vụ viện — cơ quan quản lý hàng đầu của Trung Quốc — trong nửa đầu năm 2023, GDP của quốc gia này đã tăng 5.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong quý 2, tăng trưởng GDP chỉ tăng 0.8% so với quý trước, cho thấy đà tăng trưởng đang yếu dần. Hơn nữa, số liệu so với cùng thời kỳ năm ngoái dùng năm 2022 để so sánh, vốn là khoảng thời gian mà Trung Quốc vẫn đang bị phong tỏa. Cơ sở so sánh đặc biệt thấp của năm 2022 đã làm sai lệch số liệu của năm 2023, khiến kết quả năm 2023 trông đẹp hơn thực tế.
Các nhà quan sát Trung Quốc từ lâu đã dự đoán về sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản ở Hoa lục, và có vẻ như kết cục xác nhận cho dự đoán đó đã cận kề. Tập đoàn Hằng Đại (Evergrande Group) mới đây đã nộp hồ sơ bảo hộ phá sản tại Hoa Kỳ. Với tổng trị giá 31.7 tỷ USD, đây là một trong những cuộc tái cấu trúc nợ lớn nhất thế giới. Câu chuyện mới nhất trong lĩnh vực bất động sản là nhà phát triển bất động sản số 1 Trung Quốc Bích Quế Viên (Country Garden) hiện đang nợ 194 tỷ USD và trên bờ vực vỡ nợ. Do đó, trái phiếu đáo hạn vào năm 2026 của Bích Quế Viên đang giao dịch ở mức 8 cent trên 1 USD. Trong hai năm qua, các công ty tư nhân đại diện cho 40% doanh số bán nhà ở Trung Quốc đã vỡ nợ, và trong tháng Bảy doanh số bán nhà mới của các nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc đã giảm 33% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Một trong những công ty đầu tư tín thác lớn nhất Trung Quốc, Công ty Tín thác Trung Dung (Zhongrong International Trust Co.), quản lý 82 tỷ USD, gần đây đã không trả được nợ cho các nhà đầu tư. Khoảng 10% tài sản của lĩnh vực tín thác là bất động sản, với tổng trị giá 302 tỷ USD, làm dấy lên lo ngại rằng sự sụp đổ trong lĩnh vực bất động sản có thể kéo theo lĩnh vực tín thác. Khi lĩnh vực bất động sản và tài chính dần thu hẹp, thì việc làm và tiền lương cũng giảm theo. Thu nhập thấp hơn, sự bất ổn gia tăng, và tình trạng mất việc làm đang cản trở tiêu dùng.
Nhập cảng vào Trung Quốc có xu hướng giảm đều đặn trong mười tháng qua, với cả chi phí và giá xuất xưởng đều giảm. Mỗi tháng trong năm nay, giá hàng hóa Trung Quốc tại các cảng của Hoa Kỳ đều giảm. Với việc cả lĩnh vực bất động sản và tài chính đều suy giảm, Trung Quốc đang mua ít nguyên liệu thô hơn, góp phần khiến giá toàn cầu giảm. Diễn biến tương tự cũng xảy ra với năng lượng. Trung Quốc là nước mua cả dầu mỏ và than lớn nhất thế giới. Và hiện nay, giá dầu đang giảm và giá than đã giảm 60% trong năm nay.
Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5% trong năm nay, nhưng các nhà kinh tế lại bi quan hơn về triển vọng của Trung Quốc. Trớ trêu thay, trong khi những khó khăn kinh tế phần lớn là do nợ nần chồng chất và mở rộng tín dụng, thì phản ứng của ngân hàng trung ương Trung Quốc lại là cắt giảm lãi suất. Việc cắt giảm lãi suất làm giảm tiêu chuẩn về lợi nhuận và khả năng tồn tại của các khoản đầu tư, khuyến khích đầu tư sai lầm vào các dự án không bền vững. Lãi suất thấp bất thường trong những thập niên qua là nguyên nhân khiến Trung Quốc có nhiều thành phố ma và các dự án cơ sở hạ tầng dường như không cần thiết. Trong quá khứ, Bắc Kinh đã sử dụng đầu tư cơ sở hạ tầng và các khoản cho vay ưu đãi từ các ngân hàng thuộc nhà nước để chi tiêu như là phương pháp thoát khỏi suy thoái của mình. Nhưng với tình hình hiện tại, rất có thể, là dù có chi tiêu bao nhiêu đi chăng nữa thì Bắc Kinh cũng sẽ không mang trở lại được các nhà máy của ngoại quốc hoặc tăng được xuất cảng lên, những cứu cánh vốn là những cách thức duy nhất để trả được các khoản vay đó và duy trì được tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times