Chuyên gia: Khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc có tác động ‘hầu như là hạn chế’ nhưng ‘có ý nghĩa’ đối với Hoa Kỳ
Định luật Murphy dường như đang phát huy tác dụng đối với nền kinh tế Trung Quốc: bất cứ điều gì sai đều có thể xảy ra vào thời điểm tồi tệ nhất có thể.
Trong năm tháng qua, các tin xấu liên tiếp xuất hiện, phơi bày các vấn đề mang tính cấu trúc về khả năng thanh toán của các nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương, bên bị trói buộc trong lĩnh vực bất động sản yếu kém vốn chiếm hơn ¼ GDP của Trung Quốc. Xuất cảng, động lực tăng trưởng khác của nền kinh tế Trung Quốc, cũng đã chứng kiến sự sụt giảm nhanh chóng so với cùng thời kỳ năm trước kể từ tháng Ba.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng dân số đang già đi và niềm tin tiêu dùng thấp ở Trung Quốc đang mở đường cho một thập niên kinh tế đình trệ, với nguy cơ thực sự là tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức trên 0.
Trung Quốc suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến mức độ nào tới Hoa Kỳ? Các chuyên gia đồng thuận rằng tác động của sự suy thoái kinh tế này sẽ là hạn chế.
Ông George Magnus, cộng tác viên tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford, người từng là nhà kinh tế trưởng tại UBS, nói với The Epoch Times qua thư điện tử: “Những tác động toàn cầu mà khó khăn kinh tế của Trung Quốc gây ra sẽ hầu như là hạn chế nhưng vẫn đáng chú ý.”
Ông tiếp tục, “Hạn chế vì tôi không thấy sự lây lan trong thị trường tài chính đến từ Trung Quốc trừ phi Bắc Kinh để đồng nhân dân tệ chìm xuống như một hòn đá, điều sẽ không xảy ra.” Ông cho biết thêm rằng ngoài các nhà xuất cảng hàng hóa, sự tiếp xúc của thế giới với bất động sản Trung Quốc là không nhiều.
Ông Brad Setser, thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Ngoại quốc, đồng ý rằng con đường chính mà sự suy thoái của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Hoa Kỳ là thông qua tỷ giá hối đoái.
Ông ước tính rằng việc đồng nhân dân tệ mất giá 10%, hoặc tỷ giá hối đoái thực giảm 10% so với đồng USD — một tác động ròng của tỷ giá hối đoái danh nghĩa và chênh lệch giá giữa hai loại tiền tệ — sẽ kéo GDP của Mỹ giảm 0.5%.
Để tham khảo, tỷ giá hối đoái thực của đồng nhân dân tệ đã mất giá khoảng 8% từ tháng Một đến tháng Bảy, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, vốn được biết đến như là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương.
“Kết luận của tôi là nếu Trung Quốc giữ đồng tiền ổn định và phục hồi thông qua nhu cầu trong nước thì tác động đối với Hoa Kỳ là rất nhỏ,” ông nói với The Epoch Times. “Nếu Trung Quốc phục hồi thông qua xuất cảng và giảm giá [đồng nhân dân tệ] đáng kể, thì tôi nghĩ sẽ có một lực cản có ý nghĩa.”
Theo quan điểm của ông Magnus, khía cạnh đáng chú ý của tác động này gồm có một tác động suy giảm mà một nền kinh tế Trung Quốc suy yếu gây ra đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu do nhập cảng thấp hơn và có khả năng là “sự căng thẳng trong bang giao quốc tế lớn hơn” từ phía chính quyền Trung Quốc, dẫn đến “căng thẳng toàn cầu gia tăng về Đài Loan hoặc Biển Đông.”
Tác động hạn chế
Các kênh mà nền kinh tế của Trung Quốc có thể gây tác động có từ hai lĩnh vực chồng chéo của hai nền kinh tế: thị trường tài chính và xuất nhập cảng.
Nhà kinh tế học Paul Krugman ước tính tổng đầu tư trực tiếp và gián tiếp của Hoa Kỳ vào Trung Quốc là khoảng hơn 500 tỷ USD. Bằng cách so sánh con số đó với các tòa nhà văn phòng ở Hoa Kỳ có giá trị gấp khoảng năm lần, tức là 2.6 ngàn tỷ USD, ông đã minh họa mức độ ảnh hưởng mà Hoa Kỳ có thể gặp phải do một cuộc khủng hoảng kinh tế tiềm ẩn ở Trung Quốc là “nhỏ đến mức đáng ngạc nhiên.”
Tác động tổng thể đến xuất cảng cũng rất khiêm tốn.
Hoa Kỳ ít tiếp xúc với thị trường bất động sản Trung Quốc vì Mỹ quốc không xuất cảng nhiều đồng, quặng sắt, hoặc các hàng hóa khác cho các công ty xây dựng Trung Quốc.
Theo Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong năm 2022, xuất cảng của Hoa Kỳ sang Trung Quốc đạt tổng cộng 153.8 tỷ USD, chiếm khoảng 7.5% trong tổng số 2.1 ngàn tỷ USD xuất cảng của Hoa Kỳ ra thế giới. Tài liệu tương tự đã báo cáo xuất cảng đồng, sắt, và thép của Hoa Kỳ sang Trung Quốc đạt khoảng 4.5 tỷ USD vào năm 2022, tương đương 3% tổng kim ngạch xuất cảng sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà xuất cảng nông sản của Hoa Kỳ — đặc biệt là nông dân trồng đậu nành, vốn chiếm gần một nửa tổng xuất cảng nông sản của Hoa Kỳ sang Trung Quốc vào năm ngoái với giá trị 16.4 tỷ USD — sẽ phải chịu tác động do nhu cầu suy yếu từ phía Trung Quốc.
“Nền kinh tế Hoa Kỳ nhìn chung không xuất cảng nhiều sang Trung Quốc như vậy,” ông Setser cho biết, đồng thời lưu ý rằng câu chuyện sẽ là khác đối với một số lĩnh vực cụ thể. “Vì vậy, nếu quý vị thực hiện một ước tính tiêu chuẩn về tác động giữa một Trung Quốc tăng trưởng ở mức 5% và một Trung Quốc không tăng trưởng, quý vị sẽ không thấy một tác động tổng hợp thực sự lớn đối với xuất cảng của Hoa Kỳ.”
Ông nói thêm rằng các ngân hàng Trung Quốc không vay mượn nhiều từ thế giới; họ chủ yếu gọi vốn và cho vay tiền ở Trung Quốc. Do đó, “tổn thất ở các ngân hàng Trung Quốc là vấn đề đối với Trung Quốc chứ không phải vấn đề của thế giới,” ông viết trong một dòng tweet.
Chống lạm phát ở Hoa Kỳ
Tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc có nghĩa là chi phí nhập cảng và giá hàng tiêu dùng của Hoa Kỳ thấp hơn.
Ông Edward Yardeni, chủ tịch của Yardeni Research, một công ty tư vấn đầu tư toàn cầu ở New York, nhận xét rằng Chỉ số Giá Sản xuất (PPI) — một thước đo lạm phát từ quan điểm của các nhà sản xuất — ở Trung Quốc đang có xu hướng trở thành chỉ số hàng đầu như chỉ số này ở Hoa Kỳ.
Hồi tháng Bảy, Trung Quốc chính thức rơi vào tình trạng giảm phát với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) âm so với cùng thời kỳ năm ngoái, đồng thời giá xuất xưởng (factory-gate price) hay PPI cho thấy mức giảm so với cùng thời kỳ trong tháng thứ mười liên tiếp.
“Nếu Trung Quốc giảm phát, thì tình trạng này của họ có thể cho phép chúng ta giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái ở Hoa Kỳ,” ông Yardeni nói với The Epoch Times, đồng thời nói thêm rằng một số tác động đã thể hiện qua việc giá bán lẻ và giá PPI ở Hoa Kỳ giảm.
Lạm phát căn bản của Hoa Kỳ, tức là chỉ số CPI tổng thể trừ đi thực phẩm và năng lượng, đã giảm từ 6.6% trong tháng Chín (2022) xuống 4.7% trong tháng Bảy (2023). PPI đối với hàng hóa, ngoại trừ dịch vụ, đã giảm từ mức cao 1.3% hồi tháng Một xuống 0.1% hồi tháng Bảy, với mức âm trong ba tháng liền nhau.
Ông Yardeni nói thêm: “Vì vậy, theo nghĩa đó, quý vị biết đấy, khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc là một lợi ích cho nền kinh tế Hoa Kỳ, theo nghĩa là chúng ta không cần phải có một cuộc suy thoái để đưa lạm phát giảm xuống.”
Ý nghĩa đối với chuỗi cung ứng
Ông Setser cho rằng chi phí nhập cảng từ Trung Quốc thấp hơn có thể dẫn đến phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. “Chi phí nhập cảng thấp hơn làm giảm đi một ít hiệu quả của nỗ lực giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Trung Quốc ở một số lĩnh vực nhất định trong Đạo luật Giảm Lạm Phát,” ông nói thêm. “Đồng tiền Trung Quốc yếu hơn khuyến khích Hoa Kỳ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung từ Trung Quốc, một cách trực tiếp và gián tiếp, trong tất cả các lĩnh vực không được hưởng lợi từ các điều khoản cụ thể của Đạo luật Giảm Lạm Phát.”
Mặc dù nhập cảng từ Trung Quốc giảm từ mức tỷ trọng 21.6% trong tổng kim ngạch nhập cảng năm 2016 của Hoa Kỳ xuống mức 16.5% với 536.8 tỷ USD vào năm 2022, Hoa Kỳ vẫn nhập cảng một cách gián tiếp các nguồn từ Trung Quốc thông qua các nơi khác trên thế giới.
Vì vậy, đối với ông Setser, không giống như một đợt suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, việc Mỹ-Trung tách rời vẫn là một tác động đột ngột vượt quá những điều chỉnh thông thường đối với nền kinh tế Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, ông Christopher Balding, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Hiệp hội Henry Jackson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Anh quốc, cho rằng tác động hạn chế của sự suy thoái của Trung Quốc đối với nền kinh tế Hoa Kỳ cho thấy rằng sự tách rời Mỹ-Trung sẽ không trở thành một thảm họa.
“Tôi đang không nói rằng sự tách rời này sẽ không gây đau đớn hoặc không cần điều chỉnh, nhưng đây hoàn toàn không phải là sự kiện gây chấn động địa cầu như nhiều người đã mô tả,” ông nói với The Epoch Times. “Đúng, sự chậm lại và sự tách rời là những vấn đề khác nhau. Nhưng nếu sự chậm lại sẽ có rất ít tác động, thì việc tách rời sẽ có tác động tối thiểu thôi.”
Theo quan điểm của ông, hàng hóa mà Hoa Kỳ nhập cảng từ Trung Quốc là những mặt hàng có thể dễ dàng tìm được nguồn cung thay thế từ các quốc gia khác, chẳng hạn như áo T-shirt, hoặc những mặt hàng cần được vận chuyển ít nhất là một phần sang các quốc gia khác, chẳng hạn như chất bán dẫn và đồ điện tử.
Và lý do gì khiến người ta có ấn tượng rằng sự tách rời Mỹ-Trung sẽ gây chấn động? Ông Balding cho rằng có thể mọi người muốn được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chọn làm kẻ giàu sang.
Ông nói, “ĐCSTQ làm rất tốt khi đưa cho người ta một lượng kẹo vừa đủ để họ luôn muốn nhiều hơn và luôn nghĩ rằng Trung Quốc sẽ cải tổ và để họ tham gia vào dù cho đảng này chưa bao giờ làm như vậy, khiến người ta cứ mong chờ.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times