Sri Lanka và ESG: Một trường hợp điển hình
Hiện nay, Sri Lanka đang ngày càng lún sâu vào tình trạng suy thoái kinh tế và một cuộc khủng hoảng nhân đạo, chỉ hơn một năm sau khi chính phủ liên bang áp dụng các chính sách nông nghiệp hữu cơ đi theo xu hướng quản trị, xã hội, và môi trường toàn cầu (ESG).
Mùa hè vừa qua, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tuyên bố ông sẽ từ chức, sau khi hàng ngàn người dân đổ xô vào gây nhiễu loạn dinh thự tổng thống. Ông Rajapaksa đã được đưa đến một địa điểm chưa được tiết lộ, kết quả là phát ngôn viên của Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena phải xác nhận một quá trình “chuyển giao [quyền lực] hòa bình.” Biến động chính trị này đã đưa đẩy ông Ranil Wickremesinghe, người từng giữ chức thủ tướng trong sáu nhiệm kỳ riêng biệt, trở thành tân tổng thống.
Mặc dù đã có một chính phủ mới, nhưng quốc gia Đông Nam Á này vẫn rất khó khăn để chấm dứt cuộc khủng hoảng kinh tế và những bất ổn chính trị. Hồi tháng Mười, tỷ lệ lạm phát thường niên tăng vọt lên 66%, đồng thời nền kinh tế của đất nước này rơi vào một cuộc suy thoái. Giá trị của đồng rupee đã giảm 73% so với đồng dollar Mỹ.
Cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại của đất nước là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi quốc gia này tuyên bố độc lập khỏi Anh quốc vào năm 1948. Sự kiện này bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2021, khi chính phủ tổng thống Rajapaksa tuyên bố cải tiến các phương thức canh tác nông nghiệp.
Ra lệnh đi theo xu hướng xanh và hệ lụy
Thủ đô Colombo đã ban hành một lệnh cấm sử dụng và nhập cảng phân bón tổng hợp và thuốc trừ sâu trên toàn quốc đối với các loại cây trồng xuất cảng chủ lực, bao gồm dừa, gạo, cao su, và trà. Chính phủ cũng ra chỉ thị cho hai triệu nông dân của đất nước phải đi theo hướng canh tác hữu cơ.
Ông Rajapaksa tuyên bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới trước khi đại dịch virus corona bùng phát rằng: “Cách này sẽ làm cho đất nước của tôi hưng vượng trở lại vào năm 2025.”
Sắc lệnh này của chính phủ cũng nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ các nhà bảo vệ môi trường trên toàn thế giới, trong đó có bà Vandana Shiva, một tác giả kiêm nhà hoạt động môi trường của Ấn Độ.
Bà đã đăng trên một dòng tweet vào tháng 06/2021, “Hãy để chúng tôi chung tay cùng Sri Lanka hướng tới một thế giới #Không-Độc-Hại và #Không-Có-Tập-Đoàn-Hoá-Chất-Độc-Hại vì sức khỏe của chúng ta và sức khỏe của hành tinh này.”
Tạp chí Wall Street cũng tán dương hành động này hồi cuối tháng 11/2021, khi chính phủ nước này bắt đầu chuyển trọng tâm về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) của họ.
Ông Buwanesh Wijesuriya, đối tác, Dịch vụ Tư vấn Giao dịch thuộc công ty Ernst & Young cho biết, “Sri Lanka sẽ có lợi thế để thu hút các khoản đầu tư trực tiếp khá lớn từ ngoại quốc cũng như đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững khi mọi thứ vận hành vào guồng và nhìn qua cùng một lăng kính chiến lược để xác định cách thức giá trị được tạo ra, phân phối, và đo lường trên tất cả các thị trường dọc.”
Theo trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Thế giới ở London, chỉ thị chính sách này đã mở rộng cho Sri Lanka một số điểm gần như hoàn hảo về các tác động môi trường của đất nước.
Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng thực hiện sáng kiến kéo dài hàng thập niên, nhà chức trách đã phản ứng trước sự sụt giảm sản lượng vụ mùa dẫn đến tỷ lệ lạm phát lương thực 100% hiện nay. Hồi tháng 11/2021, ông Rajapaksa đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm sử dụng phân bón hóa học và cho phân khúc tư nhân được quyền nhập cảng phân bón này để bảo đảm sản xuất lương thực không bị ảnh hưởng. Tổng thống cũng đề nghị khoản bồi thường trực tiếp 200 triệu USD cho khoảng 1.1 triệu nông dân và bổ sung thêm 149 triệu USD để trợ giá.
Chính phủ khẳng định rằng việc điều chỉnh chính sách không có nghĩa là quốc gia này đang đảo ngược các nỗ lực hướng đến canh tác hữu cơ của họ. Thêm vào đó, Hiệp hội Đất đai có trụ sở tại Vương quốc Anh tuyên bố trên một dòng tweet rằng “có rất nhiều bài giáo huấn có thể học từ Sri Lanka, nhưng những gì là ‘thấy chưa, canh tác hữu cơ không hiệu quả đâu’ thì không nằm trong số những bài học đó.”
Bất chấp điều kiện kinh tế nghèo nàn trong nhiều năm, ngành nông nghiệp của Sri Lanka vẫn có thể tự duy trì và tự cung tự cấp. Trước khi các biện pháp hạn chế được áp dụng, hơn 90% nông dân của đất nước này dùng phân bón hóa học. Sau lệnh cấm đó, 85% nông dân trong số đó phải chịu cảnh vụ mùa thất bát, vì họ giảm sử dụng phân bón.
Năm 2022, đất nước này buộc phải nhập cảng lượng gạo trị giá khoảng 450 triệu USD, bởi sản xuất nội địa suy giảm 20% chỉ trong nửa đầu năm. Trong sáu tháng đầu năm 2022, sản lượng ngũ cốc nhập cảng tăng hơn 42%. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) (pdf), ngành công nghiệp trà của nước này đã bị ảnh hưởng đáng kể, với tổng thiệt hại kinh tế lên tới 425 triệu USD.
Một năm sau, áp lực lạm phát vẫn không cải thiện, với giá bán lẻ các nguyên liệu nhà bếp tăng chóng mặt. Kể từ khi lệnh cấm được công bố, giá bột mì đã tăng 185%, giá sữa bột tăng 200%, giá thịt gà tăng 90%, và giá gạo tăng 30%.
Cái giá con người phải trả cho canh tác hữu cơ
Theo ông Chris Rawley, Giám đốc điều hành của Harvest Returns, một nền tảng đầu tư vào nông nghiệp bền vững, việc tìm ra điểm cân bằng giữa tăng sản lượng lương thực để đáp ứng với dân số toàn cầu ngày càng tăng và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến chất lượng đất và đa dạng sinh học hiện đang là một vấn đề sống còn.
“Như chúng ta đã thấy ở Sri Lanka, người dân của đất nước đang phát triển phải chịu tổn hại không tương xứng bởi tình trạng mất an ninh lương thực gây ra bởi những người-hành-thiện dụng-ý-tốt mà đã không cân nhắc đến hậu quả kinh tế và thực tiễn theo sau các quy định bắt buộc của họ,” ông Rawley nói với The Epoch Times. “Bất kỳ quy định nào đòi hỏi đo lường khí thải carbon trong nông nghiệp sẽ tạo thêm gánh nặng và các khoản chi phí không đáng có lên vai các nông trại gia đình nhỏ bé. Các nhà hoạch định chính sách phải đặt ưu tiên an ninh lương thực trong ngắn hạn lên trên các yếu tố môi trường khác.”
Thật vậy, tình trạng này có thể vẫn sẽ không có tiến triển gì vào năm 2023. Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực (FAO) của Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo (pdf) rằng Sri Lanka đã bị tê liệt do thức ăn gia súc, trái cây, ngũ cốc, và rau củ đã bị thất thu trong hai vụ mùa liên tiếp.
Báo cáo cho biết, “Tình trạng an ninh lương thực có thể trở nên xấu hơn trong thời kỳ mất mùa đói kém sắp tới, diễn ra từ tháng 10/2022 đến tháng 02/2023, nếu quốc gia này không thể nhập cảng đủ lượng gạo và các sản phẩm lương thực khác để bù đắp thâm hụt lương thực cũng như hỗ trợ nhân đạo không đủ.”
Nhìn chung, điều này đã gây ra tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng cho hơn sáu triệu người, trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ, nguồn tài chính eo hẹp, và suy thoái kinh tế đã buộc hầu hết các gia đình phải thắt lưng buộc bụng. Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc lưu ý rằng một phần tư các gia đình đang áp dụng “các chiến lược đối phó về sinh kế trong tình huống khẩn cấp,” bao gồm cho con em nghỉ học, cắt giảm chi phí chăm sóc y tế thiết yếu, và bán đi các tài sản sinh lợi.
Ông Abdur Rahim Siddiqui, đại diện Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc (WFP) và giám đốc quốc gia tại Sri Lanka, cho biết trong một báo cáo: “Hơn 60% các gia đình đang ăn ít hơn, và ăn những thực phẩm rẻ hơn, ít dinh dưỡng hơn. Điều này xảy ra vào thời điểm khó khăn về tài chính buộc chính phủ phải thu hẹp quy mô các chương trình dinh dưỡng, chẳng hạn như bữa ăn ở trường và thực phẩm bổ sung cho các bà mẹ, và trẻ em suy dinh dưỡng.”
Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng tình trạng nghèo đói ở Sri Lanka sẽ tăng đột biến trừ khi cộng đồng quốc tế, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, cung cấp hàng tỷ USD hỗ trợ.
Liệu các quốc gia khác có học được gì từ sai lầm của Sri Lanka?
Trong khi nói chuyện tại một sự kiện hồi tháng Bảy, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đề cập đến những lợi ích của canh tác tự nhiên mà cuối cùng có thể trở thành khuôn mẫu cho phần còn lại của đất nước.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times