Cuộc chiến về nông nghiệp
Có cuộc chiến nào đang được tiến hành đối với những người nông dân trên toàn cầu dưới danh nghĩa là sống xanh hay không?
Hồi Tháng Ba, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã đề xướng một quy tắc mới về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) yêu cầu các trang trại nhỏ phải tiết lộ thông tin liên quan đến khí hậu nếu muốn kinh doanh với các công ty đại chúng. Quy tắc này được gọi là “Nâng cao và tiêu chuẩn hóa các thông tin về khí hậu cho nhà đầu tư”, sẽ yêu cầu người ghi danh chia sẻ thông tin cụ thể về các rủi ro liên quan đến khí hậu có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh, kết quả hoạt động hoặc điều kiện tài chính của họ.
Nói một cách đơn giản, nông dân và chủ trang trại sẽ cần phân bổ nguồn lực và thời gian đáng kể để theo dõi dữ liệu về môi trường.
“Tôi vui mừng ủng hộ đề nghị của ngày hôm nay, bởi vì, nếu được thông qua, đề nghị đó sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin nhất quán, có thể so sánh được và hữu ích để đưa ra các quyết định đầu tư,” Chủ tịch SEC Gary Gensler cho biết trong một tuyên bố. “Tôi tin rằng SEC có một vai trò nhất định khi mức nhu cầu đối với thông tin nhất quán và so sánh được có thể ảnh hưởng đến kết quả tài chính. Do đó đề nghị của hôm nay được thúc đẩy bởi nhu cầu của các nhà đầu tư và tổ chức phát hành.”
Các nhà phê bình cho rằng lời đề nghị này có khả năng ngăn cản nông dân làm việc với các công ty đại chúng vì nhóm người này không sở hữu các nguồn lực và bộ phận bắt buộc như các tập đoàn lớn.
Hơn 100 thành viên Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ của Hạ viện đã gửi một bức thư (pdf) cho ông Gensler, cáo buộc SEC đã “vượt quá giới hạn” và cho rằng quy tắc mới được đề nghị sẽ dẫn đến “những tác động tàn khốc đối với nông dân của chúng ta”.
“Đề nghị này không chỉ làm tăng thêm nạn quan liêu và thủ tục rườm rà sẽ gây phiền toái rất lớn, nếu không muốn nói là khiến nhiều công ty đại chúng không thể tuân theo đầy đủ, mà còn vượt quá thẩm quyền mà Quốc hội đã cấp cho SEC,” các nhà lập pháp nói trên cho biết.
Liên đoàn Cục Trang Trại Hoa Kỳ (AFBF) cũng gửi một lá thư (pdf), phản bác những nỗ lực của SEC.
“Các quan chức ở Hoa Thịnh Đốn – cụ thể là nhân viên SEC không được bầu chọn – không có thẩm quyền về chính sách môi trường và chưa bao giờ đặt chân đến một trang trại thì không nên có ảnh hưởng như vậy đến cách mà nông dân chăm sóc đất đai của mình,” bức thư viết. “Thời gian và năng lượng dành cho việc tuân thủ quy định mới này sẽ khiến nông dân Mỹ rời ra mục tiêu chính của họ là sản xuất thực phẩm, nhiên liệu, và chất xơ cho đất nước của chúng ta.”
Cuối cùng, các nhà lập pháp và các tổ chức đang yêu cầu SEC loại bỏ hoàn toàn quy tắc được đề nghị trên.
Các chuyên gia cho rằng SEC không thể thông qua quy tắc này vì trước đó các tòa án đã ra phán quyết phản đối các cơ quan chính phủ trong việc ép buộc tiết lộ thông tin cá nhân nhạy cảm. Tuy nhiên, Diễn đàn của Trường Luật Harvard về Quản trị Doanh nghiệp đã kết luận rằng đề nghị đó nằm trong thẩm quyền của SEC.
“Vì vậy, thay vào đó, giống như chim cu gáy đặt trứng vào tổ của loài khác, các nhà phê bình đã phải viện đến cách mô tả sai đề nghị này, và sáng tạo ra quy tắc hư cấu của riêng họ – chứ không thực sự là quy tắc được đề nghị – để tấn công tiền đề thứ hai, và cho rằng Ủy ban trên thiếu thẩm quyền đối với quy tắc mới hư cấu của họ,” ông John C. Coates, giáo sư luật và kinh tế tại Trường Luật Harvard đã viết.
Bà Irina Tsukerman, nhà phân tích địa chính trị tại Scarab Rising, một công ty tư vấn chiến lược và truyền thông, cho biết mặc dù vậy thì quy tắc trên có thể không phải là biện pháp cuối cùng mà chính phủ Hoa Kỳ sử dụng để thúc đẩy sự phát triển của phong trào ESG.
“Các tiêu chuẩn của ESG đã và đang ảnh hưởng đến nông nghiệp Hoa Kỳ trong nhiều năm nay,” bà nói với The Epoch Times. “Lệnh cấm sản xuất và bán gan ngỗng ở New York và những tiểu bang khác chỉ là một ví dụ.”
Theo bà Tsukerman, loại chính sách này sẽ hủy hoại người nông dân về mặt tài chính và pháp lý vì họ cần duy trì các chính sách quan tâm đến môi trường, vốn “có khả năng sẽ đẩy họ ra khỏi công việc kinh doanh của mình.”
Bà nói thêm, “Phong trào ESG trong ngành nông nghiệp ủng hộ Big Farm một cách không thích đáng, kìm hãm sự cạnh tranh, và tạo ra một tình trạng độc quyền về nông nghiệp “thức tỉnh” của doanh nghiệp, dẫn đến có ít lựa chọn hơn cho người tiêu dùng.”
SEC dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào đầu năm 2023.
Nhưng việc áp đặt các hướng dẫn có trách nhiệm xã hội đối với ngành nông nghiệp không chỉ xảy ra ở Hoa Kỳ. Điều này đang diễn ra trên toàn thế giới.
Một cuộc chiến toàn cầu về nông nghiệp?
Ngày càng nhiều quốc gia trên toàn cầu đang áp dụng nghị trình xanh cho nông dân.
Ví dụ, trong một bài diễn văn Ngày Độc Lập vào tháng Tám, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thúc đẩy canh tác hữu cơ và tự nhiên, gọi việc áp dụng canh tác trồng trọt không hóa chất là “nghĩa vụ” của quốc gia.
Ông Modi tuyên bố, “Ngày nay canh tác tự nhiên là con đường dẫn đến Atma Nirbharta (tự túc). Canh tác tự nhiên, canh tác không hóa chất có thể tăng cường sức mạnh cho đất nước chúng ta. Canh tác tự nhiên có thể làm giảm chi phí phân bón. Canh tác hữu cơ và canh tác không sử dụng hóa chất là nghĩa vụ của chúng ta.”
Vào tháng Chín, Ủy ban Âu Châu đã thông qua Chính sách Nông Nghiệp Chung (CAP) nhằm thúc đẩy canh tác xanh, đạt các mục tiêu xanh và đa dạng sinh học, và tăng cường các sáng kiến về protein thực vật. Các mục tiêu mới nhất của CAP được đặt ra cho năm 2023 đến năm 2027, và một vài quốc gia đã chấp thuận các gói mới nhất, bao gồm cả Đan Mạch, Pháp, Bồ Đào Nha, và Tây Ban Nha.
“Nông dân đang đối mặt với một môi trường đầy thách thức, được đánh dấu bởi chi phí sản xuất tăng mạnh do cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, cũng như đợt hạn hán mùa hè gần đây. Làm nông nghiệp là một công việc lâu dài, và nông dân Âu Châu cần có một khuôn khổ tài chính và luật pháp rõ ràng cho tương lai,” Ủy viên Nông nghiệp Janusz Wojciechowski cho biết. “Chính sách CAP mới sẽ giúp chúng tôi hỗ trợ sinh kế nông nghiệp ổn định và an ninh lương thực lâu dài bằng cách thúc đẩy một ngành nông nghiệp thông minh, cạnh tranh, linh hoạt và đa dạng hóa.”
Kể từ năm 2016, Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTD) đã thúc đẩy việc thực hiện rộng rãi các chính sách nông nghiệp xanh ở Phi Châu, cho rằng lục địa này có “tiềm năng dồi dào” và chỉ cần kinh phí để tiến hành canh tác hữu cơ.
“Trước tình hình hiện tại, chúng tôi đặc biệt ủng hộ nỗ lực phối hợp để cải thiện dữ liệu thu thập được về cả giá trị nội địa và xuất khẩu của các sản phẩm hữu cơ để có thể tạo ra một hoàn cảnh kinh doanh tốt hơn cho nông nghiệp hữu cơ tại Phi Châu,” UNCTD đã viết trong một báo cáo kỹ thuật.
Năm ngoái, chính phủ Canada đã thông báo hơn 500 triệu USD đầu tư mới để mở rộng chiến dịch của ngành nông nghiệp trong nước về các giải pháp bền vững và biến đổi khí hậu. Một phần của những nỗ lực này bao gồm việc cung cấp cho nông dân các công cụ, nguồn lực, sự hỗ trợ, và kiến thức để tăng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
“Khi sự quan tâm của người tiêu dùng vào thực phẩm hữu cơ tiếp tục tăng lên, chúng ta cần bảo đảm rằng nông dân của chúng ta có kiến thức và kĩ năng để đáp ứng nhu cầu đang tăng đó,” Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Marie-Claude Bibeau cho biết. “Khoản đầu tư này sẽ giúp phát triển lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ của Canada và giải quyết nhu cầu thị trường bằng việc hỗ trợ cho những nông dân muốn kết hợp nhiều kỹ thuật canh tác hữu cơ hơn trong hoạt động của mình.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times